BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN -------- Số: 7880/TCHQ-GSQL V/v: Ban hành quy định tạm thời về giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu đường sông | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------------- Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2013 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh giáp biên giới đường bộ.
Ngày 11/11/2013 Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 1938/HQAG-NV của Cục Hải quan tỉnh An Giang báo cáo về việc ban hành quy định tạm thời về giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu đường sông. Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Giao Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang trên cơ sở ý kiến tham gia của Tổng cục Hải quan (kèm theo công văn này) khẩn trương nghiên cứu xem xét sớm ban hành Quy định tạm thời về giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu đường sông, chịu trách nhiệm trong việc triển khai Quy định tạm thời này và báo cáo Tổng cục nếu gặp vướng mắc phát sinh.
2. Trên cơ sở nội dung dự thảo quy định tạm thời về giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu đường sông do Cục Hải quan An Giang ban hành, đề nghị các Cục Hải quan các tỉnh căn cứ đặc thù địa bàn của địa phương mình quản lý để xây dựng và ban hành quy định tạm thời về giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu đường sông.
Trường hợp tại địa phương không có cửa khẩu đặc thù đường sông, các Cục Hải quan tỉnh báo cáo Tổng cục Hải quan trước ngày 31/12/2013.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh biết và thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, GSQL (3b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguyễn Dương Thái |
PHỤ LỤC
VỀ GIÁM SÁT HẢI QUAN TẠI KHU VỰC CỬA KHẨU ĐƯỜNG SÔNG
(ban hành kèm công văn số 7880/TCHQ-GSQL ngày 20/12/2013)
I. Phần I. Căn cứ pháp lý:
Đề nghị Cục Hải quan tỉnh An Giang khi ban hành Quyết định quy định tạm thời về giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu đường sông phải theo đúng quy định của pháp luật về ban hành văn bản, bao gồm cả các căn cứ pháp lý như Luật, Nghị định, Thông tư, Quy trình của Tổng cục Hải quan.
II. Quy định chung:
1. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Đề nghị viết lại như sau:
Quyết định này quy định việc giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện thủy nội địa (gồm: tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa được đăng ký là phương tiện thủy theo pháp luật của Việt Nam hay pháp luật của Campuchia) nhập cảnh, xuất cảnh tại khu vực cửa khẩu biên giới đường sông trên địa bàn tỉnh An Giang. Riêng công tác giám sát hải quan đối với tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng tại cửa khẩu Vĩnh Xương - An Giang áp dụng Quy định về giám sát hải quan ban hành kèm theo quyết định 2408/QĐ-TCHQ ngày 04/11/2011 của Tổng cục Hải quan và đối với phương tiện vận tải đường bộ vào khu vực cửa khẩu đường sông để giao nhận hàng áp dụng Quy định về giám sát hải quan kèm theo quyết định 148/QĐ-TCHQ ngày 28/01/2011 của Tổng cục Hải quan.
Điều 2. Địa bàn giám sát hải quan:
Đề nghị Cục Hải quan An Giang căn cứ vào các quy định hiện hành để quy định rõ địa bàn của từng cửa khẩu biên giới đường sông trên địa bàn tỉnh An Giang. Ví dụ: Địa bàn giám sát hải quan tại cửa khẩu Khánh Bình gồm những khu vực nào?
Điều 3. Đối tượng và thời gian giám sát: Đề nghị viết lại như sau:
Theo quy định tại Điều 26 Luật Hải quan và Điều 13 Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ, đối tượng và thời gian giám sát tại khu vực cửa khẩu biên giới đường sông gồm:
1) Từ khi hàng hóa nhập khẩu đến địa điểm tập kết hàng hóa tại cửa khẩu đến khi hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan và đưa ra khỏi địa bàn giám sát hải quan;
2) Từ khi hàng hóa xuất khẩu vận chuyển tới địa điểm tập kết hàng hóa tại cửa khẩu đến khi hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan và đưa ra khỏi địa bàn giám sát hải quan;
3) Từ khi phương tiện thủy nội địa của Campuchia và phương tiện thủy nội địa của Việt Nam vào khu vực cửa khẩu đến khi đưa ra khỏi địa bàn giám sát hải quan;
Điều 4. Phương thức giám sát:
Đề nghị Cục Hải quan An Giang quy định cụ thể phương thức giám sát đối với từng cửa khẩu đường sông trên địa bàn. Theo đó quy định trường hợp nào giám sát bằng niêm phong hải quan, trường hợp nào giám sát trực tiếp hoặc bằng phương tiện kỹ thuật. Ngoài ra đề nghị bổ sung giao Lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định phương thức giám sát đối với từng trường hợp cụ thể.
III. Phần 2 - Quy định cụ thể
Đề nghị viết lại như sau:
Điều 6: Giám sát khu vực làm thủ tục hành lý đối với hành khách xuất cảnh, nhập cảnh:
1. Khu vực làm thủ tục đối với hành khách xuất cảnh, nhập cảnh được bố trí công chức hải quan trực tiếp giám sát hoặc sử dụng hệ thống camera giám sát để theo dõi hoạt động của hành khách làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Kịp thời phát hiện những dấu hiệu, hành vi vi phạm của hành khách và những người khác có liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại;
2. Công chức hải quan được phân công giám sát trực tiếp hoặc theo dõi tại trung tâm điều hành hệ thống camera giám sát khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn hoặc có thông tin cảnh báo thì kịp thời báo cáo lãnh đạo phụ trách chỉ đạo lực lượng giám sát cơ động đến để trực tiếp kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;
3. Thời gian giám sát: từ khi hành khách vào khu vực cách ly đến khi rời khỏi khu vực làm thủ tục để xuất cảnh hoặc nhập cảnh.
Điều 7. Giám sát khu vực làm thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa xuất cảnh, nhập cảnh
1. Khu vực làm thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa xuất cảnh, nhập cảnh được bố trí công chức hải quan trực tiếp giám sát hoặc sử dụng hệ thống camera giám sát để theo dõi toàn bộ khu vực tập kết phương tiện chờ làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Kịp thời phát hiện dấu hiệu, hành vi vi phạm của chủ hàng, người điều khiển phương tiện và những người khác có liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại;
2. Công chức hải quan được phân công giám sát trực tiếp hoặc theo dõi tại trung tâm điều hành hệ thống camera giám sát khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn hoặc có thông tin cảnh báo thì kịp thời báo cáo lãnh đạo phụ trách chỉ đạo lực lượng giám sát cơ động đến để trực tiếp kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;
3. Thời gian giám sát: Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Quy định này.
Điều 8: Giám sát khu vực cửa khẩu
1. Đối với khu vực tiếp giáp biên giới đường sông:
1.1. Thực hiện giám sát trực tiếp của công chức hải quan:
a) Giám sát, theo dõi, nhập thông tin vào hệ thống hoặc ghi sổ về ngày, giờ, số phương tiện thủy nội địa nhập cảnh, xuất cảnh.
b) Kiểm tra đối chiếu tên hàng, lượng hàng, tình trạng bên ngoài của hàng hóa chở trên phương tiện thủy nội địa với hồ sơ hải quan.
c) Đối với hàng hóa xuất khẩu, ghi hoặc đóng dấu có nội dung "hàng hóa đã xuất khẩu" lên góc phải phía trên trang đầu của tờ khai hải quan (bản lưu người khai hải quan) theo quy định tại khoản 3, Điều 30 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.
d) Đối với hàng hóa xuất khẩu, việc xác nhận, ký tên, đóng dấu công chức hải quan trên Biên bản bàn giao (đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu) và tờ khai hải quan thực hiện như sau:
d1) Ký tên, đóng dấu công chức hải quan trên Biên bản bàn giao: Sau khi hàng hóa xuất khẩu được tập kết đủ theo Biên bản bàn giao thì ký tên, đóng dấu công chức, ghi ngày tháng năm vào Biên bản bàn giao để lưu.
d2) Xác nhận, ký tên, đóng dấu công chức trên tờ khai hải quan:
Sau khi hàng hóa đã xuất khẩu hết qua biên giới, việc xác nhận, ký tên, đóng dấu công chức trên tờ khai hải quan thực hiện như sau:
- Đối với lô hàng xuất khẩu thực hiện thủ tục hải quan truyền thống: Xác nhận “hàng hóa đã xuất khẩu ký tên, đóng dấu công chức và ghi ngày tháng năm vào ô 25 tờ khai hải quan (bản lưu người khai hải quan)”.
- Đối với lô hàng xuất khẩu quá cảnh: Xác nhận “Hàng hóa đã xuất khẩu”, ký tên, đóng dấu công chức và ghi ngày tháng năm vào ô 26 tờ khai hàng hóa quá cảnh (bản lưu người khai hải quan).
- Đối với lô hàng xuất khẩu thực hiện thủ tục hải quan điện tử: Tại ô 31 “Xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát” của tờ khai hải quan điện tử in ghi “hàng hóa đã xuất khẩu”, ký tên, đóng dấu công chức và ghi ngày tháng năm vào ô 31 này; xác nhận “hàng hóa đã xuất khẩu” trên hệ thống khai hải quan điện tử.
đ) Phối hợp với lực lượng biên phòng cửa khẩu hướng dẫn người điều khiển phương tiện và hành khách (nếu có) đi đúng luồng quy định.
e) Thời gian giám sát: theo thời gian đóng mở cửa biên giới.
1.2. Công chức hải quan được phân công giám sát khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại thì kịp thời báo cáo lãnh đạo phụ trách và thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo.
2. Đối với khu vực tiếp giáp nội địa:
2.1. Thực hiện giám sát trực tiếp của công chức hải quan:
a) Đối với hành lý của người nhập cảnh, hàng hóa nhập khẩu đi qua khu vực để vào nội địa: chỉ kiểm tra đối chiếu giữa hồ sơ hải quan với thực tế hành lý, hàng hóa khi có dấu hiệu nghi vấn chưa làm thủ tục hải quan hoặc có cất giấu hàng cấm, hàng lậu;
b) Đối với phương tiện và hành khách xuất cảnh, hàng hóa xuất khẩu đi qua khu vực tập kết chờ làm thủ tục hải quan: theo dõi, phát hiện dấu hiệu nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển thông tin cho các bộ phận làm thủ tục hải quan, giám sát hải quan trong khu vực cửa khẩu;
c) Kiểm tra container rỗng, thùng xe không chở hàng, các thùng rỗng;
d) Thời gian giám sát: theo thời gian đóng mở cửa biên giới.
2.2. Công chức hải quan được phân công giám sát khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại thì kịp thời báo cáo lãnh đạo phụ trách và thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo.
Điều 9: Giám sát phương tiện thủy nội địa, hàng hóa chờ làm thủ tục hải quan và hàng hóa đã làm thủ tục hải quan tại khu bãi hàng trong khu vực cửa khẩu.
1. Phương tiện vận tải bao gồm phương tiện đang vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chờ làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã làm thủ tục hải quan chờ xuất, nhập; phương tiện rỗng chờ xếp hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã làm thủ tục hải quan để xuất, nhập phải đỗ dừng tại khu vực riêng biệt (bến, khu bãi lên xuống hàng) trong khu vực cửa khẩu và chịu sự giám sát của công chức hải quan.
2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sau khi đã làm thủ tục hải quan thì chủ hàng hoặc người đại diện hợp pháp xuất trình các giấy tờ liên quan cho công chức hải quan tại khu vực tiếp giáp biên giới đường sông để xuất khẩu, khu vực tiếp giáp nội địa để nhập khẩu; công chức hải quan có trách nhiệm tiếp nhận giấy tờ và nhập số liệu vào máy tính hoặc sổ quản lý theo dõi số liệu theo quy định.
3. Tổng hợp lượng hàng hóa đã xuất khẩu, nhập khẩu theo từng loại hình, lượng hàng tồn, thời gian tồn tại khu vực cửa khẩu.
4. Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu có trách nhiệm:
- Quyết định việc bố trí công chức hải quan giám sát trực tiếp tại khu bãi hàng đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trọng điểm, những mặt hàng có thuế suất cao dễ gian lận thương mại, cần được giám sát chặt chẽ;
- Phân công bộ phận kiểm soát thường xuyên tuần tra kiểm soát trong khoảng thời gian đóng cửa khẩu biên giới để phát hiện, ngăn ngừa tình trạng nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài và hàng đã xuất khẩu quay vòng lại.
5. Công chức hải quan giám sát có trách nhiệm:
- Giám sát, theo dõi, nhập thông tin vào sổ hoặc máy tính theo các tiêu chí: loại, số hiệu phương tiện thủy nội địa, ngày giờ xuất cảnh, nhập cảnh, lượng người xuất nhập cảnh, lượng, mặt hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tờ khai hải quan (ghi rõ số TK, ngày và nơi đăng ký, giờ, loại hình,…). Mẫu sổ nhật ký giám sát cửa khẩu đường sông đính kèm theo phụ lục.
- Kiểm tra phương tiện không chở hàng khi có nghi vấn.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan không có niêm phong hải quan: công chức hải quan giám sát trực tiếp phải lên phương tiện thủy nội địa để kiểm tra tình trạng bên ngoài của hàng hóa, đối chiếu tên hàng, đánh giá sơ bộ lượng hàng. Trường hợp không có nghi ngờ thì giám sát cho đến khi phương tiện vận tải, hàng hóa ra khỏi biên giới. Đóng dấu “HÀNG HÓA ĐÃ XUẤT KHẨU”, ký tên, đóng dấu công chức lên tờ khai theo quy định.
Trường hợp có nghi ngờ về sự sai lệch giữa hàng hóa trên phương tiện vận tải so với hồ sơ hải quan thì báo cáo lãnh đạo Chi cục Hải quan bằng phiếu yêu cầu nghiệp vụ (phiếu yêu cầu nghiệp vụ do công chức hải quan ghi, có các tiêu chí: nội dung vụ việc, ý kiến đề xuất, ý kiến của lãnh đạo đơn vị) để lãnh đạo Chi cục Hải quan có biện pháp xử lý.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu đã được niêm phong hải quan: công chức hải quan giám sát trực tiếp phải lên phương tiện thủy nội địa để kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan, đối chiếu số hiệu niêm phong hải quan với hồ sơ hải quan. Trường hợp không có nghi ngờ thì giám sát cho đến khi phương tiện vận tải hàng hóa ra khỏi biên giới. Đóng dấu “HÀNG HÓA ĐÃ XUẤT KHẨU”, ký tên, đóng dấu công chức lên tờ khai theo quy định.
Riêng tại cửa khẩu Khánh Bình phải giám sát cho đến khi phương tiện vận tải hàng hóa đến khu vực trạm kiểm soát của các cơ quan chức năng phía Campuchia rồi mới đóng dấu “HÀNG HÓA ĐÃ XUẤT KHẨU”, ký tên, đóng dấu công chức lên tờ khai theo quy định.
Trường hợp phát hiện niêm phong không còn nguyên vẹn thì báo cáo lãnh đạo Chi cục Hải quan để lãnh đạo Chi cục Hải quan có biện pháp xử lý.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu: Khi phương tiện thủy nội địa đưa hàng hóa vào khu vực cửa khẩu, công chức hải quan giám sát phải trực tiếp theo dõi, kịp thời phát hiện dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại báo cáo lãnh đạo Chi cục Hải quan để có biện pháp xử lý. Trước khi lô hàng được đưa ra khỏi khu vực cửa khẩu, công chức hải quan giám sát phải lên phương tiện vận tải đối chiếu sơ bộ giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hải quan.
- Kết thúc ca trực, công chức hải quan tổng hợp tình hình, kết quả giám sát vào sổ nhật ký giám sát bao gồm cả lượng hàng tồn, thời gian tồn tại khu vực cửa khẩu để bàn giao cho ca sau và chuyển số liệu cho Văn phòng giám sát để tổng hợp.
IV. Phần 3. Tổ chức thực hiện:
Đề nghị bổ sung như sau:
Điều 10. Trách nhiệm của Phòng nghiệp vụ:
Phòng Nghiệp vụ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra đôn đốc các Chi cục Hải quan có liên quan thực hiện đúng Quy định này. Khi có yêu cầu nghiệp vụ phát sinh phải kịp thời tham mưu báo cáo Lãnh đạo Cục Hải quan ban hành văn bản sửa đổi bổ sung Quy định này phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo công tác giám sát hải quan tại các khu vực cửa khẩu đường sông.
Điều 12. Trách nhiệm của Đội Kiểm soát Hải quan:
Đội Kiểm soát Hải quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Chi cục Hải quan trong việc thực hiện Quy định này, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu được thực xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu phải được làm thủ tục hải quan trước khi đưa vào nội địa.
Điều 13. Nhiệm vụ của lãnh đạo Chi cục Hải quan.
1. Phân công, hướng dẫn, kiểm tra công chức thực hiện đúng quy định về giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu biên giới đường sông; bố trí công chức hải quan có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc được giao, theo hướng chuyên sâu, không gây phiền hà sách nhiễu; chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật việc tổ chức thực hiện quy định về giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu biên giới đường sông tại đơn vị.
2. Trực tiếp xử lý các việc thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Chi cục Hải quan trong quy định này.
Điều 14. Nhiệm vụ của công chức hải quan.
1. Chấp hành sự phân công, chỉ đạo, kiểm tra của lãnh đạo phụ trách.
2. Chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật việc thực hiện các công việc được phân công trong quy định này và các quy định có liên quan.
3. Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định được làm và không được làm đối với cán bộ, công chức./.