Việc phạm tội do dung rượu, bia được quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, cụ thể như sau:
“Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong tình trạng say rượu vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự như bình thường.
Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là bởi lẽ: Trước khi say, mọi cá nhân đều có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, việc họ bị mất hoặc hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự là do người phạm tội lựa chọn và quyết định. Vì thế, trách nhiệm hình sự đặt ra đối với họ là ở thời điểm chưa say. Mặt khác, quy định này còn có ý nghĩa trong việc giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn việc lợi dụng tình trạng say rượu, bia hoặc chất kích thích khác để thực hiện tội phạm.
Trong thực tiễn xét xử, các Tòa án cũng không coi phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà ngược lại, đây còn được quy định là tình tiết định khung tăng nặng trong một số tội phạm như:
– Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;
– Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;
– Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ quy định tại Điều 272 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Như vậy, “Nếu một người vì say rượu mà vô ý gây ra tai nạn giao thông” thì không những người đó không được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn bị tăng nặng trách nhiệm hình sự.