BỘ CÔNG THƯƠNG ------------------ Số: 6318/BCT-XNK V/v: Triển khai thực hiện Thông báo số 197/TB-BCT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2011 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan
Tiếp theo công văn số 4640/BCT-XNK ngày 27 tháng 5 năm 2011, công văn số 5569/BCT-XNK ngày 22 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công Thương về việc triển khai thực hiện Thông báo số 197/TB-BCT và trả lời đề nghị của Tổng cục Hải quan tại công văn số 3276/TCHQ-GSQL ngày 11 tháng 7 năm 2011, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn bổ sung cho các Cục Hải quan địa phương và các thương nhân thống nhất triển khai thực hiện một số nội dung liên quan đến Thông báo số 197/TB-BCT như sau:
1. Đối tượng không áp dụng
- Hàng quá cảnh, chuyển khẩu;
- Hàng hóa nhập khẩu kinh doanh bán hàng miễn thuế theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;
- Hàng hóa nhập khẩu để phục vụ an ninh, quốc phòng theo văn bản của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
- Linh kiện, phụ tùng, phụ kiện điện thoại di động. (Riêng thân máy điện thoại di động có hoặc không có số IMEI thực hiện theo Thông báo số 197/TB-BCT);
- Hàng nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (hàng phi mậu dịch), gồm:
-- Quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân Việt Nam;
-- Hàng hóa của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và hàng hóa của người nước ngoài làm việc cho các cơ quan, tổ chức này;
-- Hành lý cá nhân của người nhập cảnh, bao gồm hành lý xách tay, hành lý ký gửi cùng chuyến đi, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi;
-- Tài sản di chuyển của cán bộ, chuyên gia, học sinh, lao động được cử đi công tác, làm việc, làm chuyên gia, học tập, lao động ở nước ngoài hết hạn trở về nước, của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương về Việt Nam sinh sống.
-- Hàng mẫu, hàng không có hợp đồng thương mại;
-- Hàng hóa là điện thoại di động nhập khẩu để làm phương tiện, công cụ phục vụ hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm để sản xuất sản phẩm, sản xuất phần mềm ứng dụng; nhập khẩu để phục vụ bảo hành, sửa chữa, thay thế.
Đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn số lượng, trị giá các lô hàng nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch là đối tượng không áp dụng quy định của Thông báo 197/TB-BCT nêu trên.
2. Khu phi thuế quan
2.1. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và từ khu phi thuế quan vào nội địa là đối tượng áp dụng quy định của Thông báo số 197/TB-BCT.
2.2. Thương nhân nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào khu phi thuế quan được chuyển cửa khẩu từ 03 cảng Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh về cửa khẩu Khu phi thuế quan để làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2.3. Thương nhân không được làm thủ tục hải quan tại cổng B khi nhập khẩu hàng hóa từ khu phi thuế quan vào nội địa và phải thực hiện theo quy định tại Thông báo số 197/TB-BCT.
2.4. Hàng hóa mua bán, trao đổi giữa các khu phi thuế quan được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các cơ quan hải quan khu phi thuế quan.
3. Hàng hóa do thương nhân Việt Nam đặt gia công, sản xuất tại nước ngoài
3.1. Thương nhân nhập khẩu hàng hóa do chính thương nhân đặt gia công, sản xuất ở nước ngoài chỉ phải nộp cho cơ quan hải quan một trong các loại giấy tờ nêu tại điểm b mục 3 công văn số 4640/BCT-XNK ngày 27 tháng 5 năm 2011 để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa.
3.2. Thương nhân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu phải xuất trình tại cơ quan hải quan Quyết định về việc chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu Trí tuệ cấp cho thương nhân đối với những lô hàng về đến cảng Việt Nam trước ngày 15 tháng 9 năm 2011. sau ngày 15 tháng 9 năm 2011, khi nhập khẩu thương nhân phải xuất trình tại cơ quan hải quan giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp nhãn hiệu theo nội dung quy định tại công văn 4640/BCT-XNK dẫn trên.
3.3. Thương nhân là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu của Việt Nam được ủy quyền cho thương nhân khác nhập khẩu hàng mang nhãn hiệu của mình. Khi làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan, ngoài giấy ủy quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu (có công chứng), thương nhân nhập khẩu phải xuất trình bản sao công chứng giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp nhãn hiệu của thương nhân ủy quyền.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị Tổng cục Hải quan trao đổi với Bộ Công Thương để được giải thích thêm./.
Nơi nhận: - Như trên; - VPCP (để báo cáo); - Bộ Tài chính; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng BCT; - Các Vụ PC, ĐB, KV1, KV2, KV3, KV4, HTQT, CNN; - Lưu: VT, XNK(2). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thành Biên |