hieuluat

Thông tư 06/1998/TT-BCA thực hiện Quy chế quản chế hành chính

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Công anSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:06/1998/TT-BCANgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Lê Minh Hương
    Ngày ban hành:03/12/1998Hết hiệu lực:07/08/2014
    Áp dụng:18/12/1998Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Vi phạm hành chính
  • THÔNG TƯ

    CỦA BỘ CÔNG AN SỐ 06/1998/TT-BCA NGÀY 3 THÁNG 12 NĂM 1998
    HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA QUY CHẾ
    QUẢN CHẾ HÀNH CHÍNH BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH
    SỐ 31/CP NGÀY 14-4-1997 CỦA CHÍNH PHỦ.

     

    Ngày 14-4-1997 Chính phủ đã ban hành Quy chế Quản chế hành chính kèm theo Nghị định 31/CP. Để thực hiện thống nhất, Bộ Công an hướng dẫn một số điểm như sau:

    1. Về đối tượng quản chế hành chính

    Theo quy định tại Điều 2 của Quy chế Quản chế hành chính thì đối tượng quản chế hành chính phải là người có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Chương I Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Việc xác định những người có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự để áp dụng biện pháp quản chế phải được xem xét một cách khách quan, toàn diện; đánh giá đúng tính chất, mức độ vi phạm của hành vi đó là vi phạm hành chính. Việc xem xét, đánh giá còn phải dựa vào tính chất và hậu quả do hành vi vi phạm đó gây ra, động cơ mục đích khi thực hiện hành vi, nhân thân của người vi phạm cũng như tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và yêu cầu chính trị của địa phương khi xảy ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Trường hợp khó xác định là phạm tội hay vi phạm hành chính thì cần trao đổi, thống nhất giữa Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Toà án.

    b) Phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

    Việc xác định độ tuổi phải dựa vào giấy khai sinh nếu không có giấy khai sinh thì phải căn cứ vào hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc lý lịch và các tài liệu khác có chứng nhận của chính quyền cấp xã. Chỉ quản chế hành chính đối với đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên. Thời điểm để tính độ tuổi là thời điểm ra quyết định quản chế hành chính.

    2. Về thời hạn quản chế hành chính.

    Theo Điều 1 của Quy chế thì thời hạn quản chế từ 6 tháng đến 2 năm; thời hạn quản chế phải được ghi trong quyết định quản chế hành chính.

    Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và nhân thân của người cần áp dụng biện pháp quản chế hành chính mà Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời hạn quản chế hành chính thích hợp đối với từng đối tượng cụ thể. Thời hạn quản chế được tính từ ngày người bị quản chế đến trình diện hoặc có mặt tại trụ sở UBND cấp xã nơi người đó thi hành quyết định quản chế hành chính.

    3. Nơi thi hành quyết định quản chế hành chính

    Theo quy định tại Điều 4 của Quy chế, quyết định quản chế hành chính được thi hành tại nơi cư trú của người bị quản chế hành chính.

    Trường hợp nơi cư trú của người bị quản chế là những địa bàn quan trọng, xung yếu về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng hoặc những nơi mà người bị quản chế dễ có điều kiện tiếp tục có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia thì nơi thi hành quyết định của người bị quản chế có thể được thực hiện ở xã, phường, thị trấn khác trong cùng một huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh hoặc ở huyện, quận khác nhưng vẫn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó. Để thực hiện đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 11 của Quy chế, đồng thời tạo điều kiện cho người bị quản chế thi hành quyết định quản chế thuận lợi, Thường trực Hội đồng tư vấn có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với UBND cấp huyện, cấp xã đã đề nghị đưa người vào quản chế hành chính và UBND cấp huyện, cấp xã, nơi người bị quản chế sẽ đến thi hành quyết định trước khi đề xuất báo cáo UBND cấp tỉnh ra quyết định. Cơ quan Công an có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp trong việc thực hiện quyết định quản chế hành chính của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Hết thời hạn quản chế, người bị quản chế được trở về nơi cư trú cũ của mình.

    4. Lập hồ sơ đề nghị quản chế hành chính

    Hồ sơ đề nghị quản chế hành chính do Chủ tịch UBND cấp huyện, nơi có người cần áp dụng biện pháp quản chế hành chính lập. Công an cấp huyện, giúp Chủ tịch UBND cùng cấp lập hồ sơ, chỉ đạo Công an cấp xã và phối hợp với UBND cấp xã nơi có người cần áp dụng biện pháp quản chế hành chính cư trú trong việc thu thập tài liệu cần thiết. Nội dung hồ sơ đề nghị quản chế hành chính phải bao gồm các tài liệu đã được quy định tại Điều 6 của Quy chế quản chế hành chính. Cần chú ý các tài liệu phản ánh về vi phạm pháp luật của người đó, nhất là những tài liệu phản ánh đúng thực tế và có giá trị chứng minh, làm cơ sở kết luận về hành vi xâm phạm an ninh quốc gia của người cần áp dụng biện pháp quản chế hành chính.

    5. Xét duyệt và quyết định quản chế hành chính.

    Khi xét duyệt và quyết định quản chế hành chính phải thực hiện đúng quy định của các từ Điều 8 đến Điều 12 của Quy chế và cần chú ý thêm một số điểm sau đây:

    a) Hội đồng tư vấn do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, các thành viên của Hội đồng Tư vấn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

    b) Hội đồng Tư vấn làm việc theo chế độ tập thể. Thường trực Hội đồng chủ trì cuộc họp của Hội đồng. Hội đồng phải xem xét cụ thể từng trường hợp quản chế hành chính, các thành viên Hội đồng phải phát biểu quan điểm của mình về từng trường hợp đề nghị quản chế hành chính, sau đó biểu quyết. Trong trường hợp cần xác minh, làm rõ thêm về hồ sơ của người cần quản chế hành chính trước khi kết luận thì Hội đồng bàn bạc cách giải quyết và cuộc họp có thể được hoãn. Sau khi làm rõ các tài liệu trong hồ sơ, thường trực Hội đồng Tư vấn phải tổ chức lại cuộc họp, nhưng không được quá 30 ngày kể từ lần họp trước. Các cuộc họp của Hội đồng Tư vấn phải được lập biên bản.

    c) Thường trực Hội đồng Tư vấn do đại diện lãnh đạo Cơ quan Công an cấp tỉnh đảm nhiệm (Giám đốc hoặc Phó giám đốc phụ trách an ninh). Thường trực Hội đồng Tư vấn có trách nhiệm chuẩn bị các tài liệu cho cuộc họp Hội đồng và gửi tới các thành viên của Hội đồng, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chậm nhất 7 ngày trước khi họp Hội đồng; chuẩn bị nơi họp, thời gian, địa điểm, ghi biên bản cuộc họp và thay mặt Hội đồng làm văn bản trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

    d) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị quản chế hành chính của Hội đồng Tư vấn (trong trường hợp Hội đồng Tư vấn hoặc Viện kiểm sát có ý kiến trái ngược nhau thì phải gửi kèm biên bản phản ánh ý kiến cuộc họp tới Chủ tịch UBND cấp tỉnh), Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xem xét, ra quyết định hoặc không ra quyết định quản chế hành chính. Quyết định quản chế hành chính theo mẫu quy định của Bộ Công an và phải ghi đầy đủ nội dung như quy định tại Điều 11 của Quy chế Quản chế hành chính.

    6. Giảm thời hạn quản chế hành chính

    Người bị quản chế hành chính có thể được Chủ tịch UBND cấp tỉnh xét giảm thời hạn quản chế, nếu có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế Quản chế hành chính và có đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện nơi người bị quản chế thi hành quyết định quản chế hành chính.

    Người bị quản chế hành chính phải làm đơn đề nghị xin giảm thời hạn quản chế gửi Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trên cơ sở đơn đề nghị của người bị quản chế hành chính, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, có nhận xét về quá trình chấp hành các quy định của pháp luật hoặc người bị quản chế hành chính lập công trong thời hạn thi hành quyết định quản chế, đồng thời Chủ tịch UBND cấp huyện làm đề nghị báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

    Tuỳ thuộc vào sự tiến bộ hoặc lập công và thời hạn phải thi hành quyết định của người bị quản chế hành chính mà Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời hạn được giảm cho từng trường hợp cụ thể. Những người được giảm từ lần thứ hai trở đi phải là người thực sự tiến bộ hoặc lập công mới so với lần giảm trước, nhưng tổng số thời hạn được giảm không được quá 1/3 thời hạn phải quản chế.

    Quyết định giảm thời hạn quản chế phải được gửi cho người bị quản chế, UBND cấp huyện, cơ quan Công an cùng cấp và UBND cấp xã nơi người bị quản chế thi hành quyết định.

    7. Cấp giấy phép cho người bị quản chế hành chính đi ra khỏi nơi thi hành quyết định quản chế.

    Mẫu Giấy phép cấp cho người bị quản chế đi ra khỏi nơi thi hành quyết định quản chế do Bộ Công an quy định.

    Việc cấp giấy phép cho người bị quản chế hành chính đi ra khỏi nơi thi hành quyết định quản chế phải tuân theo quy định tại Điều 17 Quy chế Quản chế hành chính và cần chú ý:

    a) Chỉ cấp giấy phép trong trường hợp người bị quản chế có đơn xin phép trình bày rõ lý do chính đáng như: thăm thân nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình bị lũ lụt, hoả hoạn, có việc tang. Cơ quan công an có trách nhiệm xem xét, báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc cấp giấy phép cho người bị quản chế.

    b) Đối với những trường hợp người bị quản chế hành chính hàng ngày phải đến nơi nhất định để học tập, lao động, chữa bệnh thì Chủ tịch UBND có thẩm quyền theo quy định tại điểm a nêu trên có thể cấp giấy phép theo từng tháng cho họ trên cơ sở đơn đề nghị và có xác nhận của nơi người bị quản chế đến học tập, lao động, chữa bệnh.

    8. Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định quản chế hành chính.

    Việc cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định quản chế hành chính phải thực hiện đúng quy định tại Điều 84 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 26 của Quy chế Quản chế hành chính. Hết thời hạn chấp hành quyết định quản chế hành chính, UBND cấp xã phải cấp giấy chứng nhận cho người bị quản chế. Giấy chứng nhận chấp hành xong quyết định quản chế theo mẫu thống nhất của Bộ Công an.

     

     

     

    9. Tổ chức thực hiện

    a) Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký; các quy định của Bộ Nội vụ (nay là Công an) về quản chế hành chính trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

    b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các ngành và Uỷ ban nhân dân cấp dưới thực hiện các quy định của pháp luật về quản chế hành chế.

    c) Tổng cục An ninh chủ trì và phối hợp với Tổng cục Cảnh sát, Vụ Pháp chế chỉ đạo, đôn đốc Công an các địa phương thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản chế hành chính; giúp Bộ trưởng theo dõi, tổng hợp tình hình và báo cáo Chính phủ việc thực hiện quy định của pháp luật về quản chế hành chính; giúp Bộ trưởng giải quyết các khiếu nại về quản chế hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

    d) Phòng An ninh điều tra chủ trì và phối hợp với các Phòng nghiệp vụ có liên quan giúp lãnh đạo Công an cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm thường trực Hội đồng tư vấn; tổng hợp tình hình và làm báo cáo việc thực hiện quy định của pháp luật về quản chế hành chính gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Công an.

    e) Công an cấp huyện có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình, giúp UBND cùng cấp 6 tháng một lần làm báo cáo gửi UBND và Công an cấp tỉnh về việc thực hiện quản chế ở địa phương, lưu giữ hồ sơ quản chế hành chính.

    g) Công an cấp xã có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp trong việc theo dõi, quản lý, giáo dục người bị quản chế hành chính ở địa phương, 3 tháng một lần làm báo cáo gửi UBND, Cơ quan công an cấp huyện về tình hình thực hiện quản chế hành chính ở địa phương.

    h) Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các đơn vị, địa phương cần báo cáo về Bộ (qua V19) để hướng dẫn kịp thời.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 31/CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản chế hành chính
    Ban hành: 14/04/1997 Hiệu lực: 28/04/1997 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    02
    Bộ luật Hình sự
    Ban hành: 27/06/1985 Hiệu lực: 01/01/1986 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    03
    Quyết định 4582/QĐ-BCA của Bộ Công an về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công an trong kỳ hệ thống hóa đến hết ngày 31/12/2013
    Ban hành: 07/08/2014 Hiệu lực: 07/08/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X