hieuluat

Quyết định 28/TTg chính sách mặt hàng và điều hành công tác XNK năm 1997

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:28/TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Phan Văn Khải
    Ngày ban hành:13/01/1997Hết hiệu lực:31/03/1998
    Áp dụng:01/01/1997Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Xuất nhập khẩu
  • QUYẾT ĐỊNH

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 28/TTg NGÀY 13 THÁNG 01 NĂM 1997 VỀ CHÍNH SÁCH MẶT HÀNG VÀ ĐIỀU HÀNH CÔNG TÁC
    XUẤT - NHẬP KHẨU NĂM 1997

     

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

    Căn cứ Nghị định 33/CP ngày 19 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất - nhập khẩu;

    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1.- Phê duyệt danh mục hàng hoá xuất - nhập khẩu trong năm 1997 theo các phụ lục kèm theo Quyết định này:

    - Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (phụ lục 1).

    - Danh mục hàng hoá quản lý bằng hạn ngạch (phụ lục 2).

    - Danh mục hàng hoá xuất - nhập khẩu theo các Quy chế quản lý chuyên ngành (phụ lục 3).

    - Danh mục hàng hoá có liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân (phụ lục 4).

     

    Điều 2.- Phê duyệt hạn ngạch và cơ chế điều hành các mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá quản lý bằng hạn ngạch năm 1997 dưới đây:

    1. Hàng dệt, may xuất khẩu theo Hiệp định Việt Nam ký với EU, Canada, Nauy và Thổ Nhĩ Kỳ: Việc phân bổ hạn ngạch thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp số 13-TTLB/TM-CN ngày 19 tháng 9 năm 1996.

    2. Về gạo xuất khẩu.

    Bộ Thương mại thực hiện các nguyên tắc điều hành dưới đây để bảo đảm xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo:

    - Hạn ngạch xuất gạo được giao làm hai đợt: đợt thứ nhất, từ đầu năm đến tháng 9 năm 1997 khoảng 2,0 triệu tấn; số còn lại, tuỳ tình hình mùa vụ, Bộ Thương mại bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phân bổ tiếp.

    - Về cơ chế, tổ chức xuất khẩu trước mắt thực hiện như đã quy định cho năm 1996, khi có thay đổi Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định riêng.

     

    Điều 3.- Điều hành nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu có liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân:

    1. Về xăng dầu (trừ dầu nhờn):

    - Bộ Thương mại điều hành, bảo đảm nhập khoảng 6,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (không kể phần tạm nhập tái xuất); giao một lần từ đầu năm toàn bộ chỉ tiêu xăng dầu nhập khẩu cho các doanh nghiệp chuyên doanh, trong đó Tổng công ty xăng dầu nhập khoảng 60% nhu cầu.

    - Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức nhập khẩu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

    - Giao Ban vật giá Chính phủ chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát tình hình thị trường xăng dầu và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh giá trần bán lẻ xăng dầu trong trường hợp cần thiết để ổn định giá cả xăng dầu trên thị trường.

    2. Về phân bón.

    Bộ Thương mại chịu trách nhiệm điều hành theo nguyên tắc:

    - Bảo đảm nhập đủ khoảng 1,5 triệu tấn urê; các loại phân hoá học khác, nhập theo cân đối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi thống nhất với Bộ Công nghiệp về lượng phân bón các loại sản xuất trong nước, có trách nhiệm thông báo cho Bộ Thương mại số lượng phân bón các loại cần nhập cho từng mùa vụ, từng khu vực để Bộ Thương mại có cơ sở điều hành.

    - Giao Tổng công ty vật tư nông nghiệp và Công ty xuất nhập khẩu ngũ cốc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập khoảng 50% nhu cầu phân urê và phân bón các loại, kể cả phần dự trữ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hai doanh nghiệp này phải bảo đảm nhập trực tiếp đủ số lượng được giao, không chuyển giao hạn ngạch cho doanh nghiệp khác. Trường hợp nảy sinh khó khăn trong việc thực hiện hạn ngạch đã được phân bổ, hai doanh nghiệp phải báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thương mại để có biện pháp xử lý tiếp.

    - Đối với nhu cầu phân bón urê và các loại còn lại, căn cứ vào khả năng tài chính và năng lực tổ chức nhập khẩu khối lượng lớn của các doanh nghiệp đã trực tiếp nhập trong năm 1996, Bộ Thương mại giao chỉ tiêu cụ thể cho các doanh nghiệp này nhập, bảo đảm điều phối hài hoà trong từng khu vực. Bộ Thương mại công bố ngay từ đầu năm danh sách các doanh nghiệp này.

    - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại, trong trường hợp cần thiết, chỉ bảo lãnh việc vay nhập trả chậm cho các doanh nghiệp nói trên và thực hiện theo đúng quy định hiện hành về vay và trả nợ nước ngoài.

     

    Điều 4.- Đối với những vật tư, hàng hoá như xi măng, clinker, đường ăn, sắt, thép, phôi thép, kính xây dựng, giấy các loại... được đáp ứng chủ yếu bằng nguồn sản xuất trong nước, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì bàn với các Bộ, ngành quản lý sản xuất và Bộ Thương mại để cân đối với kế hoạch sản xuất trong nước xác định nhu cầu nhập bổ sung, trên cơ sở đó giao Bộ Thương mại cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ quản lý sản xuất xây dựng nguyên tắc điều hành việc nhập khẩu.

    Trong trường hợp giá cả thị trường có biến động, Ban Vật giá Chính phủ chủ trì bàn với các Bộ, ngành hữu quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng các biện pháp nhằm ổn định thị trường như việc điều chỉnh thuế, các biện pháp về tài chính - tín dụng và sử dụng dự trữ lưu thông.

     

    Điều 5.- Về nhập khẩu hàng tiêu dùng:

    1. Xuất phát từ quan điểm bảo hộ sản xuất trong nước, sử dụng có hiệu quả ngoại tệ, hạn chế nhập những mặt hàng không thiết yếu, hàng xa xỉ, không phù hợp với mức sống nói chung hiện nay, hoặc những mặt hàng trong nước đã sản xuất đủ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ quản lý sản xuất, Bộ Thương mại xác định danh mục hàng hoá cần hạn chế, không khuyến khích nhập khẩu; trên cơ sở đó Bộ Tài chính kịp thời điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu cho phù hợp, hạn chế tối đa việc cấp giấy phép nhập khẩu.

    2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính lưu ý triển khai các vấn đề sau:

    a) Hạn chế đến mức tối đa việc cho phép nhập hàng tiêu dùng theo phương thức vay nhập trả chậm, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đại lý bán hàng tiêu dùng cho nước ngoài, nhất là đồ uống, rượu bia, mỹ phẩm và các loại hàng hoá cần hạn chế nhập khẩu.

    b) Bộ Tài chính thường xuyên phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc kiểm tra và điều chỉnh thuế suất và giá tính thuế để tránh thất thu cho ngân sách.

    c) Bộ Thương mại chỉ đạo ngành quản lý thị trường kiểm tra, giám sát giá bán hàng của các đại lý bán hành cho nước ngoài (kể cả cho các liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam) đối với các mặt hàng cùng loại có nhập khẩu, để kiến nghị Bộ Tài chính điều tiết các loại thuế liên quan đối với người uỷ thác đại lý và người nhập khẩu hàng hoá.

     

    Điều 6.- Về việc nhập khẩu ôtô, xe hai bánh gắn máy và linh kiện xe các loại lắp ráp.

    1. Ôtô các loại nguyên chiếc:

    a) Đối với xe tải, xe khách và các loại xe khác: Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 nhu cầu thực tế trong năm 1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì bàn với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thương mại để định hướng nhu cầu nhập khẩu; trên cơ sở đó Bộ Thương mại điều hành cụ thể.

    b) Ôtô dưới 12 chỗ ngồi được điều hành nhập khẩu với số lượng khoảng 3.000 chiếc.

    2. Xe hai bánh gắn máy nguyên chiếc: 350.000 chiếc.

    3. Linh kiện để lắp ráp ôtô, xe hai bánh gắn máy:

    a) Không hạn chế số lượng nhập khẩu đối với linh kiện được nhập vào Việt Nam láp ráp để xuất khẩu.

    b) Đối với linh kiện nhập khẩu để lắp ráp tiêu thụ trong nước được quy định như sau:

    - Không hạn chế số lượng ôtô lắp ráp theo tiêu chuẩn CKD2 trở lên (có hàn, sơn tĩnh điện tại Việt Nam) và xe gắn máy hai bánh lắp ráp dạng IKD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải kiểm tra và thúc đẩy các liên doanh lắp ráp ôtô, xe gắn máy, thực hiện theo đúng giấy phép đầu tư đã được cấp và Luận chứng kinh tế kỹ thuật đã phê duyệt.

    - Đối với xe gắn máy do các xí nghiệp trong nước đầu tư lắp ráp, giao Bộ Công nghiệp kiểm tra lại tình hình theo Quyết định số 5397/KTTH ngày 30 tháng 9 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ và có kiến nghị cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 02 năm 1997; trường hợp các xí nghiệp này được tiếp tục lắp ráp thì số lượng xe nhập khẩu sẽ được tính trong hạn mức xe máy nguyên chiếc và do Bộ Thương mại quyết định cụ thể.

     

    Điều 7.- Việc nhập khẩu thiết bị toàn bộ, máy móc thiết bị lẻ bằng nguồn vốn ngân sách; nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, xe máy thi công đã qua sử dụng; nhập hàng hoá trong danh mục hàng quản lý theo chuyên ngành, thực hiện theo các quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành liên quan khác do các Bộ, ngành quản lý ban hành.

    Bộ Thương mại có trách nhiệm rà soát các quy định, văn bản của các Bộ, ngành có liên quan đến điều hành hoạt động xuất nhập khẩu để bảo đảm sự quản lý thống nhất và không gây phiền hà cho các doanh nghiệp. Trường hợp có vướng mắc, Bộ Thương mại bàn với các Bộ, ngành hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để quyết định.

     

    Điều 8.- Để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Thương mại trao đổi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan, thực hiện một số chính sách dưới đây:

    a) Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình (sản xuất hoặc kinh doanh) thuộc các thành phần kinh tế, nếu có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp, được khuyến khích xuất khẩu hoặc nhận uỷ thác xuất khẩu cả những mặt hàng ngoài phạm vi danh mục ngành hàng đã đăng ký trong giấy phép, trừ những mặt hàng đang được quản lý theo cơ chế riêng.

    b) Hình thành từng bước quỹ hỗ trợ xuất khẩu trực tiếp cho người sản xuất đối với một số ngành hàng chủ yếu; các quỹ hỗ trợ tự nguyện của thành viên các Hiệp Hội xuất khẩu; mở rộng các hình thức bảo hiểm hàng hoá trong kinh doanh và sản xuất.

    c) Bộ Thương mại hướng dẫn xây dựng các định chế, điều lệ thành lập và hoạt động của các Hiệp Hội ngành hàng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và người kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế, để các thành viên Hiệp Hội có đủ điều kiện và khả năng phối hợp trong hoạt động xuất khẩu, thay thế cho các đầu mối xuất khẩu hiện nay.

     

    Điều 9.- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, bàn thống nhất với Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng cục Hải quan, xây dựng các nguyên tắc quản lý liên ngành; nắm vững được khả năng tài chính, khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong một số ngành hàng chủ yếu, để điều hành tốt công tác nhập khẩu, theo đúng cơ cấu đã được định hướng trong năm 1997.

     

    Điều 10.- Giao Tổng cục Hải quan chủ trì bàn thống nhất với Bộ Thương mại hướng dẫn nhập khẩu hàng hoá phi mậu dịch để thi hành từ tháng 3 năm 1997.

     

    Điều 11.- Tổng cục Hải quan có trách nhiệm cung cấp định kỳ 10 ngày 1 lần cho Bộ Thương mại, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ số liệu hàng hoá thực xuất, thực nhập. Các số liệu thống kê về nhập khẩu phải được thống nhất giữa Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi Tổng cục Thống kê công bố.

     

    Điều 12.- Bộ trưởng Bộ Thương mại chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản để kịp thời hướng dẫn cụ thể việc thi hành Quyết định này.

     

    Điều 13.- Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1997 đến ngày 31 tháng 3 năm 1998. Trong quá trình điều hành, Bộ Thương mại theo dõi, tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chính sách mặt hàng nếu xét thấy cần thiết.

     

    Điều 14.- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

     

    PHỤ LỤC 1

    DANH MỤC HÀNG HOÁ CẤM XUẤT KHẨU, CẤM NHẬP KHẨU
    NĂM 1997

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 28/TTg ngày 13/01/1997
    của Thủ tướng Chính phủ)

     

    I. MẶT HÀNG CẤM XUẤT KHẨU

     

    1. Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

    2. Đồ cổ.

    3. Các loại ma tuý.

    4. Hoá chất độc.

    5. Gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ bóc, củi, than hầm từ gỗ hoặc củi, các sản phẩm gỗ lâm sản sản xuất từ nhóm IA và ván tinh chế sản xuất từ nhóm gỗ IIA trong danh mục ban hành kèm theo Nghị định 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992; các loại sản phẩm gỗ sơ chế, song mây nguyên liệu.

    6. Các loại động vật hoang và động vật, thực vật quý hiếm.

     

    II. MẶT HÀNG CẤM NHẬP KHẨU

     

    1. Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự; Đối với nhu cầu vật liệu nổ phục vụ sản xuất ngành công nghiệp; uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Thương mại giải quyết.

    2. Các loại ma tuý.

    3. Hoá chất độc.

    4. Các loại văn hoá phẩm đồi truỵ, phản động.

    5. Pháo các loại. Đồ chơi trẻ em có ảnh hưởng xấu đến giáo dục nhân cách, đến trật tự an toàn xã hội.

    6. Thuốc lá điếu (trừ hành lý cá nhân theo định lượng).

    7. Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng (trừ ôtô dưới 12 chỗ, xe hai bánh gắn máy tài sản di chuyển bao gồm cả hàng hoá phục vụ nhu cầu của các cá nhân thuộc thân phận ngoại giao của các nước, các tổ chức quốc tế và hành lý cá nhân theo định lượng).

    8. Ôtô và phương tiện tự hành các loại có tay lái nghịch (kể cả dạng tháo rời).

    9. Phụ tùng đã qua sử dụng của các loại ôtô, xe hai bánh và ba bánh gắn máy.

     

    Ghi chú:

    1. Việc xuất khẩu hàng thuộc danh mục nói trên, trong trường hợp có nhu cầu cho an ninh quốc phòng hoặc nhu cầu khác, sẽ do Thủ tướng cho phép bằng văn bản và Hải quan giải quyết thủ tục.

    2. Việc cấm xuất khẩu động thực vật theo yêu cầu bảo vệ môi sinh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn trong văn bản riêng.

    3. Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan thống nhất hướng dẫn thi hành mục II.7.

    4. Việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng (bao gồm cả phụ tùng, linh kiện) khác thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

    5. Khuyến khích nhập gỗ tròn để phục vụ sản xuất trong nước. Riêng gỗ tròn nhập từ Campuchia phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.

     

    PHỤ LỤC 2

    DANH MỤC HÀNG QUẢN LÝ BẰNG HẠN NGẠCH NĂM 1997

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 28/TTg ngày 13/01/1997
    của Thủ tướng Chính phủ)

     

    MẶT HÀNG XUẤT KHẨU

     

    - Gạo.

    - Hàng dệt, may xuất khẩu vào EU, Canada, Nauy, Thổ Nhĩ Kỳ.

     

    PHỤ LỤC 3

    DANH MỤC HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU THEO
    QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH
    (1)

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 28/TTg ngày 13/01/1997
    của Thủ tướng Chính phủ)

     

    1. Danh mục khoáng sản hàng hoá xuất khẩu, hoá chất nhập khẩu theo quy chế hướng dẫn của Bộ Công nghiệp.

    2. Danh mục thực vật, động vật rừng xuất khẩu, thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và thú y; thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc theo Quy chế hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    3. Danh mục thuốc, chất gây nghiện, chất hướng tâm thần và tiền chất. Một số máy móc, thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh cho người, nhập khẩu theo Quy chế hướng dẫn của Bộ Y tế.

    4. Danh mục thuỷ sản quý hiếm thuỷ sản sống dùng làm giống, thức ăn và thuốc chữa bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản, xuất, nhập khẩu theo Quy chế hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản.

    5. Máy phát sóng, thiết bị thu phát và truyền dẫn vô tuyến; các loại tổng đài, nhập khẩu theo Quy chế hướng dẫn của Tổng cục Bưu điện.

    6. Các ấn phẩm văn hoá, tác phẩm mỹ thuật Nhà nước quản lý, tác phẩm điện ảnh, thiết bị in đặc biệt, băng hình có ghi chương trình, xuất, nhập khẩu theo Quy chế hướng dẫn của Bộ Văn hoá - Thông tin.

    7. Thiết bị, máy móc chuyên ngành ngân hàng, xuất, nhập khẩu theo Quy chế hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

     

    (1) Danh mục cụ thể các loại hàng hoá nói trên thực hiện theo các danh mục đã ban hành kèm theo Nghị định số 89/CP ngày 15 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ.

     

    PHỤ LỤC 4

    DANH MỤC HÀNG HOÁ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÁC CÂN ĐỐI LỚN
    CỦA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 28/TTg ngày 13/01/1997
    của Thủ tướng Chính phủ)

     

    1. Xăng dầu.

    2. Phân bón.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 30/09/1992 Hiệu lực: 02/10/1992 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 33-CP của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
    Ban hành: 19/04/1994 Hiệu lực: 19/04/1994 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    03
    Thông tư 02-TM/XNK của Bộ Thương mại về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 28/TTg ngày 13/1/97 của Chính phủ
    Ban hành: 21/02/1997 Hiệu lực: 21/02/1997 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    04
    Nghị định 36/CP của Bộ Giao thông vận tải về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị
    Ban hành: 29/05/1995 Hiệu lực: 01/08/1995 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 28/TTg chính sách mặt hàng và điều hành công tác XNK năm 1997

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:28/TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:13/01/1997
    Hiệu lực:01/01/1997
    Lĩnh vực:Xuất nhập khẩu
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Phan Văn Khải
    Ngày hết hiệu lực:31/03/1998
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X