BỘ TƯ PHÁP ------- Số: 2588/BTP-PBGDPL V/v: Triển khai Quyết định số 705/QĐ-TTg ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2017 |
Kính gửi: | - Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; - Hội Luật gia Việt Nam; - Liên đoàn Luật sư Việt Nam. |
Ngày 25 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 705/QĐ-TTg ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 (sau đây gọi là Chương trình). Thực hiện trách nhiệm được giao, ngày 24/7/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1163/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021. Để Chương trình được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trên cả nước, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số công việc sau đây:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Chương trình và các Đề án kèm theo phù hợp với điều kiện thực tế bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình và các Đề án kèm theo; lồng ghép thực hiện có hiệu quả Chương trình và các Đề án kèm theo với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan; tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; chỉ đạo rà soát, bổ sung, bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình và Đề án của Chương trình trong Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017 đã được ban hành và cụ thể hóa trong Kế hoạch công tác hằng năm để bảo đảm thực hiện đầy đủ.
3. Phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan, đơn vị, cơ quan chuyên môn trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ và Đề án của Chương trình. Ở Trung ương, giao tổ chức pháp chế hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là đơn vị đầu mối tham mưu tổ chức triển khai thực hiện. Ở địa phương, giao Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp làm đầu mối chủ trì, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo, điều phối hoạt động và kinh phí thực hiện Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật theo khoản 9, Điều 2 Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 để đảm bảo thiết thực, chất lượng, lồng ghép hiệu quả, tránh dàn trải, trùng lắp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước. 4. Căn cứ vào nhu cầu, điều kiện thực tế tổ chức việc rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo chung thực hiện Chương trình và các Đề án thuộc Chương trình, bảo đảm sự lồng ghép, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò trong chỉ đạo, điều phối thực hiện các nhiệm vụ và Đề án của Chương trình.
5. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương được giao chủ trì thực hiện Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật (bao gồm các Đề án mới, các Đề án được tiếp tục kéo dài đến năm 2021) đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) trong quá trình thẩm định Kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm làm cơ sở lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo quy định tại Khoản 2, Khoản 6 Điều 2 Quyết định số 705/QĐ-TTg và Điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTP-BTC ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (Thông tư liên tịch số 14/2014/BTC-BTP) để tránh trùng lắp các hoạt động, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Tài liệu gửi thẩm định bao gồm: Công văn gửi Bộ Tư pháp; Dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án; Bản Thuyết minh dự thảo Kế hoạch (nếu cần thiết). 6. Bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và Đề án của Chương trình. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ và Đề án thuộc Chương trình thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của các Đề án kèm theo Chương trình. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và Đề án thuộc Chương trình này theo quy định tại phần V Điều 1 Quyết định số 705/QĐ-TTg và Khoản 2 Điều 2, Điểm d Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTP-BTC và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ và Đề án thuộc Chương trình, tổng hợp vào dự toán chi của Bộ, ngành, địa phương mình gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ, ngành, địa phương. Việc lập dự toán, tổng hợp kinh phí thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước về thời hạn báo cáo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm. 7. Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ và Đề án thuộc Chương trình về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) trước ngày 02/12/2017 (được tổng hợp trong Báo cáo công tác tư pháp, lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, số 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 04.62739468/0979330326, đồng chí Hồ Thị Nga) để phối hợp giải quyết, tháo gỡ./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, đoàn thể TW (để thực hiện); - Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện); - Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp (để đăng tải); - Lưu: VT, Vụ PBGDPL. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Phan Chí Hiếu |