hieuluat
Chia sẻ email

Truy tố là gì? Truy tố khác gì khởi tố?

Truy tố là một trong những hình thức kết thúc điều tra trong tố tụng hình sự. Thực chất, truy tố là gì? Có quan trọng không?

Truy tố là gì?

Để biết truy tố là gì, bạn cần nắm rõ quy trình của hoạt động tố tụng hình sự. Căn cứ Bộ luật Tố tụng Hình sự, quy trình giải quyết vụ án hình sự có 7 bước sau:

Bước 1: Khởi tố vụ án hình sự

Bước 2: Điều tra vụ án hình sự

Bước 3: Truy tố vụ án hình sự

Bước 4: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bước 5: Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Bước 6: Thi hành bản án và quyết định của Tòa án

Bước 7: Xét lại các bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tuy nhiên, có nhiều vụ án hình sự sẽ không trải qua đầy đủ các giai đoạn nêu trên, một vụ án hình sự thường sẽ qua 5 giai đoạn cơ bản là khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Như vậy, truy tố là giai đoạn thứ 3 trong quy trình giải quyết vụ án hinh sự.

Nói một cách đơn giản, truy tố là việc đưa người phạm tội ra trước tòa án để xét xử. Ở Việt Nam hiện nay, việc truy tố người phạm tội ra trước tòa thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân. Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố rồi gửi cùng hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện thẩm quyền truy tố.

Sau khi nhận đươc hồ sơ vụ án hình sự và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu hồ sơ và ra một trong ba quyết định sau:

- Truy tố bị can trước Tòa án

- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung

- Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can

Nếu xét thấy đủ điều kiện để tiến hành truy tố bị can, Viện kiểm sát sẽ quyết định truy tố bị can.

Theo Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015:

Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.

Bản cáo trạng ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.

Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.

Như vậy, truy tố là chức năng quan trọng của Viện Kiểm sát nhằm kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các hành vi tố tụng mà cơ quan điều tra có thẩm quyền đã áp dụng. Việc truy tố cũng nhằm loại trừ những hậu quả tiêu cực từ các sai lầm đã bị bỏ lọt trong hai giai đoạn tố tụng hình sự trước đó.

truy to la gi
Truy tố là giai đoạn thứ ba trong giải quyết vụ án hình sự (Ảnh minh họa)

Thời hạn truy tố là bao lâu?

Theo Điều 240 Bộ luật Tố tụng Hình sự:

Điều 240. Thời hạn quyết định việc truy tố

1. Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

a) Truy tố bị can trước Tòa án;

b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà thời hạn để quyết định việc truy tố có thể khác nhau: tính từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng thì thời hạn lên tới 30 ngày (20 ngày với trường hợp thông thường + 10 ngày nếu gia hạn), với tội phạm rất nghiêm trọng thì thời hạn có thể lên tới 45 ngày (30 ngày với trường hợp thông thường + 15 ngày nếu gia hạn), với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thời hạn này có thể lên tới 60 ngày (30 ngày với trường hợp thông thường + 30 ngày nếu gia hạn).

Lưu ý:  Thời hạn quyết định truy tố là khoảng thời gian để ra một trong các quyết định về truy tố bị can trước Tòa, trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án/ bị can, không phải là khoảng thời gian từ khi viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án, kết luận điều tra cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa.

Cần phân biệt rõ truy tố và khởi tố trong vụ án hình sự

Khởi tố và truy tố là hai giai đoạn khác nhau trong tố tụng hình sự tuy nhiên lại bị nhiều người nhầm lẫn. Khởi tố là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động tố tụng hình sự. Truy tố lại là giai đoạn thứ ba, trước khi đưa bị can ra xét xử tại phiên tòa.

Tiêu chí

Khởi tố

Truy tố

Khái niệm

Khi xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hoặc có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì sẽ ra quyết định khởi tố để điều tra.

Viện kiểm sát tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm đưa bị can ra trước toà án để xét xử hoặc ra những quyết định tố tụng khác để giải quyết vụ án hình sự.

Thẩm quyền

- Cơ quan điều tra.

- Viện kiểm sát.

- Hội đồng xét xử.

- Các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

- Viện kiểm sát.

Thời điểm thực hiện

Là giai đoạn đầu tiên trong tố tụng hình sự, sau giai đoạn này sẽ tiến hành điều tra

Được thực hiện sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố rồi gửi cùng hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện thẩm quyền truy tố.

Thời hạn ra quyết định

- 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

- Trường hợp phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn không quá 02 tháng

- Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng

- 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng

- 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra.

- Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Công việc thực hiện

Xác định các dấu hiệu của tội phạm trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không?

Đánh giá các tài liệu của vụ án hình sự do Cơ quan điều tra chuyển đến, xác định các căn cứ pháp lý để ra quyết định cần thiết

Kết quả

Cơ quan có thẩm quyền ra một trong các quyết định:

- Khởi tố vụ án hình sự;

- Không khởi tố vụ án hình sự;

- Tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Viện kiểm sát nhân dân ra một trong các quyết định

- Truy tố bị can trước Tòa án;

- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

- Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.


Trên đây là giải đáp khái niệm truy tố là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X