Theo dự liệu bạn cung cấp, bạn không nói rõ việc “chồng cũ” của bạn có để lại di chúc hay không nên chúng tôi chia ra hai trường hợp như sau:
1. Trường hợp chồng cũ của bạn chết mà không để lại di chúc
Dù bạn và chồng cũ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết thì con của bạn và người ấy vẫn được xác định là con chung của hai người và con của bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng cũ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, cụ thể như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"
Như vậy, con của bạn sẽ được hưởng thừa kế từ người cha đẻ của mình khi mở thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp chồng cũ của bạn chết và có để lại di chúc
Nếu chồng cũ của bạn để lại di chúc cho người vợ sau toàn bộ di sản hoặc chỉ cho con bạn hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất trong trường hợp di sản được chia theo pháp luật thì theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, con của bạn (chưa đủ 18 tuổi) vẫn sẽ đương nhiên được hưởng thừa kế với mức bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, cụ thể như sau:
"Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động."
Như vậy, dù con bạn sinh ra ngoài giá thú nhưng nếu thõa các điều kiện nêu trên thì vẫn sẽ được hưởng thừa kế từ người cha đẻ của mình.