hieuluat

Nghị định 87/CP tăng cường quản lý hoạt động VH và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ tệ nạn XH nghiêm trọng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:87/CPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Nghị địnhNgười ký:Võ Văn Kiệt
    Ngày ban hành:12/12/1995Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:12/12/1995Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực một phần
    Lĩnh vực:Vi phạm hành chính, Văn hóa-Thể thao-Du lịch
  • NGHị địNH

    NGHỊ ĐỊNH

    CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 87/CP NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 1995
    VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ VÀ DỊCH VỤ
    VĂN HOÁ, ĐẨY MẠNH BÀI TRỪ MỘT SỐ TỆ NẠN Xà HỘI
    NGHIÊM TRỌNG

     

    CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

    Để thực hiện mục tiêu bài trừ văn hoá có nội dung độc hại và một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng, làm lành mạnh sinh hoạt văn hoá nơi công cộng, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống đạo đức của dân tộc, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;

    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,

     

    NGHỊ ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này:

    1- "Quy chế lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu".

    2- "Quy định những biện pháp cấp bách bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng".

     

    Điều 2.

    1- Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi cá nhân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về ngăn chặn và phòng chống văn hoá độc hại, tệ nạn xã hội đã được ban hành và Quy chế, Quy định ban hành kèm theo Nghị định này.

    2- Tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về hoạt động văn hoá xã hội của Nhà nước Việt Nam.

    3- Người đứng đầu chính quyền các cấp cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế và tổ chức xã hội chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống tế nạn xã hội thuộc phạm vi quản lý của mình.

    4- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, phòng chống tệ nạn xã hội phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

    Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm được khen thưởng thích đáng.

    Điều 3. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế, Quy định ban hành kèm theo Nghị định này.

     

    Điều 4. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

    Những Quy định của Chính phủ trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

     

    QUY CHẾ

    LƯU HÀNH, KINH DOANH PHIM, BĂNG ĐĨA HÌNH, BĂNG ĐĨA NHẠC; BÁN, CHO THUÊ XUẤT BẢN PHẨM; HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ VÀ DỊCH VỤ VĂN HOÁ NƠI CÔNG CỘNG; QUẢNG CÁO, VIẾT, ĐẶT BIỂN HIỆU

    (Ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995)

     

    CHƯƠNG I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1

    1- Các hoạt động văn hoá quy định tại Quy chế này phải nhằm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giáo dục nếp sống lành mạnh và phong cách ứng xử có văn hoá cho mọi người; kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình, thuần phong mỹ tục; nâng cao hiểu biết và trình độ thẩm mỹ của nhân dân, ngăn chặn sự xâm nhập của những sản phẩm văn hoá có nội dung độc hại, làm phong phú đời sống tinh thần của xã hội, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.

    2- Nhà nước khuyến khích việc sản xuất và phổ biến các sản phẩm văn hoá có nội dung lành mạnh, chất lượng nghệ thuật cao để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

     

    Điều 2. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt Nam đều phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định trong Quy chế này. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế phải bị xử lý nghiêm minh đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

     

    Điều 3. Nghiêm cấm việc phổ biến các sản phẩm văn hoá và tổ chức các hoạt động văn hoá quy định tại Quy chế này có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực và tội ác, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam.

    1- Sản phẩm văn hoá và hoạt động văn hoá có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm là những sản phẩm và hoạt động trong đó có những hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khiêu gợi, kích thích dâm ô, truỵ lạc, vô luân, loạn luân trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

    2- Sản phẩm văn hoá và hoạt động văn hoá có nội dung kích động bạo lực là những sản phẩm và hoạt động trong đó có hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động miêu tả cảnh đánh, giết người dã man và những hành động khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, khuyền khích bạo lực và sự tàn bạo, không nhằm tố cáo tội ác, không nhằm bảo vệ chính nghĩa, trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc.

    CHƯƠNG II
    LƯU HÀNH, KINH DOANH PHIM, BĂNG ĐĨA HÌNH

    Điều 4

    1- Việc lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình phải tuân theo các quy định của Nghị định 48/CP ngày 17 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động điện ảnh và những quy định tại Quy chế này.

    2- Băng đĩa hình quy định trong Quy chế này gồm băng hình, đĩa hình, đĩa vi tính ghi hình các thể loại: phim truyện, tài liệu - khoa học, giáo khoa, dạy ngoại ngữ, hoạt hình, ca nhạc, sân khẩu, thể thao, karaoke, mốt thời trang. Băng đĩa hình sản xuất trong nước hoặc nhập từ nước ngoài đều phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép mới được lưu hành rộng rãi theo quy định cụ thể sau đây:

    a) Sở Văn hoá - Thông tin duyệt băng, đĩa hình: ca nhạc, sân khấu, tài liệu khoa học, thể thao, karaoke, mốt thời trang, giáo khoa, dạy ngoại ngữ sản xuất hoặc nhập khẩu tại địa phương và cho phép lưu hành.

    b) Bộ Văn hoá - Thông tin duyệt và cho phép lưu hành băng đĩa hình phim truyện do các đơn vị trong cả nước sản xuất hoặc nhập khẩu, băng hình các loại do các hãng sản xuất phim thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin sản xuất.

    3- Các loại băng hình thay sách hoặc kèm theo sách của nhà xuất bản thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản.

    4- Việc phát sóng băng đĩa hình trên các đài truyền hình thực hiện theo quy định của Luật Báo chí và quy định tại mục 4 chương III Nghị định 48/CP ngày 17 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ.

    5- Băng đĩa hình được phép lưu hành phải dán nhãn kiểm soát (sau đây gọi chung là nhãn). Việc phát hành và dán nhãn trên băng hình do Bộ Văn hoá - Thông tin quy định.

     

    Điều 5

    1- Những đơn vị sau đây được nhân bản băng đĩa hình thuộc sở hữu bản quyền của mình để kinh doanh:

    a) Các cơ sở sản xuất, phát hành phim, băng đĩa hình.

    b) Các nhà xuất bản có sản xuất băng hình thay sách hoặc kèm theo sách.

    2- Điều kiện và thủ tục cấp phép nhân bản băng đĩa hình để kinh doanh do Bộ Văn hoá - Thông tin quy định.

    3- Cơ quan, đơn vị nhân bản băng đĩa hình để phổ biến nội dung không thuộc quy định tại khoản 1 điều này.

     

    Điều 6

    1- Đơn vị nhân bản băng đĩa hình để kinh doanh chỉ được phép nhân bản băng đĩa hình đã được phép lưu hành.

    2- Đơn vị nhân bản băng đĩa hình không được thực hiện các hành vi sau đây:

    a) Trích ghép hoặc nhân bản băng đĩa hình để kinh doanh mà không có văn bản thoả thuận của chủ sở hữu bản quyền.

    b) Thêm, bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi chương trình băng hình gốc đã được phép lưu hành để nhân bản nhằm mục đích kinh doanh.

     

    Điều 7

    Những đơn vị quy định tại khoản 1 điều 5 Quy chế này được mở cửa hàng bán và cho thuê băng đĩa hình (dưới đây gọi tắt là cửa hàng băng hình) và phải chịu trách nhiệm về hoạt động bán và cho thuê băng hình của những cửa hàng đó.

     

    Điều 8

    1- Muốn mở cửa hàng băng hình phải có các điều kiện sau:

    a) Có địa điểm được cơ quan có thẩm quyền xác nhận quyền sử dụng.

    b) Có dầu video và màn hình kiểm tra.

    c) Có người phụ trách cửa hàng do đơn vị mở cửa hàng cử hoặc hợp đồng bằng văn bản.

    2- Đơn vị mở cửa hàng băng hình phải làm thủ tục xin phép Sở Văn hoá - Thông tin sở tại. Cửa hàng băng hình chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép của Sở Văn hoá - Thông tin và phải có biển hiệu theo quy định về biển hiệu tại Quy chế này.

    3- Cửa hàng băng hình chỉ được bản và cho thuê băng hình đã được dán nhãn. Đơn vị mở cửa hàng và người phụ trách cửa hàng băng hình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về băng hình mà cửa hàng bán và cho thuê.

    4- Khách hàng được quyền kiểm tra nội dung và chất lượng băng hình trước khi mua hoặc thuê.

     

    Điều 9

    Tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh chiếu phim, băng hình phải được Sở Văn hoá - Thông tin sở tại cấp giấy phép hành nghề và phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Sau khi có đăng ký kinh doanh mới được hoạt động.

     

    Điều 10

    1- Các khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ muốn tổ chức kinh doanh chiếu phim, băng hình phải xin phép hành nghề, đăng ký kinh doanh như quy định tại điều 9 Quy chế này.

    2- Các điểm chiếu phim, băng hình công cộng ngoài trời cố định hoặc lưu động phải được Sở Văn hoá - Thông tin sở tại cho phép mới được hoạt động. Nếu bán vé thu tiền phải thực hiện theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.

    Điều 11

    Rạp chiếu phim, băng hình, các điểm chiếu băng hình phục vụ khách tại khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, các điểm chiếu băng hình công cộng ngoài trời hoặc trên các phương tiện giao thông chỉ được chiếu những phim, băng hình đã được phép lưu hành có dán nhãn.

    Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại điều này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm của mình.

     

    Điều 12. Cấm các hành vi sau đây:

    1- Lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình có nội dung quy định tại Điều 3 Quy chế này.

    2- Kinh doanh nhân bản, bán, cho thuê, chiếu phim, băng đĩa hình mà không có giấy phép hành nghề và đăng ký kinh doanh.

    3- Mua, bán, thuê, cho thuê, chiếu băng hình không dán nhãn hoặc có dán nhãn, nhưng không ghi đầy đủ các đề mục theo quy định.

    4- Nhập lậu, nhân bản lậu phim, băng đĩa hình.

    5- Thay đổi tên hoặc đánh tráo nội dung băng đĩa hình đã dán nhãn.

     

    CHƯƠNG III
    LƯU HÀNH, KINH DOANH BĂNG ĐĨA NHẠC

     

    Điều 13

    1- Những băng đĩa nhạc không bị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quy định cấm thì được lưu hành, kinh doanh.

    2- Các loại băng, đĩa âm thanh thay sách hoặc kèm theo sách của các nhà xuất bản thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản.

    Việc phát sóng băng đĩa nhạc trên các đại phát thanh thực hiện theo quy định của Luật Báo chí.

     

    Điều 14

    1- Những đơn vị sau đây được nhân bản băng đĩa nhạc thuộc sở hữu bản quyền của mình để kinh doanh:

    a) Các cơ sở được cấp phép sản xuất băng đĩa nhạc.

    b) Nhà xuất bản âm nhạc, các nhà xuất bản khác có sản xuất băng đĩa âm thanh thay sách hoặc kèm theo sách.

    c) Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép kinh doanh băng đĩa nhạc.

    2- Điều kiện và thủ tục cấp phép nhân bản bằng đĩa nhạc để kinh doanh do Bộ Văn hoá - Thông tin quy định.

     

    Điều 15. Các đơn vị nhân bản băng đĩa nhạc để kinh doanh chỉ được nhân bản băng đĩa nhạc đã được phép lưu hành theo quy định tại Điều 13 Quy chế này.

     

    Điều 16. Tổ chức, cá nhân muốn mở cửa hàng mua bán băng đĩa nhạc phải xin giấy phép hành nghề tại Sở Văn hoá - Thông tin sở tại. những địa phương xa trung tâm tỉnh, đi lại khó khăn, Sở Văn hoá - Thông tin có thể phân cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước về Văn hoá - Thông tin cấp huyện xét và cấp giấy phép hành nghề. Sau khi có giấy phép hành nghề phải làm tiếp thủ tục đăng ký kinh doanh và chỉ được hoạt động sau khi có đăng ký kinh doanh; chỉ được mua bán những băng đĩa nhạc đã được phép lưu hành.

     

    Điều 17. Cấm các hành vi sau:

    1- Lưu hành, kinh doanh băng đĩa nhạc có nội dung quy định tại Điều 3 Quy chế này.

    2- Kinh doanh nhân bản, mua bán băng đĩa nhạc mà không có giấy phép hành nghề và đăng ký kinh doanh.

    3- Nhập lậu, nhân bản lậu băng đĩa nhạc.

    4- Nhân bản, mua bán, phát băng đĩa nhạc không được phép lưu hành.

    5- Trích ghép, thêm bớt hoặc nhân bản băng đĩa nhạc để kinh doanh mà không có văn bản thoả thuận của chủ sở hữu bản quyền.

    CHƯƠNG IV
    HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ VÀ DỊCH VỤ NƠI CÔNG CỘNG

     

    Điều 18

    1- Nơi tổ chức hoạt động văn hoá công cộng quy định trong Quy chế này bao gồm rạp, câu lạc bộ, nhà văn hoá, vũ trường, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và các điểm sinh hoạt công cộng khác.

    2- Các hoạt động văn hoá công cộng quy định trong Quy chế này bao gồm: Chiếu phim, băng hình, biểu diễn nghệ thuật, khiêu vũ, hát Karaoke, các hình thức giải trí khác.

     

    Điều 19

    1- Các tổ chức và cá nhân kinh doanh hoạt động văn hoá thường xuyên hoặc định kỳ quy định tại Điều 18 Quy chế này phải có giấy phép hành nghề Do Sở Văn hoá - Thông tin sở tại cấp. Sau khi có giấy phép hành nghề phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh và sau khi có đăng ký kinh doanh mới được hoạt động.

    2- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang có hoạt động văn hoá quy định tại khoản 2 Điều 18 Quy chế này phục vụ nội bộ, không thu tiền, khi hoạt động không phải xin phép, nhưng phải thực hiện những quy định về nội dung hoạt động trong Quy chế này. Thủ trưởng cơ quan và người trực tiếp tổ chức phải chịu trách nhiệm về hoạt động văn hoá do mình tổ chức.

    Việc kinh doanh vũ trường thực hiện theo quy định tại Điều 22, việc kinh doanh karaokê thực hiện theo quy định tại Điều 23 Quy chế này.

    3- Tổ chức, cá nhân cho thuê địa điểm để hoạt động văn hoá công cộng phải liên đới chịu trách nhiệm, nếu bên thuê vi phạm những điều cấm trong Quy chế này.

     

    Điều 20. Nơi có hoạt động văn hoá công cộng quy định tại Điều 18 Quy chế này phải tuân theo các quy định sau đây:

    1- Không phát hành vé quá số ghế trong rạp, quá sức chứa ở các điểm hoạt động ngoài trợi.

    2- Không được hoạt động trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 5 giờ sáng. Trường hợp vũ trường cần hoạt động sau 24 giờ để phục vụ khách nước ngoài, phải được phép của Sở Văn hoá - Thông tin sở tại, nhưng cũng không được quá 2 giờ sáng.

    3- Các vũ trường sử dụng vũ nữ phải có hợp đồng lao động và phải chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của vũ nữ theo hợp đồng.

    4- —m lượng lọt ra ngoài phòng khán giả, phòng khiêu vũ, karaokê không được vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn "Mức ồn tối đa cho phép" - (TCVN số 5949-1995).

    5- Không để người say rượu vào nơi hoạt động văn hoá công cộng.

    6- Người tham dự các hoạt động văn hoá công cộng phải tuân thủ mọi quy định về nếp sống văn minh.

    7- Nghiêm cấm các hành vi: khiêu dâm, môi giới và mua bán dâm, sử dụng gái ôm, tiếp viên để câu khách dưới mọi hình thức.

    8- Người đứng tên xin phép, người trực tiếp tổ chức và bản thân người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm các quy định tại Điều này.

     

    Điều 21

    1- Cơ quan, đơn vị tổ chức cho các đoàn, nhóm nghệ thuật hoặc cá nhân nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn tại nơi công cộng phải có giấy phép do Sở Văn hoá - Thông tin sở tại cấp và phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình biểu diễn do mình tổ chức, trừ các đoàn nghệ thuật nước ngoài vào biểu diễn tại Việt Nam theo chương trình trao đổi văn hoá giữa hai nước.

    2- Công dân Việt Nam và người nước ngoài muốn hoạt động biểu diến thường xuyên tại nơi công cộng phải được Sở Văn hoá - Thông tin sở tại xác nhận trình độ nghề nghiệp và cấp giấy phép hành nghề mới được hoạt động.

    3- Việc trình diễn các vở diễn sân khẩu, chương trình ca múa nhạc phải có giấy phép biểu diễn theo quy định phân cấp của Bộ Văn hoá - Thông tin.

     

    Điều 22

    Khách sạn được phép tổ chức vũ trường để kinh doanh phải thực hiện các quy định say đây:

    1- Phòng khiêu vũ phải có diện tích từ 80m2 trở lên.

    2- Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 lux.

    3- Sử dụng những bản nhạc, bài hát để khiêu vũ phải tuân theo quy định tại Điều 13 Quy chế này.

    4- Nếu có ca sĩ, diễn viên biểu diễn phải tuân theo quy định tại khoản 2, Điều 21 Quy chế này.

     

    Điều 23. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động karaokê phải thực hiện các quy định sau đây:

    1- Phòng Karaokê phải có diện tích từ 20m2 trở lên.

    2- Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 lux.

    3- Cửa phòng Karaokê phải có kính, bên ngoài có thể nhìn rõ toàn bộ phòng.

    4- Việc sử dụng các bài hát trong phòng Karaokê phải theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin.

     

    Điều 24. nơi công cộng chỉ được tổ chức các điểm giải trí và các hoạt động giải trí lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc; không được tổ chức các trò giải trí mang tính khiêu dâm, kích động bạo lực. Các dịch vụ xoa bóp phải làm theo điều 13 ghi trong "Quy định những biện pháp cấp bách bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng" được ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP, ngày 12 tháng 12 năm 1995.

    CHƯƠNG V
    BÁN SÁCH, BÁO, TRANH ẢNH, LỊCH VÀ CHO THUÊ SÁCH

     

    Điều 25. Hoạt động bán sách, báo, tranh ảnh, lịch và cho thuê sách phải tuân theo các quy định của Luật Xuất bản, Nghị định 79/CP ngày 06 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Xuất bản và Điều 26 Quy chế này.

     

    Điều 26. Các tổ chức, cá nhân không được bán, cho thuê những xuất bản phẩm sau đây:

    1- Sách, báo, lịch, tranh ảnh có nội dung phản động, đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực, mê tín di đoan.

    2- Sách xuất bản nhập khẩu trái phép.

    3- Sách, báo, tạp chí, lịch, tranh, ảnh đã có quyết định đình chỉ in, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ.

    CHƯƠNG VI
    HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO VÀ VIẾT, ĐẶT BIỂN HIỆU

     

    Điều 27. Tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo phải thực hiện nghiêm chỉnh những quy định tại Nghị định 194/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ về hoạt động quảng cáo trên lãnh tổ Việt Nam và những quy định sau đây:

    1- Việc thành lập các doanh nghiệp làm dịch vụ quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện theo Luật doanh nghiệp Nhà nước, Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty.

    2- Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cấp giấy phép thực hiện các loại hình quảng cáo trên lãnh thổ địa phương trừ các quảng cáo trên phim, băng hình, xuất bản phẩm; báo chí ra thêm phụ trang, phụ bản; kênh quảng cáo.

    Quảng cáo trên các phương tiện giao thông, quảng cáo khuyến mại kèm theo sản phẩm đã được phép kinh doanh mà không thuộc loại cấm quảng cáo do Sở Văn hoá - Thông tin nơi đóng trụ sở chính của cơ sở quảng cáo cấp giấy phép và có hiệu lực trong cả nước.

     

    Điều 28

    Việc viết biển hiện nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân không phải xin phép nhưng phải tuân theo những quy định tại Chương này.

     

    Điều 29. Biển hiệu được thể hiện dưới các hình thức bảng, biểu, hộp đèn, lưới đèn hoặc các hình thức khác. Trên biển hiệu phải ghi đầy đủ tên gọi bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy phép kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền, không được viết tắt và phải có những nội dung chủ yếu theo quy định tại các Điều 30, 31 Quy chế này cho từng loại biển hiệu. Đối với các tổ chức kinh tế muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam, mầu sắc, ánh sáng không được nổi bật hơn chữ Việt Nam.

     

    Điều 30. Biểu hiệu của các cá nhân, tổ chức phải có nội dung sau đây:

    - Tên cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp.

    - Tên gọi.

    - Địa chỉ giao dịch.

    - Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải ghi rõ ngành nghề kinh doanh chính.

    - Đối với công ty, doanh nghiệp tư nhân sau tên gọi phải ghi rõ là doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn.

     

    Điều 31. Biểu hiệu của các tổ chức kinh tế nước ngoài hoặc liện doanh với nước ngoài phải có nội dung theo quy định tại Điều 30 Quy chế này. Tên riêng, tên giao dịch quốc tế bằng tiếng nước ngoài ghi trong quyết định thành lập của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể viết chữ nước ngoài, nhưng kích thước không được lớn hơn chữ Việt Nam viết trên cùng biển hiệu.

     

    Điều 32. Biển hiệu, chỉ được gắn, treo, đặt ngay tại cơ quan, tổ chức, cửa hiệu, nhà hàng. Trên biển hiệu không được kèm các nội dung quảng cáo bất cứ loại sản phẩm hàng hoá nào.

    CHƯƠNG VII
    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

    Điều 33

    1- Quy chế này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bãi bỏ những quy định của Chính phủ trước đây trái với Quy chế này.

    2- Tất cả các tổ chức, cá nhân đang hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá quy định tại Quy chế này không có giấy phép phải đình chỉ hoạt động ngay. Muốn tiếp tục hoạt động phải làm thủ tục xin phép theo quy định.

    3- Các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hoá và dịch vụ đã có giấy phép trước khi ban hành Quy chế này, nếu đủ điều kiện và thủ tục theo quy định tạo Quy chế này được tiếp tục hoạt động, nếu không đủ điều kiện phải đình chỉ hoạt động ngay, nếu không đủ thủ tục phải làm lại thủ tục đăng ký.

     

    Điều 34

    1- Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn chi tiết thực hiện Quy chế này.

    2- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá ở địa phương mình theo đúng quy định tại Quy chế này.

     

    QUY ĐỊNH

    NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH BÀI TRỪ MỘT SỐ TỆ NẠN Xà HỘI NGHIÊM TRỌNG

    (Ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995)

     

    CHƯƠNG I
    BÀI TRỪ MẠI DÂM, MA TUÝ

     

    Điều 1. Mại dâm, ma tuý là các tệ nạn xã hội trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hướng xấu đến sức khoẻ, giống nòi, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân và trật tự an toàn xã hội; để lại hậu quả nghiêm trọng cho các thế hệ sau. Mọi hình thức thể hiện của các tệ nạn này phải được ngăn ngừa, những kẻ vi phạm phải bị nghiêm trị.

     

    Điều 2. Nghiêm trị mọi hành vi lạm dụng tình dục trẻ em; môi giới, lừa gạt trẻ em vào con đường mại dâm, dụ dỗ trẻ em nghiện hút ma tuý, đánh bạc.

     

    Điều 3. Những kẻ hoạt động có tổ chức nhằm chống đối sự kiểm soát của các cơ quan Nhà nước (như: phòng có hầm hoặc gác xép kín trú ẩn, có thuê bọn côn đồ canh gác, có hệ thống báo động ngầm...), những kẻ tái phạm phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn.

     

    Điều 4. Các cơ sở của các cơ quan Nhà nước cho tư nhân thuê và các cơ sở của tư nhân mà ở đây xảy ra các vi phạm về tệ nạn xã hội thì phải chấm dứt ngay hợp đồng cho thuê, Nhà nước thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi hoặc tịch thu cơ sở ấy sử dụng vào các việc vì lợi ích chung.

    Những người trực tiếp quản lý cơ sở quốc doanh (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, vũ trường...) mà tổ chức mại dâm, môi giới mại dâm, tổ chức dùng chất ma tuý, hoặc vì bất kỳ lý do gì mà để người dưới quyền mình tổ chức hoặc chứa chấp mại dâm, ma tuý tại cơ sở mình trực tiếp quản lý thì tuỳ mức độ sai phạm bị kỷ luật hành chính, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

     

    Điều 5. Cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước mua dâm, nghiện ma tuý, phải bị xử lý nghiêm theo Chỉ thị 33/CT và Nghị định 53/CP. Không để sót một cán bộ, đảng viên, viên chức nào vi phạm mà không bị xử lý. Những khách sạn, Nhà hàng, nhà nghỉ của Nhà nước để xảy ra các vi phạm về tệ nạn xã hội thì cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý các cơ sở ấy phải chịu trách nhiệm và người đứng đầu cơ quan Nhà nước ấy phải bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc và tuỳ mức độ vi phạm mà bị xử phát hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

     

    Điều 6. Người nghiện ma tuý, người mại dâm phải được giáo dục, chữa bệnh.

    Người nghiện ma tuý, người mại dâm có tính chất thường xuyên đã được chính quyền và nhân dân địa phương giáo dục mà vẫn không chịu sửa chữa thì đưa vào cơ sở tập trung để giáo dục và chữa bệnh (theo Điều 24 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính).

    Người sử dụng ma tuý, người mại dâm lần đầu, những người tự nguyện sửa chữa được giáo dục và giúp đỡ chữa bệnh tại cộng đồng và gia đình, được hỗ trợ về kinh phí học nghề, việc làm để từ bỏ nghiện hút và mại dâm, làm ăn chính đáng.

     

    Điều 7. Các cơ sở sử dụng tiếp viên, nhân viên, vũ nữ... phải ký hợp đồng lao động theo quy định của Luật lao động; phải đăng ký danh sách tiếp viên, nhân viên, vũ nữ với công an phường sở tại.

    Khách nghỉ tại cơ sở phải có giấy tờ tuỳ thân, phải đăng ký tạm trú theo quy định hiện hành về chế độ tạm trú. Không được có các hành vi thiếu văn hoá, say rượu, gây rối trật tự công cộng.

    Nghiêm cấm tiếp viên, nhân viên, vũ nữ có những hành vi mại dâm.

    CHƯƠNG II
    BÀI TRỪ NẠN ĐÁNH BẠC

     

    Điều 8. Nghiêm cấm mọi hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc.

    Người tổ chức đánh bạc và người đánh bạc đều bị xử lý theo pháp luật.

    Điều 9. Những hành vi tổ chức đánh bạc bao gồm:

    1- Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác vào đánh bạc;

    2- Giữ tiền, cầm đồ, cho vay tại các sòng bạc;

    3- Che dấu, bảo vệ, bảo kê tại các sòng bạc;

    4- Tổ chức đặt các máy, trò chơi điện tử, các loại chơi "cá độ" dưới bất kỳ hình thức nào để đánh bạc.

    5- Dùng nhà của mình hoặc một số địa điểm khác để chứa bạc (gá bạc);

    6- Tổ chức cá cược ăn tiền;

    7- Làm chủ đề, tổ chức ghi đề;

    8- Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, thơ đề và các ấn phẩm khác để đánh đề.

     

    Điều 10. Những hành vị đánh bạc bao gồm:

    1- Đánh bạc dưới mọi hình thức: xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, và các hình thức khác;

    2- Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử, bóng tay, bàn bi-a hoặc bằng các phương tiện khác;

    3- Tham gia cá cược ăn tiền trong các môn thể thao vui chơi giải trí (như đua ngựa, chọi gà, bóng đá v.v...) và mọi hình thức cá cược ăn tiền khác;

    4- Mua bảng đề, ô số đề.

    CHƯƠNG III
    PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN Xà HỘI TRONG KINH DOANH CƠ SỞ LƯU TRÚ, NHÀ HÀNG ĂN UỐNG

     

    Điều 11. Nghiêm cấm các hoạt động sau đây ở các khách sạn, làng du lịch, bãi cắm trại, nhà nghỉ, nơi điều dưỡng, căn hộ cho thuê, nhà trọ bình dân (gọi chung là cơ sở lưu trú) và ở các nhà hàng ăn uống, quán cà phê, giải khát (gọi chung là nhà hàng ăn uống):

    1- Đánh bạc;

    2- Tiêm chích hoặc sử dụng ma tuý;

    3- Mua bán dâm.

    Trường hợp xảy ra các hành vi nói trên thì người đứng đầu cơ sở kinh doanh, người trực tiếp vi phạm và nhân viên quản lý phải xử lý theo quy định xử phát hành chính, bị thu hồi đăng ký kinh doanh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

     

    Điều 12. Chỉ những cơ sở kinh doanh được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyển cho phép mới được tổ chức các hoạt động vũ trường, Karaokê, chiếu video theo đúng các quy định.

     

     

    Điều 13

    1- Xoa bóp là một phương pháp trong hệ thống các phương pháp vật lý trị liệu nhằm phục hồi và nâng cao sức khoẻ con người.

    2- Chỉ có các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các khách sạn được Giám đốc Sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy chứng nhân đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề xoa bóp mới được tổ chức dịch vụ xoa bóp. Người thực hiện dịch vụ xoa bóp phải được đào tạo chuyên môn kỹ thuật về xoa bóp và vật lý trị liệu.

    Bộ Y tế quy định cụ thể về tiêu chuẩn và điều kiện đối với dịch vụ xoa bóp.

    3- Nghiêm cấm việc lợi dụng cơ sở xoa bóp để tiến hành các hoạt động mại dâm.

     

    Điều 14. Mỗi cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống phải tự xây dựng nội quy quản lý nhân viên và hướng dẫn khách hàng phù hợp với quy định này. Tất cả các cở sở lưu trú đều phải đăng ký khách trọ, thực hiện đúng trách nhiệm và phạm vi quản lý theo chế độ quy định.

     

    Điều 15. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống phải bố trí phòng ngủ, phòng ăn, phòng giải trí, phòng giải khát bảo đảm thuận lợi cho việc loại trừ mọi hoạt động tệ nạn xã hội.

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Thông tư 19-BYT/TT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý dịch vụ xoa bóp
    Ban hành: 21/12/1995 Hiệu lực: 21/12/1995 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    02
    Thông tư 05/LĐTBXH-TT của Bộ lao động, Thương binh và xã hội hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính về không ký kết hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 và số 88/CP ngày 14/12/1995
    Ban hành: 12/02/1996 Hiệu lực: 12/02/1996 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản hướng dẫn
    03
    Thông tư 15-TT/BT của Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam hướng dẫn thực hiện Nghị định 87/CP của Chính phủ và Chỉ thị 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá, bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng
    Ban hành: 26/02/1996 Hiệu lực: 26/02/1996 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    04
    Thông tư 85/1999/TT-BVHTT của Bộ Văn hoá-Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điểm về hoạt động quảng cáo quy định tại Nghị định 194/CP ngày 31/12/1994, Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995, Nghị định 32/1999/NĐ-CP ngày 5/5/1999 của Chính phủ
    Ban hành: 19/06/1999 Hiệu lực: 04/07/1999 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    05
    Thông tư 11/2001/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp
    Ban hành: 06/06/2001 Hiệu lực: 21/06/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    06
    Nghị định 36/CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 87/CP (14/12/1995) và Nghị định 194/CP (31/12/1994) của Chính phủ
    Ban hành: 19/06/1996 Hiệu lực: 19/06/1996 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    07
    Nghị định 11/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng
    Ban hành: 18/01/2006 Hiệu lực: 15/02/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    08
    Thông tư 64/TC-TT của Bộ Văn hoá-Thông tin về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Sở văn hoá-thông tin
    Ban hành: 02/10/1996 Hiệu lực: 02/10/1996 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý
    Ban hành: 30/11/1996 Hiệu lực: 30/11/1996 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Chỉ thị 35/CT-BVHTT của Bộ Văn hoá-Thông tin về công tác thanh tra văn hoá - thông tin năm 2000
    Ban hành: 13/03/2000 Hiệu lực: 13/03/2000 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Thông tư 54/2001/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2002
    Ban hành: 05/07/2001 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    12
    Nghị định 59/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc bãi bỏ một số giấy phép và thay thế một số giấy phép bằng phương thức quản lý khác
    Ban hành: 04/06/2002 Hiệu lực: 04/07/2002 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần
    13
    Nghị định 110/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ
    Ban hành: 30/12/2022 Hiệu lực: 30/12/2022 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Nghị định 87/CP tăng cường quản lý hoạt động VH và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ tệ nạn XH nghiêm trọng

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Chính phủ
    Số hiệu:87/CP
    Loại văn bản:Nghị định
    Ngày ban hành:12/12/1995
    Hiệu lực:12/12/1995
    Lĩnh vực:Vi phạm hành chính, Văn hóa-Thể thao-Du lịch
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Võ Văn Kiệt
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Hết Hiệu lực một phần
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X