Thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động (trong đó bao gồm hình thức sa thải) được quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động”
Cũng theo khoản 1 điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 3 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, người được giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động bao gồm cả “Người được người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết hợp đồng lao động”.
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động thuộc về người đã giao kết hợp đồng lao động với người lao động, và người này có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết hợp đồng lao động.
Đối với trường hợp của bạn, nếu giám đốc là người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền bằng văn bản thì người này có thẩm quyền sa thải bạn; ngược lại, nếu người này không được người đại diện theo pháp luật ủy quyền bằng văn bản thì người này không có thẩm quyền sa thải bạn.