hieuluat

Hiệp định về hợp tác y tế và khoa học giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa KỳSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:Không sốNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Hiệp địnhNgười ký:Trần Thị Trung Chiến, Michael O. Leavitt
    Ngày ban hành:20/07/2006Hết hiệu lực:21/07/2011
    Áp dụng:20/07/2006Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe, Ngoại giao
  • HIỆP ĐỊNH

    VỀ HỢP TÁC Y TẾ VÀ KHOA HỌC Y HỌC GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ

     

    Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, dưới đây gọi chung là "các Bên";

    Với mong muốn phát triển hợp tác có hiệu quả giữa hai nước trong lĩnh vực y tế và khoa học y học;

    Xét tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm tăng cường tập trung phòng chống cúm, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các vấn đề y tế công cộng quan trọng khác;

    Với cam kết của cả hai nước để chuẩn bị ứng phó với một đại dịch bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm;

    Với mong muốn làm việc trên tinh thần minh bạch, hai bên cùng có lợi và trao đổi thông tin chính xác kịp thời;

    Dựa vào Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ký ngày 17 tháng 11 năm 2000 ("Hiệp định khoa học và công nghệ");

    Căn cứ vào Hiệp định hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ký ngày 22 tháng 6 năm 2005 ("Hiệp định hợp tác kinh tế và kỹ thuật");

    Tham khảo Ý định thu về hợp tác giữa Bộ Y tế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Y tế và phúc lợi con người Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ký ngày 14 tháng 10 năm 2005;

    Tham khảo Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực y tế và các nỗ lực liên quan giữa Bộ Y tế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Y tế và phúc lợi con người Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ký ngày 08 tháng 12 năm 1997;

    Đã thỏa thuận như sau:

    Điều I

    Phạm vi

    1. Các Bên lên kế hoạch mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực cùng quan tâm. Các Bên sẽ hướng những nổ lực ban đầu vào việc xây dựng các hoạt động hợp tác để giải quyết những vấn đề chung trong lĩnh vực cúm và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác có tầm quan trọng về mặt y tế công cộng.

    2. Bằng phương pháp tiếp cận theo giai đoạn, các Bên dự định xem xét thêm những hợp tác tiềm năng.

    3. Hiệp định này sẽ là một thỏa thuận thực thi căn cứ vào Hiệp định khoa học và công nghệ. Hiệp định này tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của Hiệp định khoa học và công nghệ. Nếu có điều gì không nhất quán giữa Hiệp định này với Hiệp định khoa học và công nghệ thì Hiệp định khoa học và công nghệ sẽ là căn cứ cao hơn.

    4. Đối với hỗ trợ kinh tế, kỹ thuật hoặc nhân đạo dưới hình thức viện trợ không hoàn lại của Hoa Kỳ liên quan đến những hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định này, thì áp dụng Hiệp định hợp tác kinh tế và kỹ thuật.

    5. Mỗi Bên sẽ tiến hành các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định này phù hợp với luật pháp hiện hành của phía mình và tùy thuộc vào khả năng về nhân lực, các nguồn lực và nguồn tài chính được phân bổ.

    Điều II

    Phương thức hợp tác

    Phương thức hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này có thể bao gồm, nhưng không bị giới hạn bởi các phương thức sau:

    - Trao đổi thông tin về các bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch, kể cả công nghệ và các mẫu sinh phẩm từ những ổ dịch đó;

    - Trao đổi giữa các nhà khoa học, các đoàn đại biểu, kể cả các nhóm chuyên gia cung cấp tư vấn;

    - Các hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực;

    - Tổ chức các cuộc họp và hội nghị khoa học; và

    - Các chương trình khoa học và dự án nghiên cứu chung;

    Điều III

    Quy trình đáp ứng nhanh và chia sẻ thông tin

    1. Nhận thức rằng chỉ những hành động tức thì và kiên quyết mới có hiệu quả trong việc khống chế chủng cúm mới nổi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch, các Bên dự định xây dựng một Quy trình đáp ứng nhanh để đối phó với nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam ("Quy trình") nhằm đảm bảo những hành động đó sẽ được thực hiện (chung hay là một phần của nổ lực nhiều bên) ngay khi có dấu hiệu đáng tin cậy đầu tiên về sự xuất hiện của một chủng cúm gia cầm có nguồn gốc từ động vật đang lây lan ở người. Nếu Việt Nam chính thức hay không chính thức chia sẻ thông tin với Hoa Kỳ bằng cách trực tiếp hay thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), về bất kỳ dấu hiệu xuất hiện nào của chủng cúm đó và nếu các Bên tin là có khả năng thành công, theo yêu cầu của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam các nguồn lực để khống chế và loại trừ chủng cúm này.

    2. Những thông tin mà một Bên coi là hạn chế và chỉ được chia sẻ trực tiếp giữa các Bên sẽ không được công bố chừng nào chưa được các Bên nhất trí.

    Điều IV

    Những hợp tác tiềm năng khác

    Ưu tiên của Bộ Y tế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ là các bệnh truyền nhiễm mà còn gồm cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như đào tạo tốt hơn các cán bộ chuyên ngành y tế công cộng và các nghiên cứu viên khoa học y học, khuyến khích trao đổi thành tựu khoa học y học tiên tiến và phục hồi chức năng, đầu tư tư nhân trong chăm sóc sức khỏe, đào tạo về phát triển vắc – xin và nghiên cứu lâm sàng, cải thiện an toàn thực phẩm và mô hình điều tiết ngành dược quốc gia và phát triển các chương trình phòng ngừa thương tích. Trên cơ sở xem xét trách nhiệm, các nguồn lực về tài chính và con người cũng như nhiệm vụ ưu tiên của mỗi Bên, các Bên có thể lựa chọn để nhất trí xây dựng các hoạt động trong khuôn khổ của Hiệp định này nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên. Các hoạt động đó sẽ được triển khai trong tương lai theo những thỏa thuận thực thi riêng được coi là bổ sung cho Hiệp định này.

    Điều V

    Cơ quan thực hiện

    1. Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ định Bộ Y tế Việt Nam là cơ quan thực hiện Hiệp định này.

    2. Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chỉ định Bộ Y tế và phúc lợi con người Hoa Kỳ là cơ quan thực hiện Hiệp định này.

    3. Các Bên có thể chỉ định thêm các cơ quan thực hiện. Nếu một Bên cử thêm cơ quan thực hiện, sẽ thông báo với phía Bên kia bằng con đường ngoại giao.

    4. Mỗi cơ quan thực hiện sẽ chỉ định một Thư ký Điều hành để theo dõi việc thực hiện Hiệp định này. Người này chịu trách nhiệm về điều phối hoạt động và trao đổi liên lạc với các đối tác của cơ quan thực hiện và chịu trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ mà các Bên cùng quyết định.

    5. Các Bên sẽ thành lập một Nhóm Công tác chung để thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác theo nguyên tắc sau:

    - Mỗi Bên sẽ chỉ định tối đa là bốn cán bộ là thành viên của Nhóm Công tác này. Các Bên sẽ chỉ định Đồng Chủ tịch. Các thành viên sẽ được các Bên chọn theo các chủ đề do Nhóm Công tác đề xuất.

    - Nhóm Công tác này sẽ họp một năm một lần, hay khi cần thiết, tại địa điểm do các Bên thống nhất, tùy theo khả năng nguồn lực.

    Điều VI

    Nghiên cứu trên đối tượng con người

    Các điều khoản liên quan đến bảo vệ đối tượng là con người trong nghiên cứu, công bố các kết quả nghiên cứu và xử lý các mẫu xét nghiệm sẽ được đưa vào trong từng thỏa thuận dự án liên quan đến việc thực hiện các dự án dựa trên Hiệp định này. Nếu một đề xuất dự án có sử dụng các nguồn lực (như nguồn tài trợ hoặc cán bộ) của Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến nghiên cứu trên đối tượng con người, như được định nghĩa trong các luật và quy định hiện hành của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, các Bên sẽ tuân thủ các luật và quy định hiện hành của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về bảo vệ những người tham gia làm đối tượng nghiên cứu, bao gồm điều khoản về những đảm bảo chính thức từ tất cả các tổ chức phối hợp với Bộ Y tế và phúc lợi con người Hoa Kỳ nhằm chứng minh rằng Dự án sẽ chịu sự giám sát ngay từ đầu và liên tục bởi các Ủy ban xét duyệt đạo đức thích hợp.

    Điều VII

    Sự tham gia của các tổ chức khác trong các hoạt động hợp tác

    Khi thích hợp, các Bên sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển những mối liên hệ và hợp tác trực tiếp giữa các cơ quan Chính phủ, các trường đại học, các viện và trung tâm nghiên cứu, các công ty tư nhân và các tổ chức thích hợp khác để hỗ trợ việc hoàn thành các mục tiêu của Hiệp định này.

    Điều VIII

    Giải quyết tranh chấp

    1. Trừ trường hợp được đề cập ở Khoản 2, các Bên sẽ giải quyết bất cứ vấn đề nào phát sinh từ cách giải thích hay thực hiện Hiệp định này thông qua hội đàm giữa các Bên hoặc bằng những cách khác do các Bên cùng quyết định.

    2. Các Bên sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ và phân chia sở hữu trí tuệ được tạo ra từ những hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này theo Phụ lục A của Hiệp định khoa học và công nghệ.

    Điều IX

    Thời hạn bắt đầu và chấm dứt hiệu lực

    1. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày ký và có giá trị trong thời hạn năm năm.

    2. Các Bên có thể sửa đổi hay gia hạn Hiệp định này thông qua thỏa thuận bằng văn bản giữa các Bên.

    3. Mỗi Bên có thể chấm dứt hiệu lực Hiệp định này bằng cách gửi cho Bên kia văn bản thông báo ít nhất trước sáu tháng.

    4. Việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định này bởi bất kỳ Bên nào sẽ không ảnh hưởng đến các nghĩa vụ tiếp tục của các Bên trong khuôn khổ Hiệp định này theo Điều III, khoản 2 và Điều V của Hiệp định này, cũng như các nghĩa vụ được nêu trong các Phụ lục của Hiệp định khoa học và công nghệ.

    Làm tại Washington, D.C., ngày 20 tháng 7 năm 2006 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh; các văn bản có giá trị như nhau.

     

    THAY MẶT CHÍNH PHỦ
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ





    Trần Thị Trung Chiến

    THAY MẶT CHÍNH PHỦ
    HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ
    BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ VÀ PHÚC LỢI CON NGƯỜI




    Michael O. Leavitt

     

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Hiệp định về hợp tác y tế và khoa học giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
    Số hiệu:Không số
    Loại văn bản:Hiệp định
    Ngày ban hành:20/07/2006
    Hiệu lực:20/07/2006
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe, Ngoại giao
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Trần Thị Trung Chiến, Michael O. Leavitt
    Ngày hết hiệu lực:21/07/2011
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Hiệp định về hợp tác y tế và khoa học giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X