ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ------- Số:44/2016/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 11 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH LÂN CẬN KHI THI CÔNG PHẦN NGẦM CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ;
Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 18:2014/BXD An toàn trong xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 15645/TTr-SXD- QLCLXD ngày 10 tháng 10 năm 2016 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 6539/STP-VB ngày 05 tháng 8 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười (10) ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ nội dung có ý kiến đối với phương án thi công tầng hầm trong việc đảm bảo an toàn cho công trình và các công trình lân cận tại điểm e, Khoản 1 Chỉ thị số 19/2014/CT-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quản lý chất lượng công trình xây dựng và an toàn thi công xây dựng trên địa bàn thành phố.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Xây dựng; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Thường trực Thành ủy; - Thường trực HĐND thành phố; - TTUB: CT, các PCT; - Ủy ban Mặt trận TQVN TP; - VP Thành ủy và các Ban Thành ủy; - Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố; - Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính; - VPUB: các PVP; - Các Phòng NCTH; TTCB; - Lưu: VT, (ĐT-Mtu) D. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Lê Văn Khoa |
QUY ĐỊNH
VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH LÂN CẬN KHI THI CÔNG PHẦN NGẦM CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Quy định này gồm các yêu cầu về lập, phê duyệt thiết kế biện pháp thi công và thi công phần ngầm công trình, nhằm đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình.
Đối với nhà ở riêng lẻ, quy định chỉ áp dụng cho các trường hợp thi công tầng hầm, bán hầm, móng bè, móng băng và có công trình hiện hữu liền kề.
Đối tượng điều chỉnh của Quy định là các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phần ngầm công trình; các chủ sở hữu, chủ quản lý công trình liền kề, công trình lân cận công trình có phần ngầm; các cơ quan nhà nước quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Phần ngầm công trình xây dựng là tầng hầm, bán hầm và các bộ phận của công trình nằm dưới mặt đất
2. Công trình liền kề là công trình nằm sát công trình có thi công phần ngầm, có chung hoặc không có chung bộ phận kết cấu (móng, cột, tường, sàn, mái) với công trình được xây dựng.
3. Công trình lân cận là các công trình ở gần vị trí xây dựng công trình có thi công phần ngầm, có thể bị ảnh hưởng lún, biến dạng hoặc bị các hư hại khác do thi công phần ngầm công trình gây ra.
Điều 3. Nguyên tắc chung
1. Việc thi công phần ngầm công trình phải tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất lượng xây dựng, quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trong thi công xây dựng.
2. Công tác thi công phần ngầm công trình chỉ được thực hiện khi có thiết kế biện pháp thi công được chủ đầu tư phê duyệt.
3. Phương án, thiết bị thi công được chọn phải đảm bảo ít ảnh hưởng nhất đến công trình lân cận, môi trường xung quanh.
Chương II
LẬP VÀ PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ BIỆN PHÁP THI CÔNG PHẦN NGẦM CÔNG TRÌNH
Điều 4. Lập thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình
1. Nhà thầu thi công lập thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình trên cơ sở hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, hồ sơ khảo sát hiện trạng công trường xây dựng.
2. Hồ sơ khảo sát hiện trạng công trường xây dựng phải thể hiện đầy đủ hiện trạng địa chất, thủy văn, địa hình khu vực; các công trình liền kề, lân cận; các kết cấu công trình ngầm hiện hữu; các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm trong khu vực và phải có các nội dung sau:
a) Bản vẽ hiện trạng khu vực công trường;
b) Ảnh chụp hiện trạng công trình lân cận;
c) Đánh giá độ ổn định của các công trình hiện hữu lân cận có khả năng bị ảnh hưởng khi thi công;
d) Xác định các giá trị chuyển vị, biến dạng tối đa; tốc độ chuyển vị, biến dạng báo động của các công trình lân cận có khả năng bị ảnh hưởng.
3. Thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình phải phù hợp điều kiện địa chất, thủy văn, độ sâu phần ngầm, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật liên quan, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng và phải có các nội dung sau:
a) Biện pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho cộng đồng;
b) Tính toán phạm vi ảnh hưởng (chiều rộng, chiều sâu) do biện pháp thi công phần ngầm gây ra ứng với các giai đoạn thi công. Việc tính toán phải căn cứ trên các tác động từ tất cả các hoạt động thi công được thực hiện, để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp (như khoan, đào đất, bơm hạ nước ngầm, rung chấn, tải trọng lớn...);
c) Kết quả khảo sát hiện trạng chất lượng các công trình liền kề và các công trình khác trong phạm vi ảnh hưởng;
d) Hệ thống quan trắc biến dạng công trình và công trình lân cận thuộc phạm vi ảnh hưởng để thực hiện quan trắc trong suốt quá trình thi công;
đ) Quy trình thi công thử nghiệm, đánh giá tác động để có biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng trước khi thực hiện thi công nếu sử dụng phương pháp rung để hạ hoặc rút cọc, cừ;
e) Phương án ứng phó sự cố sạt lở, lún nghiêng công trình lân cận;
g) Biện pháp xử lý rác, chất thải phát sinh trong quá trình thi công; quy trình đảm bảo vệ sinh trong và ngoài công trường xây dựng; biện pháp khôi phục hiện trạng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật công cộng bị ảnh hưởng.
Điều 5. Phê duyệt thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình
1. Chủ đầu tư tự thẩm định (nếu đủ năng lực) hoặc lựa chọn đơn vị có năng lực phù hợp, để thẩm tra thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình làm cơ sở cho việc phê duyệt. Nội dung thẩm định hoặc thẩm tra phải bao gồm:
a) Sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng;
b) Đánh giá về sự phù hợp, đầy đủ của bản vẽ thiết kế biện pháp thi công;
c) Đánh giá về tính toán khả năng chịu lực của các kết cấu phục vụ thi công;
d) Đánh giá về phạm vi, mức độ ảnh hưởng công trình lân cận của biện pháp thi công áp dụng;
đ) Đánh giá sự phù hợp của phương tiện, thiết bị phục vụ thi công;
e) Đánh giá về mức độ đảm bảo an toàn công trình và công trình lân cận của thiết kế biện pháp thi công;
g) Đánh giá về biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong quá trình thi công.
2. Trường hợp đã có các kết cấu phụ trợ thi công trong thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế biện pháp thi công phần ngầm phải được tư vấn thiết kế xem xét, cho ý kiến.
3. Nhà thầu thực hiện điều chỉnh, bổ sung thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình theo các ý kiến thẩm định hoặc của tư vấn thẩm tra, tư vấn thiết kế trước khi trình chủ đầu tư phê duyệt.
4. Chủ đầu tư trước khi phê duyệt phải kiểm tra thiết kế biện pháp thi công, đảm bảo các điều kiện sau:
a) Nhà thầu đã hoàn chỉnh, bổ sung thiết kế biện pháp thi công theo đánh giá thẩm định hoặc của tư vấn thẩm tra, tư vấn thiết kế; có giải trình phù hợp về những nội dung không thống nhất.
b) Có biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ trong quá trình thi công xây dựng.
Chương III
THI CÔNG PHẦN NGẦM CÔNG TRÌNH
Điều 6. Điều kiện thi công phần ngầm công trình
Chỉ được tiến hành thi công phần ngầm công trình khi đã đảm bảo các điều kiện sau:
1. Đủ điều kiện khởi công xây dựng theo quy định.
2. Có thiết kế biện pháp thi công được phê duyệt.
3. Đã thực hiện các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho công trình lân cận.
4. Có sơ đồ chỉ dẫn vị trí, độ sâu các tuyến ngầm của hệ thống hạ tầng và văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý các tuyến đó nếu thực hiện đào đất trong khu vực có các tuyến ngầm của hệ thống hạ tầng.
5. Có bố trí nhân sự giám sát trong suốt quá trình thi công.
6. Có văn bản nghiệm thu các điều kiện đảm bảo an toàn giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Điều 7. Trách nhiệm của các bên tham gia xây dựng khi thi công phần ngầm công trình
1. Chủ đầu tư phải bố trí người có năng lực phù hợp để kiểm tra, theo dõi việc thi công phần ngầm công trình của nhà thầu, đảm bảo đúng thiết kế biện pháp thi công đã phê duyệt. Tạm dừng thi công khi phát hiện có dấu hiệu mất an toàn, xảy ra sự cố công trình; thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, các cơ quan quản lý công trình xây dựng chuyên ngành nếu có hư hỏng, sự cố công trình lân cận.
2. Nhà thầu thi công tiến hành thi công phần ngầm công trình tuân thủ thiết kế biện pháp thi công được phê duyệt. Nếu phát hiện có cấu kiện, công trình ngầm hoặc điều kiện địa chất bất thường so với hồ sơ khảo sát hiện trạng công trường, hoặc phát hiện có hiện tượng mất an toàn phải thông báo ngay cho chủ đầu tư, tư vấn giám sát để xử lý.
3. Tư vấn giám sát có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện thi công phần ngầm công trình theo Điều 6 Quy định này, báo cáo kết quả cho chủ đầu tư; tham gia nghiệm thu các điều kiện đảm bảo an toàn trước khi thi công; bố trí cán bộ giám sát suốt thời gian thi công phần ngầm, kiểm tra việc tuân thủ thiết kế biện pháp thi công của nhà thầu, báo cáo chủ đầu tư nếu phát hiện vi phạm; kiểm tra việc thực hiện quan trắc, các kết quả quan trắc biến dạng công trình và công trình lân cận thuộc phạm vi ảnh hưởng để cảnh báo kịp thời hoặc đình chỉ thi công nếu có hiện tượng mất an toàn; đề nghị nhà thầu điều chỉnh thiết kế biện pháp thi công, trình chủ đầu tư phê duyệt nếu phát hiện sai sót, bất hợp lý gây nguy cơ mất an toàn.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thực hiện những nội dung tại Điều 4, 5, 6, 7 Quy định này.
2. Các cơ quan quản lý các tuyến ngầm của hệ thống hạ tầng có trách nhiệm cung cấp thông tin sơ đồ chỉ dẫn vị trí, độ sâu các tuyến ngầm cho chủ đầu tư công trình khi có yêu cầu, để làm cơ sở lập thiết kế biện pháp thi công.
3. Giao Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ Quy định này đối với các công trình được phân cấp quản lý.
4. Giao các Ban Quản lý khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ Quy định này đối với các công trình thuộc địa giới quản lý.
5. Giao Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ Quy định này đối với các công trình nhà ở riêng lẻ; yêu cầu chủ sở hữu, đơn vị quản lý công trình lân cận tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhà thầu trong việc khảo sát hiện trạng chất lượng công trình lân cận; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
6. Giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối kiểm tra việc tuân thủ Quy định này đối với các công trình được phân cấp quản lý và các công trình xây dựng chuyên ngành khác trên địa bàn; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hay cần thiết phải thay đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế, giao Sở Xây dựng tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố hoặc tự ban hành văn bản hướng dẫn nếu thuộc thẩm quyền giải quyết.
Điều 9. Kiểm tra, xử lý vi phạm
1. Thanh tra xây dựng có trách nhiệm kiểm tra điều kiện thi công phần ngầm công trình theo Điều 6 Quy định này, xử lý nếu phát hiện vi phạm.
2. Các cơ quan quản lý theo phân cấp tại Điều 8 thông báo cho Thanh tra xây dựng để xử lý nếu phát hiện vi phạm khi kiểm tra việc thực hiện Quy định này; kiểm tra, có ý kiến việc khắc phục vi phạm làm cơ sở cho Thanh tra xây dựng xem xét cho phép tiếp tục thi công đối với các trường hợp bị đình chỉ thi công./.