Cơ quan ban hành: | Bộ Xây dựng | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 2834/BXD-KTQH | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Nguyễn Mạnh Kiểm |
Ngày ban hành: | 22/10/1999 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Chưa xác định |
Lĩnh vực: | Xây dựng |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 2834/BXD-KTQH NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 1999 VỀ VIỆC CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CẤP NƯỚC ĐÔ THỊ ĐẾN NĂM 2020
Kính gửi:
- Văn phòng Chính phủ
- Bộ Kế hoạch Đầu tư
- Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ
- Bộ Tài chính
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp
- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
- Ban Quản lý các khu công nghiệp Việt Nam
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Quyết định số 63/1998/QĐ-TTg ngày 18/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị đến năm 2020, Bộ Xây dựng đã soạn thảo Chương trình khung tổ chức thực hiện định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020. Chương trình khung này đã được trình bày và đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương tại Hội nghị quản lý và phát triển đô thị vào hai ngày 12, 13/3/1999 và Hội nghị về chống thất thoát nước, thất thu tiền nước vào 2 ngày 15-16/10/1998 tại Hà Nội.
Từ tháng 3 đến tháng 8/1999, Bộ Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân các thành phố, thị xã; các Sở Xây dựng, Sở Giao thông Công chính, Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nhận được những ý kiến đóng góp bằng văn bản của các cơ quan, Bộ Xây dựng đã bổ sung và hoàn chỉnh Chương trình khung tổ chức thực hiện định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 để ban hành theo Quyết định số 63/1998/QĐ-TTg ngày 18/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng xin gửi Chương trình khung này đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân mỗi cấp, các Sở, ban, ngành liên quan có chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của mình trong lĩnh vực quản lý và phát triển cấp nước đô thị.
Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành và địa phương nếu có những vướng mắc xin gửi về Bộ Xây dựng để kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh.
CHƯƠNG TRÌNH KHUNG THỰC HIỆN "ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CẤP NƯỚC ĐÔ THỊ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020"
(Ban hành thực hiện theo Quyết định số 63/1998/QĐ/TTg
ngày 18/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ)
I. Tên chương trình: Chương trình khung thực hiện Định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020.
II. Mục tiêu: Cụ thể hoá Định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và phát triển cấp nước đô thị.
- Xác lập quan điểm, nhận thức và nhiệm vụ quản lý phát triển cấp nước đô thị và biện pháp phối hợp các hoạt động giữa các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền đô thị các cấp trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình khung nhằm từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cấp nước của các đô thị trong cả nước, phát triển bền vững đáp ứng được yêu cầu cấp nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Bảo đảm năm 2000 có 80% dân số đô thị được cấp nước sạch với tiêu chuẩn bình quân là 80 - 100lít/người/ngày. Các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu 100% dân số đô thị được cấp nước sạch với tiêu chuẩn 120 - 150lít/người/ngày.
- Đến năm 2020 phấn đấu 100% dân số đô thị được cấp nước sạch với tiêu chuẩn 120 - 150lít/người/ngày, đối với các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đạt tiêu chuẩn 180 - 200lít/người/ngày.
III. Nội dung chương trình:
Để thực hiện "Định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020" và đạt được mục tiêu cụ thể trên, Ngành Nước cần triển khai thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Khai thác, sử dụng hợp lý, bảo vệ nguồn nước và vệ sinh môi trường
Để đáp ứng yêu cầu cấp nước do tăng tỷ lệ dân số, phát triển đô thị và cấp nước cho sản xuất và hoạt động văn hoá - xã hội trong các đô thị, cần kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công nghiệp (Cục Địa chất Việt Nam) tiếp tục tiến hành điều tra, đánh giá cụ thể tài nguyên nước, có biện pháp dự trữ nguồn nước và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc khai thác sử dụng nguồn nước không có phép, để đảm bảo nguồn nước cấp cho các đô thị an toàn, bền vững.
2. Rà soát, điều chỉnh và lập quy hoạch chủ đạo hệ thống cấp nước vùng và đô thị.
Hiện nay 86 thành phố, thị xã đã có hệ thống cấp nước, song hoạt động của các hệ thống cấp nước này còn hạn chế; đối với 547 thị trấn thì hầu như chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Tương tự các vùng đô thị và các đô thị lớn có nhu cầu sử dụng chung các nguồn nước, nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch chủ đạo hệ thống cấp nước. Để có cơ sở thống nhất quản lý, phát triển các hệ thống cấp nước, công tác quy hoạch xây dựng cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:
- Chỉ đạo lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chủ đạo hệ thống cấp nước cho các thành phố chủ yếu là các đô thị loại I và loại II; đối với các đô thị vừa và nhỏ có thể thì dựa trên quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt để tiến hành lập các dự án đầu tư theo quy định;
- Chỉ đạo lập dự án đầu tư cho 547 thị trấn và một số thị tứ có điều kiện;
- Tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá trữ lượng các nguồn nước mặt, nước ngầm; trên cơ sở quy hoạch chung các đô thị và khu công nghiệp cân bằng sử dụng nguồn nước, nhằm khai thác hợp lý các nguồn nước trong từng vùng;
- Chỉ đạo thực hiện quy hoạch chủ đạo cấp nước và lập các dự án cấp nước cho các vùng và đô thị lớn dựa trên cơ sở cùng sử dụng chung nguồn nước như các dự án cấp nước cho các đô thị Hoà Bình - Xuân Mai - Hoà Lạc - Hà Nội (nguồn nước sông Đà); dự án cấp nước đường 51 cấp nước cho các đô thị, khu công nghiệp thuộc các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu (nguồn nước sông Đồng Nai)...
3. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các dự án cấp nước.
- Chỉ đạo quản Ban Quản lý các dự án cấp nước của Bộ Xây dựng và của các địa phương rà soát tháo gỡ các ách tắc điều chỉnh để thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm đến các dự án vay vốn của Ngân hàng thế giới của 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Đà Nẵng; các dự án vay vốn của Ngân hàng Châu Á gồm dự án 6 tỉnh thành phố: Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nha Trang, Plâycu, Phan Thiết, Long Xuyên; dự án 7 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Ninh Bình, Vinh, Đồng Hới, Đông Hà, Quy Nhơn, Bến Tre; dự án cấp nước thành phố Việt Trì do Chính phủ Đức tài trợ; dự án cấp nước cho 5 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Vĩnh Long do Chính phủ Ôxtrâylia viện trợ không hoàn lại, đặc biệt cần chỉ đạo triển khai sớm các dự án cấp nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổ chức triển khai đấu thầu các dự án đầu tư theo vốn vay OECF của Chính phủ Nhật Bản nhằm cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước của 31 tỉnh, thành phố.
- Triển khai thiết kế kỹ thuật, đấu thầu cung cấp vật tư, thiết bị các dự án cấp nước bằng vốn vay nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như dự án cấp nước thành phố Hải Dương do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, dự án thị xã Tam Kỳ, thị xã Thái Bình do Chính phủ Phần Lan tài trợ, dự án cấp nước các thành phố Buôn Mê Thuật, Yên Bái, Vĩnh Yên do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.v.v...
4. Chỉ đạo việc chống thất thoát, thất thu trong cấp nước đô thị
Thực hiện Chỉ thị số 40/1999/CT-TTg ngày 14/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo việc áp dụng các biện pháp chống thất thoát, thất thu tiền nước, bao gồm cải tạo lại mạng lưới cấp nước các đô thị, phân chia mạng cấp nước thành những mạng nhỏ phù hợp với nhu cầu cấp nước và năng lực của các công ty cấp nước; xã hội hoá công tác ghi thu, cải tiến thiết bị ghi thu cho các công ty cấp nước, đưa công tác ghi thu về cấp phường, quận, tuyên truyền nâng cao dân trí trong sử dụng nước phấn đấu giảm tỷ lệ nước thất thoát, thất thu vào năm 2000 xuống 40% trong các khu đô thị hiện có và 30% trong các khu đô thị mới, đến năm 2020 tỷ lệ thất thoát, thất thu bình quân toàn quốc là 20%.
5. Quy hoạch và sử dụng cơ sở sản xuất vật tư thiết bị chuyên ngành.
Hiện nay, nhu cầu về vật tư, thiết bị chuyên ngành cấp thoát nước như các loại bơm, ống, phụ tùng để cung cấp cho các hệ thống cấp nước là hết sức to lớn. Các cơ sở sản xuất của chúng ta chỉ sản xuất được các vật tư, thiết bị với chất lượng thấp, khối lượng nhỏ không đáp ứng được các yêu cầu của các dự án cấp nước. Trong thời gian tới cần đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy để có thể đạt được các yêu cầu của hệ thống đảm bảo chất lượng ISO 9000 nhằm sản xuất được các loại vật tư thiết bị đảm bảo cung cấo cho các dự án cấp thoát nước và tham gia đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị chuyên ngành. Các dự án xây dựng cấp thoát nước trên địa bàn toàn quốc cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước.
6. Chỉ đạo sắp xếp lại các công ty cấp nước trên toàn quốc
Hiện nay, trên toàn quốc có 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng lại có 64 Công ty cấp nước đang hoạt động, trong đó Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Phúc mỗi nơi có hai công ty cấp nước riêng biệt. Ngoài ra, tại các địa phương một số trạm xử lý nhỏ không nằm trong sự quản lý chuyên ngành mà thực hiện sự quản lý của các tổ chức hành chính. Việc tổ chức các công ty cấp thoát nước đô thị của các địa phương cần dựa trên quy mô và khả năng quản lý đô thị mà tổ chức cho phù hợp. Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... nên tổ chức các công ty cấp và thoát nước riêng. Các đô thị nhỏ thì có thể thành lập các công ty cấp thoát nước chung để đảm bảo gọn nhẹ về tổ chức cũng như quản lý đô thị. Cần có kế hoạch nâng cao năng lực quản lý cho các công ty cấp thoát nước về các lĩnh vực kỹ thuật, đầu tư, đào tạo đảm bảo cho các công ty có khả năng tự chủ về tài chính, khả năng điều hành tốt hệ thống cấp nước giúp cho chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển các công trình cấp nước mới đạt hiệu quả.
7. Nâng cao năng lực cho các công ty tư vấn về cấp nước.
Bộ Xây dựng đang quản lý 2 Công ty tư vấn chuyên ngành cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường. Tại một số công ty tư vấn khác cũng có các trung tâm môi trường và tham gia thiết kế các công trình cấp thoát nước. Song hiện nay năng lực của các công ty tư vấn còn hạn chế, chưa có khả năng đứng ra tự đấu thầu tư vấn các công trình cấp thoát nước có vốn đầu tư của nước ngoài. Do đó, cần có các đề án nâng cao năng lực các cơ quan tư vấn cấp nước nhằm cải tiến tổ chức, đào tạo cán bộ, công nhân, tăng cường trang thiết bị để tư vấn cho Nhà nước về công tác quy hoạch chủ đạo cấp nước, lập các dự án đầu tư, quản lý và khai thác tốt hệ thống cấp nước.
IV. Tổ chức thực hiện
Chương trình khung tổ chức thực hiện Định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 có quan hệ liên ngành, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, Bộ Xây dựng với chức năng và nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính phủ và Quyết định số 68/1998/QĐ-TTg ngày 18/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực phát triển hệ thống cấp nước đô thị; các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 40/1998/CT-TTg ngày 14/12/1998 về tăng cường công tác quản lý và phát triển cấp nước.
Không có văn bản liên quan. |
Công văn 2834/BXD-KTQH Chương trình khung tổ chức định hướng phát triển cấp nước đô thị đến năm 2020
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Xây dựng |
Số hiệu: | 2834/BXD-KTQH |
Loại văn bản: | Công văn |
Ngày ban hành: | 22/10/1999 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Xây dựng |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Mạnh Kiểm |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Chưa xác định |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!