Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:
Theo quy định pháp luật hiện hành thì công dân Việt Nam mang hộ chiếu quốc gia được xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu của Việt Nam (Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đó).
Hiện này, thủ tục cấp hộ chiếu được quy định tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP; Nghị định số 94/2015/NĐ-CP; Thông tư số 29/2016/TT-BCA, cụ thể như sau:
1. Các loại hộ chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành
Hiện nay pháp luật quy định có 3 loại hộ chiếu, bao gồm: hộ chiếu ngoại giao; hộ chiếu công vụ; hộ chiếu phổ thông.
Trong đó, hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam. Việc cấp hộ chiếu phổ thông được thực hiện khi có đề nghị của công dân Việt Nam và được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Quy trình cấp hộ chiếu
Công dân có thể ủy thác cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc tự mình nộp hồ sơ đề nghị cấp và nhận kết quả cấp hộ chiếu phổ thông cho mình theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp công dân tự mình nộp hồ sơ đề nghị cấp và nhận kết quả cấp hộ chiếu phổ thông thì thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 01: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ bao gồm:
(1) 01 tờ khai Mẫu X01;
(2) 02 ảnh mới chụp, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng.
Lưu ý: Trường hợp trẻ em dưới 09 tuổi cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ thì nộp 02 ảnh cỡ 3cm x 4cm;
(3) Đối với trẻ em dưới 14 tuổi nộp 01 bản sao hoặc bản chụp có chứng thực giấy khai sinh, nếu không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Bước 02: Nộp hồ sơ
Người có nhu cầu xin cấp hộ chiếu phổ thông nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú.
Trường hợp cấp thiết cần hộ chiếu gấp dưới đây có thể trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh:
- Người cần đi nước ngoài để chữa bệnh nếu có giấy tờ chỉ định của bệnh viện;
- Người có thân nhân ruột thịt ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết cần phải đi gấp để giải quyết, nếu có giấy tờ chứng minh những sự việc đó;
- Cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân viên trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có nhu cầu xuất cảnh gấp, nếu có văn bản đề nghị của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc;
- Trường hợp có lý do cấp thiết khác đủ căn cứ thì Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, quyết định.
Lưu ý: Khi nộp hồ sơ người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng để kiểm tra, đối chiếu. Trường hợp nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi tạm trú thì xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp để kiểm tra, đối chiếu;
Bước 03: Giải quyết hồ sơ
(1) Đối với hồ sơ nộp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh: Thời hạn giải quyết không quá 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
(2) Đối với hồ sơ nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh: Thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý:
- Trường hợp có nhu cầu cần hộ chiếu gấp thì giải quyết sớm nhất trong thời hạn quy định.
- Trường hợp ngày làm việc trùng hoặc liền với ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ, Tết: Thời hạn giải quyết được cộng thêm số ngày nghỉ đó theo quy định của Chính phủ.
Bước 04: Nhận kết quả
Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nào thì nhận kết quả tại nơi đó hoặc có thể nhận kết quả tại địa chỉ đã đăng ký với doanh nghiệp bưu chính.
Lưu ý: Khi nhận kết quả, người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng để kiểm tra, đối chiếu. Trường hợp nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi tạm trú thì xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp để kiểm tra, đối chiếu;
Lệ phí cấp hộ chiếu phổ thông: 200.000 đồng/ lần cấp mới (Thông tư 219/2016/TT-BTC).
Xem thêm: