hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 06/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tư cách pháp nhân là gì? Văn phòng đại diện có tư cách pháp nhân không?

Tư cách pháp nhân không phải là thuật ngữ xa lạ, tuy nhiên bản chất và điều kiện để một tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thì không phải ai cũng nắm rõ. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ về vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Thế nào là tư cách pháp nhân?
  • Doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện có tư cách pháp nhân không?

Thế nào là tư cách pháp nhân?

Để hiểu về tư cách pháp nhân, trước tiên cân hiểu pháp nhân là gì? Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, có thể hiểu pháp nhân là một tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân) và các tổ chức khác. 

Theo đó, tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tư cách pháp nhân là gì? Chi nhánh có tư cách pháp nhân không? (Ảnh minh họa)


Điều kiện để tổ chức có tư cách pháp nhân thế nào?

Cũng theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi có các điều kiện sau đây:

- Được thành lập theo quy định pháp luật.

- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015 như:

+ Có cơ quan điều hành;

+ Có điều lệ pháp nhân quy định vê tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của pháp nhân.

- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Như vậy, tổ chức đáp ứng được cả 04 điều kiện trên thì được công nhận tư cách pháp nhân.

 

Doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?

- Với công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần đều đáp ứng cả 04 điều kiện nêu trên nên được xác định là có tư cách pháp nhân.

- Với công ty hợp danh:

Căn cứ khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh. Ngoài ra công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.

Mặc dù thành viên hợp danh không có tài sản độc lập với cá nhân nhưng công ty hợp danh có thành viên góp vốn, đây là những thành viên có tài sản độc lập với công ty. Do đó, công ty hợp danh cũng được xác định là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

- Đối với doanh nghiệp tư nhân

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Ngay từ định nghĩa về doanh nghiệp tư nhân đã cho thấy tài sản của doanh nghiệp không còn độc lập với tài sản cá nhân do chủ doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tai sản của mình.

Trong khi đó, một trong những điều kiện để doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là có tài sản độc lập với tài sản cá nhân. Do vậy, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nhưng không có tư cách pháp nhân.

 

Chi nhánh, văn phòng đại diện có tư cách pháp nhân không?

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh và văn phòng đại diện được giải thích như sau:

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi nhánh và văn phòng đại diện đều là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mọi hoạt động của chi nhánh đều phụ thuộc vào doanh nghiệp thông qua việc uỷ quyền.

Do vậy, chi nhánh và văn phòng đại diện không tham gia các quan hệ pháp luật .

Trên đây là giải đáp về tư cách pháp nhân là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X