hieuluat
hoi dap

Thư viện câu hỏi

Tổng hợp các câu hỏi pháp lý thường gặp, các tình huống pháp lý thực tế gửi về Vanbanluat

Uống rượu bia gây tai nạn giao thông bị xử phạt như thế nào?

Câu hỏi: Xin hỏi Vanbanluat.com: Vấn nạn tham gia giao thông khi đã uống rượu bia luôn nhức nhối trong xã hội, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về và đặc biệt nguy hiểm hơn nữa với các lái xe ô tô. Cho tôi hỏi các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển ô tô khi nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt quá mức quy định như thế nào? Xin cảm ơn

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:   

Hành vi điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12:

"Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

[…]

8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.”

Mức hình phạt cụ thể tùy thuộc vào kết luận điều tra chính thức từ cơ quan chức năng nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, gây ra tai nạn giao thông sẽ phải chịu các trách nhiệm về hành chính, dân sự và cả về hình sự.

1. Về trách nhiệm hành chính

Mức phạt cụ thể cho hành vi điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được quy định tại Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

[…]

5. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

[…]

a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

[…]

8. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

[…]

b) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

[…]

9. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;”

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 6 tháng, tùy vào từng trường hợp cụ thể.

2. Về trách nhiệm dân sự

Hành vi điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, gây ra tai nạn giao thông sẽ khiến tài xế vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại được quy định tại Điều 589, Điều 590 và Điều 591 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, cụ thể như sau:

“Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

3. Về trách nhiệm hình sự

Hành vi điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định cấm về nồng độ cồn gây tai nạn có thể cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 với mức hình phạt tối thiểu đối với hành vi này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, mức hình phạt tối đa là phạt tù lên đến 15 năm.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@vanbanluat.com
X