hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 17/05/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ủy quyền là gì? Thời hạn của ủy quyền

Trong trường hợp cá nhân không thể tự mình thực hiện công việc, thủ tục thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay mình. Vậy ủy quyền là gì? 

Mục lục bài viết
  • Ủy quyền là gì? 
  • Giấy ủy quyền là gì? Thế nào là giấy ủy quyền hợp pháp?
  • Các hình thức ủy quyền hiện nay
  • Thời hạn của ủy quyền
Câu hỏi: Em muốn ủy quyền cho bạn em làm thủ tục đăng ký kinh doanh thì có được không? Và ủy quyền là gì, thời hạn bao lâu vậy ạ?

Ủy quyền là gì? 

 Ủy quyền là gì? Căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 có những nội dung liên quan đến ủy quyền, theo đó không đưa ra định nghĩa cụ thể ủy quyền là gì?

Tuy nhiên thông qua các quy định liên quan đến ủy quyền thì có thể hiểu đây là sự thỏa thuận giữa cá nhân - cá nhân, tổ chức - tổ chức hay cá nhân - tổ chức hoặc ngược lại, theo đó, bên nhận ủy quyền sẽ thay mặt/nhân danh bên ủy quyền để thực hiện một hoặc nhiều công việc trong thời hạn nhất định nào đó. Ủy quyền chính là một trong những hình thức đại diện theo quy định của Điều 135 Bộ luật Dân sự.

Giấy ủy quyền là gì? Thế nào là giấy ủy quyền hợp pháp?

Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định về thuật ngữ “giấy ủy quyền” mà chỉ có quy định về “hợp đồng ủy quyền”. Tuy nhiên thông qua cách sử dụng có thể hiểu giấy ủy quyền là một hình thức thể hiện hành vi pháp lý đơn phương của cá nhân/tổ chức hoặc thể hiện sự thỏa thuận của các bên về việc: một bên sẽ đại diện/nhân danh bên còn lại thực hiện một công việc hay hành vi nào đó trong phạm vi, thời hạn ủy quyền.

Tuy với tên gọi “giấy ủy quyền” nhưng giấy này cũng phải đảm bảo quy định pháp luật dân sự thì mới được coi là hợp pháp, cụ thể:

- Đối tượng/ các bên ký giấy ủy quyền: Phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự.

- Việc ký giấy ủy quyền là hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, ép buộc bởi bất kỳ cá nhân/tổ chức hay đối tượng nào khác.

- Mục đích của việc ký giấy ủy quyền: Không vi phạm các điều cấm của pháp luật, không nhằm mục đích lừa dối, che giấu một hành vi vi phạm pháp luật,... và không trái với đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay.

Lưu ý hiện nay có một số trường hợp sẽ không được ủy quyền gồm: Thủ tục đăng ký kết hôn, thủ tục ly hôn, công chứng di chúc, gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Đây đều là những thủ tục pháp lý gắn với nhân thân của từng cá nhân nên không được pháp ủy quyền, chỉ chính cá nhân đó phải thực hiện thủ tục.

Các hình thức ủy quyền hiện nay

Các hình thức ủy quyền hiện nay

Trên cơ sở Bộ luật dân sự hiện hành thì việc ủy quyền có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như văn bản, lời nói hay các hình thức khác.

Đối với hình thức văn bản, hiện nay ủy quyền được thể hiện dưới 2 dạng là hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền.

- Hợp đồng ủy quyền: Theo quy định của Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 thì đây là sự thỏa thuận giữa các bên (bên ủy quyền, bên được ủy quyền). Cụ thể, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện (các) công việc nhân danh bên ủy quyền, đồng thời, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao cho bên được ủy quyền nếu các bên có thỏa thuận có quy định của pháp luật.

- Giấy ủy quyền: Cũng là một hình thức thể hiện việc ủy quyền nhưng lại chưa có quy định cụ thể. Nội dung liên quan đến giấy quyền đã được chúng tôi đề cập ở mục trên, bạn đọc có thể theo dõi.

Như vậy dù thể hiện dưới hình thức nào thì việc ủy quyền cũng có đầy đủ thông tin 2 bên (bên ủy quyền và bên được ủy quyền), công việc ủy quyền, thời hạn cũng như các vấn đề liên quan khác do 2 bên thỏa thuận.

Thời hạn của ủy quyền

Thời hạn của ủy quyền sẽ do các bên thỏa thuận căn cứ vào thời gian dự kiến hoàn thành công việc. Trường hợp hai bên không có bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến vấn đề này thì thời hạn ủy quyền sẽ là 01 (một) năm được tính từ ngày việc ủy quyền được các bên xác lập.

Trên đây là quy định pháp luật về “Ủy quyền là gì? Thời gian của ủy quyền”.

Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số  19006192 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật

Có thể bạn quan tâm

X