Cụm từ trách nhiệm hữu hạn thường gặp trong kinh doanh, Tuy nhiên, không phải ai cũng biết trách nhiệm hữu hạn là gì? Có ý nghĩa như thế nào?
Trách nhiệm hữu hạn là gì?
Hữu hạn là có hạn, có giới hạn nhất định.
Như vậy, trách nhiệm hữu hạn là trách nhiệm trong một phạm vi nhất định.
Trong các doanh nghiệp, cụm từ trách nhiệm hữu hạn gắn với trách nhiệm về tài sản của người góp vốn vào doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp với doanh nghiệp đó. Bản chất của trách nhiệm hữu hạn là sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp. Nếu phải chịu trách nhiệm hữu hạn tức là chỉ phải chịu trách nhiệm về doanh nghiệp trong phạm vi số vốn góp mà mình góp vào doanh nghiệp.
Hiểu đơn giản hơn, khi doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể hoặc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp thì người góp vốn vào doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
Khác với trách nhiệm hữu hạn là trách nhiệm vô hạn. Người phải chịu trách nhiệm vô hạn tức là phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của doanh nghiệp bằng tài sản riêng của mình (những tài sản không góp vào doanh nghiệp). Điển hình có chủ của doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Chế độ trách nhiệm hữu hạn giúp tránh rủi ro cho thương nhân (Ảnh minh họa)
Thành viên doanh nghiệp nào chịu trách nhiệm hữu hạn?
Hiện nay, nếu lập các doanh nghiệp sau thì thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn (theo Luật Doanh nghiệp 2020):
- Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên:
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên:
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này.
- Công ty cổ phần:
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
Các công ty này đồng thời cũng có tư cách pháp nhân.
Còn doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình (Tuy nhiên, chỉ thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản; thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn). Các doanh nghiệp này không có tư cách pháp nhân.
Chế độ trách nhiệm hữu hạn có ý nghĩa như thế nào?
Chế độ trách nhiệm hữu hạn mang đến rất nhiều ưu điểm, tránh rủi ro cho thương nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh. Đó là việc hạn chế được rủi ro cho các thành viên công ty hoặc chủ sở hữu. Trong trường hợp thương nhân kinh doanh thua lỗ, các thành viên chỉ mất đi phần vốn đầu tư vào doanh nghiêp đó. Còn tài sản cá nhân không đầu tư vào kinh doanh thì không phải đưa ra để thanh toán các nghĩa vụ tài chính, các khoản nợ của thương nhân.
Điều đó giúp các thương nhân yên tâm khi tiến hành bỏ vốn đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà những người làm ăn cùng doanh nghiệp có chế độ trách nhiệm hữu hạn “lăn tăn”. Đó là người cho vay, góp vốn sẽ khó được thanh toán đầy đủ khi công ty làm ăn thua lỗ hoặc dẫn đến phá sản.
Điểm hạn chế của chế độ trách nhiệm hữu hạn là khi tham gia các quan hệ tín dụng, thương nhân chỉ có thể dùng tài sản kinh doanh để làm tài sản đảm bảo khi vay vốn. Vì thế, khả năng vay vốn sẽ bị hạn chế.
Trên đây là một số thông tin về vấn đề trách nhiệm hữu hạn là gì? Nếu còn có thêm vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.