hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 22/06/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trình độ văn hóa là gì? Hướng dẫn cách ghi trình độ văn hoá

Trình độ văn hóa là một trong những khái niệm thường gặp trong các văn bản hành chính và hồ sơ cá nhân tại Việt Nam. Bài viết này sẽ giải thích trình độ văn hóa là gì và hướng dẫn cách ghi trình độ văn hoá.

Câu hỏi: Trình độ văn hoá là gì? Pháp luật có hướng dẫn cách ghi trình độ văn hoá trong các văn bản hành chính hoặc sơ yếu lý lịch cá nhân không? Ví dụ tôi là cử nhân thì ghi trình độ văn hoá là Đại học hay 12/12?

Trình độ văn hóa là gì? Phân biệt trình độ văn hoá và trình độ học vấn

Trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện chưa có văn bản nào định nghĩa hoặc giải thích cụ thể trình độ văn hoá là gì.

Tuy nhiên, có thể hiểu một cách khái quát thì trình độ văn hóa là khái niệm thường được dùng để chỉ mức độ học vấn mà một người đã đạt được trong hệ thống giáo dục phổ thông. Nó thể hiện mức độ kiến thức cơ bản và khả năng nhận thức mà cá nhân đã tiếp thu qua quá trình học tập tại các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Trình độ văn hóa là gì?

Trình độ văn hóa là gì? 

Mặc dù hai khái niệm trình độ văn hoá và trình độ học vấn có liên quan mật thiết, nhưng giữa chúng có sự khác biệt rõ ràng:

Nội dung

Trình độ văn hóa

Thường chỉ giới hạn trong phạm vi giáo dục phổ thông, bao gồm các cấp từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông.

Ví dụ, trình độ văn hóa có thể được ghi là "12/12" nếu hoàn thành lớp 12.

Trình độ học vấn

Là khái niệm rộng hơn, bao gồm cả trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, đào tạo nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học.

Ví dụ, một người có thể có trình độ học vấn là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,...

Tại sao cần xác định trình độ văn hoá? Cơ sở xác định trình độ văn hoá

Việc xác định trình độ văn hóa là rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm:

- Tuyển dụng lao động: Trong quá trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng cần nắm rõ trình độ văn hóa của ứng viên để đánh giá khả năng tiếp thu công việc và mức độ phù hợp với vị trí đang cần tuyển.

Trình độ văn hóa giúp nhà tuyển dụng hiểu được kiến thức cơ bản của ứng viên, từ đó có thể đưa ra các quyết định tuyển dụng chính xác hơn. Đối với các vị trí yêu cầu kiến thức phổ thông vững chắc, việc xác định trình độ văn hóa là yếu tố tiên quyết.

- Quản lý nhân sự: Doanh nghiệp cần biết trình độ văn hóa của nhân viên để có thể sắp xếp, đào tạo và phát triển nhân sự một cách hiệu quả. Trình độ văn hóa giúp nhà quản lý đánh giá được năng lực cơ bản của nhân viên, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên môn.

Ngoài ra, việc xác định trình độ văn hóa cũng giúp doanh nghiệp phân công công việc một cách hợp lý, đảm bảo mỗi nhân viên đều phát huy được thế mạnh của mình.

- Thống kê dân số - Nghiên cứu và phát triển xã hội:

  • Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu về trình độ văn hóa để thu thập thông tin tổng quan về trình trạng giáo dục của dân số. Thông tin này rất quan trọng trong việc xây dựng và triển khai các chính sách phát triển giáo dục. Dựa vào số liệu về trình độ văn hóa, nhà nước có thể xác định được những khu vực có tỷ lệ người dân chưa đạt chuẩn giáo dục phổ thông và từ đó đề ra các biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục tại những khu vực này.
  • ​Các nhà nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ thường sử dụng thông tin về trình độ văn hóa để nghiên cứu và phân tích các vấn đề xã hội. Dữ liệu này giúp họ hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa trình độ giáo dục và các hiện tượng xã hội như tỷ lệ thất nghiệp, tội phạm, sức khỏe cộng đồng, v.v. Từ đó, các nghiên cứu này có thể đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo đó, trình độ văn hóa được xác định dựa trên cấp bậc học vấn mà cá nhân đã hoàn thành trong hệ thống giáo dục phổ thông. Các cấp bậc này được quy định tại Điều 28 Luật Giáo dục 2019 gồm:

- Tiểu học: Từ lớp 1 đến lớp 5

- Trung học cơ sở: Từ lớp 6 đến lớp 9

- Trung học phổ thông: Từ lớp 10 đến lớp 12

Như vậy, nếu một người hoàn thành cấp bậc học nào thì trình độ văn hóa của họ được xác định dựa trên cấp bậc đó. Ví dụ, nếu hoàn thành lớp 9, trình độ văn hóa là "9/12"; nếu hoàn thành lớp 12, trình độ văn hóa là "12/12".

Hướng dẫn cách ghi trình độ văn hoá trong các trường hợp cụ thể

Hướng dẫn cách ghi trình độ văn hoá trong các trường hợp cụ thể

Hướng dẫn cách ghi trình độ văn hoá trong các trường hợp cụ thể

Trong các văn bản có hướng dẫn

Thông thường thì đa số trong các văn bản hành chính do cơ quan có thẩm quyền ban hành nếu có yêu cầu ghi trình độ văn hoá sẽ có chú thích hướng dẫn ghi đúng cách.

Theo đó, Thông tư 07/2019/TT-BNV hướng dẫn về quản lý hồ sơ viên chức yêu cầu điền trình độ giáo dục phổ thông thay vì trình độ văn hóa tại các văn bản Lý lịch viên chức theo mẫu HS01-VC/BNV và Sơ yếu lý lịch viên chức theo mẫu HS02-VC/BNV là: đã tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông 10 năm hay 12 năm (Trước năm 1981, Việt Nam lưu hành hệ thống giáo dục hệ 10 năm, từ năm 1891 trở đi khi Quyết định 135/CP có hiệu lực thì bắt đầu áp dụng hệ 12 năm).

Ví dụ: Người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm thì ghi “lớp 10/10”; người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm thì ghi “lớp 12/12”.*

Tương tự, khi khai Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức theo mẫu được ban hành kèm theo Quyết định 02/2008/QĐ-BNV, quý bạn đọc cũng ghi như hướng dẫn ở trên đối với viên chức.

Ngoài ra, tại Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSND-TANDTC hướng dẫn việc thu thập, quản lý, cung cấp và sử dụng số liệu về người chưa thành niên vi phạm pháp luật có giải thích trình độ văn hoá bao gồm: Mù chữ; Tiểu học; Trung học cơ sở; Trung học phổ thông.

Như vậy, trong các văn bản theo mẫu và có hướng dẫn cách ghi trình độ văn hoá thì người dân chỉ cần ghi theo hướng dẫn.

Trong các văn bản không có hướng dẫn

Trong trường hợp các văn bản không có hướng dẫn cụ thể về cách ghi trình độ văn hóa như sơ yếu lý lịch khi nộp hồ sơ xin việc, quý bạn đọc có thể áp dụng một số nguyên tắc chung như sau:

Thứ nhất, sử dụng số lớp đã hoàn thành: Ghi rõ lớp cao nhất đã hoàn thành. Ví dụ, nếu học hết lớp 9 thì ghi "9/12".

Thứ hai, sử dụng cấp bậc giáo dục: Ghi theo cấp bậc giáo dục đã hoàn thành. Ví dụ, nếu tốt nghiệp trung học phổ thông, ghi "THPT" hoặc "12/12", nếu tốt nghiệp trung học cơ sở thì ghi “THCS” hoặc 9/12…

Một số lưu ý khi ghi trình độ văn hoá

Thứ nhất, trên đây là hướng dẫn ghi theo cách hiểu thông thường chung nhất về định nghĩa trình độ văn hoá. Trường hợp muốn ghi chính xác nhất, quý bạn đọc có thể liên hệ cơ quan, tổ chức nộp văn bản để được hướng dẫn cụ thể hơn.

Thứ hai, việc ghi trình độ văn hóa cần chính xác và trung thực để đảm bảo rằng thông tin phản ánh đúng thực trạng giáo dục của cá nhân.

Giải đáp liên quan đến trình độ văn hóa

Cách ghi trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn

Trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn thường được ghi trong các mục riêng biệt trong các văn bản. Dưới đây là cách ghi cụ thể:

- Trình độ văn hóa: Như đã hướng dẫn ở trên, quý bạn đọc cần ghi rõ lớp cao nhất đã hoàn thành hoặc cấp bậc giáo dục phổ thông. Ví dụ, "12/12" hoặc "THPT".

- Trình độ chuyên môn: Ghi rõ trình độ học vấn và chuyên ngành đã được đào tạo. Ví dụ, "Cử nhân Kinh tế", "Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh"...

Đang học đại học thì trình độ văn hóa là gì?

Như đã nêu ở trên, trình độ văn hóa phản ánh cấp bậc học vấn trong hệ thống giáo dục phổ thông. Do đó, một người đã tốt nghiệp đại học vẫn chỉ ghi trình độ văn hóa là 12/12. Trình độ đại học thường sẽ được ghi cụ thể tại mục "trình độ chuyên môn".

Không biết chữ ghi trình độ văn hoá như thế nào?

Trong hệ thống giáo dục và hành chính Việt Nam, không biết chữ có nghĩa là người đó không hoàn thành được bất kỳ cấp bậc giáo dục phổ thông nào, tức là không có khả năng đọc viết cơ bản.

Trong các văn bản không có hướng dẫn ghi trình độ văn hoá đối với người bị mù chữ, có thể áp dụng các cách ghi dưới đây:

- Ghi rõ "Không biết chữ" hoặc "Không hoàn thành cấp 1" để chỉ rõ rằng người đó chưa từng hoàn thành cấp tiểu học và không có khả năng đọc viết cơ bản.

- Sử dụng mã số hoặc ký hiệu đặc biệt: Một số biểu mẫu có thể yêu cầu mã số hoặc ký hiệu đặc biệt để biểu thị trình độ văn hóa. Trong trường hợp này, có thể ghi "0/12" hoặc "0" để biểu thị không có trình độ văn hóa.

- Ghi thêm giải thích nếu cần thiết: Nếu biểu mẫu yêu cầu thêm thông tin hoặc giải thích, bạn có thể bổ sung thông tin chi tiết như “Không biết chữ (chưa hoàn thành tiểu học)".

Tóm lại, việc hiểu và ghi chính xác trình độ văn hóa là rất quan trọng trong các văn bản hành chính và hồ sơ cá nhân. Trình độ văn hóa không chỉ giúp thể hiện mức độ học vấn cơ bản mà còn là yếu tố cần thiết để nhà tuyển dụng, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác có cái nhìn tổng quan về trình độ nhận thức của một cá nhân.

Bài viết đã giải thích khái niệm trình độ văn hóa là gì, phân biệt với trình độ học vấn, lý do cần xác định trình độ văn hóa, cũng như hướng dẫn cách ghi trình độ văn hóa trong các trường hợp cụ thể. Hy vọng rằng thông qua bài viết này, quý bạn đọc sẽ có thể ghi chính xác và đầy đủ thông tin về trình độ văn hóa của mình trong các văn bản cần thiết.

Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số  1900.6199 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật

Có thể bạn quan tâm

X