hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 01/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tư pháp là gì? Hệ thống cơ quan tư pháp tại Việt Nam hiện nay

Theo thuyết Tam quyền phân lập, nhà nước có ba quyền lực là: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề tư pháp là gì và hệ thống tư pháp tại Việt Nam hiện nay gồm những cơ quan nào?

Mục lục bài viết
  • Tư pháp là gì?
  • Khái niệm tư pháp
  • Khái niệm quyền tư pháp
  • Hệ thống cơ quan tư pháp tại Việt Nam hiện nay
  • Cơ quan tư pháp là gì?

Tư pháp là gì?

Khái niệm tư pháp

Tư pháp theo quan điểm của nhà nước Việt Nam là chỉ tất cả các công việc bao gồm tổ chức, giữ gìn và bảo vệ pháp luật.

Tư pháp còn là từ chung để nói về các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử hoặc các cơ quan hành chính tư pháp như: bộ tư pháp, sở tư pháp,..

Xét từ góc độ thể chế nhà nước, ở các nước thực hiện chế độ tam quyền phân lập thì tư pháp được hiểu là quyền xét xử chỉ do tòa án thực hiện. Tại Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, do đó có thể định nghĩa tư pháp là một trong ba quyền lực của nhà nước.

Tư pháp là gì?

Tư pháp là gì? (nguồn: internet)

Khái niệm quyền tư pháp

Quyền tư pháp là khả năng và năng lực riêng của Tòa án được thực hiện bằng việc thực hiện thẩm quyền xét xử và các thẩm quyền khác thông qua phương thức tố tụng tư pháp, từ đó tác động đến hành vi của con người và quá trình phát triển của xã hội.

Các đặc trưng của quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay bao gồm: tính độc lập, tính thống nhất, tính phối hợp, sự kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền lập pháp và hành pháp, tính chính trị.

Về mặt bản chất, quyền tư pháp có bản chất dân chủ và pháp quyền. Bản chất dân chủ nghĩa là quyền tư pháp là quyền lực của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bản chất pháp quyền là do quyền tư pháp gắn liền với quyền con người, quyền công dân và pháp luật.

Về phạm vi: Phạm vi của quyền tư pháp bao gồm tất cả các quyền năng của quyền tư pháp: quyền xét xử và các quyền năng khác. Theo quá trình tố tụng, phạm vi của quyền tư pháp bắt đầu từ việc khởi kiện, khởi tố đến xét xử và thi hành án.

Hệ thống cơ quan tư pháp tại Việt Nam hiện nay

Trước khi tìm hiểu hệ thống cơ quan tư pháp ở Việt Nam, cần hiểu được khái niệm cơ quan tư pháp là gì?

Cơ quan tư pháp là gì?

Cơ quan tư pháp là cơ quan nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Ở nước ta hiện nay các cơ quan tư pháp gồm có Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Cơ quan tư pháp thực hiện các hoạt động bảo vệ pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp, đảm bảo tính công bằng và đúng đắn trong các quyết định của mình.

Tại Việt Nam hiện nay có các cơ quan tư pháp nào?

- Tòa án nhân dân

+ Khái niệm Tòa án nhân dân theo quy định tại khoản 1 điều 102 Hiến pháp năm 2013:
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

+ Điều 3 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã quy định, Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, Các Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự.


Tòa án nhân dân là một cơ quan tư pháp (nguồn: internet)

+ Chức năng của Tòa án nhân dân

  • Xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các tranh chấp khác theo quy định của pháp luật.
  • Xem xét một cách đầy đủ và khách quan, toàn diện tất cả tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình tố tụng.
  • Căn cứ vào kết quả của việc tranh tụng để ra quyết định có tội hoặc không có tội, áp dụng hình phạt và biện pháp tư pháp hay không, quyết định quyền và nghĩa vụ với tài sản và với nhân thân.

+ Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân

  • Căn cứ theo khoản 1 điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ:

Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

  • Góp phần nâng cao lòng trung thành của công dân đối với Tổ quốc, ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng quy tắc cuộc sống xã hội, có ý thức đấu tranh trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

+ Quyền hạn của Tòa án nhân dân

  • Xem xét và kết luận các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm soát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có hợp pháp hay không. Kiểm tra, xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
  • Xem xét, kết luận các chứng cứ, tài liệu được thu thập bởi Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên và các tài liệu được cung cấp bởi luật sư, bị can, bị cáo, những người tham gia tố tụng có hợp pháp hay không.
  • Yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi cần thiết hoặc Tòa án tự điều tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định.
  • Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người liên quan trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án tại phiên tòa
  • Ra các quyết định thực hiện quyền hạn khác theo Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Viện kiểm sát nhân dân

+ Theo điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân là:

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân đó là:

Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất

Viện kiểm sát nhân dân là một cơ quan tư pháp

Viện kiểm sát nhân dân là một cơ quan tư pháp (nguồn: internet)

+ Các quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện quyền công tố là:

  • Viện kiểm sát nhân dân có quyền yêu cầu khởi tố, hủy bỏ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án trái pháp luật; Phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định khởi tố của Cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra; Trực tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong một số trường hợp được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.
  • Quyết định, phê chuẩn việc áp dụng hoặc hủy bỏ, thay đổi các biện pháp nhằm hạn chế quyền con người, quyền công dân trong giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, quá trình khởi tố, điều tra, truy tố theo quy định.
  • Hủy bỏ các quyết định tố tụng trái pháp luật của cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao một số hoạt động điều tra trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, việc khởi tố và điều tra.
  • Yêu cầu Cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện điều tra khi cần thiết.
  • Giải quyết các tố giác, tin báo tội phạm trực tiếp; tiến hành hoạt động điều tra làm rõ căn cứ buộc tội đối với người phạm tội.
  • Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định.
  • Quyết định rút gọn thủ tục trong điều tra, truy tố.
  • Quyết định truy tố, buộc tội bị cáo trong phiên tòa.
  • Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp phát hiện oan sai, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
  • Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác trong việc buộc tội người phạm tội.

Vai trò của tư pháp là gì?

Tư pháp có vai trò rất quan trọng trong xã hội, cụ thể là:

  • Bảo vệ quyền lợi và sự công bằng: Tư pháp giải quyết tranh chấp, xử lý tội phạm, trừng phạt hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn xã hội.

  • Thúc đẩy kinh tế phát triển: Tư pháp đảm bảo tính pháp lý cho các giao dịch kinh tế và hoạt động kinh doanh, nhờ đó thu hút vốn đầu tư và phát triển kinh tế.

  • Đảm bảo tính ổn định và trật tự của xã hội: Nhờ vào việc áp dụng luật pháp và trừng phạt tội phạm hoặc các hành vi trái pháp luật mà tư pháp giúp đảm bảo sự ổn định và trật tự xã hội, là cơ sở để xã hội phát triển.

Tư pháp giúp đảm bảo tính ổn định và trật tự xã hội

Tư pháp giúp đảm bảo tính ổn định và trật tự xã hội (nguồn: internet)

  • Xây dựng lòng tin và sự tôn trọng pháp luật: Khi tư pháp được thực hiện đúng đắn, công bằng sẽ giúp người dân tạo dựng lòng tin vào pháp luật và các quyết định của tư pháp.

  • Giáo dục và nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân: Khi thực hiện các quyết định tư pháp, các cơ quan tư pháp sẽ cung cấp thông tin và giải thích lý do đưa ra các quyết định đó. Điều này giúp người dân có nhiều hiểu biết hơn về pháp luật và các quy định khác liên quan.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Tư pháp là gì? Hệ thống cơ quan tư pháp tại Việt Nam”. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích, giúp bạn hiểu rõ hơn về hệ thống tư pháp tại Việt Nam hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

X