hieuluat
Chia sẻ email

Trưng dụng đất là gì? Phân biệt với thu hồi đất thế nào?

Trưng dụng đất là gì? Trưng dụng đất và thu hồi đất có giống nhau không? Đây là những vấn đề mà khá nhiều người sử dụng đất còn chưa hiểu rõ. Trong phạm vi bài viết này, HieuLuat sẽ cung cấp cho bạn đọc những nội dung cơ bản nhất về trưng dụng đất và cách để phân biệt trưng dụng đất với thu hồi đất.

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi nghe nói có một số trường hợp người sử dụng đất bị trưng dụng đất. Tôi chưa rõ trưng dụng đất là gì và trưng dụng đất được tiến hành khi nào? Trưng dụng đất có giống với Nhà nước thu hồi đất (mà không thuộc trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai) không? Và nếu bị trưng dụng đất thì tôi có được nhận đền bù, bồi thường không, thưa Luật sư?

Chào bạn, với thắc mắc của bạn xung quanh vấn đề trưng dụng đất là gì, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Trưng dụng đất là gì?

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Nhà nước có quyền thực hiện trưng dụng đất khi có căn cứ và thuộc trường hợp luật định.

Căn cứ quy định tại Điều 72 Luật Đất đai 2013, trưng dụng đất là việc Nhà nước ra quyết định trưng dụng đất của người sử dụng trong những trường hợp đặc biệt để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai. Theo quy định trên, việc trưng dụng đất có một số đặc điểm như sau:

Một là, thẩm quyền trưng dụng đất

9 cá nhân có thẩm quyền trưng dụng đất bao gồm:

  • Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

  • Bộ trưởng Bộ Công an;

  • Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

  • Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

  • Bộ trưởng Bộ Y tế;

  • Bộ trưởng Bộ Công Thương;

  • Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Những người có thẩm quyền ban hành Quyết định trưng dụng đất là những người có thẩm quyền gia hạn thời gian trưng dụng đất.

Hai là, căn cứ được trưng dụng đất 

Trưng dụng đất chỉ được thực hiện khi có một trong những căn cứ sau đây:

  • Để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định pháp luật: Nhiệm vụ quốc phòng an ninh phải là những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc quyết định;

  • Hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai: Ví dụ lũ lụt, hạn hán, bão, cháy rừng…;

Nếu không thuộc các trường hợp nêu trên thì không được trưng dụng đất.

Ba là, quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất

Quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất phải được lập thành văn bản và phải gửi cho người bị trưng dụng đất trước thời điểm trưng dụng đất, gia hạn trưng dụng đất.

Trong trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền trưng dụng đất có thể ra quyết định trưng dụng đất bằng lời nói nhưng phải viết giấy xác nhận về việc trưng dụng đất ngay tại thời điểm trưng dụng (quyết định này có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành). Đồng thời, quyết định trưng dụng đất bằng văn bản theo quy định phải được lập và gửi cho người có đất bị trưng dụng trong khoảng thời gian 48 tiếng, kể từ thời điểm người có thẩm quyền ra quyết định trưng dụng đất bằng lời nói.

Bốn là, thời hạn trưng dụng đất 

Thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày (thời gian này được tính kể từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành). Trường hợp đặc biệt, thời hạn trưng dụng đất được tính từ ngày ra quyết định đến không quá 30 ngày kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp nếu việc trưng dụng đất trong tình trạng chiến tranh hoặc khẩn cấp;

Người ban hành Quyết định trưng dụng đất có thể gia hạn thời gian trưng dụng đất nhưng không quá 30 ngày nếu khi hết thời hạn trưng dụng đất mà mục đích của việc trưng dụng chưa hoàn thành.

Lưu ý: Quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất đều phải được lập thành văn bản và gửi tới người bị trưng dụng đất trước thời điểm hết thời hạn trưng dụng.

Năm là, việc trưng dụng đất phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định

Thủ tục trưng dụng đất được thực hiện theo quy định tại Điều 67 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý, quyết định trưng dụng đất phải được lập thành văn bản có các nội dung được quy định tại Điều 67 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngay sau khi thời gian thực hiện trưng dụng đất kết thúc, người trưng dụng đất phải thực hiện hoàn trả lại đất và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Xem thêm: Thủ tục thực hiện gia hạn thời gian sử dụng đất thế nào?

Sáu là, bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra

Ngoài quy định trưng dụng đất là gì, Luật Đất đai 2013 còn quy định về việc Nhà nước phải đền bù, bồi thường nếu việc trưng dụng đất gây ra thiệt hại hoặc làm hủy hoại đất của người có đất bị trưng dụng. Cụ thể, việc bồi thường thiệt hại cho người có đất bị trưng dụng như sau:

- Nếu việc trưng dụng đất mà dẫn đến đất bị hủy hoại hoặc người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì được đền bù bồi thường. Trong đó:

+ Nếu đất trưng dụng bị hủy hoại thì mức giá được đền bù bồi thường được tính bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;

+ Nếu người sử dụng có đất bị trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định dựa vào thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng.

Lưu ý: Khi tính mức bồi thường thiệt hại thực tế cho người sử dụng có đất bị trưng dụng phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất.

- Hội đồng xác định mức bồi thường, đền bù do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất thành lập. Căn cứ vào văn bản kê khai của người sử dụng đất, hồ sơ địa chính, mức thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh nơi có đất bị trưng dụng ra quyết định mức đền bù, bồi thường cụ thể.

- Tiền được sử dụng để chi trả cho việc đền bù, bồi thường khi hủy hoại hoặc gây thiệt hại thu nhập của người sử dụng có đất bị thu hồi được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Như vậy, trưng dụng đất có một số những đặc điểm như chúng tôi đã nêu trên. Người sử dụng có đất bị thu hồi được nhận đền bù bồi thường nếu việc trưng dụng đất làm hủy hoại đất bị trưng dụng hoặc gây thiệt hại trực tiếp về thu nhập của người sử dụng đất đó.

trung dung dat la gi


Phân biệt trưng dụng đất và thu hồi đất thế nào?

Trưng dụng đất, Nhà nước thu hồi đất (nhưng không phải do vi phạm pháp luật về đất đai) là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác có liên quan. Một số đặc điểm phân biệt thủ tục trưng dụng đất và thu hồi đất như sau:

Tiêu chí phân biệt

Trưng dụng đất

Thu hồi đất

Căn cứ pháp lý

Điều 72 Luật Đất đai 2013, Điều 67 Nghị định 43/2014/NĐ-CP

Điều 61, Điều 62, Điều 69, Điều 75 Luật Đất đai 2013 và một số quy định tại văn bản khác có liên quan

Thẩm quyền trưng dụng/thu hồi

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Ủy ban nhân dân cấp huyện

Căn cứ trưng dụng/thu hồi

  • Để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;

  • Hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai

  • Vì mục đích quốc phòng, an ninh;

  • Hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Thời gian thực hiện

Không quá 60 ngày (quyền sử dụng đất của người sử dụng chỉ tạm thời bị gián đoạn)

Người sử dụng đất không còn quyền sử dụng đất kể từ thời điểm bị thu hồi

Căn cứ đền bù bồi thường

Bị hủy hoại đất hoặc bị thiệt hại trực tiếp về thu nhập khi bị trưng dụng đất

Thỏa mãn các điều kiện thì mới được đền bù, bồi thường về đất, tài sản trên đất, cây trồng/vật nuôi và các khoản hỗ trợ khác

Giá đất để tính đền bù bồi thường

  • Đất trưng dụng bị hủy hoại: Giá đền bù là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;

  • Người có đất bị trưng dụng bị thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra: Mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế (trong đó, mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất và phải được xác định, quyết định bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh);

Giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quyết định

Như vậy, để phân biệt trưng dụng đất và trường hợp Nhà nước thu hồi đất (mà không phải do vi phạm pháp luật về đất đai) thường được xác định theo những tiêu chí như chúng tôi nêu trên.

Trên đây là giải đáp về trưng dụng đất là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Nhà nước thu hồi đất trong những trường hợp nào?

>> Khi nào người sử dụng đất bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai?

Có thể bạn quan tâm

X