Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định về thời hiệu thừa kế, cụ thể như sau:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.”
Thời điểm mở thừa kế được quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, cụ thể như sau:
“Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại (năm 2018) thì thời hiệu để gia đình bạn yêu cầu chia di sản thừa kế đã hết (đã quá 30 năm) - gia đình bạn không thể yêu cầu chia di sản đối với quyền sử dụng đất của một phần diện tích mảnh đất thuộc si sản của bố chồng bạn.
Tuy nhiên, do mẹ chồng của bạn mất năm 1999 nên tại thời điểm hiện tại (năm 2018), gia đình bạn vẫn có thể yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất thuộc di sản của mẹ chồng bạn cho gia đình; mặc dù chồng bạn mất thì gia đình bạn vẫn có quyền hưởng phần thừa kế mà chồng bạn được hưởng. Chính vì vậy, nếu gia đình bạn có một phần quyền sử dụng đất đối với mảnh đất và không đồng ý chuyển nhượng thì người con gái kia cũng sẽ không thể thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ mảnh đất này cho người cháu.