hieuluat

Quyết định 45/1999/QĐ-UB Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân TP. Hà NộiSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:45/1999/QĐ-UBNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Lưu Minh Trị
    Ngày ban hành:04/06/1999Hết hiệu lực:24/10/2013
    Áp dụng:19/06/1999Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Xây dựng
  • UỶ BAN NHÂN DÂN
    THÀNH PHỐ HÀ NỘI
    --------
    Số: 45/1999/QĐ-UB
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 1999
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    Về việc ban hành “Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội”
    -------------------
    UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
     
     
     Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
     Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị, ban hành kèm theo Nghị định 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ;
    Căn cứ Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng, ban hành kèm theo Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ;
    Căn cứ Quyết định số 70BXD/KT-QH ngày 30/3/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội;
    Xét đề nghị của Kiến trúc sư trưởng Thành phố tại công văn 021-KTST/TH ngày 11/1/1999 và đề nghị của Thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội tại công văn 157/CV-BQL ngày 2/6/1999.
     
     
     
     
    Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội”.
    Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
    Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của Thành phố, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
     

     Nơi nhận:
    - Như điều 3
    - Bộ Xây dựng, Bộ VHTT
    - TT Thành uỷ- HĐND TP
    - Đ/c Chủ tịch UBND TP
    - Các đ/c PCT UBND TP
    - CPVP, VX,XD, TH
    - Lưu
    TM UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
    KT.CHỦ TỊCH
    PHÓ CHỦ TỊCH




    Lưu Minh Trị
     
    ĐIỀU LỆ TẠM THỜI
    VỀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG, BẢO TỒN VÀ TÔN TẠO KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI
    (Ban hành kèm theo quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 04 tháng 6 năm 1999 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)
    Chương I.
     
    Điều 1. Về việc xây dựng mới, cải tạo, bảo tồn và khai thác sử dụng các loại công trình trong khu phố Cổ đều phải được thực hiện theo Quy hoạch bảo vệ tôn tạo và phát triển khu phố Cổ Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định số 70/BXD/KT-QH ngày 30/3/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các quy định trong bản Điều lệ này, các văn bản về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành và các văn bản có liên quan.
    Điều 2. Uỷ ban nhân dân Thành phố thống nhất việc quản lý Nhà nước về xây dựng trong khu phố Cổ.
    - Ban quản lý phố Cổ Hà Nội trực tiếp giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố trong công tác quản lý xây dựng, bảo tồn, tôn tạo khu phố Cổ Hà Nội và theo dõi tình hình thực hiện Điều lệ quản lý này.
    - Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý phố Cổ Hà Nội trong quản lý xây dựng, bảo tồn, tôn tạo khu phố Cổ theo đúng quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và bản Điều lệ này. Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm chỉ đạo trực tiếp và toàn diện công tác thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong khu phố Cổ.
    Chương II.
     
    Uỷ ban nhân dân các phường trong khu phố Cổ chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng, tuyên truyền và phổ biến các quy định của Nhà nước và của Thành phố về xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố Cổ; giám sát việc xây dựng và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.
    - Kiến trúc sư trưởng Thành phố là cơ quan chuyên ngành có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Quy hoạch- Kiến trúc và hướng dẫn Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm về chuyên môn Quy hoạch- Kiến trúc trong khu phố Cổ.
    - Các Sở, Ban, ngành của Thành phố có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố và hướng dẫn nghiệp vụ cho Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
    Điều 3. Nội dung quản lý việc bảo tồn, tôn tạo và kiểm soát phát triển các công trình trong khu phố Cổ gồm:
    - Quản lý về sử dụng đất.
    - Quản lý về quy hoạch và kiến trúc.
    - Quản lý về cải tạo, xây dựng công trình.
    - Quản lý về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá và công trình kiến trúc có giá trị.
    - Thanh tra, xử lý vi phạm.
    Điều 4. Khu phố Cổ nằm trong địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có ranh giới được xác định như sau:
    - Phía Bắc: Phố Hàng Đậu.
    - Phía Tây: Phố Phùng Hưng.
    - Phía Nam: Các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng.
    - Phía Đông: Các phố Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật.
    Tổng diện tích: khoảng 100 ha, gồm các tuyến phố theo Phụ lục 1.
    Điều 5. Các nguyên tắc bảo vệ, tôn tạo, phát triển trong khu phố Cổ:
    - Bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá trong khu phố Cổ bằng biện pháp duy trì cơ cấu, tổ chức không gian quy hoạch, tính chất sử dụng của các công trình.
    - Bảo tồn trục trung tâm thương mại Hàng Đào- Hàng Ngang- Hàng Đường- Đồng Xuân theo phong cách kiến trúc đặc hữu của khu phố Cổ và theo đúng tính chất khai thác, sử dụng công trình.
    - Giữ nguyên mạng lưới đường (Không mở rộng, không thu hẹp mặt cắt đường hiện có)
    - Bảo tồn, tôn tạo các công trình hoặc cụm công trình lịch sử, văn hoá, kiến trúc có giá trị như đình, chùa, nhà thờ, nhà ở cổ, nhà ở có vườn (nhà vườn) và các công trình di tích lịch sử, văn hoá đã xếp hạng.
    - Cải tạo điều kiện sinh sống của nhân dân trong khu vực: Hiện đại hoá hệ thống hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị. Phục hồi diện tích sân trong, tạo độ thông thoáng cho công trình, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.
    - Các công trình được phép cải tạo phải tuân theo các quy định như sau:
    + Đối với các công trình tiếp giáp mặt phố (lớp ngoài) không vượt quá 3 tầng (không kể gác lửng ở tầng một) lợp mái ngói ta, chiều cao tối đa đến đỉnh mái không quá 12m.
    + Đối với các công trình lớp phía trong không vượt qúa 4 tầng, chiều cao tối đa đến đỉnh mái không quá 16m.
    Ghi chú: Việc cải tạo công trình phải theo phong cách kiến trúc đặc hữu của khu phố Cổ: Mỗi biển số nhà có tổ chức không gian hình ống; công trình xây dựng thành nhiều lớp xen kẽ, có sân trong; hình thức kiến trúc mặt nhà giáp đường phố triệt để khai thác vật liệu và hoạ tiết trang trí truyền thống.
    Điều 6. Khu phố Cổ Hà Nội được chia ra làm 2 khu vực:
    1. Khu bảo vệ, tôn tạo cấp I: Được giới hạn bởi các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm và Trần Nhật Duật (diện tích khoảng 19 ha, gồm các tuyến phố theo Phụ lục 2). Trong khu bảo vệ tôn tạo cấp I phải giữ gìn hình ảnh và phong cách phu phố Cổ truyền thống, bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử- văn hoá.
    Các công trình đã xuống cấp không đảm bảo an toàn có thể được cải tạo hoặc xây dựng mới trên cơ sở bảo tồn về không gian kiến trúc và phong cách kiến trúc cổ, hoặc kiến trúc cũ sẵn có từ trước.
    2. Khu bảo vệ, tôn tạo cấp II: Bao gồm phần còn lại trong ranh giới khu phố Cổ (diện tích khoảng 81 ha, gồm các tuyến phố theo Phục lục 3).Trong khu bảo tồn tôn tạo cấp II cần bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị về kiến trúcvà các di tích lịch sử- văn hoá. Các công trình khác được cải tạo chỉnh trang theo các quy định trong bản Điều lệ này.
    Điều 7. Trong khu phố Cổ phải giữ lại mạng lưới đường phố trên cơ sở mặt cắt đường và chỉ giới xây dựng hiện có. Tổ chức giao thông được phân cấp như sau:
    - Đường giao thông công cộng: Là các đường ranh giới xung quanh khu phố Cổ. Các điểm đỗ xe công cộng được bố trí tại Hàng Đậu, vườn hoa Bát Đàn, Chợ Gạo, Cửa Đông.
    - Đường khu vực: (Có thể cho phép ô tô đi lại nhưng không được phép đỗ) bao gồm:
    + Đường Hàng Chiếu- Hàng Mã.
    + Đường Bát Đàn- Hàng Bồ- Hàng Bạc- Hàng Mắm.
    +Đường Chả Cá- Hàng Cân- Lương Văn Can.
    + Đường dành riêng cho đi bộ: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân.
    + Đường dành cho đi bộ, xe gắn máy và xe thô sơ: Gồm các đường phố còn lại trong khu phố Cổ.
    Ghi chú: + Các xe phục vụ chuyên dùng như: Cứu hoả, vệ sinh, cứu thương được phép vào các đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ.
    + Xe đạp, xe máy có thể đỗ xe trên vỉa hè, nhưng phải theo đúng quy định của Uỷ ban nhân dân Thành phố.
    Điều 8. Khu phố Cổ Hà Nội bao gồm các khu vực đặc trưng theo chức năng sử dụng như sau:
    1. Khu trung tâm Thương mại (khoảng 12 ha); bao gồm:
    - Ba cụm chợ: Đồng Xuân, Hàng Da, Hàng Bè.
    - Hai trục phố thương mại kết hợp nhà ở:
    + Hàng Đào- Hàng Ngang- Hàng Đường- Đồng Xuân.
    + Lương Văn Can- Hàng Cân- Chả Cá- Hàng Lược.
    2. Khu dân cư (khoảng 81 ha); bao gồm:
    - Ba cụm dân cư gắn kết với 3 cụmg chợ; quy mô mỗi cụm khoảng 20.000 dân.
    - Các công trình sản xuất thủ công, mỹ nghệ truyền thống và dịch vụ được bố trí kết hợp trong khu dân cư và trong từng ngôi nhà.
    3. Các công trình văn hoá truyền thống (khoảng 7 ha); bao gồm:
    - Các đền, đình, chùa đã hoặc chưa được xếp hạng hiện có trên địa bàn khu phố Cổ.
    - Các nhà hát, rạp chiếu phim hiện có.
    Điều 9. Quy định về một số chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật trong khu phố Cổ:
    - Mật độ xây dựng trong từng ô phố không vượt quá 70%.
    - Giảm dần dân cư trong khu phố Cổ để đến năm 2010 còn khoảng 60.000 người.
    - Tăng diện tích cây xanh trong toàn khu phố Cổ để đạt chỉ tiêu 1,5m2/người. Diện tích cây xanh bao gồm: Cây xanh công cộng, cây xanh hè phố, cây xanh sân vườn bên trong các công trình và cây xanh, sân chơi bên trong lõi các ô phố.
    Chương III.
    Điều 10. Tất cả các công trình cải tạo, trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới bao gồm các công trình kiến trúc, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình quảng cáo đều phải xin giấy phép xây dựng theo các quy định sau:
    - Tuân thủ đúng Quy định hiện hành về cấp giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn Thành phố và các văn bản hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước.
    - Các công trình kiến trúc trong khu phố Cổ thuộc mọi quy mô và mọi thành phần kinh tế khi xin phép cải tạo, xây dựng phải được Ban quản lý phố Cổ Hà Nội thoả thuận về phương án kiến trúc.
    - Tuân theo các quy định trong Điều lệ này và quy hoạch chi tiết trong từng ô phố được phê duyệt.
    Điều 11. Đối với các công trình di tích lịch sử, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng:
    1. Các công trình đã được công nhận là di tích (Phụ lục 4, phần I):
    - Bảo tồn, phục chế để giữ nguyên kiến trúc đặc thù vốn có của các công trình;
    - Xác định ranh giới vùng bảo vệ cấp I để giải toả việc sử dụng không đúng chức năng và ngăn chặn việc lấn chiếm;
    - Việc cải tạo, xây dựng mới ngoài quy định tại Điều 10 của Điều lệ này phải được sự chấp thuận của Sở Văn hoá Thông tin.
    2. Các công trình là di tích lịch sử, văn hoá (Phụ lục 4 phần II):
    - Xem xét, đánh giá về giá trị nghệ thuật, văn hoá- lịch sử để Bộ Văn hoá Thông tin công nhận, xếp hạng di tích, hoặc để Sở Văn hoá Thông tin Thành phố phân loại bảo tồn, tôn tạo.
    - Các yêu cầu về bảo tồn hoặc xây dựng mới các công trình này (khi chưa được công nhận, xếp hạng) tuân thủ theo các quy định tại mục 1 Điều 11 của Điều lệ này.
    - Có ý kiến thoả thuận của Ban Tôn giáo thành phố trước khi tiến hành cải tạo và xây dựng các công trình có liên quan tới các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
    Điều 12. Đối với các công trình kiến trúc có giá trị cần được bảo tồn (Phụ lục 5):
    - Cấp độ tôn tạo công trình kiến trúc có giá trị:
    + Loại bảo tồn tôn tạo nguyên trạng;
    + Loại bảo tồn tôn tạo kiến trúc mặt đứng.
    Ban quản lý phố Cổ Hà Nội và Kiến trúc sư trưởng Thành phố phải quy định cụ thể đối với từng loại nêu trên.
    - Hạn chế tối đa việc xây dựng mới hoặc mở rộng;
    - Trường hợp cần cải tạo hoặc xây dựng mới, phải có ý kiến của Ban quản lý phố Cổ Hà Nội và phải được Thường trực Hội đồng Kiến trúc- Quy hoạch Thành phố thoả thuận phương án thiết kế, đảm bảo giữ nguyên được phong cách kiến trúc vốn có của công trình (Ban quản lý phố Cổ sẽ có quy định cụ thể).
    Điều 13. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật:
    1. Hệ thống thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:
    - Tất cả các công trình đều phải có hệ thống xử lý nước thải (bể tự hoại hoặc bán tự hoại) trước khi thải ra hệ thống cống chính của khu vực.
    - Cải tạo hệ thống cống bao và cống chính thoát nước chung trong khu phố Cổ.
    - Cải tạo hệ thống thu gom rác thải hiện có.
    - Không được tự ý đục, xây dựng đường cống chung và đổ rác không theo đúng vị trí quy định.
    2. Hệ thống cấp nước
    - Trước khi có hệ thống cấp nước đảm bảo đủ áp lực của Thành phố, có thể xây dựng bể nước ngầm dự trữ cho từng hộ.
    - Không được phép khoan giếng nước hoặc xây bể nước lấn chiếm diện tích vỉa hè (kể cả giếng và bể ngầm).
    3. Hệ thống cấp điện:
    - Tất cả các trạm biến áp lưới 20/0,4 KV không đặt nổi trên các cột hoặc đặt lộ thiên tại các khu vực công cộng; cần di chuyển trạm biến áp đến các vị trí hợp lý trong lõi các ô phố.
    - Đường dây hạ áp trên các tuyến phố chính cần được đi ngầm theo một hệ thống kỹ thuật thống nhất trong khu vực phố Cổ.
    4. Hệ thống chiếu sáng:
    - Hệ thống chiếu sáng cần được cải tạo dần cho phù hợp không gian khu phố Cổ. Không sử dụng đèn huỳnh quang thay thế dần bằng đèn natri hoặc đèn sợi đốt cao cấp.
    - Cột treo đèn chiếu sáng cần được thiết kế phù hợp với cảnh quan các tuyến; khoảng cách trung bình giữa các cột từ 40m đến 50m.
    5. Hệ thống thông tin liên lạc:
    - Cải tạo hệ thống thông tin liên lạc hiện treo trên cột; đường dây phải được thiết kế đi ngầm chung với hệ thống điện.
    - Các hộp kỹ thuật điện- thông tin liên lạc phải được thiết kế đi ngầm đồng bộ với hệ thống kỹ thuật chung.
    Điều 14. Đối với các công trình cải tạo và xây dựng mới:
    1. Về tổ chức không gian:
    - Cho phép cải tạo, xây dựng không gian nội thất theo xu hướng hiện đại hoá.
    - Quy định về mật độ xây dựng các công trình tuân theo Phụ lục 6 và 7.
    - Quy định về độ vươn tối đa của ban công, mái đua, ô văng với các công trình tiếp giáp mặt đường tuân theo Phụ lục 8.
    - Quy định về độ nhô ra của các bộ phận công trình, căn cứ cao độ so với cốt vỉa hè, tuân theo Phụ lục 9.
    2. Về kiến trúc:
    - Kiến trúc mặt đứng của công trình sửa chữa cải tạo, xây dựng mới cần khai thác đường nét, chi tiết kiến trúc vốn có của các công trình cổ, công trình cũ trong khu vực.
    - Không sử dụng mái bằng bê tông cốt thép.
    - Không sử dụng kính khung nhôm tấm lớn trên mặt đứng các công trình tiếp giáp với mặt đường phố.
    - Không sử dụng cửa sắt xếp, cửa nhôm cuốn.
    - Khuyến khích sử dụng vật liệu cổ truyền ở mặt ngoài các công trình kiến trúc.
    - Các công trình mặt phố phải được xây dựng đúng theo chỉ giới xây dựng hiện có. Khoảng giật cấp (nếu có) của lớp nhà phía trong quy địnhh theo Điều 5 của Điều lệ này.
    Điều 15. Quy định về vật liệu, màu sắc và chất liệu phủ:
    - Tường xây gạch, trát vữa quét vôi hoặc sơn phủ tường, không sử dụng các gam màu tối trên mặt tường, nên sử dụng màu vàng sáng, nâu nhạt hoặc màu kem.
    - Mái dốc lợp ngói ta.
    - Vật liệu gỗ, giả gỗ làm dầm, cột, đầu dầm, cửa đi, cửa sổ, cửa chớp...có thể sơn hoặc vecni, màu sắc nên chọn gam màu nâu hoặc xanh lá cây nhạt.
    - Lan can trên các ban công bằng vật liệu gỗ hoặc giả gỗ dùng màu sắc cùng với màu cửa.
    - Những vật liệu, màu sắc và chất liệu phủ không được phép sử dụng:
    + Kính tối màu, trừ những loại kính có độ sẫm màu dưới 10%.
    + Cửa sổ và cửa ra vào có khung nhôm, trừ trường hợp nhôm đã được tráng màu phù hợp với màu sắc mặt ngoài công trình;
    + Các loại kính phản chiếu ánh sáng;
    + Các tấm bê tông;
    + Các loại ngói lợp mái tráng men màu tối;
    +Các tấm phủ bằng nhựa, kim loại có bề mặt bóng;
    + Các loại gạch, đá chuyên dùng để lát nền hoặc ốp các khu vệ sinh khi trang trí mặt tiền.
    Điều 16. Các quy định về mỹ quan và vệ sinh môi trường:
    1. Quy định về vệ sinh môi trường:
    - Các cơ sở sản xuất có khả năng gây ô nhiễm (xả khí độc hại, độ cồn cao) trong khu phố Cổ phải được di chuyển khỏi khu vực.
    - Việc sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống trong các khu nhà ở được khuyến khích, song phải đảm bảo vệ sinh môi trường và môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho khu vực.
    - Trong quá trình thi công cải tạo, xây dựng, phải có biện pháp bảo đảm an toàn, trật tự, vệ sinh trong khu vực.
    2. Quy định về vị trí thiết bị viễn thông, ăngten thu phát sóng vô tuyến, bể nước trên mái, ống máng cấp thoát nước, điều hoà nhiệt độ và thông gió phải được bố trí như sau:
    - Đặt sau ban công, từ ngoài đường không nhìn thấy;
    - Đặt phía sau nhà;
    - Đặt trên mái phía sau hoặc có chi tiết kiến trúc phù hợp khác che chắn để từ ngoài đường không nhìn thấy.
    - Đặt phía sân trong, nhưng không được gây ảnh hưởng đến hộ liền kề.
    - Các ống thoát nước của điều hoà nhiệt độ không được để nước chảy tự do ra hè phố.
    3. Quy định về bảng, biển giới thiệu và quảng cáo:
    Việc quảng cáo bằng bảng, biển và băng-đơ-rôn trong khu phố Cổ phải tuân theo các quy định hiện hành của Nhà nước, và Quyết định số 18/1998/QĐ-UB ngày 25/6/1998 của Uỷ ban nhân dân Thành phố quy định quảng cáo bằng biển, bảng và băng- đơ- rôn trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
    Trong đó cần chú ý thêm một số vấn đề sau:
    - Bảng, biển phải được thiết kế đẹp, trang nhã. Vật liệu để làm bảng, biển là kim loại, nhựa các loại, gỗ, ván ép. Không được sử dụng vật liệu vải.
    - Bảng, biển phải được thể hiện nghiêm túc; hình thức và nội dung phải rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu.
    - Không được sử dụng bảng, biển phát ánh sáng có màu sắc quá sặc sỡ.
    - Không cho phép lắp đặt các loại bóng đèn chiếu sáng trên toàn bộ mặt đứng công trình. Đèn chiếu sáng bảng, biển phải được lắp đặt đúng quy cách, không gây chói, loá ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và người đi đường.
    - Nếu có sử dụng tiếng nước ngoài thì phải đặt dưới nội dung tiếng Việt với cỡ chữ nhỏ hơn.
    Điều 17. Quy định đối với tổ chức tư vấn thiết kế và hồ sơ thiết kế cải tạo xây dựng các công trình trong khu phố Cổ:
    1. Đối với tổ chức tư vấn thiết kế:
    Thiết kế cải tạo, xây dựng công trình trong khu phố Cổ, kể cả nhà ở sở hữu tư nhân, phải do cơ quan tư vấn thiết kế chuyên trách có tư cách pháp nhân được phép hành nghề thực hiện. Ban quản lý phố Cổ Hà Nội là cơ quan thường trực thẩm định thiết kế với sự hướng dẫn nghiệp vụ của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố. Trong trường hợp cần thiết ( công trình nằm tại vị trí quan trọng, quy mô xây dựng lớn), phương án thiết kế phải có ý kiến của Hội đồng Kiến trúc- Quy hoạch Thành phố (Ban quản lý phố Cổ Hà Nội trình Hội đồng).
    2. Đối với các hồ sơ thiết kế:
    Việc thiết kế xây dựng, cải tạo các công trình trong khu phố Cổ phải tuân thủ các quy định của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản hiện hành và theo đúng các quy định trong quy hoạch chi tiết của từng ô phố đã được phê duyệt. Trong trường hợp quy hoạch chi tiết ô phố chưa được duyệt thì phải có thoả thuận về quy hoạch- kiến trúc của Kiến trúc sư trưởng Thành phố.
    Điều 18. Quy định đối với việc tổ chức thi công cải tạo, xây dựng:
    - Các công trình cải tạo, xây dựng trong khu phố Cổ, kể cả nhà ở sở hữu tư nhân, phải do đơn vị thi công có tư cách pháp nhân được cấp giấy phép chuyên trách hành nghề xây dựng tại Khu phố Cổ thực hiện.
    - Việc thi công cải tạo, xây dựng các công trình trong khu phố Cổ, phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước, quy định của Uỷ ban nhân dân Thành phố về đảm bảo trật tự vệ sinh an toàn, và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng giám sát xây dựng theo 3 giai đoạn: Phần ngầm, phần xây thô và hoàn thiện công trình. Cơ quan cấp phép xây dựng có trách nhiệm xác nhận theo từng giai đoạn.
    Điều 19. Quy định về kiểm tra, giám sát việc thực hiện giấy phép xây dựng:
    1. Đối với các công trình do Kiến trúc sư trưởng Thành phố cấp giấy phép:
    Kiến trúc sư trưởng Thành phố chịu trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, giám sát xây dựng công trình và xác nhận hồ sơ hoàn công theo giấy phép đã cấp hoặc uỷ quyền cho cơ quan có chức năng thực hiện. Khi phát hiện có vi phạm về xây dựng, phải kiến nghị, xử lý ngay.
    Để thống nhất quản lý trên địa bàn, Kiến trúc sư trưởng Thành phố phải thông báo cho Ban quản lý phố Cổ Hà Nội, Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và Uỷ ban nhân dân phường sở tại về những công trình đã phân cấp cho Kiến trúc sư trưởng Thành phố cấp phép xây dựng.
    2. Đối với các công trình do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận cấp giấy phép:
    Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, giám sát, xử lý vi phạm và xác nhận hồ sơ hoàn công các công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng đã cấp. Ban quản lý phố Cổ Hà Nội có trách nhiệm giám sát thực hiện.
    3. Các chủ đầu tư sau khi có giấy phép xây dựng đều phải đến Uỷ ban nhân dân phường sở tại để đăng ký xây dựng. Uỷ ban nhân dân phường sau khi nhận đăng ký xây dựng của các chủ đầu tư, phải tổ chức lực lượng theo dõi, giám sát việc xây dựng công trình theo giấy phép đã được cấp và theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường chịu trách nhiệm xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo kịp thời lên cấp trên để có biện pháp xử lý những trường hợp vượt quá thẩm quyền.
    Trong thời gian chưa có quyết định xử lý chính thức của cấp trên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường có trách nhiệm chỉ đạo giám sát để công trình không được tiếp tục xây dựng.
    Chương IV.
    Điều 20. Việc xử lý vi phạm đối với các công trình xây dựng không phép hoặc sai phép trong khu phố Cổ phải được thực hiện như sau:
    1. Các công trình vi phạm xây dựng trước khi ban hành Quyết định số 70/BXD/KT-QH ngày 30/3/1995 có thể chấp nhận cho tồn tại nhưng phải chỉnh trang kiến trúc cho phù hợp với hình thức kiến trúc chung của khu vực, đồng thời bị xử lý theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và đóng góp phụ thu phí xây dựng hạ tầng.
    Đối với công trình có quy mô, hình thức kiến trúc...làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phong cách kiến trúc chung của phố Cổ, thì buộc phải cải tạo lại. Phương án cải tạo phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chấp thuận.
    2. Các công trình xây dựng, cải tạo sai phép và không phép từ sau khi ban hành Quyết định số 70 BXD/KT-QH ngày 30/3/1995 đến ngày ban hành Điều lệ này phải được cải tạo để tuân thủ đúng các quy định đã nêu tại Quyết định số 70 BXD/KT-QH và các quy định trong Điều lệ này. Đối với các công trình nêu trên chỉ được cấp đăng ký kinh doanh, công nhận sở hữu hoặc cho chuyển dịch (nếu có) sau khi đã cải tạo theo đúng hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
    3. Các công trình xây dựng sau khi ban hành Điều lệ này phải thực hiện theo đúng giấy phép xây dựng được cấp. Đối với các công trình xây dựng không phép hoặc sai phép, phải kiên quyết phá dỡ và tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự theo quy định của Pháp luật.
    Chương V.
    Điều 21. Điều lệ này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký Quyết định ban hành.
    Điều 22. Các cơ quan có chức năng quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, căn cứ quy hoạch chi tiết khu phố Cổ đã được phê duyệt và Điều lệ này, có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
    Điều 23. Mọi hành vi vi phạm các điều khoản đã quy định tại Điều lệ này sẽ bị xử lý nghiêm minh theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.
    Điều 24. Đồ án quy hoạch chi tiết khu phố Cổ, các ô phố Cổ và Điều lệ này được niêm yết công khai tại Ban quản lý phố Cổ Hà Nội để phổ biến và tổ chức hướng dẫn thực hiện.
    Điều 25. Trong quá trình thực hiện Điều lệ này, nếu có gì vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi, Kiến trúc sư trưởng Thành phố và Ban quản lý phố Cổ Hà Nội có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.
     
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X