Trích lục thửa đất là giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp, trong đó có các thông tin như diện tích, vị trí,... của thửa đất. Tuy nhiên, bản chất của trích lục thửa đất và thủ tục xin trích lục không phải ai cũng nắm rõ. Vậy, trích lục thửa đất là gì?
Trích lục thửa đất là gì? Có khác với trích lục bản đồ địa chính?
Có thể hiểu trích lục thửa đất (trích đo địa chính thửa đất) là việc sao chép lại thông tin của một thửa đất gồm: Hình dáng, kích thước, vị trí,... giúp cơ quan Nhà nước thuận tiện hơn trong việc quản lý đất đai cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh. Đồng thời, giúp người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trích lục thửa đất sẽ thể hiện thông tin của một thửa đất nhất định, trong khi đó trích lục bản đồ thể hiện thông tin của thửa đất và khu vực xung quanh. Đồng thời, theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 25/2014, trích lục thửa đất sẽ được thực hiện với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính.
Ngoài ra, trích lục thửa đất là một trong những giấy tờ quan trọng trong hồ sơ trình UBND cấp huyện/tỉnh khi ban hành quyết định thu hồi đất, cho thuê đất, giao đất,...
Nói tóm lại, trích lục thửa đất (trích đo địa chính thửa đất) là việc đo đạc riêng với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính.
Trường hợp nào cần trích lục thửa đất?
Cùng với trích lục bản đồ địa chính, trích lục thửa đất cũng được nhắc đến nhiều trong các văn bản pháp luật đất đai. Theo đó, trong một số trường hợp yêu cầu cần có trích lục thửa đất, cụ thể:
1. Khi đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Sổ đỏ, Sổ hồng (theo khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Theo đó, khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, xin cấp Sổ đỏ, Sổ hồng, tại nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất bị thay đổi thì cơ quan đăng ký đất đai sẽ thực hiện trích lục thửa đất.
2. Trong trường hợp cấp lại Sổ đỏ, Sổ hồng (theo khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Khi cấp lại Sổ đỏ, Sổ hồng trong trường hợp bị mất thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích lục thửa đất đối với nếu chưa có bản đồ địa chính và chưa có trích lục thửa đất.
3. Là căn cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp đất đai (theo điểm c khoản 3 Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã mà không thành và các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện/tỉnh thì trích lục thửa đất qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp là một trong những căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Khi có yêu cầu của người xin giao đất, thuê đất (Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT)
Người xin giao đất, thuê đất phải nộp 01 bộ hồ sơ khi nhận giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của UBND cấp tỉnh, trong đó:
- Hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất phải có trích lục thửa đất.
- Cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện trích đo địa chính thửa đất theo yêu cầu của người xin giao đất, thuê đất.
5. Là thành phần trong hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất (theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT)
Cụ thể, hồ sơ trình UBND cấp tỉnh/huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải có trích lục thửa đất.
Như vậy, trường hợp bạn xin cấp lại Sổ đỏ thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện trích lục thửa đất.
Trích lục thửa đât là gì? Thủ tục xin trích lục thửa đất ra sao? (Ảnh minh họa)
Thủ tục trích lục thửa đất thực hiện thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 34/2014, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai gồm:
- Tại Trung ương: Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Tại địa phương: Văn phòng đăng ký đất đai.
Hồ sơ yêu cầu cấp trích lục thửa đất gồm:
- Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai;
- Hợp đồng/văn bản yêu cầu về trích lục thửa đất;
- Giấy tờ về sử dụng đất và các giấy tờ liên quan (bản sao);
- Giấy tờ chứng minh nhân thân.
Trình tự, thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ xin trích lục thửa đất
- Với cá nhân: Nộp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai;
- Với tổ chức: Nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2: Kiểm tra và thẩm định hồ sơ
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trích lục, trích đo thửa đất, khu đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi, cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
Bước 3: Hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả
Thời hạn thực hiện: Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Không quá 07 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Người có yêu cầu được nhận kết quả trong thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày có kết quả giải quyết.
Thời hạn, lệ phí xin trích lục thửa đất ra sao?
Về thời gian thực hiện thủ tục:
- Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Không quá 07 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
- Người có yêu cầu được nhận kết quả trong thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày có kết quả giải quyết.
Về phí xin trích lục thửa đất:
Tùy điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương sẽ có mức thu khác nhau nhưng phải đảm bảo nguyên tắc:
- Mức thu áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh: Tối đa 15.000 đồng/1 lần.
- Mức thu áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các khu vực khác: Tối đa không quá 50% mức thu áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh.
Mẫu đơn xin trích lục thửa đất
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày …… tháng …… năm 2020
ĐƠN XIN TRÍCH LỤC THỬA ĐẤT
Kính gửi:
- Bộ phận Địa chính phường …
- Ủy ban nhân dân phường …
Tôi tên là: ……………………………. Sinh năm: ………………………………………….
Số CMND/CCCD: ………………. ngày cấp ………… nơi cấp ………………………
Hộ khẩu thường trú:………………………………………………………………………….
Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………….
Là chủ sử dụng đất tại: ………………………………………………………………………
Diện tích: … m2. Tờ bản đồ số: ………………………….. Thửa số: ………………..
Giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất: ………………………………………………
Hiện tại, tôi đang có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tôi đã bị rách.
Vậy căn cứ vào khoản 4, điều 2 thông tư số 13/2019/TT-BNV quy định về nhiệm vụ của cán bộ địa chính xã, tôi đề nghị bộ phận địa chính phường … cho phép tôi được sao lục hồ sơ đất đai để sử dụng với mục đích đã nêu trên.
Tài liệu xin sao lục gồm:
- … – 01 bản
- … – 02 bản
Tôi xin cam đoan hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng hồ sơ này không đúng lý do nêu trên./.
…, ngày…..tháng…..năm 20….
Danh mục tài liệu kèm theo: - Giấy khai sinh… | NGƯỜI LÀM ĐƠN |
Trên đây là giải đáp về Trích lục thửa đất là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.