Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 thì: “2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó”
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều này cũng quy định: “4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.”
Vụ việc bạn bị một người kiện ra tòa đòi trả tiền là một tranh chấp dân sự, do đó nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự (người khởi kiện và người bị kiện). Tòa án chỉ căn cứ theo các chứng cứ hợp pháp có trong hồ sơ vụ án để xem xét và làm cơ sở để đưa ra phán quyết.
Ở đây, bạn không đưa ra được chứng cứ để phản đối yêu cầu của người khởi kiện, do đó theo các chứng cứ mà người khởi kiện cung cấp có trong hồ sơ vụ án thì việc anh bị thua kiện là điều khó tránh khỏi.
Trong trường hợp sau này anh mới tìm được chứng cứ chứng minh mình không nhận số tiền theo hợp đồng đã ký, bản hợp đồng đó là giả tạo thì anh có thể làm đơn yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm. Nếu không chứng minh được thì khi bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật, anh có nghĩa vụ phải chấp hành bản án đó.
Đối với việc thi hành án, theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 thì " Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.” Hết thời hạn 10 ngày nêu trên, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không thi hành thì căn cứ Điều 46 Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12, Cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành án.
Việc bên được thi hành án thuê công ty đòi nợ thuê đến yêu cầu trả nợ là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Khi tranh chấp được giải quyết tại Tòa án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, việc thi hành án đang do cơ quan thi hành án thụ lý, giải quyết thì bên chủ nợ không được nhờ bên thứ 3 can thiệp. Nếu công ty đòi nợ thuê đến yêu cầu trả nợ và gây rắc rối cho gia đình anh thì anh có thể báo với công an và chính quyền địa phương về vấn đề này; đồng thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Xem thêm:
- Hồ sơ thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê gồm những gì?;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vốn pháp định phải có bao nhiêu?;
- Nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ được quy định như thế nào?;