hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 27/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trại giáo dưỡng là gì? Trường hợp nào đưa trẻ vào trại giáo dưỡng?

Trại giáo dưỡng là cơ sở giáo dục đặc biệt do Nhà nước thành lập. Vậy, điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng là gì? Thủ tục thực hiện ra sao? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Trại giáo dưỡng là gì?
  • Trường hợp nào đưa trẻ vào trại giáo dưỡng?
  • Thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng ra sao?
  • 1. Thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
  • 2. Thủ tục đề nghị áp dụng đưa vào trại giáo dưỡng theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Trại giáo dưỡng là gì?

Câu hỏi: Xin hỏi, trại giáo dưỡng là gì? Đó có phải là trường giáo dưỡng mà mọi người hay dùng gọi tên không?

Trại giáo dưỡng (hay còn được gọi là trường giáo dưỡng) là cơ sở giáo dục bắt buộc tập trung trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 12 tới dưới 18 tuổi mà có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, đưa vào trại giáo dưỡng là một trong những biện pháp xử lý hành chính áp dụng với người có hành vi vi phạm theo quy định để học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt trong thời hạn từ 06 tháng đến 24 tháng (theo Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Trại giáo dưỡng là gì? Trường hợp nào đưa trẻ vào trại giáo dưỡng? (Ảnh minh họa)


Trường hợp nào đưa trẻ vào trại giáo dưỡng?

Câu hỏi: Xin hỏi cháu tôi năm nay 17 tuổi, ngày 15/6/2021 đã có hành vi trộm cắp vặt và đã bị giáo dục tại xã , phường. Ngày 15/10/2021 lại tiếp tục trộm một chiếc xe đạp cũ của nhà hàng xóm. Vậy lần cháu có bị đưa vào trại giáo dưỡng không? Tôi cảm ơn!

Việc xác định hành vi vi phạm để đưa trẻ vào trại giáo dưỡng là khác nhau căn cứ theo từng độ tuổi.

Theo Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng gồm:

Độ tuổi

Hành vi vi phạm

Người từ đủ 12 tuổi - dưới 14 tuổi.

Thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

Người từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi.

Thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.

Người từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi.

Thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Người từ đủ 14 tuổi - dưới 18 tuổi.

Trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng từ 02 lần trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Như vậy, với trường hợp của cháu bạn trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi đã 02 lần thực hiện hành vi trộm cắp, từng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường nên có thể sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu cháu bạn thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (theo khoản 5 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012):

- Không có năng lực trách nhiệm hành chính;

- Đang mang thai và có xác nhận của bệnh viện;

- Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và có xác nhận của UBND xã nơi cư trú.

Thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng ra sao?

Câu hỏi: Xin hỏi, hiện nay khi lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng cần chuẩn bị những giấy tờ nào? Thủ tục thực hiện ra sao? Rất mong sớm nhận được giải đáp. Tôi cảm ơn!

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp đưa trẻ vào trại giáo dưỡng theo cả Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

1. Thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (theo Điều 99 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012):

Bước 1: Lập hồ sơ đề nghị

Trường hợp Chủ tịch UBND xã lập hồ sơ đề nghị:

- Với người chưa thành niên vi phạm có nơi cư trú ổn định, hồ sơ gồm:

+ Bản tóm tắt lý lịch;

+ Tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người vi phạm;

+ Biện pháp giáo dục đã áp dụng;

+ Bản tường trình của người vi phạm, ý kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, ý kiến của nhà trường...

- Với người chưa thành niên vi phạm mà không có nơi cư trú ổn định (Chủ tịch UBND xã nơi người đó có hành vi vi phạm chuẩn bị hồ sơ), ngoài các giấy tờ nêu trên cần chuẩn bị thêm:

+ Biên bản vi phạm;

+ Bản trích lục tiền án, tiền sự.

Trường hợp Công an huyện/tỉnh lập hồ sơ, cần chuẩn bị tương tự như với trường hợp Chủ tịch UBND xã đề nghị đối với người xác định được nơi cưu trú nêu trên.

Bước 2: Thông báo về việc lập hồ sơ

- Cơ quan lập hồ sơ thông báo cho người bị đề nghị áp dụng, cha mẹ hoặc người đai diện của họ về việc lập hồ sơ.

- Trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, người bị đề nghị áp dụng đọc hồ sơ và ghi chép lại nội dung cần thiết.

- Hồ sơ sau khi đọc xong sẽ được chuyển cho Phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý sau đó gửi cho Trưởng công an cấp huyện.

Bước 4: Trưởng Công an cấp huyện xem xét, quyết định chuyển hồ sơ đề nghị TAND huyện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

TAND cấp huyện ra Quyết định đưa vào trường giáo dưỡng đối với người có hành vi vi phạm.

Bước 5: Công an cấp huyện đưa người bị đề nghị áp dụng vào trường giáo dưỡng.

2. Thủ tục đề nghị áp dụng đưa vào trại giáo dưỡng theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Theo Điều 430 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

- Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trại giáo dưỡng khi xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt, gồm các nội dung:

+ Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;

+ Họ tên, chữ ký các thành viên Hội đồng xét xử đã ra quyết định;

+ Lý do, căn cứ ra quyết định;

+ Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị cáo;

+ Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự đã áp dụng;

+ Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

+ Trách nhiệm của trường giáo dưỡng nơi giáo dục người bị áp dụng biện pháp này.

- Quyết định trên được giao ngay cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và trường giáo dưỡng nơi giáo dục họ.

Cha mẹ có được tự nguyện xin cho con vào trại giáo dưỡng?

Câu hỏi: Xin hỏi, trường hợp con cái phá phách thì cha mẹ có được tự nguyện xin cho con vào trường giáo dưỡng không? Hay cần phải đáp ứng điều kiện nào khác? Tôi cảm ơn!

Việc phải gửi con cái vào trại giáo dưỡng không phải là điều mà cha mẹ mong muốn thực hiện. Thế nhưng khi con cái phá phách, hư hỏng, sa vào tệ nạn,... thì nhiều cha mẹ đành phải gửi con vào trại giáo dưỡng với mong muốn con cái được quản lý, giáo dục nghiêm.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì không phải cha mẹ cứ muốn gửi con vào trại giáo dưỡng là có thể làm được, bởi các lý do sau:

- Thứ nhất, người được đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định như: Độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm (theo Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012);

- Thứ hai, việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng do cơ quan có thẩm quyền thực hiện, theo đó:

+ Chủ tịch UBND xã lập hồ sơ đề nghị với người có hành vi vi phạm có nơi cư trú và không xác định được nơi cư trú;

+ Cơ quan công an cấp huyện/tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý… vụ việc.

Như vậy, có thể thấy, việc áp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng được thực hiện khi người đó có đủ điều kiện về độ tuổi, mức độ nghiêm trọng hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Đồng thời, việc đề nghị áp dụng sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Do đó, không phải mọi trường hợp con cái hư hỏng, phá phách,... thì cha mẹ đều có thể xin cho con vào trại giáo dưỡng được.

Trên đây là giải đáp về Trại giáo dưỡng là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X