BỘ Y TẾ ------- Số: 4218/BYT-KCB V/v:Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng PHCN đối với nạn nhân CĐHH/dioxin | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, một số tỉnh/ thành phố đã lập kế hoạch triển khai Chỉ thị tương đối đồng bộ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương.
Trong thời gian qua, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tại các địa phương đã đạt được một số kết quả quan trọng; nạn nhân chất độc hóa học (CĐHH) đã được chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng (an dưỡng) phục hồi chức năng (PHCN) và cung cấp dụng cụ trợ giúp. Hiệu quả bước đầu đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giảm bớt khó khăn, giúp nạn nhân CĐHH cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống sớm hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư đạt hiệu quả cao, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Y tế, phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và PHCN đối với nạn nhân CĐHH/dioxin, trong đó cần thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội nạn nhân da cam/dioxin thực hiện sàng lọc định kỳ phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, chỉ định can thiệp, xác định nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và PHCN đối với nạn nhân CĐHH/dioxin. Tổ chức tiếp đón, khám, chữa bệnh (KCB), điều dưỡng, PHCN, cung cấp dụng cụ trợ giúp có chất lượng cao cho nạn nhân CĐHH/dioxin có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và PHCN tại các cơ sở KCB, PHCN.
2. Củng cố, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về quản lý và chuyên môn PHCN cho cán bộ của các cơ sở PHCN để đáp ứng nhu cầu về KCB và PHCN cho nạn nhân CĐHH/đioxin tại địa phương.
3. Đối với các Bệnh viện PHCN, cần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, PHCN toàn diện cho nạn nhân CĐHH/dioxin. Củng cố, sắp xếp lại khu điều dưỡng tại các Bệnh viện PHCN, đảm bảo mỗi Bệnh viện PHCN bố trí ít nhất từ 10 đến 15 phòng điều dưỡng. Các phòng này được cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, tạo môi trường yên tĩnh, xanh, sạch, đẹp và thân thiện, đảm bảo đủ tiêu chuẩn phòng điều dưỡng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều dưỡng và PHCN cho nạn nhân CĐHH/dioxin tại Bệnh viện PHCN.
4. Đối với những nạn nhân CĐHH/dioxin có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, PHCN tại các cơ sở KCB, PHCN nhưng chưa có điều kiện đến các cơ sở KCB, PHCN thì huy động nguồn lực từ chương trình PHCN dựa vào cộng đồng và nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức chăm sóc sức khỏe, PHCN tại nhà cho nạn nhân CĐHH/dioxin.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc về chuyên môn khám, chữa bệnh và PHCN, đề nghị liên hệ với Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) địa chỉ 138A, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội để được hướng dẫn chi tiết.
Trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để b/cáo); - Bộ LĐTBXH (để p/h); - TƯ Hội nạn nhân da cam/dioxin (để p/h); - Sở Y tế các tỉnh/Tp (để t/h); - Các BV PHCN (để t/h); - Lưu: VT, KCB. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Viết Tiến |