THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ -------------------- Số: 124/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ---------------------- Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ DUNG QUẤT,
TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2025
-----------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 với những nội dung chính như sau:
1. Phạm vi nghiên cứu
Khu vực nghiên cứu quy hoạch có tổng diện tích khoảng 45.332 ha bao gồm: phần diện tích Khu kinh tế hiện hữu là 10.300 ha, phần diện tích mở rộng khoảng 24.280 ha và khoảng 10.752 ha diện tích mặt biển.
Bao gồm: toàn bộ diện tích các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Dương, Bình Thanh Đông, Bình Thanh Tây, Bình Tân, Bình Châu, Bình Thới và một phần các xã Bình Nguyên, Bình Long, Bình Hiệp, Bình Trung của huyện Bình Sơn; thị trấn Châu Ổ; toàn bộ diện tích các xã Tịnh Phong, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ và một phần xã Tịnh Thọ thuộc huyện Sơn Tịnh; toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn; khu vực mặt biển liền kề (diện tích khoảng 10.752 ha)
Ranh giới quy hoạch được giới hạn như sau:
- Phía Đông giáp biển Đông.
- Phía Tây giáp đường sắt Bắc - Nam.
- Phía Nam giáp ranh giới quy hoạch mở rộng thành phố Quảng Ngãi.
- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam.
2. Tính chất
- Là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn liền với việc khai thác cảng nước sâu.
- Là một thành phố công nghiệp mở, trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, trung tâm đô thị công nghiệp dịch vụ cảng của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung với các đô thị Vạn Tường, Dốc Sỏi, Châu Ổ - Bình Long.
- Là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
- Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
3. Dự báo phát triển dân số và đất xây dựng
a) Dân số
- Dự báo dân số đến năm 2015: khoảng 330.000 người, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 130.000 người.
- Dự báo dân số đến năm 2025: khoảng 482.000 người, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 310.000 người.
b) Đất xây dựng Khu kinh tế
- Đến năm 2015: nhu cầu sử dụng đất xây dựng sẽ đạt khoảng 16.718 ha.
- Đến năm 2025: nhu cầu sử dụng đất xây dựng sẽ đạt khoảng 21.869 ha bao gồm:
+ Đất công nghiệp: khoảng 8.815 ha.
+ Đất kho tàng: khoảng 130 ha.
+ Đất công cộng: khoảng 930 ha.
+ Đất các khu đô thị: khoảng 3.590 ha.
+ Đất làng xóm kết hợp tái định cư: khoảng 2.249 ha.
+ Đất các khu du lịch: khoảng 1.611 ha.
+ Đất giao thông và bố trí công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật: khoảng 3.170 ha.
+ Đất quốc phòng: khoảng 400 ha.
+ Đất dự trữ: khoảng 974 ha.
4. Định hướng phát triển không gian
a) Các định hướng phát triển không gian:
- Đô thị Vạn Tường phía Đông là đô thị trung tâm nối với đô thị Châu Ổ - Bình Long phía Tây và các khu du lịch cùng mạng lưới các điểm dân cư nông thôn để hình thành hệ thống đô thị và dân cư trong Khu kinh tế. Giữ nguyên các khu công nghiệp hiện có, phát triển thêm các khu công nghiệp xuống phía Nam và Đông Nam gắn với cảng Dung Quất II. Phát triển 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn theo hướng phục vụ nông nghiệp và dịch vụ du lịch.
- Hình thành các hành lang liên kết: trục dọc giao thông quốc gia (đường sắt và đường bộ) nằm ở phía Tây Khu kinh tế xuyên suốt từ cửa ngõ Khu kinh tế (Khu công nghiệp phía Tây) đến điểm kết thúc Khu kinh tế về phía Nam (giáp với ranh giới quy hoạch thành phố Quảng Ngãi mở rộng). Ngoài ra còn có một số trục ngang quan trọng như tuyến đường Trì Bình - Dung Quất, đường Bình Long - Vạn Tường. Các hành lang này đóng vai trò kết nối giữa các khu chức năng của Khu kinh tế và với thành phố Quảng Ngãi, với Khu kinh tế mở Chu Lai và với các trung tâm phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các hành lang cây xanh cũng như sông, hồ mặt nước tạo thành các khoảng lưu thông xanh giữa các khu vực phát triển đô thị.
- Các vùng sinh thái cảnh quan: các không gian phát triển nông nghiệp và các vùng đồi núi được giữ ổn định và gắn kết hữu cơ với các điểm dân cư cũng như mạng lưới không gian chung của toàn Khu kinh tế.
b) Phân khu chức năng:
- Không gian các khu công nghiệp (KCN): tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 8.815 ha, bao gồm: phía Bắc gắn liền với cảng Dung Quất I và sân bay Chu Lai cùng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có quy mô khoảng 3.225 ha (KCN Tây Dung Quất và KCN Đông Dung Quất) - đây là các KCN thuộc Khu kinh tế hiện hữu; phía Đông Nam là KCN Dung Quất II gắn với cảng nước sâu Mỹ Hàn có quy mô khoảng 3.500 ha; phía Tây là khu công nghiệp Tịnh Phong (600 ha) và khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước (1.488 ha) phát triển từ các khu công nghiệp địa phương, chủ yếu phát triển công nghiệp nhẹ.
- Không gian các khu đô thị: tổng diện tích đất các khu đô thị khoảng 3.590 ha, trong đó đất đô thị Vạn Tường chiếm khoảng 2.000 ha, đô thị Dốc Sỏi chiếm khoảng 290 ha, đô thị Châu Ổ - Bình Long chiếm khoảng 800 ha, đô thị Sa Kỳ chiếm khoảng 400 ha, đô thị Lý Sơn chiếm khoảng 100 ha. Các khu đô thị được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu về cung cấp nơi ở và các tiện ích đô thị cho người dân sống và làm việc tại Khu kinh tế, có tính đến sự kết hợp với thành phố Quảng Ngãi và Khu kinh tế mở Chu Lai.
- Không gian đất ở - dân cư nông thôn: tổng diện tích đất ở sẽ đạt khoảng 2.249 ha với tổng số khoảng 103 điểm dân cư. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 95% điểm dân cư nông thôn đạt 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
- Không gian du lịch bao gồm: tổng diện tích đất du lịch khoảng 1.611 ha, trong đó: khu du lịch - lâm viên Vạn Tường quy mô khoảng 451 ha, khu du lịch Thiên Đàng - Khe Hai diện tích khoảng 160 ha; khu du lịch Ba Làng An diện tích khoảng 600 ha và các điểm du lịch nhỏ lẻ khác, với nhiều loại hình đa dạng như: du lịch ven biển, du lịch lâm viên sinh thái, nghiên cứu lịch sử tâm linh …
- Các trung tâm công cộng: tổng diện tích đất khoảng 930 ha bao gồm: đất các trung tâm đào tạo có quy mô khoảng 33 ha tại thành phố Vạn Tường, đất các trung tâm y tế có quy mô khoảng 6,5 ha bố trí tại khu đô thị Châu Ổ - Bình Long và thành phố Vạn Tường; các trung tâm thương mại dịch vụ có quy mô khoảng 20 ha; đất công cộng khác khoảng 870,5 ha.
- Đất các công trình giao thông và đầu mối hạ tầng: tổng diện tích đất khoảng 3.170 ha, trong đó đất giao thông khoảng 2.425 ha (gồm đất giao thông nội bộ Khu kinh tế 1.275 ha và giao thông đối ngoại 1.150 ha) và đất các công trình đầu mối hạ tầng chiếm khoảng 745 ha.
5. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
a) Định hướng quy hoạch giao thông
- Giao thông đối ngoại
+ Đường bộ: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi dọc ranh giới phía Tây Khu kinh tế có chiều dài khoảng 23km, có 3 nút giao thông khác mức đấu nối với hệ thống giao thông nội bộ. Tuyến quốc lộ 1A có chiều dài tuyến 24km, hành lang toàn tuyến là 60m, bố trí các tuyến đường gom theo quy định cho các khu vực có đô thị phát triển liền kề.
+ Đường sắt: dự kiến bổ sung 1 ga hành khách chính đặt tại cửa ngõ phía Nam phục vụ nhu cầu của Khu kinh tế và thành phố Quảng Ngãi. Xây dựng một ga tổng hợp (chuyển từ vị trí Dốc Sỏi về khu vực xã Tịnh Thọ) quy mô ga và hệ thống kho bãi khoảng 50 ha.
+ Đường thủy: 3 cụm cảng chính trong Khu kinh tế bố trí tại 3 vị trí là cảng Dung Quất I, cảng Dung Quất II và cảng khu vực Lý Sơn. Cảng Dung Quất II được thiết kế phục vụ chủ yếu cho nhu cầu phát triển của khu vực mở rộng và thành phố Quảng Ngãi. Cảng khu vực đảo Lý Sơn là cụm cảng tổng hợp phục vụ chức năng hàng hóa, an ninh quốc phòng và cảng cá - neo đậu tàu thuyền. Ngoài ra trong Khu kinh tế còn có 4 cụm cảng cá phục vụ cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền, 2 cảng du lịch tại Lý Sơn và Vạn Tường.
+ Hàng không: Sân bay Chu Lai nằm ngoài ranh giới sẽ là cửa ngõ hàng không chính của Khu kinh tế. Dự kiến sẽ bố trí hai sân bay trực thăng trong Khu kinh tế, sân bay thứ nhất nằm tại đảo lớn của huyện đảo Lý Sơn với quy mô khoảng 30 ha, sân bay thứ hai nằm tại khu vực cửa ngõ phía Nam của đô thị Vạn Tường với quy mô khoảng 25 ha.
+ Các công trình đầu mối giao thông: các nút giao giữa trục ngang số 1 và 3 với tuyến đường bộ cao tốc có dạng nút loa kèn quy mô mỗi nút khoảng 12 ha. Trục ngang số 2 có nút giao dạng hoa thị với quy mô nút giao khoảng 17 ha. Dự kiến sẽ có 4 bến xe đối ngoại với quy mô khoảng 10 ha cho: 3 bến xe khách bố trí tại các đô thị Dốc Sỏi, Vạn Tường và khu vực đô thị phía Nam sát ranh giới thành phố Quảng Ngãi, 1 bến xe tải kết hợp cảng cạn tại khu vực Tây Nam cạnh ga đường sắt.
- Giao thông đối nội
+ Đường bộ:
. Các trục kết nối với các tuyến giao thông đối ngoại: trục số 1 Trì Bình - Dung Quất chiều dài tuyến là 3,15 km. Trục số 2 Bình Long - Vạn Tường có chiều dài tuyến 8 km. Trục số 3 đi Khu kinh tế Chu Lai và sân bay Chu Lai, kết nối với thành phố Quảng Ngãi ở phía Nam có chiều dài tuyến là 19,5 km. Trục số 4 đi từ đô thị Vạn Tường qua cảng Dung Quất II xuống phía Nam có chiều dài tuyến khoảng 12 km.
. Đường trong các khu công nghiệp: giữ nguyên hệ thống giao thông nội bộ theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Tại khu công nghiệp Dung Quất II và các khu công nghiệp nhẹ, khu công nghệ cao: xây dựng hệ thống giao thông hiện đại đồng bộ, phù hợp tính chất của từng khu vực, theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
. Đường trong các khu vực đô thị: giữ nguyên hệ thống giao thông đã được phê duyệt tại đô thị Vạn Tường, hoàn chỉnh và đảm bảo kết nối giữa hệ thống giao thông nội bộ với mạng lưới giao thông chính của toàn Khu kinh tế. Tại các đô thị còn lại áp dụng chỉ tiêu thiết kế đối với đô thị loại 3, tỷ lệ đất bãi đỗ xe công trình phục vụ giao thông là 2,5%, tỷ lệ đất giao thông đạt khoảng 26%.
. Giao thông tại các khu vực nông thôn và du lịch: hệ thống giao thông sẽ được nghiên cứu xác định trong quy hoạch chi tiết, áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật như đối với khu vực đô thị cho các tuyến đường chính, bảo đảm kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông chung trong Khu kinh tế.
+ Đường sắt: triển khai đầu tư tuyến đường sắt mới vào cảng Dung Quất I với chiều dài tuyến 13,3 km với quy mô ga tiền cảng khoảng 15 ha; tuyến đường sắt nối tới cảng Dung Quất 2 chiều dài 15,8 km với quy mô ga tiền cảng khoảng 35 ha. Xây dựng tuyến đường sắt nhẹ từ khu công nghiệp phía Tây qua đô thị Châu Ổ.
- Tổ chức giao thông công cộng: tổ chức các tuyến xe buýt công cộng theo các trục dọc liên kết giữa các khu chức năng với thành phố Quảng Ngãi và các trục kết nối với các tuyến giao thông đối ngoại. Xây dựng tuyến đường sắt nhẹ phục vụ nhu cầu giao thông nội bộ Khu kinh tế kết nối với sân bay Chu Lai và thành phố Quảng Ngãi. Ưu tiên phát triển tuyến giao thông đường thủy kết nối với khu vực huyện đảo Lý Sơn.
b) San nền thoát nước
- Giải pháp san nền:
+ Tại các khu vực thuộc phạm vi Quy hoạch chung đã phê duyệt: tuân thủ cốt cao độ khống chế và có tính đến ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu.
+ Tại khu vực mở rộng: là khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Trà Bồng, Trà Khúc, cao độ san nền được xác định bảo đảm an toàn không bị ảnh hưởng của lũ lụt vào mùa lũ, có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đối với những khu vực cải tạo cần bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng mới nhưng không được làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chung của toàn khu vực.
- Thoát nước mưa: xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng. Toàn bộ các khu chức năng được phân chia thành các lưu vực nhỏ để thu gom nước mưa và dẫn theo hệ thống xả vào các khu vực như sông, hồ hoặc biển tùy theo vị trí. Mạng lưới thoát nước mưa dùng mương nắp đan kết hợp cống tròn, cống hộp và mương xây hở. Tại các khu vực chân núi, ven sườn đồi cần bố trí các tuyến mương thu nước, hạn chế nước tràn trực tiếp xuống đường giao thông và khu dân cư.
c) Cấp nước:
- Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt cho dân cư đô thị đến năm 2025 khoảng 120 ÷ 150 lít/người/ngày đêm. Nhu cầu cấp nước: 360.000 m3/ngày đêm.
- Nguồn nước: sử dụng nguồn nước mặt từ kênh Thạch Nham lấy từ sông Trà Khúc. Xây dựng hồ chứa Nước Trong bổ sung cho đập Thạch Nham.
- Các công trình đầu mối: cải tạo nâng cấp nhà máy nước Dung Quất hiện có đạt công suất 100.000 m3/ngày đêm vào năm 2015. Xây dựng thêm nhà máy nước Khu kinh tế Dung Quất mở rộng tại khu vực gần đầm Ông Thức công suất 150.000 m3/ngày đêm vào năm 2015 và nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm vào năm 2025. Khu vực đảo Lý Sơn sẽ xây dựng một trạm cấp nước công suất 1.000 m3/ngày đêm khai thác từ nguồn nước ngầm.
- Mạng lưới đường ống: xây dựng một đường ống dẫn nước thô từ đập Thạch Nham về đầm Ông Thức cấp nước cho nhà máy nước Dung Quất. Mạng lưới cấp nước được thiết kế theo mạch vòng khép kín, có một số ống nhánh, đảm bảo an toàn và hiệu quả cấp nước.
- Các giải pháp bảo vệ nguồn nước: trồng rừng đầu nguồn để giữ nước và chống lũ, bảo vệ nguồn nước mặt không bị xâm hại, chống ô nhiễm.
d) Cấp điện:
- Chỉ tiêu cấp điện: chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt giai đoạn đầu: 280 W/người, lâu dài: 330W/người; công cộng, dịch vụ: 100 - 150 kW/ha; cấp điện công nghiệp: 200 - 400 kW/ha.
- Nguồn điện: lấy từ lưới điện quốc gia khu vực miền Trung qua các công trình đầu mối: Trạm 500 kV Dốc Sỏi sẽ lắp đặt thêm máy công suất 900 MVA. Dự kiến sẽ lắp đặt 5 trạm 220 kV (trong đó trạm 220 kV Dốc Sỏi đã xây dựng cần nâng cấp), khoảng 22 trạm 110 kV để cấp điện cho các khu chức năng của Khu kinh tế.
- Lưới điện cao thế đi qua khu vực cần xây dựng hướng tuyến không làm ảnh hưởng đến các công trình và môi trường cảnh quan. Các tuyến 220 kV và 110 kV xây mới theo hướng tuyến được quy hoạch phải có hành lang cách ly vận hành phù hợp. Cải tạo cục bộ một số đoạn đường dây 110 kV hiện có để dành cho đất xây dựng.
Lưới trung thế: các đường dây trung thế 22 kV được thiết kế mạch vòng vận hành hở. Tại các khu vực như đô thị hoặc có yêu cầu về an toàn công nghiệp, các tuyến cáp sẽ đi ngầm.
- Hệ thống chiếu sáng đường dùng hệ thống cáp ngầm cho toàn bộ các trục đường chính và các khu trung tâm, tại các khu dân cư có thể dùng dây cáp nổi bọc cách điện. Các tuyến đường có mặt cắt lòng đường lớn hơn 11m sẽ được bố trí đèn chiếu sáng ở 2 bên lòng đường, mặt cắt đường nhỏ hơn 11m sẽ bố trí đèn chiếu sáng 1 bên. Đến năm 2025 đảm bảo 100% tuyến đường phố chính được chiếu sáng. Đầu tư xây dựng mới hệ thống chiếu sáng đồng bộ, đủ tiêu chuẩn đặc biệt tại các nút giao nhau với quốc lộ 1 và đường cao tốc, các trục đường phố trung tâm đô thị và các trục không gian đi bộ.
đ) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường
- Quy hoạch thoát nước thải: tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt 120 ÷ 150 lít/người/ngày đêm, nước thải công cộng lấy bằng 15% lượng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp lấy bằng 90% lượng nước cấp. Dự báo lượng nước thải đến năm 2025 là 209.600 m3/ngày đêm.
Mạng lưới thoát nước thải: Khu vực đô thị sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn.
- Nước thải sinh hoạt đô thị, cụm dân cư độc lập và khu du lịch sau khi xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại được đưa về các trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả vào môi trường.
- Nước thải công nghiệp được xử lý sơ bộ tại từng xí nghiệp sau đó đưa về các trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý. Chất lượng nước thải công nghiệp sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
- Thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR): tiêu chuẩn tính toán CTR sinh hoạt đô thị: 1.0 - 1,2 kg/người/ngày, CTR công nghiệp 0,3 tấn/ha/ngày. Dự báo khối lượng CTR (sinh hoạt + công nghiệp) đến năm 2025 là 2.370 tấn/ngày.
Thu gom và phân loại CTR tại nguồn thải, chất thải công nghiệp, chất thải y tế thu gom và xử lý riêng, xây dựng hệ thống trạm trung chuyển sơ cấp và thứ cấp. Cơ sở xử lý chất thải rắn: khu liên hợp xử lý CTR tại xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn có quy mô 70 ha.
- Hệ thống nghĩa trang: dự kiến nhu cầu đất nghĩa trang đến năm 2025 khoảng 120 ha. Xây dựng nghĩa trang tập trung ở khu vực xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, quy mô xây dựng 20 ha và nghĩa trang công viên sinh thái dự kiến đặt tại các khu vực của huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh quy mô khoảng 100 ha.
e) Thông tin liên lạc:
- Chỉ tiêu tính toán cơ bản cho điện thoại cố định 37 máy/100 dân, dịch vụ truy nhập internet 20 cổng/100 dân, dịch vụ di động (2G và 3G) 100 máy/100 dân. Dự báo đến 2025 tổng số thuê bao internet tại Khu kinh tế có thể đạt 96.340 thuê bao, tổng số thuê bao cố định khoảng 150.000, tổng số trạm BTS sẽ đạt khoảng 90 trạm.
- Giai đoạn đến năm 2015 thay thế dần công nghệ hiện tại bằng công nghệ mạng thế hệ tiếp theo (NGN). Giai đoạn sau năm 2015 thay thế hoàn toàn bằng mô hình NGN, phát triển thêm tổng đài đa dịch vụ băng thông rộng, xây dựng mới một trung tâm chuyển mạch tại đô thị Vạn Tường, sử dụng các thiết bị truy nhập đa dịch vụ băng rộng tại các điểm chuyển mạch mới.
- Xây dựng các tuyến cáp quang đấu nối từ các tổng đài nội hạt (Host) hiện có đến các thuê bao. Ngầm hóa các tuyến cáp, thực hiện dùng chung cơ sở hạ tầng đối với tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
g) Các giải pháp về giảm thiểu và khắc phục tác động môi trường:
- Quy hoạch các nhà máy theo nhóm ngành dựa trên mức độ gây ô nhiễm, có giải pháp để hạn chế ảnh hưởng tối đa theo các quy định hiện hành về môi trường.
- Tăng cường mật độ cây xanh ở những nơi còn đất trống để đạt diện tích cây xanh lớn nhất trong đô thị, tổ chức các không gian cây xanh mặt nước công cộng trong các khu ở và trung tâm lớn.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng được thiết kế đồng bộ đảm bảo hoạt động hiệu quả, thuận tiện trong vận hành và an toàn trong xử lý sự cố.
- Thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn cấp nước cũng như hệ thống rừng phòng hộ, duy trì chế độ quan trắc và cảnh báo cũng như xử lý kịp thời các sự cố về môi trường.
6. Quy hoạch đợt đầu - giai đoạn đến năm 2015:
a) Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật đợt đầu:
- Đầu tư xây dựng các hạng mục và khu chức năng nhằm hoàn thành quy mô sử dụng đất của Quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007. Triển khai đầu tư một số hạng mục của khu vực mở rộng theo nhu cầu đầu tư.
- Đầu tư xây dựng các khu tái định cư và khu đô thị phục vụ đền bù, giải tỏa để phát triển công nghiệp. Triển khai các dự án đô thị thuộc đô thị Vạn Tường và Châu Ổ - Bình Long nhằm tạo quỹ nhà ở cho công nhân.
- Phát triển các khu du lịch - giải trí: Khu du lịch Thiên Đàng - Khe Hai quy mô 160 ha, Khu du lịch sinh thái Vạn Tường quy mô 450 ha …
- Xây dựng bệnh viện quốc tế 200 giường, mở rộng trường dạy nghề Vạn Tường lên quy mô 2 vạn học sinh.
- Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và tiến độ xây dựng công trình.
b) Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư:
- Các dự án thuộc Khu công nghiệp Đông Dung Quất, Khu công nghiệp, Tây Dung Quất và Khu công nghiệp Dung Quất II.
- Dự án xây dựng các khu tái định cư Châu Ổ - Bình Long, Tịnh Phong.
- Dự án khu đô thị 1, 2, 3 của đô thị Vạn Tường.
- Dự án xây dựng các khu du lịch.
- Các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội (Bệnh viện Quốc tế, Trung tâm đào tạo nghề …).
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi:
1. Công bố Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2025, tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Ban hành Quy định quản lý theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất được duyệt.
3. Triển khai lập, xét duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các đồ án đã duyệt để phù hợp với đồ án Quy hoạch chung được duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ; - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi; - Ban quản lý KKT Dung Quất; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, ĐP; - Lưu: Văn thư, KTN (5b). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Hoàng Trung Hải |