Hoạt động vận tải hiện nay diễn ra dưới nhiều phương thức như đường bộ, đường biển, đường hàng không, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Vận tải đa phương thức là gì? Đặc điểm, vai trò của vận tải đa phương thức ra sao?
Vận tải đa phương thức là gì? Ví dụ về vận tải đa phương thức
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 87/2009/NĐ-CP thì vận tải đa phương thức được hiểu là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất là hai phương thức vận tải khác nhau (kết hợp nhiều phương thức vận tải như đường bộ, đừng thủy, đường hàng không,...) trên cơ sở ký kết hợp đồng vận tải đa phương thức.
Ví dụ: Trên cơ sở ký kết hợp đồng vận tải đa phương thức, hai bên thỏa thuận vận chuyển hàng hóa là cà phê bằng phương thức đường biển và đường hàng không nhằm mục đích tối ưu hóa việc vận chuyển, tiết kiệm chi phí và đảm bảo được yêu cầu về mặt thời gian của khách hàng.
Đặc điểm, vai trò của vận tải đa phương thức
Thông qua cách hiểu về vận tải đa phương thức đã nêu trên, có thể thấy:
Đặc điểm của vận tải đa phương thức
- Kết hợp nhiều phương thức vận tải khác nhau (ít nhất là 02 phương thức): Đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không,... tùy thuộc vào yêu cầu, thực tế để đảm bảo yêu cầu và đạt kết quả tốt nhất, tối ưu việc vận chuyển hàng hóa.
- Có sự kết hợp của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải: Do việc kết hợp nhiều phương thức vận tải khác nhau nên sẽ có thể kết hợp của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải. Điều này đòi hỏi sự phối kết hợp một cách chặt chẽ, thống nhất để đảm bảo quá trình vận chuyển an toàn, đạt kết quả như mong muốn.
- Tính liên tục: Một trong những cách để đảm bảo tính liên tục khi vận chuyển chính là việc sử dụng vận tải đa phương thức, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển đúng thời gian, địa chỉ.
- Chi phí phù hợp: Khi sử dụng phương thức vận tải đa phương thức thì có thể tối ưu hóa được việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chi phí vận chuyển và tăng hiệu suất.
- Đóng vai trò quan trong trọng chuỗi cung ứng toàn cầu: Phương thức vận tải này cho phép hàng hóa được vận chuyển từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ ở khắp mọi nơi trên thế giới mà không bị giới hạn.
Vai trò của vận tải đa phương thức
- Giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bởi có sự kết hợp của nhiều phương thức vận tải, đa dạng hình thức cung cấp nên sẽ tăng sự cạnh tranh về giá thành vận chuyển, có lợi hơn cho người sử dụng dịch vụ vận tải.
- Giúp hàng hóa lưu thông nhanh hơn, rút ngắn thời gian, kiểm soát và tăng chất lượng sản xuất, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
- Không bị giới hạn số lượng hàng hóa được vận chuyển, có thể vận chuyển số lượng lớn liên tục.
- Thúc đẩy kinh tế, rút ngắn khoảng cách giữa cách quốc gia trong việc giao thương, buôn bán hàng hóa bởi có nhiều phương thức vận chuyển đa dạng.
Các hình thức vận tải đa phương thức
Hiện nay có nhiều hình thức vận tải đa phương thức để các đơn vị, doanh nghiệp có thể lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình, ví dụ như:
- Hình thức vận tải đường biển kết hợp đường hàng không (Sea - Air)
Hình thức này có ưu điểm là thời gian vận chuyển nhanh, sẽ tối ưu được việc giao nhận hàng; khối lượng vận chuyển lớn và thường là những mặt hàng có giá trị cao.
- Hình thức vận tải đường bộ kết hợp đường hàng không (Road - Air)
Hình thức này sẽ giúp việc vận chuyển diễn ra một cách linh hoạt, thường đi kèm với dịch vụ nhận và trả hàng (pick up and delivery). Trong đó, phương thức đường bộ sẽ nhận hàng, gom hàng ở các địa bàn khác nhau bởi sự dễ di chuyển vào các tuyến đường khó đi; và phương thức hàng không sẽ trung chuyển hàng hóa cho những đơn hàng xuyên quốc gia, xuyên lục địa 1 cách nhanh chóng, an toàn.
- Hình thức vận tải đường sắt kết hợp với đường bộ (Rail – Road)
Hình thức này phù hợp với các trường hợp vận chuyển nội địa, đảm bảo nhanh, an toàn. Hàng hóa sẽ được đóng gói, tập kết và được vận chuyển bởi tàu hỏa, sau đó, ô tô sẽ vận chuyển đến các điểm giao hàng theo đúng yêu cầu.
- Hình thức vận tải liên hợp đường sắt, đường bộ và đường biển
Hình thức này phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ quốc gia này đến quốc gia khác. Theo đó cần kết hợp các phương thức đường bộ, đường sắt,... rồi vận chuyển bằng đường biển.
- Ngoài ra còn nhiều hình thức vận tải kết hợp khác nhằm đảm bảo được vận chuyển hàng hóa đúng yêu cầu, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Quy định về chứng từ vận tải đa phương thức
- Căn cứ Chương 4 Nghị định 87/2009/NĐ-CP thì chứng từ vận tải đa phương thức gồm có: Chứng từ vận tải đa phương thức quốc tế, chứng từ vận tải đa phương thức nội địa.
- Theo Điều 12 Nghị định này, chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng chuyển nhượng được thì sẽ được phát hành theo một trong các hình thức là: Xuất trình; Theo lệnh; hoặc theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc. Với chứng từ ở dạng không chuyển nhượng thì sẽ được phát hành theo hình thức chỉ đích danh tên người nhận hàng; riêng các dạng chứng từ trong vận tải nội địa thì sẽ căn cứ theo sự thỏa thuận của các bên.
- Nội dung chính của chứng từ vận tải đa phương thức gồm có:
Thông tin hàng hóa: Đặc tính tự nhiên chung; ký hiệu hay mã hiệu cần thiết để nhận biết/phân biệt hàng hóa; những tính chất nguy hiểm/đặc điểm mau hư hỏng của hàng hóa; số lượng; trọng lượng;
Tình trạng bên ngoài (đóng gói, bao bì,...) của hàng hóa;
Thông tin của người kinh doanh vận tải đa phương thức: Tên và trụ sở chính;
Thông tin người gửi hàng (họ tên, điện thoại,...);
Thông tin người nhận hàng (họ tên, điện thoại,..);
Thông tin tiếp nhận hàng: Địa điểm, thời gian, người tiếp nhận;
Thông tin về địa điểm giao trả hàng: địa điểm, thời gian, ngày giờ, thời hạn,...;
Nêu rõ chứng từ là loại chứng từ chuyển nhượng được hoặc là chứng từ không chuyển nhượng được.
Chữ ký của người đại diện cho người kinh doanh vận tải đa phương thức hoặc của người được người kinh doanh vận tải đa phương thức ủy quyền;
Cước phí vận chuyển tương ứng với mỗi phương thức vận tải (nếu các đã thỏa thuận cụ thể), đồng tiền thanh toán;
Tuyến hành trình dự định sẽ di chuyển, phương thức vận tải trong từng chặng đường và các địa điểm chuyển tải (trong trường hợp đã được biết khi phát hành chứng từ này);
Các thông tin, chi tiết khác mà các bên thống nhất đưa vào chứng từ nếu những thông tin ấy không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số 19006192 để được hỗ trợ