THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------------------- Số: 1698/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------- Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại tờ trình số 2120/TTr-BGTVT ngày 13 tháng 4 năm 2011 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - thành phố Hồ Chí Minh và văn bản số 4203/BGTVT-KHĐT ngày 14 tháng 7 năm 2011 về việc điều chỉnh, bổ sung tờ trình số 2120/TTr-BGTVT ngày 13 tháng 4 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - thành phố Hồ Chí Minh với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu quy hoạch:
- Cụ thể hóa Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007 và cho phép điều chỉnh quy hoạch tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 tại văn bản số 1384/TTg-KTN ngày 12 tháng 8 năm 2011; trong đó xác định hướng tuyến, quy mô toàn tuyến và xác định các phân đoạn tuyến ưu tiên đầu tư để phân chia thành các dự án thành phần theo địa bàn các tỉnh, nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông các địa phương liên quan trong vùng.
- Là cơ sở để xác định mốc lộ giới cho các địa phương triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan đến tuyến đường.
- Liên kết các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai xây dựng để phát huy hiệu quả các tuyến đường này, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
2. Nội dung quy hoạch:
a) Phạm vi lập quy hoạch:
Quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 05 tỉnh, thành phố:
- Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (01 huyện): Huyện Tân Thành;
- Tỉnh Đồng Nai (03 huyện): Các huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu;
- Tỉnh Bình Dương (02 huyện): Các huyện Tân Uyên, Bến Cát;
- Thành phố Hồ Chí Minh (02 huyện): Các huyện Củ Chi, Nhà Bè;
- Tỉnh Long An (04 huyện): Các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.
b) Hướng tuyến:
- Điểm đầu tuyến: Tại lý trình khoảng Km 40 + 000 (lý trình đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), khu vực Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Điểm cuối tuyến: Nối với trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, thành phố Hồ Chí Minh;
- Tổng chiều dài tuyến đường Vành đai 4 khoảng 197,6 km.
- Hướng tuyến cụ thể như sau:
Đường Vành đai 4 - thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tại điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại Km 40 + 000 (khu vực Phú Mỹ), tuyến hướng về sân bay Quốc tế Long Thành, giao với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (Km 39 + 150), tuyến hướng lên phía Bắc giao với quốc lộ 1A tại thị trấn Trảng Bom (Km 1834 + 700), vượt sông Đồng Nai tại cầu Thủ Biên, giao với quốc lộ 13 (Km 30 + 700) tại Bến Cát, vượt sông Sài Gòn tại cầu Phú Thuận, giao cắt quốc lộ 22 (Km 23 + 500) tại Củ Chi, đi song song ĐT.823 đến thị trấn Hậu Nghĩa, đi song song với đường ĐT.824 và ĐT.830, qua thị trấn Bến Lức, giao cắt với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, quốc lộ 1A tại Khu công nghiệp Long Hiệp, giao với quốc lộ 50 (Km 19 + 900) đến điểm cuối nối với đường trục Bắc - Nam tại Khu đô thị - cảng Hiệp Phước thành phố Hồ Chí Minh.
c) Công trình trên tuyến:
- Xây dựng 12 nút giao liên thông và xây dựng các cầu vượt trực thông, hầm chui để đảm bảo liên hệ giao thông hai bên đường được thuận lợi.
- Xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh.
d) Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật:
- Đường cao tốc vành đai:
+ Quy mô: Mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất khoảng 121,5 m. Một số vị trí đặc biệt có thể thu hẹp phần dải dự trữ (Chi tiết như Phụ lục I kèm theo Quyết định này);
+ Tiêu chuẩn kỹ thuật: Đường cao tốc loại A; vận tốc thiết kế 100 km/h theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729 – 97;
- Đường song hành: Quy mô có ít nhất 2 làn xe tiêu chuẩn TCVN 4054 - 05 hoặc TCXDVN 104 - 2007. Đường song hành sẽ được đầu tư phân kỳ tùy theo nhu cầu vận tải và sự phát triển các đô thị hai bên, vấn đề này sẽ được tính toán trong giai đoạn lập dự án đầu tư.
đ) Diện tích chiếm đất:
Diện tích đất chiếm dụng để xây dựng tuyến đường theo quy hoạch khoảng 2.061 ha, trong đó diện tích chiếm dụng trên từng địa phương dự kiến như sau: Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 184 ha; Đồng Nai khoảng 273 ha; thành phố Hồ Chí Minh khoảng 452 ha; Bình Dương khoảng 441 ha; Long An khoảng 711 ha.
e) Tiến độ thực hiện:
- Dựa trên nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn vốn phân chia dự án Vành đai 4 thành các dự án thành phần vận hành độc lập theo địa giới hành chính các tỉnh hoặc các trục giao thông đã có để phát huy hiệu quả đầu tư. Tiến độ xây dựng của các dự án thành phần được chi tiết trong Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
- Tiến độ xây dựng của từng dự án thành phần có thể được điều chỉnh phù hợp theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể trong từng giai đoạn.
g) Nguồn vốn đầu tư:
Nhu cầu vốn đầu tư toàn bộ đường Vành đai 4 - thành phố Hồ Chí Minh khoảng 98.537 tỷ đồng (Phần kinh phí này không bao gồm kinh phí xây dựng các cầu vượt trực thông của các tuyến đường đang lập quy hoạch và sẽ được đầu tư xây dựng theo nguồn vốn của các dự án này).
- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; trái phiếu Chính phủ, ODA.
- Nguồn vốn từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua.
- Nguồn vốn huy động từ tư nhân.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Giao thông vận tải:
- Chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch theo chức năng của ngành.
- Tiến hành lập, phê duyệt dự án đầu tư (từng dự án thành phần theo Phụ lục II) và bàn giao cho các địa phương để chủ động kêu gọi, huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.
- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong giai đoạn vận hành, khai thác.
- Chủ trì thẩm định Hệ thống giao thông thông minh (ITS) để đảm bảo đồng bộ trên toàn tuyến.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương để cân đối phân bổ vốn ngân sách hàng năm, huy động nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để thực hiện đầu tư.
2. Các Bộ, ngành liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quá trình thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch có liên quan.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
- Tổ chức quản lý quỹ đất và triển khai những dự án thành phần có đủ điều kiện;
- Trên cơ sở quy hoạch này và dự án đầu tư được phê duyệt, chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất;
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình quản lý, khai thác đường Vành đai 4 trên địa bàn;
- Chịu trách nhiệm thông báo về quy hoạch tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn các địa phương, có kế hoạch bố trí và quản lý quỹ đất dành cho tuyến đường; tiến hành rà soát điều chỉnh các quy hoạch, dự án trên địa bàn địa phương để phù hợp với quy hoạch nêu trên và quy hoạch quỹ đất hợp lý để khai thác tạo nguồn vốn đầu tư dự án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An; Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UB Giám sát tài chính Quốc gia; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Kho bạc Nhà nước TW, địa phương; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KTN (5b). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Hoàng Trung Hải |
PHỤ LỤC I
QUY MÔ MẶT CẮT NGANG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2011
của Thủ tướng Chính phủ)
1. Quy mô 6 làn xe:
a) Khi đi trên mặt đất
* Phần đường tuyến chính:
- 6 làn xe (mỗi chiều 3 làn, rộng 3,75 m/làn): 6 x 3,75 = 22,50 m
- 2 làn dừng xe khẩn cấp (mỗi chiều 1 làn): 2 x 3,00 = 6,00 m
- Dải phân cách giữa 2 chiều xe: 1 x 3,00 = 3,00 m
- 2 dải an toàn sát dải phân cách: 2 x 0,75 = 1,50 m
* Phần xe hỗn hợp:
- 4 làn xe hỗn hợp (mỗi chiều 2 làn, rộng 3,5 m): 4 x 3,50 = 14,00 m
- 2 dải phân cách giữa phần cao tốc và phần xe hỗn hợp, tối thiểu rộng 2 m/dải: 2 x 2,0 = 4,00 m
- 4 dải an toàn sát các dải phân cách và vỉa hè: 4 x 0,50 = 2,00 m
- Vỉa hè hai bên: 2 x 7,00 = 14,00 m
Tổng chiều rộng nền đường: 67,00 m
b) Cầu cạn hoặc cầu vượt nút giao (2 cầu riêng biệt cho mỗi chiều xe)
- 3 làn xe (mỗi làn rộng 3,75 m): 3 x 3,75 = 11,25 m
- 1 làn dừng xe khẩn cấp: 1 x 3,00 = 3,00 m
- 1 dải an toàn sát lan can: 1 x 0,75 = 0,75 m
- Lan can 2 bên: 2 x 0,50 = 1,00 m
Tổng chiều rộng của một cầu cho một chiều xe: 16,00 m
Khoảng hở giữa 2 cầu: 2,00 m
Tổng chiều rộng chiếm dụng của 2 cầu: 34,00 m
* Phần xe hỗn hợp đi thấp:
- 4 làn xe hỗn hợp dọc bên hông 2 cầu (mỗi chiều 2 làn): 4 x 3,50 = 14,00 m
- 2 dải bó vỉa sát mép ngoài cầu: 2 x 1,50 = 3,00 m
- 4 dải an toàn sát vỉa hè: 4 x 0,50 = 2,00 m
- Vỉa hè 2 bên: 2 x 7,00 = 14,00 m
Tổng chiều rộng cầu và đường: 67,00 m
c) Cầu vượt sông
* Phần cao tốc (2 cầu riêng biệt cho mỗi chiều xe):
- 3 làn xe (mỗi làn rộng 3,75 m): 3 x 3,75 = 11,25 m
- 1 làn dừng xe khẩn cấp: 1 x 3,00 = 3,00 m
- 1 dải an toàn sát lan can: 1 x 0,75 = 0,75 m
- Lan can 2 bên: 2 x 0,50 = 1,00 m
Tổng chiều rộng của một cầu cho một chiều xe: 16,00 m
Khoảng hở giữa 2 cầu: 2,00 m
Tổng chiều rộng chiếm dụng của 2 cầu: 34,00 m
* Phần xe hỗn hợp (2 cầu riêng biệt cho mỗi chiều xe):
- 2 làn xe hỗn hợp (mỗi làn rộng 3,50 m): 2 x 3,50 = 7,00 m
- 2 dải an toàn: 2 x 0,50 = 1,00 m
- Lề bộ hành: 1 x 3,00 = 3,00 m
- Lan can 2 bên: 2 x 0,50 = 1,00 m
Tổng chiều rộng của một cầu cho một chiều xe: 12,00 m
- Khoảng hở giữa 2 cầu: 2 x 2,00 = 4,00 m
Tổng chiều rộng chiếm dụng của cầu: 62,00 m
2. Quy mô 8 làn xe:
a) Khi đi trên mặt đất
* Phần đường tuyến chính:
- 8 làn xe (mỗi chiều 4 làn, rộng 3,75 m/làn): 8 x 3,75 = 30,00 m
- 2 làn dừng xe khẩn cấp (mỗi chiều 1 làn): 2 x 3,00 = 6,00 m
- Dải phân cách giữa 2 chiều xe: 1 x 3,00 = 3,00 m
- 2 dải an toàn sát dải phân cách: 2 x 0,75 = 1,50 m
* Phần xe hỗn hợp:
- 4 làn xe hỗn hợp (mỗi chiều 2 làn, rộng 3,5 m): 4 x 3,50 = 14,00 m
- 2 dải phân cách giữa phần cao tốc và phần xe hỗn hợp, tối thiểu rộng 2m/dải: 2 x 2,0 = 4,00 m
- 4 dải an toàn sát các dải phân cách và vỉa hè: 4 x 0,50 = 2,00 m
- Vỉa hè 2 bên: 2 x 7,00 = 14,00 m
Tổng chiều rộng nền đường: 74,50 m
b) Cầu cạn hoặc cầu vượt nút giao (2 cầu riêng biệt cho mỗi chiều xe)
- 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,75 m): 4 x 3,75 = 15,00 m
- 1 làn dừng xe khẩn cấp: 1 x 3,00 = 3,00 m
- 1 dải an toàn sát lan can: 1 x 0,75 = 0,75 m
- Lan can 2 bên: 2 x 0,50 = 1,00 m
Tổng chiều rộng của một cầu cho một chiều xe: 19,75 m
Khoảng hở giữa 2 cầu: 2,00 m
Tổng chiều rộng chiếm dụng của 2 cầu: 41,50 m
* Phần xe hỗn hợp đi thấp:
- 4 làn xe hỗn hợp dọc bên hông 2 cầu (mỗi chiều 2 làn): 4 x 3,50 = 14,00 m
- 2 dải bó vỉa sát mép ngoài cầu: 2 x 1,50 = 3,00 m
- 4 dải an toàn sát vỉa hè: 4 x 0,50 = 2,00 m
- Vỉa hè 2 bên: 2 x 7,00 = 14,00 m
Tổng chiều rộng cầu và đường: 74,50 m
c) Cầu vượt sông
* Phần cao tốc (2 cầu riêng biệt cho mỗi chiều xe):
- 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,75 m): 4 x 3,75 = 15,00 m
- 1 làn dừng xe khẩn cấp: 1 x 3,00 = 3,00 m
- 1 dải an toàn sát lan can: 1 x 0,75 = 0,75 m
- Lan can 2 bên: 2 x 0,50 = 1,00 m
Tổng chiều rộng của một cầu cho một chiều xe: 19,75 m
Khoảng hở giữa 2 cầu: 2,00 m
Tổng chiều rộng chiếm dụng của 2 cầu: 41,50 m
* Phần xe hỗn hợp (2 cầu riêng biệt cho mỗi chiều xe):
- 2 làn xe hỗn hợp (mỗi làn rộng 3,50 m): 2 x 3,50 = 7,00 m
- 2 dải an toàn: 2 x 0,50 = 1,00 m
- Lề bộ hành: 1 x 3,00 = 3,00 m
- Lan can 2 bên: 2 x 0,50 = 1,00 m
Tổng chiều rộng của một cầu cho một chiều xe: 12,00 m
Khoảng hở giữa 2 cầu: 2 x 2,00 = 4,00 m
Tổng chiều rộng chiếm dụng của cầu: 69,50 m
PHỤ LỤC II
TỔNG MỨC ĐẦU TƯ VÀ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2011
của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Dự án thành phần/đoạn | Chiều dài (km) | TMĐT (ước tính) (tỷ đồng) | Tiến độ thực hiện |
1 | Đoạn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) đến Trảng Bom - Đồng Nai (quốc lộ 1A) | 45,5 | 21.103 | Hoàn thành trước năm 2020 |
2 | Từ quốc lộ 1A (Trảng Bom - Đồng Nai) đến quốc lộ 13 (Tân Uyên - Bình Dương) | 51,9 | 24.071 | Hoàn thành trước năm 2025 |
3 | Đoạn quốc lộ 13 (Tân Uyên - Bình Dương) đến quốc lộ 22 (Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh) | 22,8 | 10.575 | Hoàn thành trước năm 2024 |
4 | Đoạn quốc lộ 22 (Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh) đến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung lương (Bến Lức - Long An) | 41,6 | 23.329 | Hoàn thành trước năm 2023 |
5 | Đoạn Bến Lức - Long An (giao với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương) đến cuối tuyến Trục Bắc - Nam thành phố Hồ Chí Minh (cảng Hiệp Phước - thành phố Hồ Chí Minh) | 35,8 | 19.460 | Hoàn thành trước năm 2017 |