Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đồng thời là căn cứ để tăng trách nhiệm hình sự của người phạm tội so với trường hợp phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết tăng nặng đó.
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là gì?
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đồng thời là căn cứ để tăng trách nhiệm hình sự của người phạm tội (trong phạm vi khung hình phạt) so với trường hợp phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết tăng nặng đó.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm:
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội 02 lần trở lên;
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người
để phạm tội;
o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là gì? (Ảnh minh họa)
Phân biệt tình tiết tăng nặng TNHS và tình tiết định khung hình phạt
Trong quá trình quyết định hình phạt, cần phân biệt rõ tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
- Tình tiết định tội là các tình tiết dùng để xác định một hành vi cụ thể nào đó có phạm vào một tội danh cụ thể được quy định trong luật hình sự không. Tình tiết định tội còn được gọi là tình tiết (dấu hiệu) cấu thành tội phạm cơ bản.
- Tình tiết định khung hình phạt là tình tiết do quy định trong các khoản (có thể là giảm nhẹ hoặc tăng nặng) của điều luật cụ thể, dùng để xác định hành vi phạm tội có thuộc khung hình phạt tăng nặng hoặc khung hình phạt giảm nhẹ của một tội phạm.
Tình tiết định khung hình phạt còn được gọi là tình tiết cấu thành tội phạm tăng nặng (khung tăng nặng) và cấu thành tội phạm giảm nhẹ (khung giảm nhẹ).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 BLHS, tình tiết đã được xác định là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Theo đó, khi áp dụng pháp luật, cần chú ý một tình tiết sau:
- Phân biệt tình tiết “tổ chức” là tình tiết định tội với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tổ chức”.
Tình tiết “tổ chức” là tình tiết định tội trong một số tội phạm như: Tội tổ chức tảo hôn (Điều 148), Tội tổ chức đánh bạc (Điều 249), Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197)…
Với các trường hợp trên, tình tiết “tổ chức” là hành vi tổ chức của một người cụ thể, không nhất thiết phải có hành vi đồng phạm hoặc nếu có thì cũng cần thiết phải có sự câu kết chặt chẽ giữa các đồng phạm.
Còn tình tiết “phạm tội có tổ chức” là tình tiết thể hiện sự câu kết giữa những người đồng phạm trong việc cùng thực hiện tội phạm.
- Phân biệt tình tiết “Đã bị kết án ... chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” là tình tiết định tội với “tái phạm” hoặc “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Nếu cấu thành cơ bản, tình tiết định tội của tội phạm không yêu cầu tình tiết “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” thì việc người phạm tội đã từng bị kết án mới được coi là tái phạm nguy hiểm hoặc tái phạm là tình tiết định khung hình phạt hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trên đây là giải thích về: Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là gì? Nếu có thắc mắc về lĩnh vực hình sự, bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được giải đáp.