Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:
Lãi suất vay trong quan hệ dân sự được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Tuy nhiên, đối với trường hợp của bạn, vì đây là qua hệ tín dụng nên trường hợp này sẽ áp dụng pháp luật chuyên ngành chứ không áp dụng quy định về lãi suất cho vay của Bộ luật dân sự 2015.
Theo đó, Thông tư 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính như sau:
“Điều 9. Lãi suất cho vay tiêu dùng
1. Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
2. Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 7 Thông tư này về khung lãi suất, trong đó nêu cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính.”
Như vậy, pháp luật hiện hành chưa có trần lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng đối với các Công ty tài chính mà các Công ty tài chính tự đưa ra mức lãi suất cho vay cụ thể và báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước, nếu Ngân hàng Nhà nước không phản đối thì Công ty tài chính được quyền áp dụng (điều này cũng đồng nghĩa với việc mức lãi suất này có thể cao hơn 20%/năm).
Với trường hợp của bạn, mặc dù ta có thể tính ra mức lãi suất là 32%/năm tức - vượt quá lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 nhưng nếu đây là lãi suất mà công ty tài chính đã làm hồ sơ xin phép và được Ngân hàng nhà nước phê duyệt thì đây không phải là trường hợp vi phạm pháp luật về lãi suất cho vay, do vậy bạn không thể khởi kiện công ty này về hành vi cho vay nặng lãi được.
Xem thêm:
- Như thế nào là cho vay nặng lãi?
- Vợ của giám đốc ngân hàng có được vay vốn của ngân hàng đó không?