Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:
Vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không. Vận chuyển hàng không bao gồm vận chuyển hàng không thường lệ và vận chuyển hàng không không thường lệ.
+ Vận chuyển hàng không thường lệ là việc vận chuyển bằng đường hàng không bao gồm các chuyến bay được thực hiện đều đặn, theo lịch bay được công bố và được mở công khai cho công chúng sử dụng.
+ Vận chuyển hàng không không thường lệ là việc vận chuyển bằng đường hàng không không có đủ các yếu tố của vận chuyển hàng không thường lệ.
Theo quy định tại Phụ lục 4 – Luật Đầu tư năm 2014 thì kinh doanh vận chuyển hàng không là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó khi muốn kinh doanh ngành nghề này phải có Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
1. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không
Điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được quy định tại Khoản 1 Điều 110 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), cụ thể như sau:
“Điều 110. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không
1. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không;
b) Có phương án bảo đảm có tàu bay khai thác;
c) Có tổ chức bộ máy, có nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không;
d) Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ;
đ) Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch, định hướng phát triển ngành hàng không;
e) Có trụ sở chính và địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện sau đây:
a) Bên nước ngoài góp vốn với tỷ lệ theo quy định của Chính phủ;
b) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam và không quá một phần ba tổng số thành viên trong bộ máy điều hành là người nước ngoài.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
4. Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không phải nộp lệ phí.”
Ngoài ra, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không có các nghĩa vụ sau đây:
- Công bố nội dung Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không;
- Hoạt động đúng mục đích, nội dung, điều kiện ghi trong Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không;
- Duy trì điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay theo quy định;
- Duy trì chất lượng của dịch vụ vận chuyển hàng không theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
- Tuân thủ quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật khác có liên quan.
2. Mức vốn pháp định để kinh doanh dịch vụ hàng không
Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP như sau:
“Điều 8. Điều kiện về vốn
1. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không:
a) Khai thác đến 10 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;
b) Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;
c) Khai thác trên 30 tàu bay: 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
2. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.”
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Bên nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ;
- Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
3. Quy trình thành lập hãng hàng không tại Việt Nam
Để thành lập hãng hàng không phải thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Xin chủ trương đầu tư từ Thủ tướng chính phủ.
Bước 2: Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
4. Hồ sơ thành lập công ty
Tham khảo các bài viết sau để nắm rõ thành phần hồ sơ thành lập công ty:
- Thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần;
- Thủ tục đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu;
- Thủ tục đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu;
- Thủ tục đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Thủ tục đăng ký thành lập công ty hợp danh;
- Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không phải có điều lệ riêng và điều lệ của công ty vận tải hàng không phải . Điều lệ vận chuyển là bộ phận cấu thành của hợp đồng vận chuyển hàng không, quy định các điều kiện của người vận chuyển đối với việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không. Điều lệ vận chuyển không được trái với quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam và quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
5. Hồ sơ xin giấy cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không
Hồ sơ xin giấy cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không bao gồm:
- Bản chính văn bản đề nghị cấp Giấy phép;
- Danh sách thành viên, cổ đông tại thời điểm nộp hồ sơ.
Danh sách thành viên, cổ đông phải đảm bảo đầy đủ các thông tin: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; chỗ ở hiện tại; tỷ lệ phần vốn góp hay số cổ phần nắm giữ; tên công ty (dự kiến), địa chỉ, trụ sở chính, người đại diện quản lý phần vốn góp đối với thành viên, cổ đông là tổ chức; thỏa thuận góp vốn của các cổ đông, thành viên (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp);
- Dự thảo Điều lệ hoạt động có đầy đủ chữ ký của thành viên, cổ đông hoặc người đại diện theo ủy quyền (bản sao có chứng thực);
- Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác; phương án tổ chức bộ máy bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển, hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm (bản sao có chứng thực);
- Giấy tờ xác nhận về nhân thân của thành viên hãng hàng không, cổ đông hoặc giấy tờ xác nhận tư cách pháp nhân của pháp nhân;
- Nhãn hiệu dự kiến sử dụng;
Như vậy, để có thể thành lập hãng hàng không tại Việt Nam, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện và tuân theo quy trình trên đây.