ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ---------------- Số: 41/CT-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------- Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2012 |
CHƯƠNG TRÌNH
ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2012
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV, đưa kim ngạch xuất khẩu của TP năm 2012 tăng 15% so với thực hiện năm 2011, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2012;
- Các Sở, Ban, Ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
- Xây dựng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể; phân công rõ trách nhiệm cho các Sở, Ban, Ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2012
1. Dự báo tình hình thị trường thế giới và trong nước tác động đến hoạt động xuất khẩu năm 2012:
Năm 2012, theo dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ giảm tốc và gặp khó khăn hơn so với năm 2011. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi nhanh, đồng loạt, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường sẽ theo xu hướng đi xuống; bên cạnh đó giá hàng hóa thế giới đang trong xu hướng diễn biến bất ổn định, đan xen nhiều chiều. Do đó, yếu tố thuận lợi về giá trong năm 2011 khó có thể tái diễn trong năm 2012. Tuy nhiên, do hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội phần lớn là mặt hàng thiết yếu nên sức ảnh hưởng sẽ không nhiều và không đồng loạt.
2. Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2012:
Theo chỉ tiêu kế hoạch được UBND Thành phố giao, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội năm 2012 tăng 15% so với thực hiện năm 2011 (đạt khoảng 11.852 triệu USD).
(Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 108,8 tỷ USD, tăng 13% so với thực hiện năm 2011).
3. Nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa năm 2012:
- Các sở, ban, ngành của Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp đất, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu. Ứng dụng rộng rãi việc thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng internet, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
- Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như sản phẩm cơ kim khí, sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng; chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng cường cao như linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi, điện-điện tử, dây và cáp điện. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh hình thành, phát triển các lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức (công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…), phấn đấu để Hà Nội trở thành một trung tâm nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới.
- Tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, các thị trường có Hiệp định mậu dịch tự do như Mỹ, Asean, EU; đồng thời phát triển các thị trường mới. Tận dụng lợi thế từ các Hiệp định song phương (FTA), nhất là thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khu vực, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn các thị trường rộng lớn; gắn thị trường xuất khẩu với thị trường nhập khẩu, thông qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường hiện có mức nhập siêu lớn (Trung Quốc) nhằm giảm nhập siêu.
- Nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ cho xuất khẩu: chương trình giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Hà Nội và nhà nhập khẩu các nước; một số chương trình hội chợ trong nước và quốc tế, khảo sát thị trường; thông tin định hướng về thị trường, mặt hàng …
- Chú trọng nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia xuất nhập khẩu, trang bị đầy đủ kiến thức chủ động đối phó với những cạnh tranh khi mở cửa thị trường. Đẩy mạnh công tác thiết kế mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm truyền thống uy tín trên thị trường các nước.
- Nắm bắt và tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thông qua các hội nghị giao ban với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; thông qua đó làm việc trực tiếp hoặc đề xuất với các ngành liên quan đưa ra giải pháp tháo gỡ cụ thể hoặc trình Thành phố và các Bộ ngành liên quan đối với các đề xuất kiến nghị không thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành.
- Tạo nguồn lao động, từng bước đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; kết nối cung cầu lao động để giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; Từng bước hoàn thiện các dự án hạ tầng phục vụ cho xuất khẩu; Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm đến các đối tác nhằm khẳng định thương hiệu, sản phẩm của Hà Nội.
- Xúc tiến các hoạt động phát triển công nghiệp phụ trợ của các ngành dệt may, da giày, điện - điện tử giúp các doanh nghiệp chủ động về nguyên phụ liệu sản xuất sản phẩm để xuất khẩu.
- Tham gia các chương trình liên kết tỉnh, thành phố, các hội chợ trong nước nhằm quảng bá sản phẩm, thương hiệu của Hà Nội và liên kết tạo nguồn hàng xuất khẩu.
- Các Hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò làm cầu nối hữu hiệu giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
- Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm chi phí và không ngừng đạo tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
(Các chương trình cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa năm 2012 được chi tiết tại Phụ lục 1 đính kèm).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trên cơ sở các chương trình đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa năm 2012 (phụ lục I đính kèm), các Sở, Ban, Ngành và các Hiệp hội ngành hàng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các chương trình nêu trên; báo cáo kết quả thực hiện vào trung tuần tháng 12/2012 về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
Nơi nhận: - Thường trực Thành ủy: (để báo cáo) - Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo) - Các đ/c Phó Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo); - Các Sở, Ban, Ngành, Hiệp hội NH của Thành phố (để thực hiện); - Lưu VT. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Văn Sửu |