ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG ------- Số: 30/2014/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Đà Lạt, ngày 21 tháng 07 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
--------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Bộ Xây dựng quy định một số chi tiết về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Thủ trưởng các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; Website Chính phủ; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Bộ Xây dựng; - TTTU, TT HĐND tỉnh; - CT, các PCT UBND tỉnh; - Các thành viên UBND tỉnh; - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng; - Như điều 3; - Đài PTTH, Báo Lâm Đồng; - LĐVP UBND tỉnh; các CV; - Website VPUBND tỉnh; - TT Công báo tỉnh; - Lưu: VT, XD2. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Nguyễn Xuân Tiến |
QUY ĐỊNH
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 30/2014/QĐ-UBND ngày 21/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho Sở Xây dựng và các Sở: Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành); Ban quản lý các Khu công nghiệp; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
2. Đối tượng áp dụng
Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Nguyên tắc chung
Việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhằm nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa Sở Xây dựng với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 3. Quy định chung
1. Loại công trình nêu trong quy định này áp dụng theo Phụ lục Phân loại công trình xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây viết tắt là Phụ lục Phân loại công trình).
2. Cấp công trình nêu trong quy định này áp dụng theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây viết tắt là Phụ lục I).
3. Số tầng nhà nêu trong quy định này áp dụng theo quy định tại điểm 1.5.11 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số QCVN 03:2012/BXD về nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Chương II
NỘI DUNG PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP
Điều 4. Phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh phân công, phân cấp như sau:
1. Sở Xây dựng quản lý nhà nước về chất lượng các công trình dân dụng quy định tại Mục I, công trình sản xuất vật liệu xây dựng quy định tại Điểm 1 Mục II và công trình hạ tầng kỹ thuật quy định tại Mục III Phụ lục Phân loại công trình, trừ công trình phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tại Khoản 6 Điều này và các công trình đầu tư xây dựng trong các Khu công nghiệp.
2. Sở Công thương quản lý nhà nước về chất lượng các công trình công nghiệp quy định tại Mục II Phụ lục Phân loại công trình, trừ công trình sản xuất vật liệu xây dựng và công trình phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tại Khoản 6 Điều này và các công trình đầu tư xây dựng trong các Khu công nghiệp.
3. Sở Giao thông vận tải quản lý nhà nước về chất lượng công trình giao thông quy định tại Mục IV Phụ lục Phân loại công trình, trừ công trình phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tại Khoản 6 Điều này và các công trình đầu tư xây dựng trong các Khu công nghiệp.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định tại Mục V Phụ lục Phân loại công trình, trừ công trình phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tại Khoản 6 Điều này và các công trình đầu tư xây dựng trong các Khu công nghiệp.
5. Ban quản lý các Khu công nghiệp quản lý chất lượng các công trình đầu tư xây dựng trong các Khu công nghiệp.
6. Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý chất lượng các công trình cấp III, cấp IV thuộc công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn đầu tư trên địa bàn cấp huyện.
Trường hợp trong một dự án đầu tư xây dựng gồm nhiều công trình xây dựng có loại và cấp khác nhau thì cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chính của dự án là cơ quan chủ trì về công tác quản lý chất lượng xây dựng các công trình của dự án.
Điều 5. Phân công, phân cấp công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình
Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Ủy ban nhân dân cấp huyện có nhiệm vụ thẩm tra thiết kế xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh, như sau:
1. Sở Xây dựng thực hiện thẩm tra thiết kế xây dựng công trình nhà chung cư, công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật, trừ các công trình thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng:
a) Nhà chung cư từ cấp III trở lên, trừ các công trình nhà chung cư cấp III do UBND cấp huyện quyết định đầu tư quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều này.
b) Công trình công cộng từ cấp II, cấp III, trừ các công trình công cộng cấp III phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều này.
c) Công trình hạ tầng kỹ thuật: Từ cấp III trở lên đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và cấp II đối với công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách; riêng các công trình xử lý chất thải rắn độc hại không phân biệt cấp.
2. Sở Công thương thực hiện thẩm tra thiết kế xây dựng công trình công nghiệp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, trừ các công trình thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương.
3. Sở Giao thông Vận tải thực hiện thẩm tra thiết kế xây dựng công trình giao thông quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, trừ các công trình thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải và các công trình phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tại Điểm c Khoản 6 Điều này.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thẩm tra thiết kế xây dựng công trình quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, trừ các công trình thuộc thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các công trình phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tại Điểm d Khoản 6 Điều này.
5. Ban quản lý các Khu công nghiệp thực hiện thẩm tra thiết kế xây dựng công trình quy định tại Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP được đầu tư xây dựng trong các Khu công nghiệp, trừ các công trình thuộc thẩm quyền của các Bộ quản lý công trình chuyên ngành.
6. Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm tra thiết kế xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên trên địa bàn cấp huyện và các công trình do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư, bao gồm:
a) Nhà chung cư cấp III.
b) Công trình công cộng cấp III thuộc loại công trình: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông các cấp, trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề, trường công nhân kỹ thuật, trường nghiệp vụ, các phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa khu vực, trạm y tế, nhà hộ sinh; nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, chợ, các công trình thông tin, truyền thông, nhà đa năng, ký túc xá, nhà khách, trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội.
c) Công trình giao thông: công trình cấp III thực hiện theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm; các công trình sửa chữa thường xuyên, duy tu bảo dưỡng thuộc đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP có giá trị dưới 01 tỷ đồng.
d) Công trình thủy lợi cấp IV, trừ công trình đầu mối của hồ chứa.
7. Trường hợp trong một dự án đầu tư xây dựng gồm nhiều công trình xây dựng có loại và cấp khác nhau thì cơ quan được phân công nhiệm vụ thẩm tra thiết kế công trình xây dựng chính của dự án làm chủ trì, tổ chức thẩm tra thiết kế xây dựng các công trình của dự án.
Điều 6. Phân công, phân cấp trách nhiệm thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng
1. Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình thuộc nhiệm vụ thẩm tra thiết kế quy định tại Điều 5 Quy định này.
2. Nội dung kiểm tra, kết quả kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 24 Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
3. Phối hợp trong kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng:
a) Trường hợp dự án đầu tư xây dựng gồm nhiều công trình có loại và cấp khác nhau thì cơ quan được phân công, phân cấp kiểm tra công trình, hạng mục công trình chính của dự án có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng đối với toàn bộ các công trình, hạng mục công trình của dự án thuộc đối tượng phải được kiểm tra.
b) Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm mời Sở Xây dựng tham gia kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng chuyên ngành vào sử dụng. Thông báo kết quả kiểm tra được gửi đến Sở Xây dựng để tổng hợp, theo dõi.
c) Ban quản lý các Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng đến Sở Xây dựng và các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để tổng hợp, theo dõi.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Sở Xây dựng
Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:
1. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
2. Hướng dẫn các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình được phân công tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này và kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh.
4. Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quy định này.
5. Kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 6 Quy định này.
6. Phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I trên địa bàn tỉnh. Tham gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước khi có yêu cầu.
7. Chủ trì, phối hợp các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ban quản lý các Khu công nghiệp tổ chức giám định chất lượng công trình xây dựng khi được yêu cầu đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
8. Chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 39 Nghị định 15/2013/NĐ-CP đối với các công trình được phân công tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này và phối hợp với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ban quản lý các Khu công nghiệp thực hiện Điểm đ Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 Điều 8 Quy định này.
9. Công bố thông tin năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên trang thông tin điện tử do Sở quản lý; chủ trì, phối hợp với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ban quản lý các Khu công nghiệp xem xét, giới thiệu, đề cử công trình xây dựng có chất lượng cao trên địa bàn tham dự giải thưởng công trình chất lượng cao theo Thông tư số 12/2013/TT-BXD ngày 31/7/2013 của Bộ Xây dựng.
Điều 8. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ban quản lý các Khu công nghiệp
1. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành:
a) Kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình thuộc trách nhiệm được phân công tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 4 Quy định này.
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành.
c) Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 Quy định này.
d) Kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định Điều 6 Quy định này.
đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 39 Nghị định 15/2013/NĐ-CP đối với các công trình xây dựng chuyên ngành trừ các công trình được đầu tư xây dựng trong các Khu công nghiệp.
e) Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện nội dung tại Khoản 8 và Khoản 9 Điều 7 Quy định này.
2. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Ban quản lý các Khu công nghiệp:
a) Kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và chất lượng các công trình xây dựng trong Khu công nghiệp.
b) Hướng dẫn các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các Khu công nghiệp.
c) Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Quy định này.
d) Kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 6 Quy định này.
đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 39 Nghị định 15/2013/NĐ-CP đối với các công trình xây dựng trong Khu công nghiệp.
e) Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện nội dung tại Khoản 8 và Khoản 9 Điều 7 Quy định này.
Điều 9. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn huyện cho các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực thuộc.
2. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và chất lượng các công trình xây dựng đối với các công trình thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước được phân cấp theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Quy định này.
4. Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Quy định này.
5. Kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 6 Quy định này.
6. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ban quản lý các Khu công nghiệp kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn cấp huyện.
7. Chỉ đạo, hỗ trợ các bên có liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình giải quyết sự cố công trình trên địa bàn huyện.
Điều 10. Xử lý vi phạm
Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ nội dung phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tại Điều 4, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Quy định này.
a) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm về quản lý chất lượng công trình và chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
b) Tạm dừng thi công đối với công trình chất lượng không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ hoặc biện pháp thi công không đảm bảo an toàn và chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn.
Điều 11. Chế độ báo cáo.
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
a) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm và báo cáo đột xuất về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; báo cáo danh sách các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình.
b) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về sự cố công trình trên địa bàn tỉnh; báo cáo Bộ Xây dựng khi xảy ra sự cố cấp I, sự cố đặc biệt nghiêm trọng và sự cố công trình có thiệt hại về người.
2. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Báo cáo Sở Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ công tác quản lý chất lượng công trình của các tổ chức, cá nhân và chất lượng công trình đối với các công trình thuộc trách nhiệm được phân công, phân cấp tại Điều 4 Quy định này trước tháng 02 hằng năm để Sở Xây dựng tổng hợp, theo dõi.
b) Báo cáo Sở Xây dựng định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất về tình hình chất lượng công trình thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công, phân cấp tại Điều 4 Quy định này.
c) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Xây dựng về sự cố công trình thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công, phân cấp tại Điều 4 Quy định này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Điều khoản thi hành
1. Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự và đảm bảo điều kiện cần thiết để thực hiện trách nhiệm được phân công, phân cấp theo đúng quy định này và các quy định nhà nước hiện hành liên quan.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung chưa phù hợp hoặc phát sinh mới, các cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (thông qua Sở Xây dựng) xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hoặc trình cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.