Trong hoạt động giảng dạy thì ngoài giáo viên phụ trách môn còn có nhiều giáo viên đảm nhận vai trò khác nhau như giáo viên chủ nhiệm, văn thư, thư viện,... Trong một số cơ sở đào tạo như trung tâm giáo dục, dạy học,... sẽ có thêm trợ giảng. Vậy trợ giảng là gì? Trợ giảng phụ trách công việc gì?
Trợ giảng là gì?
Trợ giảng là gì?
Trợ giảng là một trong những từ ngữ thông dụng dùng để gọi những người làm vị trí hỗ trợ trong công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các trung tâm hoặc cơ sở giáo dục.
Thông thường các giảng viên dù không đứng chính trong các buổi giảng dạy nhưng sẽ là người trực tiếp tham gia vào quá trình soạn giáo án, chuẩn bị dụng cụ buổi học, giám sát và quản lý học sinh,...
Thông thường trợ giảng sẽ là sinh viên đại học hoặc vừa tốt nghiệp muốn được hỗ trợ đứng lớp để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy thực tế để có cơ hội làm giáo viên, giảng viên sau này.
Trợ giảng phụ trách công việc gì?
Trợ giảng phụ trách công việc gì?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định nhiệm vụ của trợ giảng trong cơ sở giáo dục đại học công lập như sau:
Hỗ trợ giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp trong các hoạt động giảng dạy, bao gồm: Chuẩn bị bài giảng, phụ đạo, hướng dẫn bài tập, thảo luận, thí nghiệm, thực hành, thực tập và chấm bài;
Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;
Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra trợ giảng còn có thể thực hiện thêm các nhiệm vụ như:
Tham gia, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giải trí trong tiết học nhằm giảm bớt căng thẳng và nâng cao tính tinh thần học tập, làm việc nhóm của học sinh;
Tham gia các cuộc họp, kế hoạch, định hướng cho công tác giảng dạy tại cơ sở giáo dục;
…
Tùy vào sự phân công của cơ sở giáo dục nơi trợ giảng làm việc sẽ có sự phân công công việc khác nhau, nhưng nhìn chung trợ giảng có vai trò quan trọng, giúp hỗ trợ giáo viên, giảng viên giảm bớt công việc và dễ dàng điều phối lớp học hơn.
Để làm trợ giảng cần đạt những tiêu chuẩn gì?
Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn của trợ giảng trong cơ sở giáo dục đại học công lập như sau:
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
Nắm vững kiến thức cơ bản của môn học được phân công hướng dẫn thực hành, thí nghiệm, thực tập và có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo;
Hiểu và thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công thuộc chuyên ngành đào tạo. Xác định được thực tiễn và xu thế phát triển đào tạo, nghiên cứu của chuyên ngành ở trong và ngoài nước;
Sử dụng có hiệu quả và an toàn các phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy học;
Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức danh trợ giảng.
Đây là những tiêu chuẩn chung dành cho một trợ giảng khi làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập, tuy nhiên trên thực tế tùy vào yêu cầu của cơ sở giáo dục thì yêu cầu, tiêu chuẩn có thể có sự khác nhau, thông thường các yêu cầu này sẽ được thể hiện qua các yêu cầu tuyển dụng, hợp đồng lao động,...
Ngoài các tiêu chuẩn mà luật định ra thì người trợ giảng cần phải đáp ứng các kỹ năng cần thiết cho việc giảng dạy như:
Kỹ năng giao tiếp: Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất, người trợ giảng truyền tải được kiến thức cho học sinh, cũng như làm việc nhóm với giảng viên trực tiếp giảng dạy môn học;
Kỹ năng quan sát và đánh giá: Công việc trợ giảng yêu cầu người trợ giảng phải có khả năng quan sát và đánh giá tình trạng lớp học hỗ trợ cho giảng viên chính. Từ đó nắm bắt được năng lực, thái độ học tập và các vấn đề phát sinh tại lớp học;
Kỹ năng chuyên môn: Kỹ năng chuyên môn hay kiến thức chuyên môn là điều quan trọng, đối với công tác giảng dạy nếu người đứng lớp không có đủ kiến thức, kỹ năng sẽ dẫn đến việc truyền tải kiến thức sai lệch, gây hậu quả xấu cho học sinh, người giảng viên chính.
Kỹ năng quản lý thời gian: Kỹ năng này yêu cầu người trợ giảng phải trao dồi liên tục trong suốt quá trình làm việc, quản lý thời gian soạn giáo án, chuẩn bị cho buổi học. Thông thường trợ giảng sẽ là người đến lớp học sớm nhất nhằm chuẩn bị đầy đủ thiết bị, giáo án,... cho một tiết học.
Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số 19006192 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật