BỘ TÀI CHÍNH Số: 3009/KH-TCHQ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI HỆ THỐNG QUẢN LÝ HẢI QUAN TỰ ĐỘNG TẠI CẢNG, KHO, BÃI
Thực hiện nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15/05/2018 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong giai đoạn từ tháng 08 năm 2017 đến nay hệ thống Quản lý hải quan tự động (VASSCM) đã được triển khai tại 4 đơn vị: Cục Hải quan Thành phố Hải Phòng (Đã triển khai tại 04 Chi cục với 53 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển tham gia), Cục Hải quan Thành phố Hà Nội (Đã triển khai tại Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội bài với 03 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng hàng không tham gia), Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh (Đã triển khai tại 04 Chi cục với 04 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển tham gia), Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu (Đã triển khai tại 04 Chi cục với 14 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển tham gia). Việc triển khai hệ thống đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp XNK (góp phần giảm thời gian giải phóng hàng, chi phí, giấy tờ, thời gian đi lại,...), cơ quan Hải quan (tăng cường năng lực quản lý giám sát hàng hóa vào, ra, tồn đọng tại các kho, bãi, cảng) và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không (chủ động trong việc xây dựng kế hoạch khai thác, kinh doanh từ đó góp phần giảm chi phí nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lưu lượng hàng hóa).
Để nâng cao kết quả đã đạt được, tiếp nối nội dung công việc đã thực hiện tại kế hoạch số 4098/KH-TCHQ ngày 21/6/2017, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị triển khai mở rộng hệ thống Quản lý hải quan tự động trên phạm vi toàn quốc với nội dung công việc cụ thể như sau:
I. NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI
Với số lượng doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng lớn tập trung trên nhiều địa bàn trong phạm vi toàn quốc nên kế hoạch triển khai hệ thống cần được xây dựng theo nguyên tắc ưu tiên triển khai trước những doanh nghiệp, đơn vị hải quan:
- Có tần suất giao dịch, lưu lượng hàng hóa XNK lớn;
- Mức độ sẵn sàng cao về hệ thống công nghệ thông tin;
- Triển khai đồng bộ từ cảng đến các kho, bãi đảm bảo sự gắn kết giữa các khâu nghiệp vụ trong việc giám sát vận chuyển hàng hóa.
II. NỘI DUNG CÔNG VIỆC VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
Các đơn vị tập trung triển khai một số nội dung công việc và tiến độ như sau:
2. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
2.1. Rà soát, đánh giá hiện trạng và xác định các doanh nghiệp triển khai:
a) Thời gian hoàn thành: Tháng 6/2018;
b) Chi tiết nội dung thực hiện:
- Phạm vi khảo sát: Các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không trên địa bàn quản lý (Bao gồm cả kho CFS, kho ngoại quan, địa điểm kiểm tra tập trung,...);
- Nội dung khảo sát:
+ Thống kê danh sách các cảng, kho, bãi, phân loại theo phạm vi, quy mô, tính chất hoạt động: thực trạng về hoạt động của doanh nghiệp (lưu lượng hàng hóa, số lượng tờ khai XNK), công tác quản lý giám sát hàng hóa vào, ra,…;
+ Đánh giá hiện trạng ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong công tác quản lý hàng hóa vào, ra, tồn đọng tại các kho, bãi, cảng, địa điểm (Doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm để quản lý hàng hóa vào, ra, lưu giữ tại kho, bãi, cảng chưa; Phần mềm hiện đang sử dụng là phần mềm chuyên dụng hay sử dụng bảng tính Excel; Phần mềm do doanh nghiệp tự phát triển hay mua/thuê của bên thứ 3; Trong trường hợp cần chỉnh sửa nâng cấp để đáp ứng yêu cầu từ cơ quan Hải quan thì thời gian mất bao lâu do doanh nghiệp chủ động nâng cấp hay cần thuê doanh nghiệp khác);
+ Khả năng kết nối của hệ thống doanh nghiệp với Hệ thống VASSCM của cơ quan Hải quan.
- Kết quả khảo sát được tổng hợp theo mẫu tại Phụ lục I và gửi về Tổng cục Hải quan (qua cục CNTT & Thống kê Hải quan).
2.2. Xây dựng kế hoạch triển khai:
a) Thời hạn hoàn thành: Tháng 7/2018;
b) Trên cơ sở tổ chức họp thống nhất với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, các Cục Hải quan xây dựng kế hoạch triển khai theo mẫu tại phụ lục 1 và báo cáo Tổng cục Hải quan (qua cục CNTT & Thống kê Hải quan).
2.3. Các nội dung khác
- Cử những cán bộ là những người sẽ chịu trách nhiệm triển khai hệ thống Quản lý hải quan tự động tham gia các lớp đào tạo về quy trình nghiệp vụ và hệ thống CNTT do Tổng cục Hải quan tổ chức;
- Tổ chức các hội thảo, xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến cho công chức hải quan, doanh nghiệp các thông tin, cách sử dụng hệ thống Quản lý hải quan tự động, kế hoạch triển khai và các công việc cần chuẩn bị;
- Giới thiệu, hướng dẫn và hỗ trợ các Chi cục, các doanh nghiệp tìm hiểu quy trình trao đổi thông tin, yêu cầu kỹ thuật và xây dựng phần mềm kết nối với cơ quan hải quan. Các chuẩn dữ liệu và yêu cầu kết nối kỹ thuật được ban hành tại các công văn:
+ Quyết định số 1059/QĐ-TCHQ ngày 29/3/2017 của Tổng cục Hải quan đối với đường biển;
+ Quyết định số 2172/QĐ-TCHQ ngày 29/06/2017 của Tổng cục Hải quan đối với kho, bãi, địa điểm;
+ Quyết định số 1543/QĐ-TCHQ ngày 11/5/2017 của Tổng cục Hải quan đối với đường hàng không.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, nâng cấp phần mềm kết nối tới cơ quan Hải quan;
- Phối hợp với doanh nghiệp kiểm tra hệ thống gồm: Lập kế hoạch và chuẩn bị kịch bản, dữ liệu kiểm tra; Kiểm tra kết nối giữa các hệ thống; Kiểm tra phần mềm của doanh nghiệp; Kiểm tra nghiệp vụ tổng thể; Trao đổi các vấn đề nghiệp vụ, kỹ thuật còn vướng mắc; Tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị (nếu có);
- Phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục (Cục CNTT & Thống kê Hải quan, Cục Giám sát quản lý, Cục Quản lý rủi ro) triển khai các nội dung theo kế hoạch đã xây dựng;
- Theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng và doanh nghiệp XNK, hãng vận tải xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai;
- Định kỳ ngày 15 hàng tháng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Tổng cục Hải quan (Cục CNTT & Thống kê Hải quan) qua địa chỉ thư điện tử: minhdh3@customs.gov.vn.
3. Cục CNTT & Thống kê Hải quan
- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và xử lý vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện Kế hoạch;
- Tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho các cán bộ hải quan về hệ thống Quản lý hải quan tự động;
- Phối hợp với các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp để kiểm thử hệ thống;
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống, hạ tầng CNTT:
+ Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng, kho, bãi để sẵn sàng triển khai mở rộng ra các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong năm 2018;
+ Xây dựng và nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro hỗ trợ phân tích, đánh giá rủi ro trong quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không (tập trung vào nội dung soi chiếu trước, xác định đối tượng kiểm tra trọng điểm...);
- Phối hợp và hỗ trợ các Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai theo kế hoạch đã đặt ra;
- Hàng tháng tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục kết quả, tiến độ triển khai.
4. Cục Giám sát quản lý về hải quan
- Tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho các cán bộ hải quan về quy trình nghiệp vụ hệ thống Quản lý hải quan tự động;
- Phối hợp và hỗ trợ các Cục Hải quan tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý, quy trình nghiệp vụ phát sinh trong quá trình triển khai.
5. Cục Quản lý rủi ro
- Phối hợp với Cục CNTT & Thống kê Hải quan đưa ra các yêu cầu bài toán hoàn thiện hệ thống Quản lý rủi ro hỗ trợ phân tích, đánh giá rủi ro trong quản lý, giám sát hàng hóa tại kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không (tập trung vào nội dung soi chiếu trước, xác định đối tượng kiểm tra trọng điểm...);
- Chủ trì nghiên cứu và áp dụng các tiêu chí và biện pháp quản lý rủi ro trong quản lý, giám sát hàng hóa tại kho, bãi, cảng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thủ trưởng các đơn vị Giám sát quản lý, Quản lý rủi ro, Công nghệ thông tin thuộc cơ quan Tổng cục và các đồng chí Cục trưởng Cục hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung công việc nêu trên;
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, báo cáo về Tổng cục Hải quan qua Cục CNTT & Thống kê Hải quan để được hướng dẫn thực hiện.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |