hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 07/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tín chỉ là gì? Một tín chỉ là bao nhiêu tiền?

Ngay khi bước chân vào cánh cổng trường đại học, tín chỉ là một trong những đơn vị đầu tiên sinh viên được tiếp xúc. Vậy tín chỉ là gì? Một tín chỉ là bao nhiêu tiền? Chúng ta cùng nhau giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây!

Mục lục bài viết
  • Tín chỉ là gì? Ưu và nhược điểm? 
  • Tín chỉ đại học là gì?
  • Ưu, nhược điểm của hình thức học theo tín chỉ là gì?
  • Cách tính điểm GPA trong hệ thống tín chỉ
  • Đánh giá qua thang điểm chữ

Tín chỉ là gì? Ưu và nhược điểm? 

Tín chỉ đại học là gì?

Tín chỉ được xây dựng bởi hệ thống ECTS - European Credit Transfer and Accumulation System - Hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu.

Tín chỉ là một đơn vị đo lường thời gian, mức độ học tập của sinh viên trong hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Đơn vị tín chỉ sử dụng trong khung chương trình giảng dạy ở bậc cao đẳng và đại học.

Tín chỉ được tính dựa trên thời lượng tiết học lý thuyết, thực hành, thí nghiệm, thực tập, tiểu luận, bài tập lớn, đồ án hay khóa luận tốt nghiệp trong mỗi học phần.

Để hoàn thành chương trình đào tạo và tốt nghiệp, sinh viên phải tích lũy đủ số tín chỉ quy định.

Tín chỉ là gì?

Tín chỉ là gì?

Hình thức đào tạo theo tín chỉ được quy định tại Điều 3 Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, chi tiết như sau:

Là phương thức tổ chức đào tạo theo từng lớp học phần, cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ của từng học phần và thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập của cá nhân, phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo;

b) Sinh viên không đạt một học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tương đương theo quy định trong chương trình đào tạo, hoặc học một học phần thay thế nếu học phần đó không còn được giảng dạy;

c) Sinh viên không đạt một học phần tự chọn sẽ phải học lại học phần đó hoặc có thể chọn học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.

Ưu, nhược điểm của hình thức học theo tín chỉ là gì?

Ưu điểm

Với tiêu chí lấy người học làm trung tâm, hình thức học theo tín chỉ phát huy tối đa tính chủ động của sinh viên.

  • Học và đào tạo theo tín chỉ là một hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu và khả năng của người học. Do khung chương trình đào tạo được thiết kế bao gồm môn học đại cương và môn học chuyên ngành. Sinh viên được phép lựa chọn môn học, thời gian học, số học phần trong một kỳ theo năng lực và mục tiêu cá nhân.

  • Chương trình học tín chỉ giúp sinh viên tích lũy kiến thức, kỹ năng theo từng giai đoạn. Người học không bị gò bó trong chương trình cố định và cứng nhắc.

  • Học theo tín chỉ khuyến khích sinh viên tự học, tự đánh giá quá trình học của bản thân.

  • Khác với chương trình đào tạo đại học truyền thống, sinh viên cần học cố định 4-6 năm tùy vào ngành học. Với hình thức học tín chỉ, khi tích lũy đủ số tín chỉ, sinh viên sẽ được tốt nghiệp sớm hoặc muộn hơn. Tùy theo khả năng và mục tiêu của cá nhân người học.

Ưu - Nhược điểm của hình thức học tín chỉ là gì?

Ưu - Nhược điểm của hình thức học tín chỉ là gì?

Nhược điểm

Sau rất nhiều cải cách và thay đổi phương pháp giáo dục để đáp ứng tốt nhất cho người dạy và người học, tuy nhiên vẫn sẽ tồn đọng vài điểm yếu. Vậy, nhược điểm của hình thức học theo tín chỉ là gì?

  • Khi phòng đào tạo lên chương trình học trong mỗi học kỳ đảm bảo sự liên kết và quy trình. Học tín chỉ có thể làm giảm sự đồng bộ giữa các môn trong cùng một chương trình đào tạo. Việc này còn có thể gây khó khăn trong quản lý kết quả học tập của sinh viên.

  • Hình thức đào tạo theo tín chỉ phải đảm bảo sự đa dạng của các khóa học, do đó có thể làm tăng chi phí đào tạo.

  • Học tín chỉ có thể làm mất đi sự nhất quán của các tiêu chuẩn đầu ra ở từng cơ sở giáo dục.

  • Khó gắn kết sinh viên: Do người học được chủ động đăng ký môn học và lớp học theo năng lực và thời gian cá nhân, sinh viên có thể không có nhiều cơ hội để giao lưu và học tập với bạn bè trong cùng khóa.

Cách tính điểm GPA trong hệ thống tín chỉ

GPA là từ viết tắt Grade Point Average, có nghĩa là điểm trung bình trung tích lũy trong một thời gian học tập nhất định. Điểm GPA phản ánh năng lực, kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Dựa vào điểm GPA sẽ đánh giá học phần theo các mức.

Cách tính điểm GPA ở bậc học đại học:

GPA =

          ∑ Điểm trung bình môn * Số tín chỉ/môn

          ∑ Tín chỉ tích lũy

Hiện có 3 hệ đánh giá được sử dụng chủ yếu và song song: đánh giá qua thang điểm chữ, hệ thang điểm 4 và thang điểm 10. Các hệ thang điểm đều có thể quy đổi tương đương nhau. Chi tiết như sau:

Đánh giá qua thang điểm chữ

Đa số các trường Đại học đang dùng hệ chữ A, B, C, D, F để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Chi tiết hơn, một số trường sử dụng hệ điểm A+, A, B+, B, C, D, F.

Đánh giá qua hệ thang điểm số

Hệ thang điểm số bao gồm hệ điểm 4 và hệ điểm 10. Hai hệ điểm này vẫn được sử dụng và quy đổi song song. Trong đó, hệ thang điểm 10 sử dụng phổ biến ở cấp bậc tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông. Hệ thang điểm 4 sử dụng phổ biến hơn ở cấp bậc đại học.

Chi tiết bảng quy đổi (Số liệu mang tính chất tham khảo, phụ thuộc vào quy định mỗi trường):

Thang điểm chữ

Thang điểm số

Thang điểm 10

Đánh giá

A+

3.6 - 4.0

9.0 -10.0

Xuất sắc

A

3.2 - 3.6

8.0 - 9.0

Giỏi

B+

2.5 - 3.2

7.0 - 8.0

Khá

B

2.0 - 2.5

5.0 - 7.0

Trung Bình

C

1.0 - 2.0

4.0 - 5.0

Yếu

D, F

dưới 1.0

dưới 4.0

Kém

Một tín chỉ là bao nhiêu tiền? 

Bên cạnh câu hỏi tín chỉ là gì? Học phí của tín chỉ cũng là thông tin cả học sinh, sinh viên và gia đình đều quan tâm.

Học phí mỗi tín chỉ có sự chênh lệch rất lớn và thường theo mức độ tăng dần như sau:

  • Môn học đại cương, môn học chuyên ngành, môn học thực hành.

  • Trường công, trường tư, trường liên kết nước ngoài, trường quốc tế.

  • Chương trình đào tạo chuẩn, chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế.

  • Ngành học: Kinh tế - Xã hội, Công nghệ - Thông tin,...

Hằng năm, học phí sẽ tăng theo lộ trình từ khoảng 5-10% tùy quy định mỗi trường.

Học phí bao nhiêu? Chi phí một tín chỉ?

Học phí bao nhiêu? Chi phí một tín chỉ?

Dưới đây là bảng tham khảo học phí một tín chỉ ở một số trường đại học:

Trường khu vực miền Bắc:

Ngành

Trường

Học phí/tín chỉ

Kinh tế - Xã hội

Đại học Ngoại thương

475.000 - 2.000.000 VNĐ

Đại học Kinh tế quốc dân

500.000 – 1.900.000 VNĐ

Đại học Khoa học Xã Hội Nhân Văn

247.000 - 1.950.000 VNĐ

Đại học Ngoại Ngữ - ĐHQGHN

330.000 - 920.000 VNĐ

Học viện Ngân Hàng

365 .000 - 430.000 VNĐ

Đại học Nội vụ Hà Nội

425.000 - 520.000 VNĐ

Đại học Luật Hà Nội

300.000 - 1.200.000 VNĐ

Đại học Văn hóa Hà Nội

333.000 - 384.000 VNĐ

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

506.000 - 1.470.010 VNĐ

Đại học Hà Nội

600.000 – 1.300.000 VNĐ

Kỹ thuật - CNTT

Đại học Bách khoa

420.000 - 1.020.000 VNĐ

Đại học Thủy Lợi

255.000 – 810.000 VNĐ

Đại học Tài nguyên và Môi Trường Hà Nội

297.000 - 354.500 VNĐ

Trường khu vực miền Nam

Ngành

Trường

Học phí/tín chỉ

Kinh tế - Xã hội

Đại học Sư Phạm TP.HCM

400.000 - 423.000 VNĐ

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM

225.000 - 1.000.000 VNĐ

Đại học Kinh tế TP HCM

863.000 VNĐ

Kỹ thuật - CNTT

Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM

300.000 VNĐ

Đại học Kiến trúc TP HCM

380.000 – 1.990.000 VNĐ

Để biết chính xác học phí mỗi tín chỉ, bạn nên theo dõi và cập nhập bảng học phí của trường đại học bạn đang tìm hiểu.

Giải đáp câu hỏi thường gặp về tín chỉ đại học

Một năm học có bao nhiêu tín chỉ?

Một năm học bao gồm 2 học kỳ chính (bắt buộc) và 1 học kỳ phụ (được gọc là học kỳ hè, không bắt buộc học).

Trong một niên học, sinh viên có thể đăng ký tối đa 84 tín chỉ. Tương đương với thời gian học tối đa là 18 tiết/ngày.

Một năm học nên đăng ký bao nhiêu tín chỉ?

Một kỳ học sinh viên được đăng ký tối đa 30 tín chỉ.

Không có câu trả lời chung là sinh viên nên đăng ký bao nhiêu tín chỉ cho toàn bộ sinh viên do phụ thuộc vào khả năng, mục tiêu học tập.

Tuy vậy, sinh viên nên tận dụng ưu điểm của hình thức học tín chỉ. Khi đăng ký, người học nên lượng sức mình để điểm trung bình chung học kỳ đạt kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, sinh viên có thể tham khảo ý kiến từ phía cố vấn học tập của khoa để có tính chuyên môn.

Một năm học nên đăng ký bao nhiêu tín chỉ đại học?

Một năm học nên đăng ký bao nhiêu tín chỉ đại học?

Khi đăng ký tín chỉ, sinh viên cần tuân thủ một vài nguyên tắc cơ bản:

  • Đăng ký bằng hoặc hơn số tín chỉ tối thiểu quy định để duy trì tư cách sinh viên toàn thời gian.

  • Không đăng ký quá số tín chỉ tối đa cho phép.

  • Đăng ký số tín chỉ phù hợp với mức độ khó của các môn học. Tìm hiểu về độ nặng lý thuyết, yêu cầu về thời gian tự học,... của môn học.

Nợ tín chỉ là gì? 

Nợ tín chỉ - khái niệm sử dụng trong hệ thống giáo dục đào tạo theo tín chỉ.

Khi học theo tín chỉ, sinh viên đáp ứng điều kiện tốt nghiệp khi tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định của chương trình đào tạo. Trong trường hợp sinh viên không tích lũy đủ, bất kể lý do không đăng ký được hay không qua môn, sinh viên đó được coi là nợ tín chỉ của học phần.

Nợ tín chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, điều kiện và kết quả tốt nghiệp của sinh viên.

Sinh viên nợ bao nhiêu tín chỉ sẽ bị đuổi học?

Căn cứ theo Điều 11 Quy chế Đào tạo trình độ Đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT có quy định về điều kiện bảnh cáo và buộc thôi học sinh viên.

  • Sinh viên bị cảnh báo học tập khi có tổng nợ tín chỉ vượt quá 24 tín.

  • Sinh viên có thể bị áp dụng hình thức buộc thôi học khi số lần bị cảnh báo hoặc mức cảnh báo vượt quá giới hạn theo quy định của cơ sở đào tạo.

Kết luận

Bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin để các bạn hiểu rõ tín chỉ là gì, phân tích ưu - nhược điểm, cách tính điểm GPA, mức học phí của tín chỉ và rất nhiều câu hỏi được quan tâm về tín chỉ,... Mong chúng tôi đã trang bị hành trang cơ bản cho cả sinh viên và gia đình trước cánh cửa đại học.

Có thể bạn quan tâm

X