BỘ XÂY DỰNG -------- Số: 02/2015/TT-BXD | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2015 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ THOÁT NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Giá; Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (gọi tắt là giá dịch vụ thoát nước) cho các loại hệ thống thoát nước để làm cơ sở lập, phê duyệt phương án giá và quyết định giá dịch vụ thoát nước áp dụng tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi tắt là khu công nghiệp) và khu dân cư nông thôn tập trung.
2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến hoạt động thoát nước trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền lập, xem xét quyết định phê duyệt giá dịch vụ thoát nước.
3. Khuyến khích các cụm công nghiệp áp dụng quy định tại Thông tư này.
Điều 2. Phương pháp xác định tổng chi phí thực hiện dịch vụ thoát nước
1. Tổng chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ thực hiện dịch vụ thoát nước đối với từng loại hệ thống thoát nước làm cơ sở để tính giá thành toàn bộ và tính giá 01 mét khối (m3) nước thải phải được tính toán theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về quản lý thoát nước và xử lý nước thải do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc ban hành, bao gồm các chi phí sau:
STT | Nội dung chi phí | Ký hiệu |
1 | Chi phí vật tư trực tiếp | Cvt |
2 | Chi phí nhân công trực tiếp | CNC |
3 | Chi phí sản xuất chung | CSXC |
4 | Cộng chi phí sản xuất (1+2+3) | CP |
5 | Chi phí quản lý doanh nghiệp | Cq |
6 | Tổng chi phí dịch vụ thoát nước (4+5) | CT |
2. Đối với dịch vụ thoát nước tại các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung, nội dung từng khoản chi phí được xác định như sau:
a) Chi phí vật tư trực tiếp bao gồm các chi phí nguyên, nhiên vật liệu, hóa chất, động lực sử dụng trực tiếp và các loại vật liệu phụ để thực hiện việc tiêu thoát nước và xử lý nước thải.
Chi phí vật tư trực tiếp được xác định bằng tổng khối lượng của từng loại vật tư sử dụng nhân (x) với đơn giá vật tư tương ứng; trong đó:
- Khối lượng vật tư sử dụng để tiêu thoát nước và xử lý nước thải áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về tiêu thoát và xử lý nước thải do cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố hoặc ban hành. Đối với các loại vật tư đưa vào sản xuất chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc ban hành thì đơn vị xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước xây dựng định mức tính trong phương án giá thoát nước trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
- Giá vật tư là giá mua thực tế theo giá do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc thông báo giá, hướng dẫn giá tại thời điểm tính toán (đối với những loại vật tư Nhà nước còn quy định giá và quản lý giá theo các hình thức: đăng ký giá, kê khai giá, hiệp thương giá, công khai thông tin về giá) hoặc giá thị trường ghi trên hóa đơn theo quy định pháp luật của người bán hàng tại thời điểm cần tính toán (đối với những vật tư không thuộc danh mục do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc thông báo giá, hướng dẫn giá) cộng (+) với chi phí lưu thông hợp lý đến nơi xử lý, thoát nước thải (nếu có).
b) Chi phí nhân công trực tiếp bao gồm các khoản chi phí bằng tiền mà các đơn vị thoát nước phải trả cho người lao động trực tiếp sản xuất như: tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi ăn ca, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các khoản chi khác theo quy định đối với công nhân trực tiếp xử lý và tiêu thoát nước, trong đó:
- Chi phí tiền lương, tiền công được xác định bằng số lượng ngày công theo định mức kinh tế - kỹ thuật về xử lý, tiêu thoát nước do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc ban hành nhân (x) với đơn giá ngày công tương ứng (đơn giá ngày công bao gồm: tiền lương cơ sở, các khoản phụ cấp lương theo quy định của pháp luật);
- Chi phí tiền ăn giữa ca (nếu có) cho người lao động tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp theo quy định hiện hành của pháp luật;
- Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phụ cấp độc hại, kinh phí công đoàn và các khoản chi khác (nếu có) của công nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát và xử lý nước thải theo quy định hiện hành của pháp luật.
c) Chi phí sản xuất chung là các khoản chi phí sản xuất gián tiếp (ngoài các chi phí vật tư trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này) phát sinh ở các đơn vị thực hiện của doanh nghiệp bao gồm: khấu hao, sửa chữa tài sản cố định; chi phí vật liệu, công cụ, dụng cụ dùng cho phân xưởng; tiền lương, phụ cấp lương, tiền ăn giữa ca (nếu có) trả cho nhân viên phân xưởng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của cán bộ nhân viên phân xưởng; chi phí kiểm nghiệm tiêu chuẩn nước xả thải, hệ thống xả thải, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền khác được tính vào giá thành theo quy định của pháp luật.
Phương pháp xác định chi phí vật tư, dịch vụ, chi phí nhân công trong chi phí sản xuất chung áp dụng như quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều này.
Chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
d) Chi phí quản lý doanh nghiệp là tổng các chi phí chi cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp, các khoản chi phí có tính chất chung của toàn doanh nghiệp bao gồm: khấu hao, sửa chữa TSCĐ phục vụ bộ máy quản lý và điều hành trong doanh nghiệp; chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, tiền ăn giữa ca (nếu có) trả cho ban giám đốc và nhân viên quản lý ở các phòng ban; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của bộ máy quản lý doanh nghiệp; chi phí vật liệu, đồ dùng cho văn phòng, các khoản thuế, phí và lệ phí, chi phí dịch vụ mua ngoài thuộc văn phòng doanh nghiệp; các chi phí chung khác cho toàn doanh nghiệp như: chi trả lãi vay, các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, chi phí tiếp tân, giao dịch, chi phí nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ, chi sáng kiến, cải tiến, chi bảo vệ môi trường, chi phí giáo dục, đào tạo, chi y tế cho người lao động của doanh nghiệp, chi phí cho lao động nữ, các khoản chi phí quản lý khác theo chế độ quy định hiện hành. Chi phí quản lý doanh nghiệp được phân bổ vào giá thành theo các tiêu thức phù hợp cho các sản phẩm của doanh nghiệp như: xử lý và tiêu thoát nước, xây lắp và các sản phẩm khác của doanh nghiệp (nếu có); các khoản chi phí quản lý khác theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.
Phương pháp xác định chi phí vật tư, dịch vụ, chi phí nhân công, chi phí khấu hao tài sản cố định trong chi phí quản lý doanh nghiệp áp dụng như quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này.
3. Khi xác định tổng chi phí sản xuất, kinh doanh đơn vị thoát nước phải thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ; không tính các khoản chi phí không được tính vào tổng chi phí sản xuất, kinh doanh theo quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành và các quy định của pháp luật có liên quan.
Các khoản chi phí chung không chỉ phục vụ cho dịch vụ thoát nước mà có liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động trong đơn vị thoát nước và các khoản chi phí phải phân bổ trong kỳ tính toán, thực hiện theo quy định của pháp luật kế toán và các quy định của pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Định giá dịch vụ thoát nước
1. Giá thành toàn bộ 01 m3 nước thải được xác định theo công thức sau:
Trong đó:
a) ZTB: là giá thành toàn bộ 01 m3 nước thải bình quân. Đơn vị tính: đồng/ m3.
b) CT: là tổng chi phí dịch vụ thoát nước được xác định theo Điều 2 Thông tư này.
c) SLT: là tổng khối lượng nước thải được thu gom, vận chuyển và xử lý của hệ thống thoát nước. Đơn vị tính: m3.
Tổng lượng nước thải được thu gom, vận chuyển và xử lý của hệ thống thoát nước bao gồm nước thải từ các hộ thoát nước và các loại nước thải khác xả vào hệ thống thoát nước. Trong đó khối lượng nước thải của các hộ thoát nước được xác định theo Điều 39 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải; trường hợp các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung nếu lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải thì lượng nước thải sẽ được tính theo đồng hồ đo lưu lượng nước thải. Khuyến khích các hộ thoát nước (trừ nước thải sinh hoạt hộ gia đình) lắp đồng hồ đo lưu lượng nước thải. Khối lượng các loại nước thải khác được tính toán, xác định theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành.
2. Giá dịch vụ thoát nước được xác định theo công thức sau:
GDVTN = {ZTB + (ZTB x P)} x K
Trong đó:
GDVTN: là giá dịch vụ thoát nước
ZTB: là giá thành toàn bộ 01 m3 nước thải bình quân.
P: là tỷ lệ lợi nhuận định mức. Căn cứ vào điều kiện kinh doanh thực tế của các đơn vị thoát nước, thu nhập bình quân của người dân tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tỷ lệ lợi nhuận định mức hợp lý trong cơ cấu giá dịch vụ thoát nước và phải đảm bảo được tính tối thiểu bằng 5% trên giá thành toàn bộ chi phí thoát nước.
K: là hệ số điều chỉnh phụ thuộc hàm lượng chất gây ô nhiễm, được xác định theo hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải (không phải là nước thải sinh hoạt) và được xác định theo chỉ tiêu COD (mg/l) trung bình của từng loại nước thải căn cứ theo tính chất sử dụng hoặc loại hình hoạt động phát sinh ra nước thải hoặc theo từng đối tượng riêng biệt. Hàm lượng COD được xác định căn cứ theo kết quả phân tích của phòng thí nghiệm hợp chuẩn. Hệ số K được xác định như sau:
STT | Hàm lượng COD (mg/l) | Hệ số K |
1 | 151 - 200 | 1,5 |
2 | 201 - 300 | 2 |
3 | 301 - 400 | 2,5 |
4 | 401 - 600 | 3,5 |
5 | > 600 | 4,5 |
Giá dịch vụ thoát nước xác định theo công thức tại khoản 2 Điều này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Xây dựng chủ trì định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý giá dịch vụ thoát nước ở địa phương và kiểm tra việc xây dựng phương án giá; chấp hành pháp luật về giá dịch vụ thoát nước của các đơn vị thoát nước theo nội dung tại Thông tư này.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn do mình quản lý; phê duyệt giá dịch vụ thoát nước giữa đơn vị thoát nước và chủ sở hữu hệ thống thoát nước để xác định giá hợp đồng quản lý, vận hành; tùy theo điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lộ trình, mức thu tiền dịch vụ thoát nước đối với các hộ thoát nước trên địa bàn mình quản lý.
Trường hợp giá dịch vụ thoát nước tại địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá dịch vụ thoát nước đã được tính đúng, tính đủ các chi phí dịch vụ thoát nước và mức lợi nhuận hợp lý thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải cấp bù từ ngân sách địa phương để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị thoát nước.
3. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở có liên quan kiểm tra việc xây dựng, thực hiện quyết định giá dịch vụ thoát nước áp dụng cho các đối tượng có liên quan đến dịch vụ này tại địa phương, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh để xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh; đồng thời tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng để theo dõi và điều chỉnh khi cần thiết.
4. Việc xử lý chuyển tiếp được thực hiện theo Điều 47 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2015.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Xây dựng để xem xét, hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ và các Phó TTCP; - Văn phòng Trung ương Đảng; VP Chính phủ; - VP Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương; - UB Quốc phòng An ninh của QH, VP Quốc hội; - Viện KSNDTC; Toà án NDTC; - Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ, Tổng Kiểm toán NN; - HĐND,UBND và các Sở XD các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; Website CP; - Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; - Website Bộ XD; - Lưu: VP, KTXD. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Cao Lại Quang |