Cơ quan ban hành: | Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1352/HTQTCT-CT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Nguyễn Công Khanh |
Ngày ban hành: | 10/03/2015 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 10/03/2015 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tư pháp-Hộ tịch |
BỘ TƯ PHÁP Số: 1352/HTQTCT-CT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 2015 |
Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 16/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (sau đây gọi chung là Nghị định số 23/2015/NĐ-CP), Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2015 và thay thế Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; Điều 4 của Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực; các quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực. Để thống nhất triển khai thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị Sở Tư pháp quán triệt đối với các cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực, một số điểm mới so với các quy định hiện hành như sau:
1. Về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực (Điều 5):
1.1. Thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính:
- Việc phân định thẩm quyền của Phòng Tư pháp và UBND cấp xã trong việc chứng thực bản sao từ bản chính căn cứ vào cơ quan cấp giấy tờ, văn bản. Theo đó, Phòng Tư pháp thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận (điểm a khoản 1); còn UBND cấp xã chỉ thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận (điểm a khoản 2).
- Để triển khai thi hành quy định về chứng thực của Luật Công chứng năm 2014, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP (khoản 4) đã quy định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm của Công chứng viên trong việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký tương đương thẩm quyền của Phòng Tư pháp, trừ việc công chứng bản dịch phải được thực hiện theo quy định của Luật công chứng.
1.2. Thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản:
Phòng Tư pháp và UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực như nhau, không phân biệt ngôn ngữ của giấy tờ văn bản (điểm b khoản 1, điểm b khoản 2).
1.3. Thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch:
- Phòng Tư pháp và UBND cấp xã có thẩm quyền như nhau trong việc chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản, không phụ thuộc vào giá trị của tài sản (điểm d khoản 1, điểm c khoản 2).
- Việc chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã theo quy định của Luật Nhà ở (điểm đ khoản 2). Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở tại đô thị theo quy định tại Điều 93 của Luật Nhà ở năm 2005 cho đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2015 (khoản 2 Điều 47).
2. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao (Điều 6):
Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu nộp bản sao có chứng thực, nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính (khoản 1).
3. Về thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực (Điều 7):
Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ. Đối với các trường hợp quy định cụ thể tại Điều 21, 33 và Điều 37 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thì được kéo dài thời hạn.
4. Về chế độ lưu trữ (Điều 14):
Thời hạn lưu trữ giấy tờ, văn bản đã được chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch là 02 năm; thời hạn lưu trữ bản chính hợp đồng, giao dịch kèm theo hồ sơ là 20 năm.
Đối với trường hợp chứng thực chữ ký của người tiến hành giám định trong văn bản kết luận giám định tư pháp, chứng thực bản sao từ bản chính thì không lưu trữ.
5. Chi phí khác (Điều 15):
Trong trường hợp người yêu cầu chứng thực đề nghị cơ quan thực hiện chứng thực in, chụp, đánh máy giấy tờ, văn bản thì phải nộp chi phí để thực hiện việc đó. Ở trong nước, mức trần chi phí do UBND cấp tỉnh quy định trên cơ sở thực tế của địa phương. Căn cứ quy định này, Sở Tư pháp cần phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan, nghiên cứu trình UBND cấp tỉnh quy định mức trần chi phí chứng thực để áp dụng phù hợp đối với địa phương.
6. Việc chứng thực bản sao từ bản chính:
- Người yêu cầu chứng thực bản sao phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao; không được yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản thuộc các trường hợp quy định tại Điều 22 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao đúng với bản chính (Điều 19).
- Trong trường hợp bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực bản sao; trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại (khoản 1 Điều 20). Tới đây, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực sẽ phối hợp với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao xác định cụ thể danh mục các nước được miễn hợp pháp hóa lãnh sự và sẽ thông báo cho các địa phương.
- Trường hợp người yêu cầu chứng thực chỉ xuất trình bản chính thì cơ quan, tổ chức tiến hành chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức không có phương tiện để chụp (khoản 2 Điều 20).
7. Việc chứng thực chữ ký:
- Người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký; không được yêu cầu chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 và Khoản 4 Điều 25 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong giấy tờ, văn bản (Điều 23).
- Đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ, nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện thì đề nghị người đó ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực (khoản 3 Điều 24).
- Thủ tục chứng thực chữ ký quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 24 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP cũng được áp dụng đối với các trường hợp: chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản; chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân; chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật; chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản (khoản 4 Điều 24).
8. Người dịch và việc chứng thực chữ ký người dịch:
- Người dịch phải chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước cơ quan thực hiện chứng thực về tính chính xác của nội dung bản dịch; không được dịch những giấy tờ, văn bản quy định tại Điều 32 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP để yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch. Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người dịch trong bản dịch (Điều 30).
- Cộng tác viên dịch thuật:
+ Người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 27 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước. Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật và lập danh sách cộng tác viên dịch thuật của Phòng, báo cáo Sở Tư pháp phê duyệt.
+ Trên cơ sở danh sách cộng tác viên dịch thuật đã được Sở Tư pháp phê duyệt, Phòng Tư pháp niêm yết công khai tại trụ sở của Phòng Tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu chứng thực trong việc liên hệ với người dịch.
- Người không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp nhưng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch theo quy định tại Điều 27 thì có quyền tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân và yêu cầu chứng thực chữ ký trên bản dịch (khoản 2 Điều 31).
9. Việc chứng thực hợp đồng, giao dịch:
- Người yêu cầu chứng thực chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính hợp lệ, hợp pháp của các giấy tờ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 36 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch (Điều 35).
- Chỉ thực hiện một thủ tục chứng thực chung về hợp đồng, giao dịch; không có các thủ tục riêng về chứng thực một số hợp đồng, giao dịch như Nghị định số 75/2000/NĐ-CP.
- Đối với những địa bàn cấp huyện, cấp xã đã chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng, mà hợp đồng, giao dịch trước đó được chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thì việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, sửa lỗi sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in hợp đồng, giao dịch vẫn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, nơi đã thực hiện chứng thực trước đây (khoản 1 Điều 47).
10. Về lệ phí chứng thực:
Hiện tại, Bộ Tư pháp đang phối hợp Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí chứng thực. Trước mắt, khi Thông tư liên tịch mới chưa được ban hành thì vẫn tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 92/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17/10/2008 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực và Thông tư liên tịch số 62/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/5/2013 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Trên đây là một số điểm mới cần lưu ý khi triển khai thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị các Sở Tư pháp có kế hoạch quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Nghị định; tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, công chức làm công tác chứng thực tại Phòng Tư pháp và UBND cấp xã trên địa bàn, bảo đảm triển khai thực hiện thống nhất Nghị định số 23/2015/NĐ-CP trên phạm vi toàn quốc.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị có văn bản báo cáo về Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) để được hướng dẫn giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG |
01 | Văn bản được hướng dẫn |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản dẫn chiếu |
Cơ quan ban hành: | Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực |
Số hiệu: | 1352/HTQTCT-CT |
Loại văn bản: | Công văn |
Ngày ban hành: | 10/03/2015 |
Hiệu lực: | 10/03/2015 |
Lĩnh vực: | Tư pháp-Hộ tịch |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Công Khanh |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |