Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 17/CĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công điện | Người ký: | Chu Ngọc Anh |
Ngày ban hành: | 01/08/2021 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 01/08/2021 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe, COVID-19 |
ỦY BAN NHÂN DÂN ___________ Số: 17/CĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc _______________________ Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2021 |
CÔNG ĐIỆN
V/v thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI điện:
- Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương trên địa bàn Thành phố;
- Cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể chính trị xã hội Thành phố;
- Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố;
- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong những ngày gần đây, ngoài những trường hợp đã phát hiện qua sàng lọc các trường hợp có triệu chứng của virus SARs-CoV-2 như ho, sốt, khó thở, mất vị giác…, tiếp tục xuất hiện một số chùm ca bệnh phức tạp, tốc độ lây lan nhanh có nguồn gốc từ các vùng dịch khác trở về Thủ đô. Thực hiện Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư, Điện của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố, nhằm sớm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn, UBND thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể chính trị xã hội Thành phố phối hợp thực hiện một số nội dung như sau:
I. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN
1. Toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc tinh thần, Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trong đó tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; công tác triển khai chủ động ngay từ cơ sở và ý thức chấp hành của người dân thể hiện qua kết quả công tác phòng chống dịch tại cơ sở là thước đo uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, làm căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại thi đua,... Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình, kỷ luật nghiêm nơi làm chưa tốt; gắn trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp với nêu cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; công bố công khai để làm gương.
2. Chủ động đánh giá tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn đặc biệt tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa; phê duyệt phương án phòng chống dịch đối với các trụ sở cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn; chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa một khu vực: Khu dân cư, tổ dân phố, cấp phường, xã, thị trấn để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
3. Ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách: (1) Truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; (2) sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác,…; (3) tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch; khu trú tập trung đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm nguồn lực theo quyết định của cơ quan y tế; (4) cách ly, giám sát, xét nghiệm các nguy cơ đối với các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.
4. Huy động tối đa các lực lượng, phân công cụ thể, hướng dẫn quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh khi làm nhiệm vụ để phát huy sức mạnh tổng hợp, giảm tải cho lực lượng tuyến đầu
5. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
6. Khẩn trương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
7. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và thành phố, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm Chỉ thị số 17 thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm tại công sở;
8. Triển khai đồng bộ các mô hình hay, có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ”;
9. Khẩn trương xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư trang thiết bị y tế theo các kịch bản phòng chống dịch theo quy định tại Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021; Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ, các hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương đảm bảo minh bạch, hiệu quả, không để tiêu cực, thất thoát lãng phí. Yêu cầu rà soát, kích hoạt và đưa vào hoạt động theo phương án, kịch bản cao hơn.
10. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố (gồm các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện tuyến thành phố và các bệnh viện ngoài công lập) đều phải thực hiện xây dựng phương án hoạt động bệnh viện an toàn và trình UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt để tổ chức hoạt động; thực hiện phương án “4 tại chỗ” (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - sinh hoạt, nghỉ ngơi tại chỗ - điều trị tại chỗ) và tổ chức chăm sóc toàn diện cho người bệnh, hạn chế tối đa người chăm sóc người bệnh tại bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện, phân bố lực lượng làm việc luân phiên từ 7-14 ngày tại bệnh viện mới thay; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được hoạt động khi được đảm bảo các tiêu chí an toàn COVID do Bộ Y tế quy định.
11. Căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp báo cáo UBND thành phố và xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố quyết định kịp thời các biện pháp phòng chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn và các chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã
- Tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, kịp thời các biện pháp, nhiệm vụ cụ thể phòng, chống dịch theo đúng Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố và các Nghị quyết, Kế hoạch, Chỉ thị và văn bản chỉ đạo Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành trong thời gian qua; thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị số 17 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.
- Huy động tối đa các lực lượng cơ sở đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện và chủ động tham gia phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện quy định của Thành phố. Kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế; cung cấp các lương thực, thực phẩm cho những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy" tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa.
- Tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo đúng quy định tại Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.
- Các địa phương, đơn vị chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch bệnh; làm việc cụ thể với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu xây dựng kế hoạch làm việc, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Trung ương, đồng thời phát huy trách nhiệm nêu gương của các cơ quan này với cơ sở.
- Chịu trách nhiệm tổ chức công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 và Phương án số 170/PA-UBND ngày 21/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch trong tiếp cận vắc xin phòng COVID-19; tổ chức tốt công tác truyền thông cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc tiêm chủng, ủng hộ, thực hiện theo các hướng dẫn của thành phố. Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc, hướng tới mục tiêu sớm đạt được miễn dịch cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn lên hàng đầu.
- Phối hợp các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tổ chức tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân tại các điểm bán hàng lưu động và cố định, đảm bảo các quy định về công tác phòng, chống dịch;
- Chịu trách nhiệm toàn diện và trực tiếp trong công tác phòng chống dịch và đảm bảo đời sống của nhân dân trên địa bàn; kịp thời báo cáo cấp ủy quận, huyện, thị xã và UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.
2. Sở Y tế
- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố phải có thông tin chính thức, kịp thời về dịch bệnh và huy động đội ngũ chuyên gia và nhà quản lý y tế tham gia tư vấn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức mua sắm kịp thời vật tư, thiết bị y tế để ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức trung bình, cao và rất cao trên tinh thần hiệu quả tiết kiệm, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu. Tuyệt đối không để tiêu cực trong mua sắm.
- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan rà soát kỹ, tham mưu phương án điều trị tổng thể 20.000 bệnh nhân mắc COVID-19, báo cáo UBND thành phố trước ngày 05/8/2021;
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Phương án triển khai thí điểm 1.000 giường điều trị bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại Khu Chung cư Đền Lừ 3 để kích hoạt đưa vào hoạt động từ ngày 02/8/2021.
- Triển khai công tác nâng cao năng lực xét nghiệm của Thành phố: Xây dựng kế hoạch phân bổ máy xét nghiệm PCR đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng mục đích; bổ sung cán bộ (sinh viên các trường đại học, cao đẳng y trên địa bàn và mạng lưới y tế học đường) hỗ trợ, tổ chức đào tạo nhân lực về lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển; tham mưu, báo cáo UBND thành phố đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc trên địa bàn (Bệnh viện 108, bệnh viện 103, Học viện Quân y, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga và các đơn vị quân đội có phòng xét nghiệm RT-PCR) phối hợp hỗ trợ năng lực xét nghiệm. Tổ chức kịp thời việc mua sinh phẩm, hóa chất và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động phòng chống dịch.
- Rà soát, lập tức triển khai mô hình bệnh viện an toàn theo nguyên tắc “4 tại chỗ”.
- Khẩn trương rà soát, chủ động triển khai công tác mua sắm đảm bảo nguồn lực tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong;
- Chỉ đạo về công tác chuyên môn trong việc triển khai tiêm vắc xin, đảm bảo số điểm tiêm, dây chuyền tiêm theo nguyên tắc nhanh, an toàn, hiệu quả; điều phối việc phân bổ giữa các địa phương và các nhóm đối tượng ưu tiên, không để vắc xin hết hạn;
- Tăng cường huy động đội ngũ cán bộ y tế (nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu) không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, số lượng bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.
- Chú trọng chăm lo động viên tinh thần, đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất đối với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch; có phương án sử dụng hợp lý lực lượng y tế, những khâu không nhất thiết cần phải có chuyên môn y tế thì hướng dẫn các lực lượng khác và nhân dân thực hiện;
- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện rà soát, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch;
- Huy động hệ thống y tế công tư để kết hợp, lồng ghép hiệu quả trong triển khai các biện pháp chống dịch.
3. Bộ Tư lệnh Thủ đô:
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát địa điểm và đề xuất thành lập các cơ sở cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận từ 3.000 - 5.000 chỗ cách ly/huyện hoặc thị xã và các địa điểm thành lập Bệnh viện dã chiến của thành phố;
- Tổ chức điều hành, quản lý toàn bộ các khu cách ly tập trung của thành phố, phối hợp cơ quan y tế và các quận, huyện, thị xã tổ chức tiếp nhận kịp thời và quản lý các đối tượng cách ly theo quy định, đảm bảo công tác phòng chống dịch trong khu cách ly, hạn chế tối đa việc lây nhiễm trong khu cách ly và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng.
4. Sở Xây dựng:
- Tiếp tục rà soát các quỹ nhà, công trình để đề xuất phương án trưng dụng quỹ nhà ở (thương mại, công vụ, xã hội, tái định cư); ký túc xá sinh viên các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; các nhà chuyên dùng, cơ sở giáo dục đào tạo, trung tâm thể dục thể thao,…làm khu cách ly tập trung, khu thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19;
- Phối hợp Sở Y tế, Sở Tài chính, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND thành phố quyết định trưng dụng quỹ nhà, công trình phục vụ phòng chống dịch theo phương án được duyệt.
5. Sở Công thương: đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phòng, chống dịch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố, theo dõi kịp thời tình hình giá cả hàng hóa, ổn định giá đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu; hướng dẫn, thống nhất chung về quy trình, mẫu đi mua hàng cho người dân trên toàn địa bàn thành phố.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường và người dân trong phòng, chống dịch đảm bảo cung cấp sản lượng tối đa cho thành phố.
7. Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện cao nhất để lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, vận chuyển.
8. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
- Phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động người mất công ăn việc làm do dịch bệnh;
- Xây dựng phương án thực hiện Phương án hỏa táng thi hài bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố và khả năng đảm bảo công suất theo các tình huống và diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp Sở Y tế kịp thời thông tin về phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp Công an thành phố xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực tới phòng chống dịch bệnh;
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường, đa dạng hóa biện pháp, hình thức truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận, đồng lòng với các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường tuyên truyền nêu gương về người tốt việc tốt, cách làm hay, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19;
- Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở, phát huy vai trò của đài truyền thanh truyền thanh ở xã, phường, thị trấn, các hình thức thông tin cơ sở khác thường xuyên kịp thời, phổ biến, cung cấp thông tin về chỉ đạo, điều hành của chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch từ Trung ương đến cơ sở, vận động, người dân chấp hành quy định, ủng hộ chính sách biện pháp phòng, chống dịch;
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai áp dụng các công nghệ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng và phòng, chống dịch.
10. Sở Tài chính
- Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài chính kịp thời tham mưu nguồn kinh phí phục vụ đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, cũng như phương án hỗ trợ, chi viện cho các địa phương gặp khó khăn về nguồn kinh phí trong phòng, chống dịch;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn, cơ chế ký hợp đồng xét nghiệm với các bệnh viện Trung ương, Bộ, ngành và các bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố, đảm bảo tuân thủ quy định của Nhà nước và thành phố
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Thành phố và đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của Trung ương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn trên địa bàn thành phố và Nhân dân nghiêm túc thực hiện nội dung Công điện này.
Nơi nhận: - Như trên; - BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; - Văn phòng Chính phủ; - Đồng chí Bí thư Thành ủy; - Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy; - Ban Thường vụ Thành ủy; - Thường trực HĐND Thành phố; - Chủ tịch UBND thành phố; - Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; - Ban Tuyên giáo Thành ủy - Văn phòng Thành ủy; - Cục Quản lý thị trường HN; - Các cơ quan báo, đài Thành phố; - VPUBTP; CVP, Các PCVP, các phòng, ban trực thuộc VP; - Lưu: VT, KGVXhlva. | CHỦ TỊCH
Chu Ngọc Anh
|
01 | Văn bản dẫn chiếu |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
Công điện 17/CĐ-UBND Hà Nội thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19
In lược đồCơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội |
Số hiệu: | 17/CĐ-UBND |
Loại văn bản: | Công điện |
Ngày ban hành: | 01/08/2021 |
Hiệu lực: | 01/08/2021 |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe, COVID-19 |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Chu Ngọc Anh |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |