Cơ quan ban hành: | Bộ Xây dựng | Số công báo: | 622&623 - 12/2008 |
Số hiệu: | 08/2008/CT-BXD | Ngày đăng công báo: | 01/12/2008 |
Loại văn bản: | Chỉ thị | Người ký: | Nguyễn Hồng Quân |
Ngày ban hành: | 17/11/2008 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 17/11/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Xây dựng |
CHỈ THỊ
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 08/2008/CT-BXD NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 2008
VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG, ĐẢM BẢO SỰ PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ XÂY DỰNG
Thực hiện nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2008, cùng với nền kinh tế cả nước, các doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn do những biến động phức tạp, khó lường của nền kinh tế thế giới và trong nước; song với sự chỉ đạo sát sao của Bộ và nỗ lực, phấn đấu quyết liệt của các đơn vị trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra ngay từ đầu năm, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá.
Trong 10 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất kinh doanh đạt 82,1% kế hoạch năm, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2007; giá trị thực hiện đầu tư đạt xấp xỉ 70% kế hoạch năm, tiến độ thực hiện của các dự án trọng điểm nhìn chung được đảm bảo, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, đầu tư xi măng, các đơn vị đã khẩn trương, tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thành các dự án, sớm đưa vào hoạt động trong năm 2008 và 2009 nhằm đảm bảo kế hoạch huy động công suất theo Quy hoạch, góp phần bình ổn thị trường xi măng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số đơn vị đạt thấp, nhất là trong lĩnh vực xây lắp; tình hình tài chính còn khó khăn; việc rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án còn chậm trễ, nặng về hình thức và hiệu quả chưa cao, tiến độ thực hiện của một số dự án bị chậm đã gây lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư; công tác quản trị doanh nghiệp vẫn còn một số bất cập, tồn tại; một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu và xây dựng Chiến lược phát triển toàn diện, lâu dài; mô hình tổ chức quản lý và việc cử người đại diện phần vốn nhà nước của Tổng công ty tại các doanh nghiệp khác ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ nên chưa phát huy được tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp này; vẫn còn tình trạng một người đại diện tham gia kiêm nghiệm quản lý, điều hành cùng một lúc tại nhiều doanh nghiệp.
Nhằm hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2008; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, đảm bảo sự phát triển ổn định và tăng trưởng bền vững của các đơn vị thuộc Bộ trong năm 2009 và hoàn thành kế hoạch 05 năm 2006 - 2010, Bộ trưởng Xây dựng chỉ thị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Giám đốc các Công ty độc lập và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây :
1. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: số 03/2008/CT-BXD ngày 31/3/2008 về một số giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2008 của Bộ Xây dựng; số 06/2008/CT-BXD ngày 08/5/2008 về việc triển khai thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng.
2. Thực hiện nghiêm việc rà soát, cắt giảm các khoản đầu tư, các dự án kém hiệu quả hoặc chưa cần thiết để tập trung vốn cho các dự án công trình quan trọng, có khả năng sớm mang lại hiệu quả, hoàn thành trong năm 2008 - 2009, nhất là các dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (điện, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng...); tiết kiệm tối đa chi phí để nâng cao hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh.
Tập trung chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án; đồng thời đẩy nhanh việc phê duyệt, điều chỉnh dự toán, tổng mức đầu tư các dự án gắn với việc áp dụng các biện pháp khắc phục những tổn thất do ngừng hoặc giãn tiến độ thi công những công trình đang đầu tư để vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa giảm thất thoát, lãng phí.
3. Tập trung giải quyết hàng tồn kho, ứ đọng, sản phẩm dở dang, đẩy mạnh tiêu thụ, thu hồi vốn; thực hiện việc rà soát, phân loại, đối chiếu các khoản nợ, từ đó có các giải pháp cụ thể kiểm soát và thanh toán nợ kịp thời nhằm đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn. Phải coi việc đôn đốc thanh toán nợ, nhất là những khoản nợ xấu là một trong những giải pháp vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa mang tính thường xuyên, lâu dài, đảm bảo cho việc sử dụng vốn tiết kiệm và có hiệu quả; kịp thời báo cáo Bộ tình hình công nợ các công trình, dự án trọng điểm hiện có vướng mắc về thủ tục thanh toán để có hướng xem xét, giải quyết.
4. Thực hiện chế độ kiểm toán, đánh giá, minh bạch tài chính doanh nghiệp; không để xảy ra các vụ việc tiêu cực. Kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn thông qua việc phát hành chứng khoán của các Công ty nhà nước hoặc Công ty cổ phần có vốn nhà nước; việc phát hành chứng khoán huy động vốn phải có phương án đảm bảo vốn huy động sử dụng có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, phải báo cáo để được Bộ chấp thuận trước khi triển khai thực hiện.
Trường hợp các Công ty nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước khi phát hành chứng khoán để huy động vốn trên thị trường chứng khoán phải báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ Xây dựng (Vụ Kế hoạch - Tài chính) và Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước) để xem xét, bố trí lịch đấu giá cho phù hợp với tình hình chung của thị trường.
5. Tập trung rà soát, xây dựng Chiến lược đầu tư, phát triển toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động; ưu tiên phát triển, đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh chính, mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Vốn cho yêu cầu của sản xuất kinh doanh chính phải chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn hiện có của doanh nghiệp.
Về đầu tư của các doanh nghiệp vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả, trình Bộ xem xét để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước khi thực hiện.
6. Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp phù hợp với mô hình Công ty mẹ - Công ty con; cải cách các thủ tục hành chính để nâng cao tính tự chủ, năng động của các doanh nghiệp thành viên :
6.1. Hoàn thiện Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, ban Kiểm soát Tổng công ty; trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng uỷ viên Hội đồng quản trị, từng thành viên Ban Kiểm soát; đồng thời xác định rõ mối quan hệ giữa Hội đồng quản trị, ban Kiểm soát với Ban Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc của Tổng công ty. Trên cơ sở đó, theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện của các tổ chức và thành viên tham gia quản lý, điều hành của Tổng công ty.
6.2. Hoàn thiện Quy chế hoạt động của người quản lý phần vốn của Tổng công ty tại các doanh nghiệp khác phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện quản lý kinh doanh của Tổng công ty. Trong Quy chế cần phải làm rõ được các tiêu chuẩn của người đại diện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể của từng người đại diện tương ứng với từng vị trí được giao. Đặc biệt quan tâm đến chế độ báo cáo của người đại diện tại doanh nghiệp khác.
6.3. Khẩn trương rà soát, lập phương án và tổ chức thực hiện việc cử người đại diện phần vốn nhà nước của Tổng công ty vào tất cả các doanh nghiệp có vốn góp của mình theo hướng :
- Chấm dứt tình trạng cử Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng Tổng công ty làm người đại diện tại các doanh nghiệp thành viên khi cổ phần hoá; trường hợp thực sự cần thiết, chỉ cử người đại diện tại các doanh nghiệp cổ phần mới thành lập khi có dự án đầu tư của Tổng công ty đồng thời phải báo cáo Bộ trước khi triển khai thực hiện.
- Việc lựa chọn, cử người đại diện và việc lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp theo mô hình Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm hay không kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc) Công ty cổ phần phải đảm bảo nguyên tắc: tạo sự chủ động cho doanh nghiệp và người đại diện; xác định rõ được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của người đại diện; gắn được quyền lợi, trách nhiệm của người đại diện với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tùy theo qui mô, vị trí, vai trò của doanh nghiệp khác trong Tổng công ty mà quyết định số lượng người cử làm đại diện ở mức cần thiết. Việc giao số vốn quản lý cho từng người đại diện phải phù hợp, tương xứng với chức danh được bổ nhiệm, giao theo tỷ lệ (%) trong tổng số vốn góp của Tổng công ty tại doanh nghiệp để ổn định trách nhiệm khi doanh nghiệp có sự thay đổi mức vốn điều lệ. Tăng cường cử người đại diện hoạt động chuyên trách và hạn chế cử người đại diện hoạt động kiêm nhiệm.
- Người đại diện được cử phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước và của Bộ Xây dựng, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản trị doanh nghiệp. Mỗi cán bộ không được giao kiêm nhiệm làm người đại diện ở quá 3 doanh nghiệp.
Các đơn vị phải hoàn thành việc rà soát và lập phương án cử người đại diện phần vốn nhà nước của Tổng công ty tại các doanh nghiệp khác, báo cáo kết quả về Thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Xây dựng (Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 15/12/2008.
6.4. Tổ chức định kỳ việc đánh giá hiệu quả quản lý vốn đầu tư của Tổng công ty ở doanh nghiệp khác đối với những cán bộ được cử làm đại diện; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ được cử làm đại diện để phát triển các cán bộ có năng lực thực sự, tạo nguồn cán bộ để tham gia các chức danh quản lý khác khi có nhu cầu. Kịp thời thay thế những cán bộ không đủ năng lực, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
6.5. Rà soát danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, có đủ điều kiện là Công ty đại chúng để chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán nhà nước và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật đối với loại hình Công ty này.
7. Cùng với việc tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2008, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ phải rà soát, xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và kế hoạch ngân sách năm 2009 cho đơn vị mình và các giải pháp để thực hiện, trong đó nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009 là: chủ động phòng ngừa suy giảm, đảm bảo phát triển bền vững với mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của Ngành công nghiệp và xây dựng cả nước mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 của đơn vị phải đảm bảo tính khả thi, kế thừa những mặt mạnh, những mặt đã làm được của năm 2008 và những năm trước đó cùng các giải pháp nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và các sản phẩm, dịch vụ; đặc biệt chú ý đến các chỉ tiêu lợi nhuận/doanh thu, lợi nhuận/vốn.
Về kế hoạch đầu tư phát triển: phù hợp với khả năng huy động, cân đối các nguồn lực để triển khai thực hiện; tập trung vốn và nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án sắp hoàn thành, có khả năng mang lại hiệu quả cao, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (điện, xi măng, vật liệu xây dựng...). Đặc biệt phải lưu ý kiểm soát chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các nhà máy xi măng để sớm đưa vào hoạt động, tăng nguồn cung cho thị trường, đảm bảo việc huy động công suất theo Quy hoạch.
8. Về tổ chức thực hiện:
Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính là đầu mối tổng hợp; các Vụ : Tổ chức cán bộ, Kinh tế xây dựng, Quản lý hoạt động xây dựng theo chức năng được giao, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện Chỉ thị này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty; Giám đốc các Công ty độc lập, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Quân
01 | Văn bản dẫn chiếu |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
Chỉ thị 08/2008/CT-BXD nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo sự phát triển ổn định các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Xây dựng |
Số hiệu: | 08/2008/CT-BXD |
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Ngày ban hành: | 17/11/2008 |
Hiệu lực: | 17/11/2008 |
Lĩnh vực: | Xây dựng |
Ngày công báo: | 01/12/2008 |
Số công báo: | 622&623 - 12/2008 |
Người ký: | Nguyễn Hồng Quân |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!