BỘ CÔNG THƯƠNG -------------- Số: 6286/QĐ-BCT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TIÊU CHÍ SỐ 4 (ĐIỆN NÔNG THÔN) VÀ TIÊU CHÍ SỐ 7 (CHỢ NÔNG THÔN) THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
---------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Công Thương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - BCĐTƯ Chương trình MTQGNTM (để b/c); - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (để b/c); - Ban Chỉ đạo CT MTQGNTM tỉnh, thành phố; - Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (để thực hiện); - Các Cục, Vụ TCNL; - Lưu. VT, CNĐP (3). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Hoàng Quốc Vượng |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TIÊU CHÍ SỐ 4 (ĐIỆN NÔNG THÔN) VÀ TIÊU CHÍ SỐ 7 (CHỢ NÔNG THÔN) THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6286/QĐ-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2011
của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình), Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kế hoạch thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 như sau:
Phần 1.
ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG ĐIỆN NÔNG THÔN VÀ CHỢ NÔNG THÔN
I. THỰC TRẠNG VỀ ĐIỆN NÔNG THÔN (tiêu chí số 4)
Đến ngày 30/9/2011, trên địa bàn cả nước có tổng số 9.063 xã (giảm 21 xã so với số liệu của Tổng cục thống kê tháng 31/12/2010 là 9.084 xã, do thay đổi số đơn vị hành chính của các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu). Cả nước, hiện có 3.545 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 39,12%; có 5.959 xã, chiếm 65,75% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 5.398 xã, chiếm tỷ lệ 59,56% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.
Phân theo khu vực: (1) Khu vực Trung du miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, có tổng số 2.274 xã; trong đó: có 668 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 29,38%; đây là một trong hai vùng có tỷ lệ đạt tiêu chí thấp nhất toàn quốc; nguyên nhân chủ yếu do vùng có diện tích rộng, đồi núi hiểm trở, địa bàn khó khăn, dân cư thưa thớt, suất đầu tư lớn, hiệu quả kinh doanh thấp (như tỉnh Điện Biên chỉ có 12/98 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 12,24% tổng số xã của tỉnh). Trong khu vực có 1.270 xã, chiếm 55.85% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 1.615 xã, chiếm tỷ lệ 71,02% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (2) Khu vực Đồng bằng Sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, có tổng số 1.942 xã, trong đó có 896 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 46,14%. Trong khu vực có 1.508 xã, chiếm 77,65% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 1.031 xã, chiếm tỷ lệ 53,09% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (3) Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 06 tỉnh, có tổng số 1.625 xã, trong đó có 477 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 29,35%; đây là khu vực đạt tiêu chí số 4 thấp nhất cả nước, vẫn còn một số xã chưa có điện như Nghệ An (có 03 xã); có 1.284 xã, chiếm 79,02% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 596 xã, chiếm tỷ lệ 36,68% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (4) Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 08 tỉnh, thành phố, có tổng số 849 xã, trong đó có 424 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 49,94%. Trong khu vực có 650 xã, chiếm 76,59% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 474 xã, chiếm tỷ lệ 55,83% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (5) Khu vực Tây Nguyên gồm 05 tỉnh, có tổng số 598 xã, trong đó có 398 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 66,56%; có 361 xã, chiếm 60,37% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 523 xã, chiếm tỷ lệ 87,46% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (6) Khu vực Đông Nam Bộ gồm 06 tỉnh, thành phố, có tổng số 471 xã, trong đó có 208 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 44,16%; có 208 xã, chiếm 44,16% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 266 xã, chiếm tỷ lệ 56,48% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (7) Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, có tổng số 1.304 xã, trong đó có 474 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 36,35%; có 678 xã, chiếm 51,99% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 983 xã, chiếm tỷ lệ 68,48% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.
Phần lớn hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn cả nước được xây dựng từ khá lâu, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và được quản lý kinh doanh theo quy định của Luật Điện lực năm 2004. Mặc dù hiện nay, các hộ sử dụng điện vẫn được đảm bảo thường xuyên, nhưng hệ thống điện chưa đảm bảo kỹ thuật, tổn thất lớn, chất lượng điện áp kém, làm giảm chất lượng sử dụng điện của nhân dân. Nhất là các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc, và Bắc Trung bộ tỷ lệ số hộ có điện còn thấp, số thôn bản, số hộ chưa có điện chủ yếu là các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện địa hình giao thông vô cùng khó khăn, nằm xa lưới điện, dân cư phân tán nên việc cung cấp điện cho khu vực này đạt được tiêu chí số 4 là rất tốn kém và cực kỳ khó khăn với chi phí rất cao và suất đầu tư lớn. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, điện là “mặt hàng” thiết yếu liên quan trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của đại bộ phận nhân dân, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên hệ thống kỹ thuật điện nói chung, điện nông thôn nói riêng luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp và cải tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân (Số liệu chi tiết tại Biểu số 01).
II. THỰC TRẠNG VỀ CHỢ NÔNG THÔN (tiêu chí số 7)
Theo báo cáo của Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố, đến ngày 30/10/2011, hiện trên địa bàn cả nước có 6.572 xã có chợ, chiếm 72,51% số xã, trong đó có 1.343 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 14,82%, còn 2.491 xã chưa có chợ, chiếm 27,49%.
Chi tiết theo từng vùng như sau: Khu vực Trung du miền núi phía Bắc có 1.189 xã có chợ, chiếm 52,29% số xã, trong đó có 296 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 13,02%, còn 1.085 xã chưa có chợ, chiếm 47,71%; Khu vực Đồng bằng Sông Hồng có 1.454 xã có chợ, chiếm 74,87%, trong đó có 232 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 11,93%, còn 488 xã chưa có chợ chiếm 25,13%; Khu vực Bắc Trung bộ có 1.220 xã có chợ, chiếm 75,08%, trong đó có 297 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 18,28%, còn 405 xã chưa có chợ, chiếm 24,92%; Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có 789 xã có chợ, chiếm 92,93%, trong đó có 62 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 7,30%, còn 60 xã chưa có chợ, chiếm 7,07%; Khu vực Tây Nguyên có 249 xã có chợ, chiếm 41,64%, trong đó có 113 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 18,90%, còn 349 xã chưa có chợ, chiếm 58,36%; Khu vực Đông nam Bộ có 443 xã có chợ, chiếm 94,06%, trong đó có 115 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 24,42%, còn 28 xã chưa có chợ, chiếm 5,94%; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 1.228 xã có chợ, chiếm 94,17%, trong đó có 228 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 17,48%, còn 76 xã chưa có chợ chiếm 5,83%.
Theo đánh giá của các địa phương, đa số các chợ khu vực nông thôn là những chợ tạm, công tác quản lý, phát triển chợ nông thôn theo các quy định tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 và Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 gặp rất nhiều khó khăn do phong tục, tập quán của người dân khu vực nông thôn, do nhận thức, hiểu biết, điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn lực còn nhiều hạn chế … (Số liệu chi tiết tại Biểu số 02).
Phần 2.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2011 – 2020
I. QUAN ĐIỂM
Phát huy mọi nguồn lực hoàn thành ở mức cao nhất 2 tiêu chí (điện nông thôn và chợ nông thôn), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020.
Với quan điểm cung ứng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng điện cho sinh hoạt và sản xuất, xây dựng và phát triển hệ thống chợ nông thôn, hạ tầng thương mại nông thôn, nhằm góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn; ngành công thương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM phấn đấu cố gắng đạt được tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn) trong thời gian sớm nhất, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm triển khai thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM (ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ) thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong hai lĩnh vực chủ yếu là điện nông thôn, chợ nông thôn; phù hợp với mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 ban hành theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về điện nông thôn (Số liệu chi tiết tại Biểu số 3): Hoàn thiện hệ thống các công trình điện đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn xã NTM, với mục tiêu cụ thể như sau:
- Đến năm 2015: có 7.709 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 85% tổng số xã trên địa bàn cả nước. Trong đó, phấn đấu đạt 98% tỷ lệ hộ có điện sử dụng thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 85,06% số xã đạt tiêu chí về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện (tăng 2.311 xã so với năm 2010);
- Đến năm 2020: có 8.624 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm có 95,16%. Trong đó, phấn đấu có 95% số xã đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện (tăng 3.226 xã so với năm 2010 và tăng 915 xã so với năm 2015).
b) Về chợ nông thôn (Số liệu chi tiết tại Biểu số 4): Phấn đấu số xã đạt tiêu chí số 7, cụ thể như sau:
- Đến năm 2015: phấn đấu có 3.203 xã đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, chiếm 35% tổng số xã trên địa bàn cả nước (tăng 1860 xã so với năm 2010);
- Đến năm 2020: phấn đấu có 4.526 xã đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, chiếm 50% tổng số xã trên địa bàn cả nước (tăng 1.323 xã so năm 2015).
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Công tác thông tin, tuyên truyền
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành hiểu rõ, nhận thức đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời tuyên truyền, phổ biến, biểu dương những tổ chức, cá nhân điển hình, những kinh nghiệm hay trong công trình xây dựng NTM. Từ đó, huy động được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.
2. Xây dựng, hoàn thiện các văn bản QPPL và văn bản hướng dẫn
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện lại các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn) phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, vùng miền.
3. Về huy động các nguồn vốn thực hiện chương trình
3.1. Về điện nông thôn
- Ở Trung ương: Bộ Công Thương (trực tiếp là Tổng cục Năng lượng) phối hợp với các Bộ hướng dẫn cơ chế kết hợp nhiều phương thức huy động vốn, với phương châm “doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân; Trung ương và địa phương” cùng làm. Đồng thời, rà soát các nguồn vốn đầu tư, xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện nông thôn; ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện theo kế hoạch xây dựng NTM của từng tỉnh, thành phố.
Đề xuất Chính phủ xem xét có cơ chế bố trí vốn ngân sách nhà nước hàng năm hoặc cấp vốn thông qua các dự án ODA, vốn vay ưu đãi để đầu tư điện nông thôn; đặc biệt là chính sách vốn ngân sách nhà nước đầu tư điện nông thôn cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
- Ở địa phương: các tỉnh, thành phố chủ động dành một phần ngân sách trong việc bổ sung với ngân sách Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời huy động các nguồn lực khác để phối hợp triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tiêu chí 4 đã đề ra.
Vận động, huy động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí số 4 như: đóng góp phần đền bù, tự giải phóng mặt bằng khi đầu tư các công trình điện; tham gia thực hiện và bảo vệ hành lang lưới điện, các công trình điện; đầu tư hệ thống điện gia đình sau công tơ và sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn.
3.2. Về chợ nông thôn
- Nguồn vốn Trung ương: Vụ Thị trường trong nước hướng dẫn Sở Công Thương các địa phương lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ, đầu tư xây dựng chợ hàng năm, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
- Nguồn vốn địa phương: Các địa phương chủ động bố trí một phần ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng triển khai để hoàn thành kế hoạch đề ra. Xây dựng cơ chế để huy động, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ đối với nhưng địa bàn thuận lợi.
- Bộ Công Thương phối hợp Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố, Sở Công Thương để hướng dẫn các địa phương thành lập Ban quản chợ nông thôn theo Nghị định 114/2009/NĐ-CP về phát triển, quản lý chợ và cơ chế huy động các nguồn vốn xây dựng chợ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Bộ Công Thương giao các đơn vị chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ phân công, cụ thể như sau:
1. Cục Công nghiệp địa phương
- Đơn vị đầu mối tổng hợp xây dựng kế hoạch thực hiện, thường trực giúp Lãnh đạo Bộ theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai các nhiệm vụ chung của Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện kế hoạch của các đơn vị có liên quan.
- Đầu mối theo dõi tổng hợp báo chung về tình hình thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến nhiệm vụ của Bộ về Chương trình MTQG xây dựng NTM báo cáo Lãnh đạo Bộ, Ban chỉ đạo Bộ Công Thương theo quy định.
- Hướng dẫn các Sở Công Thương xây dựng kế hoạch hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo Quyết định 60/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 và hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để thúc đẩy phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các xã NTM.
- Xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện Chương trình tại các địa phương, tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trong và ngoài nước.
- Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo trao đổi học tập kinh nghiệm trong xây dựng NTM; kêu gọi các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là các Doanh nghiệp, Tổng công ty, Tập đoàn, … thuộc Bộ) tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình.
2. Tổng cục Năng lượng
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thống kê đánh giá hiện trạng hệ thống lưới điện nông thôn, tỷ lệ số hộ sử dụng điện theo tiêu chí số 4 trên địa bàn toàn quốc, xây dựng cơ sở dữ liệu và kế hoạch đầu tư, huy động vốn để phát triển hệ thống lưới điện nông thôn phù hợp kế hoạch triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
- Rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện nông thôn. Đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện nông thôn.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình.
3. Vụ Thị trường trong nước
- Đầu mối theo dõi, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và tổng hợp tình hình triển khai thực hiện tiêu chí số 7 (chợ nông thôn).
- Tiến hành rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, phát triển chợ nông thôn, trên cơ sở đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp để triển khai thực hiện.
- Hướng dẫn Sở Công Thương các địa phương lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ, đầu tư xây dựng chợ hàng năm, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hướng dẫn huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư xây dựng và quản lý chợ nông thôn.
- Phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 13/2006/QĐ-BXD ngày 19 tháng 4 năm 2006 của Bộ Xây dựng về việc ban hành TCXDVN 361:2006 “Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế” phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và có các văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất cho các địa phương, phù hợp với điều kiện nguồn lực, phong tục tập quán và văn hóa nông thôn theo vùng, miền.
- Thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
4. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Trên cơ sở mục tiêu chung của Chính phủ đề ra tại Quyết định số 800/QĐ-TTg; căn cứ vào kế hoạch của các tỉnh, thành phố về kế hoạch thực hiện tiêu chí số 4, phối hợp với Tổng cục Năng lượng và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch cụ thể để thực hiện tiêu chí điện nông thôn theo từng năm và cả giai đoạn. Phối hợp với Ban Chỉ đạo các địa phương và các đơn vị liên quan để huy động, bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện phù hợp với kế hoạch chung của Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố.
- Chỉ đạo các Công ty Điện lực và các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ban chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và ưu tiên bố trí, cân đối nguồn vốn thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn).
- Thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
5. Các cơ quan thông tin truyền thông thuộc Bộ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và những lợi ích của Chương trình MTQG xây dựng NTM nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân để tham gia xây dựng NTM. Trong đó chú trọng tuyên truyền về các hoạt động của Bộ Công Thương, Ngành Công thương trong triển khai thực hiện xây dựng NTM.
6. Các cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình có trách nhiệm tích cực tham gia triển khai thực hiện kế hoạch và tổng hợp kết quả thực hiện các nội dung liên quan theo yêu cầu báo cáo Lãnh đạo Bộ, Ban chỉ đạo thông qua đơn vị đầu mối (Cục Công nghiệp địa phương).
7. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Phối hợp với Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố, các sở ban ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7 theo kế hoạch chung của Bộ và từng địa phương.
- Huy động và ưu tiên các nguồn vốn, đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, … để hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các xã xây dựng NTM.
- Định kỳ 3 tháng, tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương (thông qua Cục Công nghiệp địa phương) kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng NTM của Bộ và địa phương.
Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020 của Bộ Công Thương đề nghị các Vụ, Cục, Viện, cơ quan thông tin tuyên truyền, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương và các Sở Công Thương tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc hoặc đề nghị sửa đổi bổ sung, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét giải quyết.