BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN -------- Số: 6507/TCHQ-GSQL V/v: Trả lời vướng mắc Điều 27 Thông tư 128/2013/TT-BTC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------- Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2013 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Tổng cục Hải quan nhận được phản ảnh vướng mắc của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp liên quan đến thực hiện Điều 27 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính trong việc đưa hàng về bảo quản. Để tạm thời giải quyết vướng mắc, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Trường hợp doanh nghiệp có tên trong Danh sách không được mang hàng về bảo quản theo hướng dẫn tại các công văn số 2845/TCHQ-GSQL ngày 27/5/2013, số 4289/TCHQ-GSQL ngày 29/7/2013 và số 5309/TCHQ-GSQL ngày 09/9/2013 của Tổng cục Hải quan thì nay có được đưa hàng về địa điểm kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra và bảo quản hàng hóa theo quy định tại điểm a và điểm b.1.3 khoản 2 Điều 27 không?
Trả lời: Danh sách doanh nghiệp không được mang hàng về bảo quản nêu tại các công văn trên đây vẫn áp dụng đối với các trường hợp nêu tại điểm a và điểm b.1.3 khoản 2 Điều 27 nêu trên.
Tuy nhiên đối với 2 trường hợp: hàng hóa phải bảo quản trong điều kiện đặc biệt và hàng hóa không thể kiểm tra được tại cửa khẩu phải kiểm tra tại địa điểm kiểm tra chuyên ngành (nêu tại điểm 1 và 2 công văn số 5309/TCHQ-GSQL trên đây), Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ Tài chính xem xét giải quyết.
2. Trường hợp kho của doanh nghiệp được cơ quan kiểm tra chuyên ngành kiểm tra, công nhận là địa điểm kiểm tra chuyên ngành và cơ quan kiểm tra chuyên ngành chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa đến khi được thông quan thì kho của doanh nghiệp có được coi là địa điểm kiểm tra chuyên ngành để đưa hàng hóa về bảo quản theo quy định tại điểm b.1.3 khoản 2 Điều 27 không?
Trả lời: Trường hợp kho của doanh nghiệp được cơ quan kiểm tra chuyên ngành kiểm tra và công nhận là địa điểm kiểm tra chuyên ngành, đồng thời chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa đưa về bảo quản, thì doanh nghiệp được áp dụng điểm b.1.3 khoản 2 Điều 27 đưa hàng về bảo quản.
3. Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành chưa nhận được chỉ đạo từ cơ quan có thẩm quyền cấp trên về việc xác nhận và chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa khi đồng ý cho đưa hàng về địa điểm kiểm tra chuyên ngành.
Trả lời: Thực hiện điểm b.1.3 khoản 2 Điều 27 cần được cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp triển khai. Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính tổ chức hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành, dự kiến vào đầu tháng 11/2013.
4. Tại điểm d.2.1 khoản 2 Điều 27 có trích dẫn văn bản “xử lý theo hướng dẫn tại điểm đ khoản 2 Điều này”, nhưng thực tế khoản 2 Điều 27 không có điểm đ như dẫn chiếu.
Trả lời: trên đây là lỗi rà soát văn bản. Đề nghị các đơn vị áp dụng hướng dẫn tại điểm d.2.2 và điểm d.2.3 khoản 2 Điều 27.
5. Doanh nghiệp có kho bãi đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan, được cơ quan hải quan công nhận là địa điểm kiểm tra hải quan thì có được đưa hàng về bảo quản tại điểm b.1.2 khoản 2 Điều 27 không?
Trả lời: kho bãi của doanh nghiệp được công nhận là địa điểm kiểm tra hải quan thì chỉ áp dụng cho kiểm tra hải quan tại địa điểm này. Còn địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là các địa điểm được nêu tại khoản 3, 4 và 5 Điều 63 Thông tư 128/2013/TT-BTC.
6. Trước khi đưa hàng về bảo quản phải được cơ quan kiểm tra chuyên ngành chấp thuận, như vậy làm tăng thêm khối lượng công việc cho cơ quan này, mặt khác địa điểm kiểm tra chuyên ngành sẽ quá tải, trong khi kho của DN đã đầu tư xây dựng hoặc thuê thì không sử dụng tới. Đề nghị bỏ ô tô ra khỏi danh mục phải bảo quản vì là hàng có giá trị cao, đã quản lý chất lượng bởi cơ quan đăng kiểm, để tiêu thụ được phải có tờ khai nguồn gốc. Không áp dụng quy định Điều 27 đối với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Vama vì luôn tuân thủ pháp luật. Đề nghị không áp dụng thời hạn nộp kết quả kiểm tra 30 ngày vì phụ thuộc vào lịch làm việc của cơ quan đăng kiểm, doanh nghiệp không chủ động được thời gian hoàn thành việc đăng kiểm.
Trả lời: Tổng cục Hải quan sẽ tiếp thu kiến nghị của Vama và báo cáo Bộ Tài chính để giải quyết vướng mắc này. Riêng về thời hạn nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành, nếu doanh nghiệp nộp quá hạn do nguyên nhân khách quan, được cơ quan kiểm tra chuyên ngành xác nhận thì doanh nghiệp không bị xử lý vi phạm hành chính.
7. Tại khu vực Cầu Treo chưa có kho ngoại quan, ICD, địa điểm kiểm tra tập trung; thời gian từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả kiểm tra nhanh nhất là 12 ngày dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Đề nghị có phương án xử lý thuận tiện hơn tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trả lời: Trường hợp được cơ quan kiểm tra chuyên ngành đồng ý đưa hàng về địa điểm kiểm tra và chịu trách nhiệm giám sát, quản lý hàng hóa thì doanh nghiệp được đưa hàng về địa điểm kiểm tra (nếu gần và thuận tiện hơn cửa khẩu). Trường hợp trong khu vực không có địa điểm kiểm tra chuyên ngành thì hàng hóa phải lưu tại cửa khẩu để kiểm tra và chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.
8. Doanh nghiệp có nhập khẩu tủ sấy, tủ an toàn sinh học, tủ cấy vi sinh, tủ hút khí độc thuộc điện phải kiểm tra chất lượng được sản xuất từ công ty mẹ ở nước ngoài về Việt Nam thì có phải áp dụng Điều 27 quy định về việc đưa hàng về bảo quản không?
Trả lời: Nếu hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng thì khi nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng và phải thực hiện Điều 27 khi đưa hàng về bảo quản.
Nơi nhận: - Như trên; - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c); - Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (thay trả lời) (Số 23 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội); - Cty TNHH Ngàn Phố: (Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh); - Cty TNHH ESCO Việt Nam (Số 8 ngõ 15, Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội); - Lưu: VT, GSQL (02). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Vũ Ngọc Anh |