Cơ quan ban hành: | Bộ Xây dựng | Số công báo: | 41&42 - 01/2008 |
Số hiệu: | 01/2008/TT-BXD | Ngày đăng công báo: | 21/01/2008 |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Nguyễn Văn Liên |
Ngày ban hành: | 02/01/2008 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 05/02/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 01/2008/TT-BXD NGÀY 02 THÁNG 1 NĂM 2008
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 117/2007/NĐ-CP NGÀY 11/7/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ SẢN XUẤT, CUNG CẤP VÀ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH
- Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
- Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dụng cụ thể về chất lượng nước sạch, quy trình tham gia ý kiến và giám sát của cộng đồng, quy hoạch cấp nước, lựa chọn đơn vị cấp nước, xác định vùng phục vụ cấp nước và ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước, đấu nối, hợp đồng dịch vụ cấp nước, kiểm định thiết bị đo đếm nước và các vấn đề liên quan khác của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (sau đây gọi tắt là Nghị định 117/2007/NĐ-CP) như sau:
I. Về chất lượng nước sạch
Chất lượng nước sạch thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải bảo đảm theo quy chuẩn vệ sinh nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy chuẩn mới theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 thì tạm thời áp dụng Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống được ban hành kèm theo Quyết định số 1329/2002/BYT/QĐ ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Nước sạch phải bảo đảm chất lượng theo quy định trên toàn hệ thống từ sau công trình xử lý đến người trực tiếp sử dụng. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm kiểm tra và bảo đảm chất lượng nước sạch trên hệ thống cấp nước do mình quản lý. Khi có sự cố hoặc khiếu nại của khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước sạch được cung cấp, đơn vị cấp nước có trách nhiệm kiểm tra hệ thống cấp nước do mình quản lý hoặc hệ thống đường ống, thiết bị sau điểm đấu nối của khách hàng sử dụng nước để xác định nguyên nhân và có phương án khắc phục sự cố. Việc tổ chức khắc phục sự cố sau điểm đấu nối do khách hàng sử dụng nước thực hiện.
3. Đối với những hệ thống cấp nước hiện có mà chất lượng nước sạch trên hệ thống chưa bảo đảm theo quy định do Bộ Y tế ban hành thì đơn vị cấp nước và cơ quan ký thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước phải đánh giá, xác định nguyên nhân, có các giải pháp khắc phục và xây dựng lộ trình cải thiện chất lượng nước sạch theo quy định tại điểm đ) Khoản 2, Điều 31 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP, trong đó phải xác định cụ thể mốc thời gian đạt được các quy định về chất lượng nước sạch.
II. Về quy trình tham gia ý kiến và giám sát của cộng đồng
Cộng đồng là tập thể người định cư trên cùng một địa bàn và có cùng một mối quan tâm hoặc lợi ích về dịch vụ hạ tầng ở khu vực đó, trong đó có hoạt động cấp nước. Nước sạch là sản phẩm thiết yếu liên quan đến đời sống, sức khoẻ cộng đồng, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động cấp nước ngoài việc nâng cao nhận thức về sử dụng tiết kiệm nước, nghĩa vụ chi trả, bảo vệ công trình cấp nước... còn bảo đảm quyền làm chủ của người dân trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động cấp nước, góp phần nâng cao tính khả thi của các chương trình, dự án phát triển cấp nước, phát huy hiệu quả đầu tư và phát triển bền vững.
1. Quy trình tham gia ý kiến của cộng đồng:
Khi lập dự án đầu tư xây dựng mới công trình cấp nước ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước tập trung, chủ đầu tư và tổ chức tư vấn lập dự án phải phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức điều tra xã hội học, tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng trong phạm vi phục vụ của dự án về cam kết đấu nối và sự sẵn sàng chi trả. Khi lấy ý kiến phải thông tin cho cộng đồng biết những nội dung cơ bản của dự án về quy mô đầu tư, chất lượng dịch vụ sau khi hoàn thành, phương án giá nước, nhu cầu sử dụng đất, tiến độ thực hiện.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước có quy mô xã, thị trấn phải tổ chức lấy ý kiến đến hộ gia đình. Đối với các dự án có quy mô lớn hơn, chủ đầu tư quyết định hình thức lấy ý kiến rộng rãi đến hộ gia đình hoặc lấy ý kiến tập trung thông qua tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể và lấy ý kiến rộng rãi tại một số khu vực điển hình.
Trong hợp đồng dịch vụ cấp nước phải có thông tin cụ thể về địa chỉ liên lạc của bộ phận, người có trách nhiệm tiếp nhận các ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo của khách hàng sử dụng nước về các sự cố, chất lượng dịch vụ, hành vi phá hoại, tiêu cực có liên quan đến hoạt động cấp nước trên địa bàn. Trong báo cáo hàng năm của đơn vị cấp nước gửi cơ quan có thẩm quyền đã ký thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước phải có nội dung báo cáo về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh của khách hàng sử dụng nước.
Các hình thức tham gia của cộng đồng:
- Thông qua phiếu điều tra
- Họp tổ dân phố
- Thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp như hội phụ nữ, hội người tiêu dùng, hội cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc...
- Thông qua các hình thức khác như đơn thư, góp ý trực tiếp...
2. Giám sát của cộng đồng:
Quy hoạch cấp nước sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
Sau khi ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước, Uỷ ban nhân dân phải thông báo cho Hội đồng nhân dân cùng cấp, các tổ chức chính trị-xã hội biết, thông tin, tuyên truyền để cộng đồng cùng tham gia thực hiện và kiểm tra, giám sát.
Nội dung giám sát của cộng đồng:
- Giám sát việc thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước đã được ký kết
- Giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án cấp nước
- Giám sát về chất lượng dịch vụ cung cấp nước sạch bao gồm: Chất lượng nước sạch, áp lực nước, lưu lượng cấp nước, tính liên tục cấp nước, thái độ phục vụ khách hàng,...
III. Về quy hoạch cấp nước
1. Các đồ án quy hoạch cấp nước được tổ chức lập như một đồ án quy hoạch riêng theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 của Nghị định 117, ngoài việc tuân thủ Nghị định 117/2007/NĐ-CP thì các công việc khác có liên quan như lấy ý kiến quy hoạch, công bố quy hoạch, tổ chức quản lý quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
2. Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước, quy hoạch phát triển ngành có nội dung liên quan đến cấp nước, khi nghiên cứu lập, điều chỉnh cần xem xét, phối hợp với đồ án quy hoạch cấp nước (nếu có) để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với nhau.
3. Những đồ án quy hoạch cấp nước đã được các địa phương tổ chức lập và phê duyệt trước ngày Nghị định 117/2007/NĐ-CP có hiệu lực thì tiếp tục triển khai thực hiện theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
4. Những đồ án quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, đang trong quá trình lập, chưa phê duyệt đồ án:
a) Tổ chức soát xét lại nội dung nhiệm vụ thiết kế, nếu phù hợp với quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP thì không cần trình phê duyệt lại nhiệm vụ thiết kế; Nếu chưa phù hợp với quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP thì phải tiến hành điều chỉnh và người đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế tiến hành phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ thiết kế.
b) Việc thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phải tuân theo quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
IV. Về lựa chọn đơn vị cấp nước, xác định vùng phục vụ cấp nước và ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước
Việc lựa chọn đơn vị cấp nước để tiến hành thương thảo, ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước giữa Uỷ ban nhân dân và đơn vị cấp nước thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP; Vùng phục vụ cấp nước là khu vực có ranh giới xác định mà đơn vị cấp nước có nghĩa vụ cung cấp nước sạch cho các đối tượng sử dụng nước trong khu vực đó; việc xác định vùng phục vụ cấp nước của một đơn vị cấp nước được xác định theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
Thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý được ký giữa Uỷ ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn ở khu vực đô thị, Uỷ ban nhân dân xã ở khu vực nông thôn (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân) với đơn vị cấp nước ràng buộc quyền hạn và nghĩa vụ của hai bên trong việc bảo đảm dịch vụ cấp nước theo quy định, đồng thời bảo đảm hài hoà quyền lợi hợp pháp của đơn vị cấp nước và cộng đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước với giá cả hợp lý có sự kiểm soát của nhà nước.
Nội dung cơ bản của thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước được quy định tại Điều 31 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP; trên cơ sở mẫu thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước tại Phụ lục 1 của Thông tư này, căn cứ điều kiện thực tế, đơn vị cấp nước và uỷ ban nhân dân tổ chức lập, thương thảo và ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước.
Trường hợp một đơn vị cấp nước có nhiều vùng phục vụ cấp nước thuộc các đơn vị hành chính độc lập khác nhau thì tiến hành ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với từng đơn vị hành chính độc lập đó.
Trong một vùng phục vụ cấp nước của đơn vị cấp nước có nhiều đơn vị thành viên trực thuộc thì Uỷ ban nhân dân chỉ ký kết một thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với đơn vị cấp nước đó, việc phân chia quản lý các phân vùng nhỏ hoặc các công đoạn khác nhau của hoạt động cấp nước cho các đơn vị thành viên trực thuộc do đơn vị cấp nước quyết định, bảo đảm sự phù hợp với nội dung thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước đã ký.
V. Về đấu nối
Việc đấu nối công trình của khách hàng sử dụng nước vào mạng lưới cấp nước của đơn vị cấp nước được thực hiện theo các quy định từ Điều 39 đến Điều 43 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối tại các hộ tiêu thụ bao gồm cả đồng hồ đo nước trong vùng phục vụ đã được xác định, chi phí đấu nối được tính vào chi phí đầu tư mạng lưới và được phân bổ vào giá nước sạch do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Thời hạn điều chỉnh, phê duyệt giá nước sạch áp dụng các quy định mới không muộn hơn thời điểm quy định tại Khoản 3, Điều 64 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
Khối lượng nước tối thiểu theo quy định tại Khoản 2, Điều 42 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP được áp dụng đối với khách hàng sử dụng nước là hộ gia đình. Trường hợp nhiều hộ gia đình dùng chung một đồng hồ thì đơn vị cấp nước được phép xác định khối lượng nước tối thiểu trên cơ sở quy đổi một hộ gia đình bình quân có 4 người (4m3/hộ gia đình/tháng).
VI. Về hợp đồng dịch vụ cấp nước
Hợp đồng dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa đơn vị cấp nước với khách hàng sử dụng nước và tuân thủ các quy định từ Điều 44 đến Điều 50 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP. Hợp đồng dịch vụ cấp nước được chia làm 02 loại:
- Hợp đồng dịch vụ cấp nước bán lẻ.
- Hợp đồng dịch vụ cấp nước bán buôn.
1. Nội dung hợp đồng dịch vụ cấp nước bán lẻ phải thể hiện được những thông tin cơ bản về khách hàng về đấu nối để xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, thuận lợi cho việc quản lý; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của hai bên tham gia hợp đồng; các điều kiện chất lượng dịch vụ, giá nước sạch, phương thức thanh toán; những quy định của pháp luật về cấp nước có liên quan đến đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước. Trên cơ sở mẫu hợp đồng dịch vụ cấp nước bán lẻ tại Phụ lục 2 của Thông tư này, căn cứ điều kiện thực tế, đơn vị cấp nước xây dựng mẫu hợp đồng dịch vụ phù hợp để áp dụng trên địa bàn.
2. Hợp đồng dịch vụ cấp nước bán buôn được ký kết giữa đơn vị cấp nước bán buôn và đơn vị cấp nước bán lẻ. Nội dung hợp đồng dịch vụ cấp nước bán buôn phải thể hiện được quyền và nghĩa vụ các bên tham gia ký kết hợp đồng; các điều kiện chất lượng dịch vụ, giá nước sạch bán buôn, phương thức thanh toán; các quy định để bảo đảm sự ổn định, an toàn cấp nước và chất lượng nước sạch cung cấp. Trên cơ sở mẫu hợp đồng dịch vụ cấp nước bán buôn tại Phụ lục 3 của Thông tư này, căn cứ điều kiện thực tế, đơn vị cấp nước bán buôn và đơn vị cấp nước bán lẻ thương thảo cụ thể để áp dụng.
VII. Về đo đếm và hoàn trả tiền nước thu thừa do thiết bị đo đếm nước không chính xác
Thiết bị đo đếm nước phải được kiểm định theo quy định tại Điều 50 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP. Trong trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định sai số thực tế của đồng hồ lớn hơn sai số cho phép theo quy định thì đơn vị cấp nước phải hoàn trả tiền thu thừa cho khách hàng sử dụng nước, căn cứ để xác định khối lượng tính giá trị tiền thu thừa phải bồi hoàn như sau:
- Mức độ sai số cho phép theo quy định
- Mức độ sai số thực tế do tổ chức kiểm định độc lập xác định
- Khoảng thời gian từ thời điểm lượng nước sử dụng tăng đột biến so với mức tiêu thụ bình quân trước đó đến thời điểm tháo đồng hồ để kiểm định.
VIII. Hiệu lực thi hành
Thông tư này áp dụng thống nhất trong cả nước và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để nghiên cứu giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Liên
PHỤ LỤC 1
MẪU THOẢ THUẬN THỰC HIỆN DỊCH VỤ CẤP NƯỚC
(Ban hành theo Thông tư số 01 /2008/TT-BXD ngày..02..tháng..01...năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
THOẢ THUẬN
THỰC HIỆN DỊCH VỤ CẤP NƯỚC
- Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/07/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
- Căn cứ Thông tư số ...../2008/TT-BXD ngày.....tháng.....năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
- Căn cứ Quyết định số.....ngày...../...../..... của UBND..... (cấp tỉnh) ban hành Quy định (quy chế) về hoạt động cấp nước trên địa bàn tỉnh, thành phố;
- Căn cứ.....
Hôm nay, ngày .....tháng.......năm 200..........
Tại.................................................................
Chúng tôi gồm:
I. Đại diện chính quyền địa phương (gọi tắt là Bên A)
Đại diện là Ông ..................................................Điện thoại....................................................
Chức vụ....................................................................................................................................
Theo giấy uỷ quyền số.............../.........................ngày.....tháng.....năm...................................
của ...........................................................................................................................................
Trụ sở.......................................................................................................................................
II. Đại diện đơn vị cấp nước (gọi tắt là Bên B)
Tên cơ quan.................................................Điện thoại...........................................................
Đại diện là ông........................................................................................................................
Chức vụ...................................................................................................................................
Theo giấy uỷ quyền số.............../........................ ngày.....tháng.....năm.................................
của...........................................................................................................................................
Trụ sở.......................................................................................................................................
Cùng nhau thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với các nội dung sau:
Điều 1. Mục đích của thoả thuận thực hiện dịch vụ
Thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý được ký giữa Uỷ ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn ở khu vực đô thị, Uỷ ban nhân dân xã ở khu vực nông thôn (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân) với doanh nghiệp hoạt động cấp nước ràng buộc quyền hạn và nghĩa vụ của hai bên trong việc bảo đảm dịch vụ cấp nước an toàn, đồng thời bảo đảm hài hoà quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và cộng đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước với giá cả hợp lý có sự kiểm soát của nhà nước.
Điều 2. Các định nghĩa và giải thích từ ngữ
Định nghĩa, giải thích các thuật ngữ có liên quan được sử dụng trong Thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước
1. "Hoạt động cấp nước" là các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, bao gồm: quy hoạch, tư vấn thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, bán buôn nước sạch, bán lẻ nước sạch và sử dụng nước.
2. “Dịch vụ cấp nước” là các hoạt động có liên quan của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bán buôn nước sạch, bán lẻ nước sạch.
3. "Đơn vị cấp nước" là tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn nước sạch và bán lẻ nước sạch.
....
Điều 3. Vùng phục vụ cấp nước
Quy định ranh giới, phạm vi mà đơn vị cấp nước có nghĩa vụ cung cấp nước sạch cho các đối tượng sử dụng nước, trong đó có xác định ranh giới hiện trạng đã có cấp nước và các khu vực đơn vị cấp nước có nghĩa vụ phát triển đấu nối vào mạng lưới theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
Quy định về các trường hợp điều chỉnh vùng phục vụ cấp nước; nội dung, trình tự thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh vùng phục vụ cấp nước.
Báo cáo đánh giá hiện trạng cấp nước trong vùng: mô tả chi tiết hiện trạng các công trình đầu mối, mạng lưới đường ống, chất lượng dịch vụ hiện đang cung cấp.
Điều 4. Các điều kiện dịch vụ
Quy định cụ thể tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ mà đơn vị cấp nước có nghĩa vụ phải bảo đảm phù hợp với các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về:
- Chất lượng nước
- Áp lực
- Tiêu chuẩn sử dụng nước
- Tính liên tục
- Các điều kiện khác (tỷ lệ thất thoát, thất thu; hiệu quả hoạt động của đơn vị cấp nước...)
Quy định cụ thể các mốc thời gian, lộ trình cải thiện, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ nếu hiện trạng chưa đáp ứng các quy định trên cho từng loại tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.
Điều 5. Định hướng kế hoạch phát triển cấp nước
Kế hoạch từng bước phủ kín dịch vụ cấp nước cho các khu vực của vùng phục vụ cấp nước đã được xác định.
Kế hoạch từng bước nâng cao điều kiện chất lượng dịch vụ.
Dự kiến các dự án đầu tư tập trung, các chương trình nâng cấp, phát triển mạng lưới.
Quy định về nội dung, trình tự thủ tục, thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch phát triển cấp nước.
Điều 6. Nguồn tài chính dự kiến để thực hiện kế hoạch phát triển cấp nước
Xác định nhu cầu tài chính để thực hiện kế hoạch phát triển cấp nước.
Xác định các nguồn tài chính khả thi (vốn tự có, ngân sách hỗ trợ, vốn vay, vốn huy động khác...)
Các quy định hỗ trợ của chính quyền địa phương (nếu có) trong việc cấp vốn, hỗ trợ thu xếp nguồn vốn...
Điều 7. Giá nước sạch
Quy định các vấn đề có liên quan tới giá nước sạch: giá thành, giá bán cho từng đối tượng, lộ trình tăng giá, nguyên tắc điều chỉnh giá; phương án hỗ trợ giá từ ngân sách của chính quyền địa phương; trình tự thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh giá.
Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị cấp nước
Quy định quyền và nghĩa vụ của đơn vị cấp nước trong hoạt động cấp nước theo các quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP và quy định cụ thể của địa phương.
Điều 9. Quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương
Quy định quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức, quản lý và giám sát thực hiện hoạt động cấp nước của đơn vị cấp nước trên địa bàn.
Quy định cụ thể phân cấp, thẩm quyền các đơn vị đầu mối có liên quan trong việc quản lý, giám sát hoạt động của đơn vị cấp nước trên địa bàn.
Điều 10. Trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương và đơn vị cấp nước trong việc quản lý vận hành hệ thống cấp nước
Quy định những hoạt động cần có sự phối hợp, thống nhất giữa chính quyền địa phương và đơn vị cấp nước trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cấp nước tại địa phương.
Quy định cụ thể các phương thức, cách thức phối hợp, các đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp.
Điều 11. Chuyển nhượng quyền kinh doanh dịch vụ cấp nước
Quy định về việc sử dụng nhà thầu phụ.
Quy định các tình huống, trình tự thủ tục, thẩm quyền giải quyết việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ quyền kinh doanh dịch vụ cấp nước trên địa bàn cho một đơn vị cấp nước khác.
Điều 12. Giải quyết tranh chấp và vi phạm thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước
Các quy định về giải quyết tranh chấp và vi phạm thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước theo các quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.
Điều 13. Sửa đổi thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước
Quy định các trường hợp cần sửa đổi, ký kết bổ sung thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước (khi có sự thay đổi về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, cơ chế chính sách của Nhà nước...); trình tự thủ tục, thẩm quyền sửa đổi.
Điều 14. Chấm dứt thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước
Quy định các trường hợp chấm dứt thoả thuận thực hiện dịch vụ khi một trong hai bên vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của thoả thuận; trình tự thủ tục, thẩm quyền giải quyết những vướng mắc của hai bên khi chấm dứt thoả thuận thực hiện dịch vụ.
Điều 15. Các trường hợp bất khả kháng
Quy định các sự kiện, hoàn cảnh ngoài ý muốn không thể ngăn chặn được khiến cho đơn vị cấp nước không có khả năng thực hiện hay chậm trễ trong việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần các nghĩa vụ theo thoả thuận như chiến tranh, phá hoại, thiên tai, sự cố môi trường...
Các thủ tục yêu cầu miễn trừ trong trường hợp bất khả kháng.
Điều 16. Các quy định khác
Điều 17. Hiệu lực thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước
Quy định hiệu lực của thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước.
Các phụ lục đính kèm.
- Mô tả vùng phục vụ cấp nước
- Báo cáo đánh giá hiện trạng
- Kế hoạch phát triển cấp nước
- Phương án giá nước sạch
- Các văn bản khác (nếu có)
ĐẠI DIỆN ĐƠN VỊ CẤP NƯỚC (Ký và đóng dấu) | ĐẠI DIỆN UỶ BAN NHÂN DÂN (Ký và đóng dấu) |
PHỤ LỤC 2
MẪU HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ CẤP NƯỚC
Áp dụng cho mua bán lẻ nước sạch
(Ban hành theo Thông tư số.01 /2008/TT-BXD ngày.02..tháng.01..năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
|
BÊN CUNG CẤP DỊCH VỤ (Ký và đóng dấu) | KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG NƯỚC (Ký và đóng dấu) |
Phụ lục Hợp đồng dịch vụ cấp nước
(Kèm theo và là một phần không tách rời của hợp đồng dịch vụ cấp nước)
Phần 1
1. Thông tin về khách hàng sử dụng nước
Lần ĐK | Ngày đăng ký | Số hộ/đấu nối | Số người | Định mức | Mục đích sử dụng | Ký xác nhận | ||||
SH | HCSN | KD | DV | Bên A | Bên B | |||||
2. Thông tin về đấu nối
- Vị trí điểm đấu nối................................................................................................................
- Đồng hồ đo nước D................... loại.....................................................................................
Seri............................................... được đặt tại........................................................................
- Sơ đồ mặt bằng
Ngày.........tháng........năm..........
Người thực hiện
(Ký ghi rõ họ tên)
Phần 2
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ KHI THỰC HIỆN
HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ CẤP NƯỚC
Căn cứ theo Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định (quy chế) của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, phần này quy định cụ thể, chi tiết một số vấn đề sau:
- Các hành vi bị cấm, xử lý vi phạm
- Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan
- Điểm đấu nối
- Điểm lắp đặt đồng hồ đo nước
- Thỏa thuận đấu nối
- Miễn trừ đấu nối
- Ngừng dịch vụ cấp nước
- Chấm dứt hợp đồng
- Sai sót, bồi thường thiệt hại
- Khối lượng nước sạch sử dụng tối thiểu
- Thanh toán tiền nước
- Đo đếm nước
- Kiểm định thiết bị đo đếm nước
- Bảo vệ hệ thống cấp nước
- Tranh chấp, xử lý vi phạm hợp đồng
- Giải quyết khiếu nại tố cáo
Phần 3
Địa chỉ, số điện thoại liên hệ của các đơn vị, bộ phận hoặc người có trách nhiệm để khách hàng sử dụng nước liên hệ cho các mục đích:
- Tư vấn, giải đáp thông tin
- Thông báo sự cố mất nước, nước bị ô nhiễm, rò rỉ, hư hỏng đường ống, đồng hồ....
- Thông báo, tố cáo, giải quyết vi phạm
- Thông báo chỉ số đồng hồ, thu tiền nước
PHỤ LỤC 3
MẪU HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ CẤP NƯỚC
Áp dụng cho mua bán buôn nước sạch
(Ban hành theo Thông tư số.01 /2008/TT-BXD ngày.02.tháng.01.năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
HỢP ĐỒNG
MUA BÁN BUÔN NƯỚC SẠCH
Hợp đồng phải thể hiện được các nội dung sau:
1. Đại diện các bên ký hợp đồng
Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản và các nội dung khác của các bên có liên quan trong hợp đồng.
2. Căn cứ pháp lý
Các căn cứ pháp lý để thực hiện hợp đồng.
3. Các định nghĩa và giải thích
4. Quyền và nghĩa vụ các bên tham gia hợp đồng
5. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng
6. Thời điểm cấp nước
Thời điểm cấp nước do hai bên xác lập. Nghĩa vụ của các bên trong việc bảo đảm đúng tiến độ phát nước đã được quy định.
7. Khối lượng nước cung cấp
Quy định khối lượng nước hai bên cam kết giao nhận tại điểm đấu nối, các quy định đặc thù (nếu có) về khối lượng nước tối thiểu, tối đa giao nhận, thanh toán theo ngày, tháng hoặc theo mùa.
8. Chất lượng nước sạch
Quy định cụ thể tiêu chuẩn chất lượng nước sạch tại điểm đấu nối; nghĩa vụ của Bên bán trong việc bảo đảm chất lượng nước sạch; các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước.
9. Áp lực nước
Quy định cụ thể các tiêu chuẩn về áp lực nước tại điểm đấu nối. Nghĩa vụ của Bên bán trong việc bảo đảm áp lực nước.
10. Tính liên tục cấp nước
Quy định về tính liên tục cấp nước, bảo đảm an toàn cấp nước; nghĩa vụ của Bên bán trong việc bảo đảm tính liên tục cấp nước.
11. Đo đếm nước
Quy định về việc lắp đặt đồng hồ đo nước, đồng hồ đo áp lực, cân chỉnh và thử, niêm phong, đọc chỉ số trên đồng hồ, xác định khối lượng nước...
12. Giá bán buôn nước sạch
Quy định giá bán buôn nước sạch, các nguyên tắc điều chỉnh giá.
13. Hoá đơn và các điều kiện thanh toán
Quy định về báo cáo thanh toán, thời gian thanh toán, hình thức thanh toán.
14. Bất khả kháng
Quy định các sự kiện, hoàn cảnh ngoài ý muốn không thể ngăn chặn được khiến cho một bên không có khả năng thực hiện hay chậm trễ trong việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần các nghĩa vụ theo hợp đồng như chiến tranh, phá hoại, thiên tai, sự cố môi trường...
Các thủ tục yêu cầu miễn trừ trong trường hợp bất khả kháng.
15. Chấm dứt hợp đồng
Các điều kiện chấm dứt hợp đồng, thủ tục chấm dứt hợp đồng.
16. Bồi thường và xử lý vi phạm
Quy định các sai sót do một bên gây ra ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên kia; Trách nhiệm bồi thường của các bên vi phạm hợp đồng.
17. Giải quyết tranh chấp
Quy định về việc giải quyết tranh chấp giữa các bên có liên quan trong hợp đồng.
18. Chuyển nhượng
Các điều kiện và biện pháp trong trường hợp một bên chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng cho bên thứ ba.
19. Sửa đổi hợp đồng
Quy định các trường hợp, điều kiện sửa đổi hợp đồng.
20. Các quy định khác
Quyền cung cấp và được cung cấp tài liệu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng ...
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản được hướng dẫn |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
Thông tư 01/2008/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Xây dựng |
Số hiệu: | 01/2008/TT-BXD |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 02/01/2008 |
Hiệu lực: | 05/02/2008 |
Lĩnh vực: | Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường |
Ngày công báo: | 21/01/2008 |
Số công báo: | 41&42 - 01/2008 |
Người ký: | Nguyễn Văn Liên |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!