hieuluat

Quyết định 04/2006/QĐ-BGTVT Quy định về bảo đảm ATGT khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Giao thông Vận tảiSố công báo:33&34 - 01/2006
    Số hiệu:04/2006/QĐ-BGTVTNgày đăng công báo:21/01/2006
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Đào Đình Bình
    Ngày ban hành:09/01/2006Hết hiệu lực:02/07/2011
    Áp dụng:05/02/2006Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Xây dựng, Giao thông
  • QUYẾT ĐỊNH

    QUYẾT ĐỊNH

    CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 04/2006/QĐ-BGTVT NGÀY 09 THÁNG 01 NĂM 2006 BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG KHI THI CÔNG CÔNG TRÌNH TRONG
    PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ

     

    BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

     

    Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;

    Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

    Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

    Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Vận tải,

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ".

     

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.

     

    Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh thanh tra, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông, giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

    Bộ trưởng

    Đào Đình Bình


    QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG KHI THI CÔNG CÔNG TRÌNH TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2006/QĐ-BGTVT
    ngày 09 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

     

    Chương I
    QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Văn bản này quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công các công trình đường bộ hoặc công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ nhằm bảo đảm cho người và phương tiện qua lại an toàn, thông suốt, liên tục; công trình đường bộ đang khai thác được bền vững và bảo vệ môi trường.

     

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

    2. Các tổ chức, cá nhân khi thi công xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình thiết yếu, công trình đường bộ (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân thi công).

    Chương II
    BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG KHI THI CÔNG

    Mục 1
    TRƯỚC KHI THI CÔNG

     

    Điều 3. Trình tự, thủ tục xin phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ

    1. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình thiết yếu, công trình đường bộ trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục xin phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ quy định tại Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 7 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT)

    2. Tổ chức, cá nhân thi công các công trình đường bộ trên Quốc lộ đang khai thác chỉ thực hiện bước xin cấp giấy phép thi công bảo đảm an toàn giao thông quy định tại tiết c điểm 2.2 khoản 2 Mục III Thông tư số 13/2005/TT-BGTV (hồ sơ xin phép thi công công trình đường bộ trên Quốc lộ đang khai thác không cần văn bản thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải).

    3. Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ đang khai thác do Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam là Chủ đầu tư thì không phải xin giấy phép thi công nhưng trước khi thi công, Ban quản lý dự án hoặc nhà thầu thi công phải gửi đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền hồ sơ có liên quan gồm: Quyết định duyệt dự án, hồ sơ thiết kế thi công được duyệt kể cả phương án thi công, biện pháp tổ chức thi công bảo đảm an toàn giao thông để cơ quan quản lý đường bộ xem xét, thỏa thuận bằng văn bản về thời gian thi công, biện pháp tổ chức bảo đảm an toàn giao thông khi thi công.

    4. Tổ chức, cá nhân quản lý, bảo trì đường bộ làm công tác bảo dưỡng thường xuyên không phải xin giấy phép thi công nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.

    5. Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên hoặc sửa chữa hư hỏng đột xuất các công trình thiết yếu đã xây dựng hợp pháp trong hành lang an toàn đường bộ thì không phải xin phép thi công nhưng phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị quản lý đường bộ trực tiếp biết và chịu mọi trách nhiệm nếu thi công không bảo đảm an toàn giao thông để xảy ra tai nạn trên đường bộ đang khai thác.

    6. Đối với đường bộ do địa phương quản lý, bảo trì thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định để phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

     

    Điều 4. Nhận bàn giao mặt bằng, hiện trường để thi công

    Tổ chức, cá nhân đã được cấp phép thi công hoặc có văn bản thỏa thuận thi công phải đến Đơn vị quản lý đường bộ trực tiếp làm thủ tục nhận bàn giao hiện trường, mặt bằng để thi công. Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, hiện trường; tổ chức, cá nhân thi công phải chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; đồng thời, chịu mọi trách nhiệm nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông để xảy ra tai nạn giao thông.

     

    Mục 2
    TRONG KHI THI CÔNG

     

    Ngoài việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn giao thông quy định trong Giấy phép thi công, tổ chức, cá nhân thi công phải thực hiện các quy định chung về bảo đảm an toàn giao thông sau đây:

     

    Điều 5. Biện pháp và thời gian thi công

    1. Trong suốt quá trình thi công, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng biện pháp; thời gian thi công đã được thống nhất, phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định và tránh không được gây hư hại các công trình đường bộ hiện có. Trong trường hợp không thể tránh được thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về biện pháp bảo vệ hoặc tạm thời tháo dỡ, di dời và thi công hoàn trả hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

    2. Bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình đường bộ trên đường bộ đang khai thác là hạng mục công việc trong thiết kế tổ chức thi công và là một phần kinh phí của gói thầu.

    3. Tổ chức, cá nhân thi công phải chịu sự kiểm tra của đơn vị quản lý đường bộ và thanh tra giao thông đường bộ trong việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn giao thông khi thi công tại Quy định này và trong giấy phép thi công đồng thời chịu mọi trách nhiệm về sự mất an toàn giao thông do thi công gây ra.

     

    Điều 6. Thi công trong hành lang an toàn đường bộ

    1. Tổ chức, cá nhân thi công trong hành lang an toàn đường bộ ngoài vệc thực hiện các quy định có liên quan tại Quy định này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

    a. Không để vật liệu, xe máy thi công che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện trên đường bộ đang khai thác;

    b. Không để khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên đường bộ đang khai thác;

    c. Khi thi công lắp đặt các thiết bị có độ dài, kích thước lớn thì phải có biện pháp bảo đảm an toàn không được để rơi, đổ vào đường bộ đang khai thác;

    d. Có biện pháp thi công để không ảnh hưởng đến kết cấu và an toàn của công trình đường bộ hiện có. Trường hợp gây ảnh hưởng thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về biện pháp bảo vệ hoặc tạm thời tháo dỡ, di dời và thi công hoàn trả hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

    2. Nghiêm cấm việc san, đổ, ủi đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ mà không phục vụ việc thi công công trình hợp pháp.

     

    Điều 7. Đường tránh, cầu tạm và hệ thống báo hiệu đường bộ

    Đường tránh, cầu tạm và hệ thống báo hiệu đường bộ bảo đảm an toàn giao thông phải được hoàn thành trước khi thi công công trình chính. Đường tránh, cầu tạm phải bảo đảm cho các loại phương tiện giao thông có tải trọng và kích cỡ mà đường cũ đã cho phép qua lại an toàn. Hệ thống báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông phải theo đúng quy định của Điều lệ báo hiệu đường bộ hiện hành.

     

    Điều 8. Người cảnh giới

    Trong suốt thời gian thi công nhất thiết phải có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông; khi ngừng thi công phải có báo hiệu an toàn theo quy định như: biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm. Người cảnh giới hướng dẫn giao thông phải đeo băng đỏ bên cánh tay trái, được trang bị cờ, còi và đèn vào ban đêm.

     

    Điều 9. Biển hiệu, phù hiệu, trang phục khi thi công

    Tổ chức, cá nhân thi công phải có biển hiệu ở hai đầu đoạn đường thi công ghi rõ tên của cơ quan quản lý dự án hoặc chủ quản; tên đơn vị thi công, lý trình thi công, địa chỉ Văn phòng công trường, số điện thoại liên hệ và tên của người chỉ huy trưởng công trường; người chỉ huy nhất thiết phải có phù hiệu riêng để nhận biểt, người làm việc trên đường phải ăn mặc trang phục bảo hộ lao động theo quy định.

     

    Điều 10. Xe máy thi công

    1. Các xe máy thi công trên đường phải có đầy đủ thiết bị an toàn, màu sơn và đăng ký biển số theo quy định của pháp luật.

    2. Ngoài giờ thi công, xe máy thi công phải được tập kết vào bãi. Trường hợp không có bãi tập kết thì phải đưa vào sát lề đường, tại những nơi dễ phát hiện và có báo hiệu rõ cho người tham gia giao thông trên đường nhận biết.

    3. Xe máy thi công hư hỏng phải tìm mọi cách đưa sát vào lề đường và phải có báo hiệu theo quy định.

     

    Điều 11. Thi công ở nền đường, mặt đường, mặt cầu

    Khi thi công ở nền đường, mặt đường, mặt cầu phải dành lại phần nền đường, mặt đường, mặt cầu để cho xe và người đi bộ qua lại, cụ thể như sau:

    1. Mặt đường, mặt cầu rộng từ 3 làn xe trở xuống phải để ít nhất 1 làn xe.

    2. Mặt đường, mặt cầu rộng trên 3 làn xe phải để ít nhất 2 làn xe.

    3. Trường hợp không để đủ bề rộng 1 làn xe thì phải làm đường tránh. Với trường hợp tuyến đường độc đạo, mặt đường thi công hẹp không thỏa mãn các điều kiện thực tế nêu trên, có nguy cơ cao gây ách tắc giao thông trong khu vực thi công thì phải đề cập ngay từ bước nghiên cứu dự án việc bổ sung các dự án bảo đảm an toàn giao thông thành phần (hỗ trợ bằng đường thủy, đường sắt, đường hàng không...); các dự án thành phần này phải được triển khai thi công trước, bảo đảm đưa vào khai thác trước khi thi công tuyến chính.

    4. Trường hợp đào để mở rộng nền đường thì đào đến đâu phải đắp ngay đến đó. Trường hợp thi công trên các đoạn nền đất yếu, đào hạ nền đường, đắp nền cao hơn 2 mét thì phải có biện pháp riêng về tổ chức bảo đảm giao thông được Tư vấn giám sát và Chủ công trình chấp thuận và cần có biện pháp ứng phó khi gặp trời mưa, thời tiết xấu.

    5. Khi thi công móng và mặt đường: chiều dài mũi thi công không quá 300 mét, các mũi thi công cách nhau ít nhất 500 mét. Trong mùa mưa lũ, phải hoàn thành thi công dứt điểm từng đoạn sau mỗi ca, mỗi ngày, không để trôi vật liệu ra hai bên đường làm hư hỏng tài sản của nhân dân và gây ô nhiễm môi trường.

    6. Trường hợp thi công cống mà không có đường tránh thì chỉ được thi công trên 1/2 chiều dài, 1/2 chiều dài còn lại để bảo đảm giao thông thông suốt. Nếu không đủ rộng một làn xe thì phải thiết kế đắp tạm mở rộng để bảo đảm đủ bề rộng một làn xe. Có cắm hàng rào quanh hố đào, đặt chướng ngại vật chắc chắn và cách về mỗi bên 30 mét.

    7. Khi thi công trên đường phải có phương án và thời gian thi công thích hợp với đặc điểm của từng loại đường để không gây ùn tắc giao thông và bảo đảm hành lang an toàn cho người đi bộ.

     


    Điều 12. Vật liệu thi công

    1. Vật liệu thi công chỉ được đa ra đường đủ dùng từ 2 đến 3 đoạn thi công và chiều dài để vật liệu không kéo dài quá 300 mét. Phải để vật liệu ở một bên lề đường, không được để song song cả hai bên làm thu hẹp nền, mặt đường.

    2. Trước đợt mưa lũ phải thi công dứt điểm, thu dọn hết vật liệu thừa trên đường và phải có phương án bảo đảm an toàn giao thông trong trường hợp xảy ra sự cố cầu, đường do mưa lũ gây ra trong phạm vi mặt bằng được giao thi công.

    3. Nghiêm cấm để các loại vật liệu tràn lan gây cản trở giao thông hoặc chảy ra mặt đường gây trơn trượt mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường hoặc đốt nhựa đường trên đường ở những nơi đông dân cư.

     

    Điều 13. Thi công có sử dụng mìn

    Khi thi công có sử dụng mìn phải thuân thủ theo quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu nổ và bảo đảm an toàn. Ngoài ra, các trường hợp nổ mìn phải ngăn đường, cấm đường còn phải thực hiện các quy định sau:

    1. Mỗi đợt nổ mìn (kể cả thu dọn đất đá) không được kéo dài quá 1 giờ và phải cách nhau ít nhất 4 giờ để bảo đảm giao thông thông suốt. Phải bố trí thời gian nổ mìn vào giờ thấp điểm.

    2. Trong trường hợp cần thiết yêu cầu thời gian nổ mìn quá thời gian quy định trên phải được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận đối với Quốc lộ, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính chấp thuận đối với đường địa phương. Đối với các dự án có khối lượng thi công nổ phá mìn lớn, có nhiều gói thầu, nhiều mũi thi công..., Ban quản lý dự án cần tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương về thời gian nổ mìn, thống nhất với cơ quan cấp phép thi công và phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    3. Cấm nổ mìn từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau ở những nơi gần khu dân cư.

     

    Điều 14. Thi công chặt cây ven đường

    1. Khi chặt cây ven đường phải có báo hiệu và tổ chức gác 2 đầu và bảo đảm khoảng cách an toàn; không cho cây đổ vào bên trong lòng đường gây cản trở giao thông. Trường hợp bắt buộc phải cho cây đổ vào trong lòng đường phải nhanh chóng đưa cây ra sát lề đường; khi chặt cây ở bất kỳ bộ phận nào của đường đều phải đào bỏ rễ cây và hoàn trả lại nguyên trạng bộ phận đường đó.

    2. Nghiêm cấm các hành vi lao cành cây, các vật từ trên cao xuống nền, mặt đường.

     

    Điều 15. Thi công sửa chữa cầu, kè, đường ngầm

    1. Đối với việc thi công sửa chữa cầu, kè, đường ngầm khi vừa thi công sửa chữa và vừa cho xe qua lại thì phải: đặt biển báo hiệu đường hẹp, biển hạn chế tốc độ, biển báo công trường... theo đúng quy định; tổ chức gác chắn và có người điều hành giao thông 24/24h; vật tư, thiết bị thi công phải để gọn gàng vào bên trong hàng rào ngăn cách giữa phần dành cho thi công với phần dành cho giao thông; hệ thống dẫn điện, nước phục vụ thi công phải thường xuyên được kiểm tra để tránh xảy ra tai nạn.

    2. Trường hợp không thể vừa thi công vừa bảo đảm giao thông thì nhất thiết phải có đường tránh.

     

    Điều 16. Thi công mở rộng đường lên, xuống bến phà, cầu phao

    Khi thi công sửa chữa hoặc mở rộng đường lên, xuống bến phà, cầu phao thì phải sửa 1/2 bề rộng của đường, phần còn lại của đường dành cho việc lên, xuống không nhỏ hơn 4 mét đối với đường lên, xuống cầu phao và không nhỏ hơn 6 mét đối với đường lên, xuống phà và phải có đủ thiết bị an toàn. Trường hợp không đủ bề rộng tối thiểu và khi xét thấy xe lên, xuống phà, cầu phao không an toàn thì phải làm bến tạm.

     

    Điều 17. Trục vớt phao, phà bị đắm

    Trường hợp thi công trục vớt phao, phà bị đắm, kể cả việc thanh thải các chướng ngại vật ở lòng sông dưới cầu phải có đầy đủ hệ thống phao tiêu, tín hiệu đường sông theo quy định và phải dọn luồng cho cầu phao, phà hoạt động bình thường không để ách tắc giao thông.

     

    Mục 3
    KẾT THÚC THI CÔNG

     

    Điều 18. Thu dọn mặt bằng, hiện trường và tiếp nhận bàn giao

    1. Sau khi hoàn thành việc thi công một đoạn dài không quá 1km hoặc 1 cầu, 1 cống; tổ chức, cá nhân thi công phải thu dọn toàn bộ các chướng ngại vật, hoàn trả lại mặt đường để giao thông được thông suốt, an toàn.

    2. Trước khi bàn giao công trình phải dọn toàn bộ vật liệu thừa, di chuyển máy móc, thiết bị, thanh thải các chướng ngại vật và sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của công trình đường bộ do thi công gây ra.

    3. Sau khi hoàn thành các công việc trên, tổ chức, cá nhân thi công phải bàn giao lại hiện trường, mặt bằng thi công cho đơn vị quản lý đường bộ đã bàn giao hiện trường, mặt bằng để thi công. Việc bàn giao phải được lập thành biên bản.

    4. Đơn vị quản lý đường bộ phải kiểm tra thực tế hiện trường; nếu phát hiện thấy hiện trường chưa được thu dọn, công trình đường bộ bị hư hỏng do việc thi công gây ra mà không được sửa chữa, trả lại nguyên trạng thì có quyền từ chối nhận bàn giao hoặc yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân thi công đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm làm thủ tục tiếp nhận việc bàn giao mặt bằng, hiện trường và tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định.

     

    Điều 19. Trách nhiệm của Ban quản lý dự án

    1. Ban quản lý dự án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc nhà thầu trong suốt quá trình thi công, bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Trường hợp nhà thầu vi phạm và đã nhận được kiến nghị của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền nhưng không chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, tiếp tục để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông khi thi công thì Ban quản lý dự án xem xét xử phạt kinh tế theo hợp đồng hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý thích hợp.

    2. Khi ký kết hợp đồng xây dựng, Ban Quản lý dự án phải thỏa thuận với nhà thầu thi công điều, khoản xử phạt vi phạm hợp đồng khi không thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây mất an toàn giao thông.

     

    Chương III
    THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

     

    Điều 20. Thanh tra, kiểm tra

    1. Đối với Quốc lộ:

    a. Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức việc thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện Quy định này;

    b. Khu Quản lý đường bộ thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân thi công trong phạm vi quản lý;

    c. Đơn vị quản lý đường bộ và thanh tra giao thông đường bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi công của tổ chức, cá nhân thi công trong suốt thời gian thi công.

    2. Đối với đường do địa phương quản lý:

    a. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc thanh tra, kiểm tra thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ thuộc địa phương quản lý.

    b. Thanh tra giao thông vận tải Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, các đơn vị quản lý đường bộ địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi công của tổ chức, cá nhân thi công trong suốt thời gian thi công.

     

    Điều 21. Xử lý vi phạm

    Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong giấy phép thi công và các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông quy định tại Quy định này hoặc các quy định của pháp luật có liên quan thì đơn vị quản lý đường bộ, thanh tra giao thông lập biên bản và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý: nếu tiếp tục vi phạm thì Thanh tra giao thông tiến hành đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép thi công và trong vòng 24 giờ báo cáo ngay về cơ quan cấp giấy phép thi công để xem xét, giải quyết. Việc chậm trễ và mọi phí tổn do bị ngừng thi công, tổ chức, cá nhân thi công phải tự chịu trách nhiệm.

    Các cơ quan có thẩm quyền nhận được kiến nghị của thanh tra giao thông có trách nhiệm xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật.

    Bộ trưởng
    Đào Đình Bình

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật của Quốc hội số 26/2001/QH10 về Giao thông đường bộ
    Ban hành: 12/07/2001 Hiệu lực: 01/01/2002 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 34/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
    Ban hành: 04/04/2003 Hiệu lực: 16/05/2003 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Nghị định 186/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
    Ban hành: 05/11/2004 Hiệu lực: 30/11/2004 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Thông tư 39/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
    Ban hành: 18/05/2011 Hiệu lực: 02/07/2011 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    05
    Thông tư 13/2005/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
    Ban hành: 07/11/2005 Hiệu lực: 01/12/2005 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Công điện 81/CĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về việc bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ
    Ban hành: 17/10/2008 Hiệu lực: 17/10/2008 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Quyết định 1291/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải đến hết ngày 31/01/2014
    Ban hành: 11/04/2014 Hiệu lực: 11/04/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Quyết định 1291/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải đến hết ngày 31/01/2014
    Ban hành: 11/04/2014 Hiệu lực: 11/04/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Quyết định 04/2006/QĐ-BGTVT Quy định về bảo đảm ATGT khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Giao thông Vận tải
    Số hiệu:04/2006/QĐ-BGTVT
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:09/01/2006
    Hiệu lực:05/02/2006
    Lĩnh vực:Xây dựng, Giao thông
    Ngày công báo:21/01/2006
    Số công báo:33&34 - 01/2006
    Người ký:Đào Đình Bình
    Ngày hết hiệu lực:02/07/2011
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X