hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 01/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trích lục khai tử là gì? Thủ tục xin trích lục khai tử thế nào?

Cùng với giấy khai tử, trích lục khai tử cũng được sử dụng để chứng minh sự kiện một cá nhân đã chết. Vậy, thủ tục xin cấp trích lục khai tử cụ thể thế nào? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn chi tiết các bước xin trích lục khai tử.

Mục lục bài viết
  • Trích lục khai tử là gì? Khác gì với giấy chứng tử?
  • Ai được xin trích lục khai tử cho người đã chết?
  • Thủ tục xin trích lục khai tử hiện nay ra sao?
Câu hỏi: Xin chào, tôi là A nay trú tại quận Đống Đa, Hà Nội. Hôm nay tôi có ra UBND thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế của bố tôi để lại nhưng phía cơ quan lại yêu cầu giấy chứng tử, nếu không có thì sẽ phải trích lục khai tử. Vậy trích lục khai tử với giấy chứng tử là gì? Tôi muốn xin trích lục khai tử thì phải làm thế nào? Tôi cảm ơn! – Ngọc Nguyễn (Hà Nội).

Trích lục khai tử là gì? Khác gì với giấy chứng tử?

Khi một cá nhân chết, người thân sẽ có trách nhiệm đăng ký khai tử cho người đó. Kết quả của thủ tục đăng ký khai tử là giấy chứng tử. Đây là giấy tờ quan trọng để chứng minh sự kiện một người đã chết, đồng thời được sử dụng để làm thủ tục mai táng,...

Còn với trích lục khai tử, đây là loại giấy tờ lấy thông tin về đăng ký khai tử của một người ở trong sổ gốc được lưu trữ tại cơ quan nhà nước (sổ hộ tịch). Giấy trích lục khai tử giống như “bản sao’ của giấy khai tử và có giá trị pháp lý tương đương giấy khai tử.

Theo đó, giấy khai tử và trích lục khai tử đều sử dụng để: Xác định thười điểm mở thừa kế; xác nhận tình trạng hôn nhân; giải quyết chế độ tử tuất,...

trich luc khai tu

Trích lục khai tử là gì? Thủ tục xin trích lục khai tử thế nào? (Ảnh minh họa)


Ai được xin trích lục khai tử cho người đã chết?

Hiện nay, Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa có quy định cụ thể về người có quyền xin trích lục khai tử cho người đã chết.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014:

“Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử”.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 34 Luật hộ tịch 2014 cũng có quy định:

Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.

Như vậy, theo các quy định trên, Chủ tịch UBND xã sẽ cấp trích lục cho người đi khai tử, gồm: Vợ, chồng, hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử.

Trong đó, theo khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời. Do đó, xét trong trường hợp của bạn thì bạn hoặc mẹ bạn đều có thể xin cấp trích lục khai tử của bố bạn.

 

Thủ tục xin trích lục khai tử hiện nay ra sao?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, người xin trích lục giấy khai tử cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

- Tờ khai xin cấp trích lục khai tử theo mẫu;

- Một trong các giấy tờ tùy thân gồm: Hộ chiếu/Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng;

- Giấy tờ chứng minh quan hệ với người đã chết.

Trong trường hợp được ủy quyền thì phải có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật. – Sổ hộ khẩu của người yêu cầu trích lục.

Sau khi chuẩn bị hồ sơ xin trích lục giấy khai tử, người yêu cầu nộp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật (theo khoản 5 Điều 4 Luật hộ tịch 2014).

Trong đó, cơ quan đăng ký hộ tịch là:

-  UBND xã, phường, thị trấn;

- UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

- Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Thông thường thủ tục này sẽ được thực hiện tại UBND cấp xã nơi trước đây làm thủ tục đăng ký khai tử.  

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ kiểm tra và giao giấy biên nhận trên đó có ghi cụ thể ngày hẹn trả kết quả (thường là 01 ngày).

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ thông báo và hướng dẫn người nộp để điều chỉnh hồ sơ.

Trên đây là giải đáp về trích lục khai tử. Nếu bạn còn có thêm vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X