hieuluat

Chỉ thị 01/CT-BYT bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Y tếSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:01/CT-BYTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Nguyễn Trường Sơn
    Ngày ban hành:03/01/2020Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:03/01/2020Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe
  • BỘ Y TẾ

    ---------

    Số: 01/CT-BYT

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc

    -------------

    Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2020

     

     

    CHỈ THỊ

    Về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác y tế
    trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020

    ------------------

     

    Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; Thủ trưởng các Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện tốt những nội dung sau đây:

    1. Tăng cường công tác bảo đảm về an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết

    a) Cục An toàn thực phẩm

    - Chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan, chỉ đạo, hướng dẫn các Đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung tại Kế hoạch số 1288/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 08/11/2019 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân năm 2020; Kế hoạch số 1518/KH-BCĐTƯATTP ngày 27/12/2019 về việc triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2020 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.

    - Phối hợp với các Đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông đại chúng cung cấp kịp thời, đầy đủ những nội dung, thông điệp liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

    - Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, khắc phục hậu quả khi có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

    - Tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch số 1288/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 08/11/2019 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân năm 2020; Kế hoạch số 1518/KH-BCĐTƯATTP ngày 27/12/2019 về việc triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2020 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ban An toàn thực phẩm tỉnh, thành phố về đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

    2. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh

    a) Cục Y tế dự phòng

    - Tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân. Chủ động giám sát phát hiện các tác nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát lan rộng.

    - Chỉ đạo, hướng dẫn các Đơn vị, địa phương đảm bảo dự trữ đủ vật tư, thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu ngăn chặn khi có dịch bệnh xảy ra.

    b) Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh

    - Chỉ đạo và hỗ trợ các Đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện tác nhân gây bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; Chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây dịch.

    - Đảm bảo hóa chất khử khuẩn, thiết bị, vật tư chuyên dụng, sẵn sàng các đội cơ động chống dịch để hỗ trợ các Đơn vị, địa phương xử lý dứt điểm, triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài.

    c) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

    - Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào các vùng có nguy cơ cao, vùng có ổ dịch cũ, các khu vực trọng điểm, đầu mối giao thương quốc tế, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong.

    - Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế cần kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ để kịp thời phát hiện, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. Cơ quan kiểm dịch phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành trong việc kiểm tra, giám sát gia cầm, động vật, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới.

    - Kiện toàn các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng hỗ trợ các Đơn vị tuyến dưới trong việc điều tra, thu dung, cách ly, điều trị và xử lý ổ dịch. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời.

    - Phân công cán bộ, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết để theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, chỉ đạo các Đơn vị trực và báo cáo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.

    - Tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại tuyến xã, huyện, các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch. Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

    3. Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh

    a) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác khám chữa bệnh, thành lập các Đoàn kiểm tra các bệnh viện trong dịp nghỉ Tết.

    Các Bệnh viện Trung ương, bệnh viện được phân công chỉ đạo tuyến bảo đảm kế hoạch trực 24/24 giờ, lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tuyến dưới chuyển lên, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu, dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân trong trường hợp thương tích, tai tạn giao thông.

    b) Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, các cơ sở điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS; Chuẩn bị đủ thuốc, bố trí cán bộ trực Tết để bảo đảm việc cung cấp đầy đủ, liên tục thuốc cho bệnh nhân.

    c) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

    - Chỉ đạo các Bệnh viện bố trí trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu. Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị; Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết, đặc biệt lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.

    - Quán triệt cán bộ y tế ở các tuyến nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, đặc biệt chú ý đến phong cách giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã, thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại các cơ sở công theo Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.

    - Đối với các bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị nội trú trong dịp Tết, tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh cả về vật chất và tinh thần; Đặc biệt, tổ chức thăm hỏi, chúc Tết những người bệnh thuộc diện chính sách và người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

    - Phân tuyến điều trị tại tất cả các khoa: Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm của các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bệnh viện ngành; Đồng thời hướng dẫn các Đơn vị đảm bảo đáp ứng kịp thời các trường hợp cấp cứu dịch bệnh, thảm họa, tai nạn giao thông, ngộ độc xảy ra.

    d) Các cơ sở khám, chữa bệnh phải có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, các phương tiện cấp cứu hiện có để sẵn sàng đáp ứng khi dịch xảy ra và phải bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch bệnh, ngộ độc.

    4. Bảo đảm thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân

     a) Cục Quản lý Dược

    Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc có kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng bệnh và chữa bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, có chất lượng, giá cả hợp lý; Không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt. Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khi có yêu cầu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị hoặc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân.

    b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

    - Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24 giờ và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu người bệnh trong những ngày nghỉ Tết.

    - Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các Đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và các hành vi đầu cơ, tích trữ ảnh hưởng đến các công tác bình ổn và quản lý giá thuốc dùng cho người.

    5. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương và các tỉnh, thành phố

    - Các cơ sở y tế phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, Công an địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ cơ quan, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Đơn vị trong các ngày nghỉ Tết.

    - Kiểm tra kỹ hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống điện; Tiến hành niêm phong, cắt cầu dao điện các kho hàng và tắt hết các thiết bị phòng làm việc trước khi về nghỉ Tết. Các Đơn vị tổ chức trực Đơn vị theo 4 cấp: Trực Lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hậu cần và trực bảo vệ, tự vệ. Niêm yết danh sách Lãnh đạo và cán bộ trực công khai hàng ngày. Các đơn vị phải nhanh chóng đi vào hoạt động bình thường ngay sau nghỉ Tết.

    6. Tăng cường công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe

    a) Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng

    - Chỉ đạo các Đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong dịp Tết; Vận động người dân chủ động thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe.

    - Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương xây dựng các nội dung, thông điệp truyền thông về nguy cơ phòng chống dịch; Vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh; Không vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; Không ăn thức ăn sống, hải sản chưa được chế biến kỹ; Không uống rượu, bia khi trực tiếp tham gia giao thông để giảm bớt tai nạn giao thông; Các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

    - Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết; Phối hợp với các Đơn vị liên quan mời các cơ quan báo chí tham dự các hoạt động công tác y tế trong dịp Tết; Tổng hợp thông tin công tác y tế trong dịp Tết trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày, đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chủ động, kịp thời xử lý khi cần thiết.

    b) Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương

    - Căn cứ trên các nội dung truyền thông, giáo dục sức khỏe trong dịp Tết do Bộ Y tế cung cấp, chỉ đạo các Đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện truyền thông, vận động người dân chủ động thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe.

    - Chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí tại địa phương tuyên truyền về bảo đảm công tác y tế trong dịp, nâng cao sức khỏe, thực hiện an toàn an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch, bệnh.

    7. Tổ chức đón Tết đầm ấm, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm

    Các cán bộ y tế không được lợi dụng dịp Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí; Nghiêm cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để thưởng, biếu, cho các tổ chức, cá nhân không đúng với quy định của Nhà nước. Không được sử dụng xe ô tô công phục vụ việc riêng trong dịp Tết.

    8. Công tác báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán

    a) Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bệnh viện Trung ương và địa phương: Tổng hợp các số liệu báo cáo nhanh từng ngày, báo cáo nhanh trong 03 ngày Tết (từ 30 tháng Chạp đến Mùng 02 Tết) và trong cả dịp Tết (từ 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết Mùng 05 tháng Giêng năm Canh Tý) về công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, xử trí cấp cứu, dược, gửi về các Cục chức năng của Bộ Y tế theo từng lĩnh vực quản lý.

    b) Cục trưởng: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược chỉ đạo việc tổ chức thường trực báo cáo, tổng hợp số liệu báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Đơn vị liên quan theo lĩnh vực chuyên môn, gửi về Văn phòng Bộ.

    * Nội dung báo cáo:

    - Cục Y tế dự phòng báo cáo về tình hình dịch bệnh tại các địa phương.

    - Cục An toàn thực phẩm báo cáo về tình hình ngộ độc thực phẩm và các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm.

    - Cục Quản lý Khám chữa bệnh báo cáo tình hình khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế, tình hình cấp cứu các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, tai nạn do cháy nổ, do pháo, ngộ độc...

    - Cục Quản lý Dược báo cáo về tình hình cung ứng thuốc cho công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết.

    * Thời gian gửi báo cáo:

    - Báo cáo nhanh từng ngày gửi về Văn phòng Bộ trước 13h30 hàng ngày (bắt đầu từ ngày 23/01/2020, tức ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày 29/01/2020, tức ngày Mùng 05 tháng Giêng năm Canh Tý).

    - Báo cáo đầy đủ về tình hình công tác bảo đảm y tế trong những ngày Tết gửi về Văn phòng Bộ trước 10h30 sáng ngày 29/01/2020 (tức Mùng 05 Tết).

    - Báo cáo gửi file điện tử qua địa chỉ E-mail: tonghopbyt@gmail.com (nếu không có nội dung thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước).

    c) Chánh Văn phòng Bộ chỉ đạo tổng hợp báo cáo nhanh và báo cáo đầy đủ, trình Lãnh đạo Bộ ký gửi Văn phòng Chính phủ đúng thời gian quy định.

    Nhận được Chỉ thị này, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; Thủ trưởng các Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế các bộ, ngành có trách nhiệm tổ chức triển khai và thực hiện tốt các nội dung trên./.

     

    Nơi nhận:

    - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);

    - PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);

    - VPCP: Vụ KGVX, Vụ TH;

    - Cổng TTĐT Đảng CSVN (để đưa tin);

    - Cổng TTĐT Chính phủ (để đưa tin);

    - TTXVN, Đài TNVN, THVN (để đưa tin);

    - Các đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp chỉ đạo);

    - Các Vụ, Cục, TCDS, VPB, TTrB (để thực hiện);

    - Các đơn vị trực thuộc Bộ (để thực hiện);

    - Cổng TTĐTBYT (để đưa tin);

    - Sở Y tế các tỉnh/TP trực thuộc TW (để thực hiện);

    - Y tế các ngành;

    - Lưu: VT, VPB1.

    KT. BỘ TRƯỞNG

    THỨ TRƯỞNG

     

     

     

     

     

     

    Nguyễn Trường Sơn

     

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Chỉ thị 01/CT-BYT bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Y tế
    Số hiệu:01/CT-BYT
    Loại văn bản:Chỉ thị
    Ngày ban hành:03/01/2020
    Hiệu lực:03/01/2020
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Nguyễn Trường Sơn
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Chỉ thị 01/CT-BYT bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 (.pdf)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

    Chỉ thị 01/CT-BYT bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X