Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:
1. Dựng rạp hiếu, hỉ trên vỉa hè có vi phạm pháp luật không?
Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố để dựng rạp hiếu, hỉ được quy định tại Điều 25a Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ về quản lí, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể như sau:
“"Điều 25a. Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông
1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
2. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;
b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;
c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;
d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;
đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;
b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
4. Đối với trường hợp sử dụng hè phố quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, d, đ Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố.”
Như vậy, khi người dân cần tổ chức đám hiếu, hỉ thì vẫn có thể dùng một phần hè phố nhưng phải tuân thủ các điều kiện sau:
- Khi sử dụng vỉa hè thì phải dành một khoản tối thiểu là 1,5m dành cho người đi bộ;
- Thời gian sử dụng là tạm thời, đối với đám ma và đám cưới là không quá 48 tiếng, còn trường hợp là đám ma đặc biệt thì không quá 72 tiếng;
- Thứ ba, vị trí hè phố sử dụng phải đảm bảo kết cấu phù hợp với các trường hợp tạm thời;
- Thứ tư, là phải thông báo cho UBND cấp xã, phường trước khi sử dụng trường hợp này.
2. Dựng rạp hiếu, hỉ dưới lòng đường có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng với cá nhân vi phạm và phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng với tổ chức vi phạm đối với những hành vi lấn chiếm lòng đường để dựng rạp hiếu, hỉ.
Trong trường hợp việc dựng rạp này gây ra các hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc chết nhiều người hay thiệt hại về tài sản thì theo tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, người vi phạm đó có thể bị xử lý hình sự theo Khoản 1 Điều 261 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội cản trở giao thông đường bộ: mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (mức phạt có thể là từ 5 năm đến 10 năm tù nếu hậu quả xảy ra là làm chết từ 3 người trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên).
Như vậy, việc dựng rạp hiếu, hỉ trên vỉa hè hoặc dưới lòng đường là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính đến chịu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.