BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN ------- Số: 11584/TCHQ-GSQL V/v: Ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2014 |
Kính gửi: | - Bộ Khoa học và Công nghệ; - Bộ Công Thương. |
Trong quá trình triển khai thực hiện quy định Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa và hướng dẫn tại Thông tư 09/2007/TT-BKHCN ngày 6/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan nhận được phản ánh vướng mắc của Hải quan địa phương và doanh nghiệp liên quan đến ghi nhãn xuất xứ trên hàng hóa xuất khẩu, cụ thể như sau:
1. Đối với sản phẩm may gia công xuất khẩu, túi ba lô, túi xách xuất khẩu:
Doanh nghiệp đề nghị gắn nhãn xuất xứ hàng hóa “Made in China” vào sản phẩm may gia công xuất khẩu, túi ba lô, túi xách xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (Doanh nghiệp nhập vải chính 100% từ Trung Quốc và một số phụ liệu mua tại Việt Nam). Theo trình bày của doanh nghiệp thì việc gắn nhãn xuất xứ hàng hóa như trên đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán xuất khẩu và phù hợp với quy định về quy tắc xuất xứ của Hoa kỳ. Do vậy, nếu ghi “Made in Viet Nam” thì sản phẩm không đủ điều kiện để nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
2. Đối với linh kiện để sản xuất, lắp ráp đồng hồ:
Doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất và đang sản xuất các mặt hàng gọng kính, dây đồng hồ và linh kiện, chi tiết cần câu cá...Phía đối tác nước ngoài yêu cầu doanh nghiệp sản xuất gia công “vỏ mặt sau đồng hồ” và khắc dòng chữ “Made in Japan” hoặc “Made in Thailand” lên thành phẩm khi xuất khẩu. Theo trình bày của doanh nghiệp thì việc ghi nước sản xuất như trên, vì đây là nước sử dụng “vỏ mặt sau đồng hồ” nhập khẩu từ Việt Nam kết hợp với các linh kiện, phụ kiện khác để lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm “đồng hồ”, việc ghi nước sản xuất là Việt Nam trên “vỏ mặt sau đồng hồ” là không phù hợp.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 về nhãn hàng hóa thì: “Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam yêu cầu ghi nhãn hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa được thực hiện theo hợp đồng với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu”.
Do vậy, việc doanh nghiệp đề nghị ghi nhãn xuất xứ nước ngoài trên sản phẩm gia công để xuất khẩu là phù hợp với quy định và doanh nghiệp được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, việc ghi “Made in China” trên sản phẩm may gia công, túi ba lô, túi xách xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và ghi “Made in Japan” và “Made in Thailand” trên vỏ mặt sau đồng hồ xuất khẩu có thể không đúng với xuất xứ thực tế của hàng hóa xuất khẩu (sau khi đã sản xuất gia công tại Việt Nam), không đúng thông tin xuất xứ hàng hóa trên hồ sơ hải quan.
Để đảm bảo thống nhất thực hiện đúng Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính Phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu, Tổng cục Hải quan kiến nghị xử lý các trường hợp trên như sau:
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có yêu cầu riêng về ghi nhãn hàng hóa trong hợp đồng mua bán và theo quy định về quy tắc xuất xứ của nước ngoài thì cơ quan hải quan chấp nhận cho doanh nghiệp ghi nhãn theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu.
Để có cơ sở hướng dẫn Hải quan địa phương và doanh nghiệp thống nhất thực hiện, Tổng cục Hải quan trao đổi và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương có công văn hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp trên và gửi về Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) trước ngày 03/10/2014.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của quý Bộ./.
Nơi nhận: - Như trên; - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (thay trả lời); - Lưu: VT, GSQL. | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Vũ Ngọc Anh |